Pages

Thứ Ba, 3 tháng 9, 2013

Trung Quốc đối mặt với nhiều thách thức về môi trường

Một hồ nước bị ô nhiễm trong tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc.
Bill Ide

BẮC KINH — Cơ quan quản lý môi trường Trung Quốc mới đây đã có một quyết định hiếm có là ngưng các dự án mới của hai đại công ty dầu khí quốc doanh vì không thỏa mãn các qui định về ô nhiễm. Các tổ chức tranh đấu bảo vệ môi trường hoan nghênh việc này, nhưng họ nói rằng đây chỉ là một bước tiến nhỏ trong lúc giới lãnh đạo ở Bắc Kinh tìm cách cân bằng giữa hai mục tiêu phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Từ Bắc Kinh, thông tín viên Bill Ide của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.



Bầu không khí dơ bẩn ở Trung Quốc cùng với cái giá môi trường mà nước này phải trả cho nhiều thập niên bùng phát kinh tế đã thu hút sự chú ý của nhiều người trên thế giới. Đây cũng là một nguồn chính tạo ra sự bất bình của công chúng đối với chính quyền.

Các nhà phân tích cho biết quyết định hồi đầu tuần này của Bộ Bảo vệ Môi trường được thực hiện một phần vì áp lực ngày càng tăng của dân chúng.

Ông Dương Phú Cường, thuộc một tổ chức bảo vệ môi trường có tên Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên Thiên nhiên, nói rằng thông điệp mạnh mẽ này không phải chỉ nhắm tới hai công ty có các dự án vừa bị đình chỉ là Tổng công ty ty Dầu khí Quốc gia Trung Quốc và Tập đoàn Hóa dầu Trung quốc.

"Đây là một lời cảnh báo cho tất cả các xí nghiệp quốc doanh là họ phải ra sức làm việc để gánh vác trách nhiệm xã hội của các xí nghiệp do nhà nước làm chủ."

Ông Dương nói thêm rằng quyết định này cũng là một phản ứng trước những lời chỉ trích của công chúng là Bộ Bảo vệ Môi trường không làm đủ để kiểm soát các công ty gây ô nhiễm.

"Hành động này của Bộ Bảo vệ Môi trường là một nỗ lực để chứng tỏ họ có quyết tâm chấp hành luật lệ một cách nghiêm chỉnh."

Những mối quan tâm và nhận thức của người dân về vấn đề môi trường đã tăng mạnh ở Trung Quốc trong vài năm gần đây. Tháng giêng năm nay, những mối lo ngại đã tăng cao khi một làn sóng ô nhiễm không khí hoành hành ở thủ đô Bắc Kinh và nhiều nơi khác trên khắp nước. Sau đó không lâu, sự phát giác gạo nhiễm hóa chất độc hại ở Quảng Đông làm cho nhiều người báo động về phẩm chất nước.

Các tổ chức môi trường và các tổ chức phi chính phủ cho biết một trong các nguồn ô nhiễm lớn nhất ở Trung Quốc là than đá, một nguồn năng lượng chiếm một phần khá lớn trong nhu cầu năng lượng khổng lồ của nước này.

Hạ tuần tháng 8 vừa qua, một cuộc nghiên cứu mới cảnh báo rằng kế hoạch xây thêm 22 nhà máy điện chạy bằng than đá ở tỉnh Quảng Đông có thể gây ra cái chết của 16.000 người trong vòng 40 năm.

Cuộc nghiên cứu được thực hiện bởi ông Andrew Gray, một nhà tư vấn về chất lượng không khí, qua sự ủy thác của tổ chức môi trường Hòa bình Xanh. Ông Gray cho biết trong khu vực này hiện giờ đã có 140 nhà máy điện chạy bằng than đá và 22 nhà máy mới sẽ làm cho sản lượng điện ở đây gia tăng hơn 50%.

"Sản lượng điện và nhu cầu ở vùng này gia tăng rất đỗi nhanh chóng và vì thế những quyết định đang được thực hiện sẽ ảnh huởng tới người dân của vùng này trong một thời gian rất lâu."

Chính phủ Trung Quốc đang tìm cách cải thiện những biện pháp bảo vệ môi trường cho các nhà máy than đá và đã bắt đầu một kế hoạch có qui mô rất lớn để sáp nhập công nghiệp này thành 10 công ty cỡ lớn và 10 công ty cỡ trung bình. Nước này hiện có hàng vạn công ty than cỡ nhỏ và các công ty này không có đủ vốn để đầu tư vào kỹ thuật bảo vệ môi trường.

Một trong các nguồn ô nhiễm lớn nhất ở Trung Quốc là than đá.


Tuy nhiên, trong lúc Trung Quốc tìm cách sáp nhập các công ty khai thác than đá, họ cũng có kế hoạch xây thêm nhiều nhà máy điện chạy bằng than đá. Việc xây dựng các nhà máy này là một vấn đề nguy hại cho môi trường, chẳng phải chỉ vì những mối rủi ro ô nhiễm mà còn vì các nhà máy này sử dụng rất nhiều nước.

Bà Betsy Otto là giám đốc dự án của Viện Tài nguyên Nước Thế giới, một tổ chức nghiên cứu ở Washington. Bà Otto cho biết như sau về vấn đề này.

"Khi chúng tôi nhìn vào kết quả của cuộc phân tích của chúng tôi về 336 nhà máy phát điện mới chạy bằng than đá mà họ định xây, chúng tôi phát giác hơn phân nửa các nhà máy này được xây ở những khu vực mà nguồn nước bị căng thẳng ở mức cao hoặc rất cao. Đó là những nơi vốn dĩ đã có nhiều sự cạnh tranh về nguồn nước khả dụng. Vì các nhà máy điện chạy bằng than đá đòi hỏi rất nhiều nước, để làm nguội và để phát điện, nên việc này sẽ làm gia tăng sự căng thẳng trong vấn đề cung ứng nước."

Tổ chức môi trường Hòa bình Xanh đã tìm cách nêu ra những mối quan tâm về nhu cầu mà than đá đặt ra đối với nguồn nước vốn bị giới hạn của Trung Quốc hồi cuối tháng 7 khi họ công bố một bản báo cáo về công ty sản xuất xăng dầu từ than đá lớn nhất Trung Quốc, công ty Thần Hoa.

Báo cáo này cho biết Thần Hoa chẳng những gây ô nhiễm cho môi trường qua việc xả nước thải độc hại một cách bất hợp pháp, mà còn làm cho mực nước ngầm bị cạn kiệt ở vùng Nội Mông, nơi tọa lạc của nhà máy sản xuất than.

Công ty Thần Hoa đã thừa nhận việc xả nước thải trái phép và đang thực hiện một cuộc đánh giá về những tác động môi trường mà nhà máy của họ gây ra cho nguồn nước. Theo ông Đặng Bình, một chuyên gia về vấn đề biến đổi khí hậu của tổ chức Hòa Bình Xanh, mặc dù công ty Thần Hoa phải hoàn tất cuộc duyệt xét trước cuối năm nay, nhưng nhà máy của họ vẫn tiếp tục hoạt động và còn có kế hoạch khuyếch trương thêm nữa.

Ông Đặng nói thêm như sau: "Tài nguyên nước không phải là thứ có thể thay đổi một cách nhanh chóng. Những gì chúng ta đang có bây giờ là những gì mà chúng ta có. Nhưng các kế hoạch của chính phủ để nới rộng hoạt động sản xuất than đá lại đang gia tăng với tốc độ quá nhanh."

Viện Tài nguyên Nước Thế giới cho biết 60% năng suất điện của các nhà máy mà chính phủ Trung Quốc định xây nằm ở 6 tỉnh, trong đó có Nội Mông. Tuy nhiên, những tỉnh đó chỉ có 5% tài nguyên nước của cả Trung Quốc.

VOA cho phép sao chép và chia sẻ tự do tất cả các bài viết trên các blog và phương tiện truyền thông xã hội/VOA

Không có nhận xét nào: