Pages

Thứ Sáu, 16 tháng 5, 2014

'Cần trái tim nóng và cái đầu lạnh'

Trước việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào vùng biển được cho là thuộc đặc quyền kinh tế Việt Nam, dường như phong trào biểu tình đòi chủ quyền biển đảo ở Việt Nam chưa bao giờ dâng cao đến thế.
Tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành khác trong các ngày vừa qua liên tục diễn ra các cuộc biểu tình với hàng trăm người tham gia.


Tất cả cùng hừng hực một khí thế “đánh”.
Trên các phương tiên truyền thông, các bài báo với hàng loạt tít đưa tin diễn biến biểu tình đỏ rực trên trang nhất. Và trên trang mạng xã hội lớn nhất là Facebook thì các cập nhật trạng thái mới cũng hầu hết đề cập đến chủ đề nóng bỏng này.
Vậy người Việt Nam trong tình hình này, phản ứng như vậy có thực sự tỉnh táo?

Khát vọng chiến đấu và khả năng chiến thắng

Trước hết phải nhìn nhận một thực tế, Việt Nam từ xưa đến nay có truyền thống chiến tranh.
Chỉ trong khoảng gần một thế kỷ là thế kỷ 20, Việt Nam đã trải qua hai cuộc chiến tranh lớn: chống Pháp và chống Mỹ.
Ngoài ra còn cuộc chiến với Trung Quốc vào năm 1979 và cuộc chiến biên giới Tây Nam nửa cuối thập niên 1970 với Campuchia.
"Vậy có khi nào họ tự hỏi: Lấy gì để chiến đấu và liệu có khả năng giành chiến thắng? Hay người Việt cho rằng họ có thể sử dụng chiến tranh du kích với các loại vũ khi thô sơ khi giao tranh trên biển như đã từng sử dụng trong các cuộc chiến trước kia?"
Thật dễ hiểu khi một đất nước với bề dày loạn lạc như vậy đến hôm nay đang xếp hạng cuối bảng về phát triển kinh tế.
Quay lại vấn đề Biển Đông. Trước tình hình hiện nay, phản ứng của người Việt “nhất định phải đánh” dường như mang màu sắc ảo tưởng.
Có lẽ người Việt Nam vẫn còn say máu chiến tranh. Họ lập luận rằng: Mình đã nhẫn nhịn và không thể nhẫn nhịn hơn được nữa.
Vậy có khi nào họ tự hỏi: Lấy gì để chiến đấu và liệu có khả năng giành chiến thắng? Hay người Việt cho rằng họ có thể sử dụng chiến tranh du kích với các loại vũ khi thô sơ khi giao tranh trên biển như đã từng sử dụng trong các cuộc chiến trước kia?
Tại hội nghị cấp cao Asean diễn ra tại thủ đô Nay Pyi Taw của Miến Điện vào ngày 11-5-2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong bài phát biểu của mình đã đề nghị đưa các nội dung về biển Đông vào trong tuyên bố của hội nghị lần này.
Nhưng khi kết thúc phiên họp, Asean chỉ đưa ra tuyên bố chung là kêu gọi tất cả các bên kiềm chế, không tiến hành các hoạt động có thể làm gia tăng căng thẳng trên biển Đông. Đồng thời kêu gọi “giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ các nguyên tắc đã được thừa nhận chung của luật pháp quốc tế, và UNCLOS”.
Tuy nhiên những tuyên bố này đều chung chung, không đề cập cụ thể vào quốc gia nào.

'Thực tế khắc nghiệt'

"Người Việt Nam đang hoàn toàn “thờ ơ” với những gì sát sườn liên quan đến các vấn đề an sinh, xã hội của chính họ, nhưng lại rất dễ bị kích động bởi những vấn đề chính trị, đặc biệt khi các vấn đề đó mang màu sắc tự hào dân tộc."
Như vậy, rõ ràng trên chính trường quốc tế, tiếng nói của Việt Nam không đủ lớn để gây những ảnh hưởng nhất định, từ đó khó có thể tìm được đồng minh đứng về phía Việt Nam trực tiếp đối đầu với Trung Quốc.
Không chỉ thế, trong cơn say mang màu sắc yêu nước, người Việt Nam dường như quên đi những vấn đề thiết thực hơn rất nhiều.
Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông, trong 03 ngày (từ 10/4 – 12/4/2014) toàn quốc xảy ra 135 vụ tai nạn giao thông, làm chết 76 người, bị thương 64 người. Trong đó: đường bộ xảy ra 131 vụ tai nạn giao thông, làm chết 72 người, bị thương 64 người; đường sắt xảy ra bốn vụ tai nạn giao thông, làm chết bốn người.
Những con số nói lên rất nhiều điều.
Người Việt Nam đang hoàn toàn “thờ ơ” với những gì sát sườn liên quan đến các vấn đề an sinh, xã hội của chính họ, nhưng lại rất dễ bị kích động bởi những vấn đề chính trị, đặc biệt khi các vấn đề đó mang màu sắc tự hào dân tộc.
Trong một diễn biến khác của sự việc, đã có một vài những phản ứng cực đoan diễn ra trong cộng đồng người Việt khi có những cơ sở kinh doanh từ chối không phục vụ người Trung Quốc.
Đây thực sự là một tầm nhìn hạn hẹp, lối tư duy nhỏ mọn nguy hại.
Thiểu số người Việt này cho rằng hành động của họ chứng tỏ lòng yêu nước. Nhưng họ không thấy được, nếu những phản ứng tiêu cực đó được nhân rộng thì phía thiệt hại chính là Việt Nam, khi nguồn ngoại tệ thu về sẽ bị giảm xuống đáng kể.
Nghiêm trọng hơn là những phần tử quá khích đã tập trung biểu tình và có xu hướng bạo động (nếu như không muốn nói trắng ra là cướp của) ở một số khu công nghiệp thuộc tỉnh Bình Dương làm hằn sâu hơn vết nứt trong quan hệ ngoại giao hai nước tại thời điểm nhạy cảm này.
Nhiều nhà máy, công ty của người nước ngoài tại tỉnh Bình Dương đã bị phóng hỏa trong làn sóng bạo loạn
Không chỉ thế phong trào bài Trung Quốc, tẩy chay hàng Trung Quốc đã ngầm tồn tại lại có vẻ bắt đầu được kích động dâng cao, thực sự là mối nguy hại cho nền kinh tế.
Bởi thị trường lớn nhất của Việt Nam hiện nay (cả cung và cầu) chính là Trung Quốc.
Người Việt chắc không quên được bức tranh kinh tế ảm đạm vào những năm 1979 – 1986 khi hai nước đóng cửa biên giới. Và làn sóng hàng Trung Quốc tràn vào Việt Nam những năm cuối thập kỉ 80 khi hai nước bắt đầu thương giao trở lại đã đem đến sự hồi sinh cho nền kinh tế gần như tê liệt.
Hiện nay, hàng có nguồn gốc Trung Quốc hầu như chiếm hầu hết thị trường Việt Nam từ những vật dụng nhỏ nhất.
Nếu mất đi thị trường lớn nhất này, Việt Nam khi giao dịch với các nước khác phải chịu chi phí vận chuyển đội lên không nhỏ. Chưa kể đến hàng Đông Nam Á hầu như đều xuất xứ từ Trung Quốc và Việt Nam đương nhiên phải gánh thêm chi phí trung gian mà thực chất vẫn không tránh khỏi hàng có nguồn gốc từ phương Bắc.
Tóm lại, trong bối cảnh hiện nay, có lẽ điều cần nhất cho người dân Việt Nam đó là sự tỉnh táo, biết người biết ta.
Đã qua cái thời “còn cái lai quần cũng đánh” và sức mạnh của một quốc gia không thể bắt nguồn từ đám đông la ó những khẩu hiệu suông!
Bài thể hiện quan điểm và cách hành văn của người viết.

Không có nhận xét nào: