Dân Luận: Những cải cách ruộng đất, những học tập cải tạo và cải tạo công thương nghiệp v.v… mà Đảng CSVN tạo ra trong quá khứ chính là tiêu diệt sự chuyển giao tri thức lãnh đạo từ thế hệ này sang thế hệ khác, làm mất đi trí tuệ gây dựng bao năm của dân tộc. Nhưng những người thuộc phong trào dân chủ đã ý thức được tầm quan trọng của sự lãnh đạo liên tục hay chưa? Hay khi họ lật đổ Đảng CSVN, họ cũng sẽ lặp lại một sai lầm tương tự?
Với thời gian qua, các cuộc cách mạng bạo động trong lịch sử đều là những cái hại, dù là có cần thiết đi nữa, vẫn là những cái hại cho quốc gia và dân tộc. Nếu cân nhắc hai bên, một bên là cuộc cách mạng bạo động để thanh toán các tệ đoan trước mắt của xã hội và một bên là sự bảo đảm cho sự lãnh đạo liên tục quốc gia, thì lịch sử trả lời rằng sự lãnh đạo liên tục quốc gia quan hệ hơn, vì nó là một quan điểm dài hạn, còn cách mạng bạo động là một quan điểm ngắn hạn. Mà lịch sử là một quan điểm dài hạn so sánh với đời sống cá nhân là một quan điểm ngắn hạn. Một dân tộc càng trưởng thành quan điểm càng dài hạn, và quan điểm càng dài hạn, dân tộc càng có cơ hội và phương tiện để trưởng thành.
Hơn nữa những cái tệ đoan có thể thanh toán bằng nhiều lối, ngoài lối cách mạng bạo động.
Sự lãnh đạo quốc gia liên tục
Như trên đã trình bày, sự lãnh đạo quốc gia được liên tục khi nào các điều kiện dưới đây được thỏa mãn:
1.- Sự chuyển quyền được bình thường từ lớp người trước cho tới lớp người sau.
2.- Các bí mật quốc gia được truyền lại.
3.- Thuật lãnh đạo được truyền lại và được cải thiện càng ngày càng tinh vi.
4.- Các kinh nghiệm của dĩ vãng được xếp vào văn khố, được truyền lại và có người biết xử dụng văn khố.
Cứ theo các điều kiện trên đây, một chế độ độc tài hay quân chủ chuyên chế hoàn toàn bất lực trong việc bảo đảm một sự lãnh đạo quốc gia liên tục. Vì cái mầm bạo động lúc nào cũng được tạo ra và bị đàn áp bởi các chế độ trên.
Nhưng càng đàn áp lại càng nuôi dưỡng đúng theo luật tự nhiên của lịch sử và cuối cùng bạo động sẽ bùng nổ và mang lại sự gián đoạn trong vấn đề lãnh đạo quốc gia. Nhận xét trên đây sẽ ảnh hưởng nặng trên sự lựa chọn đường lối của chúng ta sau này.
Nếu việc lãnh đạo quốc gia được liên tục nhờ ở sự thỏa mãn các điều kiện trên đây, thì dĩ nhiên, sự thiếu một hay nhiều điều kiện trên đây sẽ đem đến sự gián đoạn trong việc lãnh đạo. Và tùy theo điều kiện thiếu nhiều hay ít, sự gián đoạn ấy sẽ dung nạp được hay trầm trọng. Chúng ta có thể phân biệt ba trình độ gián đoạn.
Trình độ gián đoạn nhẹ nhất xảy ra khi sự chuyển quyền từ lớp người trước cho lớp người sau không được bình thường, các bí mật quốc gia trong giai đoạn ngắn trước đó sẽ mất. Tuy nhiên văn khố hãy còn và thuật lãnh đạo không đến nỗi mất hẳn. Các cuộc đảo chánh ở Nam Mỹ rất là điển hình cho trình độ này.
Trình độ gián đoạn trầm trọng xảy ra khi sự chuyển quyền từ lớp người trước cho lớp người sau, chẳng những không được bình thường, mà lại còn diễn ra trong những hoàn cảnh bạo động kinh khủng. Các bí mật quốc gia mất hết, văn khố bị thiêu hủy, người sừ dụng văn khố không còn. Thuật lãnh đạo và kinh nghiệm của dĩ vãng được thay thế bằng sự hăng hái của dân chúng và sáng kiến cá nhân. Di sản của dĩ vãng không còn nữa, vì sự điên rồ của người đời làm cho họ tin rằng họ cần san bằng tất cả dĩ vãng đế xây dựng tương lai. Cách mạng năm 1789 của Pháp là một ví dụ cụ thể nhất cho trường hợp này. Biết như vậy rồi chúng ta không lấy làm lạ tại sao cho đến ngày nay người Pháp vẫn chưa giải quyết được một cách ổn thỏa vấn đề lãnh đạo liên tục cho quốc gia của họ.
Cũng trên phương diện này, sự chính quyền Việt Minh, vô tình hay cố ý, không bảo vệ được phần văn khố của triều Nguyễn mà người Pháp còn để lại, để cho dân chúng Huế đốt phá một phần quan trọng của di sản kinh nghiệm của chúng ta, là một lỗi rất lớn, không có gì tha thứ được đối với quốc gia và dân tộc. Tuy nhiên, dù vô tình hay cố ý việc đó đã xảy ra chứng minh cho sự kiện chính vì chúng ta đã mất truyền thống lãnh đạo, cho nên những người có trách nhiệm trong chính phủ Việt Minh lúc bấy giờ ở Huế không ý thức được tính cách quan trọng và quốc gia cần thiết của sự bảo vệ văn khố. Càng mất truyền thống lãnh đạo lại càng phá huỷ những di sản khả dĩ bảo vệ sự lãnh đạo quốc gia. Tục ngữ thường nói “nghèo lại càng nghèo” là vậy.
Trình độ gián đoạn trầm trọng nhất xảy ra khi sự chuyển quyền không thực hiện được giữa lớp người trước và lớp người sau. Bí mật lãnh đạo và bí mật quốc gia đều mất.
Thuật lãnh đạo không truyền lại được. Di sản dĩ vãng không người thừa nhận, văn khố thất lạc và bị cướp bóc. Đó là trường hợp của các nước bị chinh phục, mất chủ quyền. Và đó là trường hợp của Việt Nam chúng ta trong thời kỳ Pháp thuộc.
Lớp người lãnh đạo trước của chúng ta đã mất, lớp người lãnh đạo sau của chúng ta không có. Di sản dĩ vãng tiêu tan. Tình trạng của chúng ta thật là khủng khiếp nếu chúng ta tưởng tượng rằng, trước mặt một nhà lãnh đạo Anh tựa lưng vững chãi trên di sản dày 400 năm, sẵn sàng ứng phó với mọi biến cố, nhà lãnh đạo của chúng ta đứng lên, cô độc, sau lưng không có lấy được một tờ di sản làm hậu thuẫn.
Hoàn cảnh trong đó chúng ta phải chiến đấu để thực hiện cuộc phát triển dân tộc, nghiêm khắc là vậy đó. Ý nghĩa của chữ “chậm tiến” là vậy đó.
Điều kiện của một sự lãnh đạo liên tục
Vì vậy cho nên dốc hết nỗ lực của toàn dân vào công cuộc chung cũng chưa chắc là đủ. Nhưng đó là việc chúng ta sẽ bàn tới sau này. Giờ đây để hết tâm trí chúng ta vào một điều tối quan trọng là đường lối của chúng ta sau này sẽ được lựa chọn như thế nào để khả dĩ bảo đảm cho sự lãnh đạo liên tục quốc gia và tiết kiệm được người lãnh đạo mà chúng ta vô cùng khan hiếm sau thời kỳ Pháp thuộc. Điều này như trên đã nói chắc chắn một chính thể độc tài không làm được.
Một sự kiện khác chứng minh cho tính cách thiết yếu của sự lãnh đạo liên tục quốc gia, là tình trạng của các nước Nam Mỹ. Ở các nước này, những sự gián đoạn trong việc lãnh đạo tuy với hình thức nhẹ nhưng xảy ra luôn vì những cuộc đảo chánh liền liền. Nhiều gián đoạn nhỏ liên tiếp trở thành những gián đoạn lớn, cho nên các nước Nam Mỹ trải qua nhiều thế hệ vẫn là chậm tiến. Một mặt khác, ví dụ trên đây lại chứng minh cho một sự kiện khác: muốn chặn sự phát triển của một dân tộc thì không có biện pháp nào hiệu quả bằng biện pháp gây ra nhiều gián đoạn trong việc lãnh đạo quốc gia của dân tộc ấy. Đây là một thủ đoạn thường dùng của các cường quốc Tây Âu trước đây khi mang kỹ thuật Tây phương đi chinh phục thế giới.
Sự gián đoạn trong vấn đề lãnh đạo làm cho quốc gia suy nhược theo một thể thức cơ biến như thế nào chúng ta đã rõ.
Những nếu sự gián đoạn diễn ra trong những hoàn cảnh bạo động gây sự giết chóc giữa nhiều phe phái, thì lại còn gây nhiều thảm hại to tát cho quốc gia trên một lĩnh vực khác.
Trở về ví dụ của nước Anh một lần nữa, chúng ta sẽ ý thức rõ ràng sự thảm hại vừa nói trên. Ở nước Anh việc lãnh đạo quốc gia liên tục đã được giải quyết hoàn bị. Khi cần thay đổi một nhà lãnh đạo, tức khắc bộ máy hiến pháp vận chuyển, và một người lãnh đạo khác lên thay thế, người lãnh đạo trước buông việc, về tịnh dưỡng và suy nghiệm các hành vi đã qua của mình.
Những người lãnh đạo xứng danh bao giờ cũng hành động theo một triết lý chính trị mà họ đã nghiền ngẫm lâu ngày, trước khi mang ra thực hành. Nếu khi đụng chạm với thực tế, những tư tưởng đang hướng dẫn hành động của họ đã tỏ ra sai lạc, hay vì hoàn cảnh bên ngoài đã biến đổi nên không còn phù hợp với những tư tưởng ấy nữa thì cần phải có một sự thay đổi ngay. Nhưng thay đổi như thế nào.
Người lãnh đạo phải thay đổi tư tưởng, hay là phải thay đổi người lãnh đạo.
Kinh nghiệm chỉ rằng không bao giờ người lãnh đạo thay đổi tư tưởng trong lúc đang ở trong không khí hành động, bởi một lẽ rất dễ hiểu là họ phải mất nhiều thì giờ nghiền ngẫm mới đi đến triết lý chính trị mà họ chủ trương. Nay nếu nó không phù hợp với hoàn cảnh, họ phải có đủ thời giờ để một là xét vì sao triết lý ấy không phù hợp và hai để tìm triết lý khác thay thế vào. Điều mà họ không thể làm được nếu họ vẫn bị hành động lôi cuốn. Vì vậy cho nên yêu cầu một người lãnh đạo thay đổi tư tưởng của họ đang khi hành động là một việc không bao giờ thực hiện được. Giả sử mà họ có thay đổi được thì, việc lãnh đạo lại sẽ gặp một nguy cơ lớn hơn nữa. Bởi vì thay đổi hấp tấp và không suy nghiệm như vậy, người lãnh đạo sẽ không còn là chính họ nữa. Và đương nhiên hiệu quả trong hành động của họ sẽ kém bội phần.
Như vậy, chỉ còn cách là phải thay đổi người lãnh đạo.
Thoát khỏi không khí náo nhiệt và thúc dục của hành động, người lãnh đạo bị thay đổi sẽ suy nghiệm hành động đã qua, rút kinh nghiệm cho bản thân và viết thành sách những kinh nghiệm ấy để làm giàu thêm cho di sản dĩ vãng của quốc gia.
Hơn thế nữa, người lãnh đạo bị thay đổi lại có ngày giờ nghiền ngẫm một triết lý chính trị khác hợp với tình thế hơn, và nếu có cơ hội cho họ trở ra hoạt động, thì quốc gia lại có một người lãnh đạo kinh nghiệm hơn gấp mấy lần người lãnh đạo đã bị thay đổi trước đây. Nay, nếu thay vì một sự chuyển quyền bình thường, nhiều bạo động lại diễn ra làm thiệt mạng những người lãnh đạo trước, chúng ta sẽ mất, ngoài những bí mật lãnh đạo mà chúng ta đã nói rồi trên kia, vừa các kinh nghiệm lãnh đạo có thể làm cho di sản dĩ vãng chúng ta thêm phong phú, vừa một người lãnh đạo mà quốc gia lúc nào cũng khan hiếm.
Lý luận trên đây lại còn làm cho chúng ta nhận xét thêm rằng:
1.- Không bao giờ thay đổi được tư tưởng của người lãnh đạo trong lúc họ đang hành động.
2.- Người lãnh đạo dù tài ba đến đâu cũng có lúc cần phải được thay đổi, vì tư tưởng không phải lúc nào cũng phù hợp với thực tế.
3.- Sự lãnh đạo quốc gia liên tục một khi được bảo đảm, di sản dĩ vãng của quốc gia càng thêm phong phú, và quốc gia càng giàu người lãnh đạo. Di sản quốc gia càng thêm phong phú và quốc gia càng giàu người lãnh đạo thì việc lãnh đạo quốc gia liên tục lại càng thêm bảo đảm.
4.- Ngược lại, sự lãnh đạo quốc gia liên tục không thực hiện được, thì di sản dĩ vãng của quốc gia càng ngày càng suy vi và quốc gia càng ngày càng nghèo người lãnh đạo. Và di sản dĩ vãng càng suy vi và quốc gia càng nghèo người lãnh đạo thì việc lãnh đạo quốc gia liên tục lại càng khó thực hiện được.
Vì những lý do trên, nên một chế độ độc tài, mà bản chất là dựa, trước hết, trên nguyên tắc không thay đổi người lãnh đạo, không thể phù hợp với thực tế. Và không phù hợp với thực tế là không thực hiện được sự lãnh đạo quốc gia liên tục Và chúng ta đã thấy sự tai hại cho quốc gia như thế nào nếu sự lãnh đạo liên tục không thực hiện được. Nhận xét này sẽ ảnh hưởng nặng trên sự lựa chọn đường lối của chúng ta sau này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét