Pages

Thứ Năm, 1 tháng 5, 2014

Ai sẽ làm chủ nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới?

Sau gần 20 năm kiên định với cơ chế quản lý “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, một khái niệm, một cơ chế mơ hồ lẫn trên lý thuyết, và thất bại trên thực tiễn; thì hôm nay, những người lãnh đạo Việt Nam, mặc dù chưa chính thức công bố từ bỏ nó, nhưng có thế đã chuẩn bị cho sự cáo chung đối với đường lối sai lầm này.

Báo “Người đồng hành” (NDH), trong bài viết “Bộ trưởng Tài chính: Có thể cho phép nhà đầu tư nước ngoài nắm cổ phần chi phối” (1), đăng ngày 28.4.2014, dẫn lời Bộ trưởng Tài Chính, ông Đinh Tiến Dũng, trong một cuộc phỏng vấn của tờ Nikkei nhân chuyến thăm Nhật Bản vừa qua, bài báo cho biết:

“(NDH) Việt Nam đang xem xét nới room cho nhà đầu tư nước ngoài tại các công ty niêm yết từ mức 49% lên tận 60%, tờ nhật báo Nikkei của Nhật Bản dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Việt Nam Đinh Tiến Dũng đưa tin”.

Rõ ràng, sức ép để được gia nhập là thành viên của TPP là rất lớn, bởi việc gia nhập TPP có thể là con bài cuối để cứu vãn nền kinh tế đang trên đà sụp đổ của Việt Nam. Sở dĩ có thể nhận định như vậy, vì ở cuối bài, bài báo viết:

“Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết Chính phủ đang đẩy mạnh công cuộc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước và các công cuộc cải cách khác, trong đó có việc giảm rào cản đối với dòng vốn nước ngoài, nhằm tạo điều kiện cho nỗ lực tham gia Hiệp định TPP”.

Ngược thời gian, cách đây 15 năm, tức là năm 1999, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 103/1999/NĐ-CP, “Về giao, bán, khoán kinh doanh, cho thuê doanh nghiệp nhà nước”(2); Tuy nhiên, thời kỳ đó đang là thời kỳ cao điểm về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, nguồn tài nguyên chưa đến mức đã bán đến cạn kiệt như hiện nay, cho nên áp lực để cổ phần đối với DNNN chưa cấp thiết. Chính vì vậy, các nhóm lợi ích vẫn cố duy trì DNNN, là nơi để tham nhũng, chia chác quyền lợi theo lối “tư duy nhiệm kỳ” cố hữu do thể chế tạo nên…

Nên mừng hay nên lo, ai hưởng lợi?

Dễ dàng để nhận thấy rằng, đến thời điểm này, nếu “cho nhà đầu tư nước ngoài tại các công ty niêm yết từ mức 49% lên tận 60%”, thì Trung Quốc sẽ là nước đầu tiên hưởng lợi, vì họ đã gần như làm chủ nền kinh tế Việt Nam khoảng trên dưới cả chục năm nay.

Chẳng hạn: Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới, nhưng năm 2013, Công ty Cổ phần Vinacafe Biên Hòa, đã để cho một doanh nghiệp Trung Quốc chi 40 triệu USD để trở thành cổ đông lớn, và để cho nước ngoài chiếm cổ phần đến 76,5%, trong khi đây là doanh nghiệp ăn nên làm ra, với lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm 2013 là 115 tỷ đồng (3); ở Việt Nam hiện nay, không dễ gì có doanh nghiệp đạt được lợi nhuận như thế, việc bán cổ phần của Công ty Cổ phần Vinacafe Biên Hòa là rất đáng ngờ và đáng để suy ngẫm!

Nếu như tới đây, Chính phủ Việt Nam không có một Hội đồng cấp Nhà nước để theo dõi, quản lý quá trình Cổ phần hóa các DNNN theo chủ trương đã đề ra, thì rất có thể, sẽ có sự bắt tay giữa các Chủ doanh nghiệp này với cá nhân và tổ chức nước ngoài để gửi giá và ăn chia, lại quả…

Một lần nữa, tài sản quốc gia lại bị thất thoát thông qua việc Cổ phần hóa lần này. Người ta sẵn sàng hạ giá trị tài sản của doanh nghiệp xuống hàng chục, thậm chí là hàng trăm lần so với giá trị thực… hưởng lợi sẽ là cá nhân hoặc các tổ chức nước ngoài mua DNNN.

Với lợi thế mà Trung Quốc đã tạo dựng được trên đất nước Việt Nam (kinh tế, chính trị, ngoại giao…), không còn nghi ngờ gì nữa, với chủ trương trên, thì Trung Quốc sẽ thâu tóm hầu hết các doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam trong thời gian tới.

Và đương nhiên, Trung Quốc sẽ làm chủ nền kinh tế Việt Nam.

Sự khai tử của nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”, và cơ chế quản lý “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Dễ dàng nhận thấy, nếu như Nghị định số 103/1999/NĐ-CP (nói trên) mà được thực hiện một cách nghiêm túc, thì chỉ cần trong khoảng vài năm, hoặc muộn là 5 năm (1999-2004), thì việc tiến hành cổ phần hóa DNNN đã xong; và như vậy, kinh tế Việt Nam không rơi vào cảnh sắp bị phá sản như bây giờ. Cũng do không phát triển được nội lực, cho nên, hiện tại, bức tranh về nợ công của Việt Nam, "Nếu tính đủ, nợ công phải lên tới gần 100% GDP. Tỷ lệ an toàn theo báo cáo hiện nay là 55,7% và 'theo quy định'. Điều này chứa đựng nguy cơ ảo tưởng về mức độ an toàn của sự rủi ro"; Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đã phát biểu như thế tại “Diễn đàn Kinh tế mùa xuân”, khai mạc sáng (28/4) tại TP Hạ Long(4).

Cũng vì nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”, cho nên, bị các nhóm lợi ích thâu tóm, làm cho quá trình Cổ phần hóa DNNN không diễn ra được, để rồi đến hôm nay phải chịu hậu quả.

Rõ ràng, việc Cổ phần hóa, trong đó để nhà đầu tư nước ngoài được chiếm đến 60% cổ phần (tức nắm phần chi phối, hay được toàn quyền quyết định đối với doanh nghiệp), là một thất bại của Việt Nam ở tầm quốc gia. Quan điểm này cũng chính thức khai tử chủ trương “thành phần kinh tế Nhà nước làm chủ đạo”; hay nói một cách rộng hơn, cơ chế quản lý “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” đã bị chính Đảng cộng sản Việt Nam bắt đầu khai tử.

Nhìn từ phương diện dân chủ hóa Đất nước, thì đây là tín hiệu tốt.

Đâu là hy vọng?

Sự kiện này (để nhà đầu tư nước ngoài được chiếm đến 60% trong DNNN) mang tính hai mặt mà ta có thể nhận thấy:

1. Việc Cổ phần hóa DNNN bị chậm mất 15 năm, cùng với sự bảo thủ, sai lầm trong nhiều chủ trương khác, đã đưa Đảng cộng sản Việt Nam đến sự bế tắc toàn diện như hiện nay.

2. Đảng cộng sản Việt Nam (vô hình dung) đã thừa nhận thất bại trong điều hành kinh tế đất nước. Nếu như ai cũng biết rằng “Các tập đoàn và tổng công ty đang nắm giữ 75% tài sản cố định của quốc gia”(5), thì đây là thất bại toàn diện, thậm chí là nguy hiểm với đất nước.

3. Hy vọng người Việt Nam, đặc biệt là Việt kiều ở Mỹ, có đủ năng lực về tài chính để tham gia mua lại cổ phần, hạn chế tối đa để Trung Quốc thâu tóm kinh tế Việt Nam. Đồng thời, Chính phủ có chính sách ưu tiên đối với Việt kiều trong sự kiện này.

4. Hy vọng, người Nhật với sự nhìn xa trông rộng và tiềm lực tài chính của mình, sẽ có những hành động thiết thực để có thể cân bằng với người Trung Quốc trong vấn đề này.

29.4.2014

Nguyễn Hữu Quý

Tác giả gửi BVN
------------------------------
Các bài tham khảo:

Không có nhận xét nào: