Pages

Chủ Nhật, 18 tháng 5, 2014

Chính quyền VN giải tán biểu tình

Công an và dân phòng đóng chốt trước Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội
Chính quyền Việt Nam đã dùng sức mạnh giải tán các cuộc biểu tình ở quy mô nhỏ chống hành động của Trung Quốc trên Biển Đông hôm Chủ nhật ngày 18/5, các hãng tin quốc tế cho biết.

Trong khi đó, công an cũng đóng chốt trước cửa nhà một số nhân vật chống đối để ngăn họ ra khỏi nhà.
Ở Thành phố Hồ Chí Minh, công an đã kéo lê một vài người biểu tình ra khỏi một công viên ở trung tâm trong khi ở Hà Nội, chính quyền phong tỏa các con đường và công viên gần Đại sứ quán Trung Quốc và kéo các nhà báo và người biểu tình đi chỗ khác, hãng tin Mỹ AP cho biết.
Hồi Chủ nhật tuần trước ngày 11/5, chính quyền chuyên chế của Việt Nam, vốn kềm kẹp chặt chẽ người dân của họ, đã cho phép các cuộc biểu tình phản đối việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 ra vùng biển có tranh chấp trên Biển Đông.

'Chưa bao giờ thấy nhiều công an như vậy'
Trao đổi với BBC từ Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Vinh, một người tích cực tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc lâu nay, nói rằng ông ‘không thể tưởng tượng làm sao có nhiều công an như vậy’ được triển khai trên đường phố Hà Nội hôm 18/5.
“Công an giăng đầy kín các lối đi, các ngõ ngách, các ngã tư, hai bên đường,” ông mô tả, “Cả vườn hoa Lenin cũng có hàng rào sắt chặn bốn phía.”
“Tất cả các con đường từ Nhà hát Lớn đi qua chỗ Tràng Tiền rồi dọc theo Bờ Hồ có đủ các loại cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự, cảnh sát cơ động – đông khắp cả khu vực Ba Đình.”
Theo lời ông Vinh thì do lực lượng an ninh, dân phòng và thanh niên quá đông nên người biểu tình ‘không có chỗ nào đứng được cả’.
“Cuộc biểu tình sáng này đã không thể diễn ra như dự tính. Người biểu tình không có điểm tập trung,” ông nói và cho biết khi đi qua khu vực Đại sứ quán Trung Quốc thì thấy ‘một số người đã bị bắt giữ’.

Bất chấp sự hiện diện của công an, người biểu tình vẫn tuần hành trước Nhà văn hóa Thanh niên ở Sài Gòn
Theo ông Vinh thì một số người biểu tình đã tập hợp lại thành những nhóm nhỏ ở các quán nước nhưng sau đó ‘có các nhóm thanh niên lạ mặt tự đến tự gây sự đánh nhau để chủ quán phải đóng cửa’.
Ông kể nhóm của ông tập trung ở một chỗ ‘cách Ba Đình khá xa’ nhưng cũng có ‘bảy, tám người nhòm ngó, rình rập các thứ’.
Ông cho biết bản thân ông và những người thường tích cực xuống đường ‘nhà bị vậy từ tối qua cho đến trưa nay vẫn chưa rút’.
“Một số người còn bị dùng khóa khóa cửa nhà lại bất chấp trong nhà có người già ốm đau hay nguy cơ hỏa hoạn các thứ,” ông nói.
Theo ông Vinh thì chính quyền không thể lấy cái cớ là các cuộc bạo loạn trong tuần ở Bình Dương và Hà Tĩnh để ngăn chặn các cuộc biểu tình chống Trung Quốc.
“Những người biểu tình không phải là những người bạo loạn,” ông nói, “Ở Hà Nội nhưng hành động bạo lực trên đường phố trong các cuộc biểu tình từ trước đến giờ chỉ xuất phát từ lực lượng an ninh của Nhà nước thôi.”

'Có chút phân vân'


Chính quyền triển khai an ninh dày đặc ở Hà Nội và Sài Gòn vào ngày 18/5
Từ tư gia tại Sài Gòn, Giáo sư Tương Lai, người đã xuống đường hôm 11/5, nói với BBC rằng ông đã được cán bộ ở phường ‘đến gặp và nói chuyện’.
“Anh em họ cũng vui vẻ thôi. Họ đến thăm và nói bác đang cảm đi thì bị ốm thêm cho nên ở nhà thôi,” ông nói.
Sau các cuộc bạo động ở Bình Dương và Hà Tĩnh, Giáo sư Tương Lai nói ông ‘có chút phân vân’ về cuộc biểu tình vào Chủ nhật ngày 18/5.
“Tôi cảm thấy kỳ này nếu mà mình bị khiêu khích và nằm trong kế hoạch bị giật dây thì sẽ dẫn đến những hệ lụy mà mình không lường được,” ông nói và cho biết các cuộc bạo loạn này làm ông nhớ đến ‘sự khiêu khích của chính quyền Trung Quốc cách nay 36 năm để chuẩn bị cho cuộc tấn công’.
Tuy nhiên, ông cũng nói là ông ‘không bao giờ tán thành việc chính quyền đàn áp biểu tình’ và cho ‘đây là một sai lầm’.
“Nếu chính quyền tìm cách nào đó để mà giải thích cho dân và ngăn chặn các cuộc bạo hành manh động thì cần thiết,” ông nói, “Nhưng thành ra đàn áp và gây nên những hình ảnh xấu và làm cản trở lòng yêu nước... thì chuyện này đẩy tới những bất lợi.”
“Chính quyền đứng trước thế tiến thoái lưỡng nan,” ông nhận định.

1 nhận xét:

người Việt già đau khổ nói...

Từ khi cướp chính quyền từ tay chính phủ Trần Trọng Kim đến nay đã 69 năm .Qua nhiều lần sửa đổi cái gọi là hiến pháp thì vẫn còn ghi các quyền căn bản của người dân như quyền biểu tình,quyền lập hội .Vậy sao không ra đời Luật Biểu Tình ? Nay dùng chỉ thị với các công cụ bạo lực rộng khắp để khủng bố quyền biểu tình và dùng câu cấm biểu tình trái pháp luật .Ngang ngược và trơ trẽn đến thế thì chỉ có loại chính phủ,nhà nước cộng sản mà thôi .