Pages

Thứ Sáu, 16 tháng 5, 2014

Chủ tịch nước VN kêu gọi bình tĩnh

Ba lãnh đạo cao cấp của Việt Nam đã lên tiếng về căng thẳng Việt - Trung tại một số nơi
Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang kêu gọi “bình tĩnh và đoàn kết” trong lúc quan hệ Việt Nam và Trung Quốc căng thẳng vì vụ giàn khoan HD-981.
Ông Sang phát biểu sáng 16/5 khi gặp cử tri ở quận 1, TP. HCM, chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội lần thứ 7 dự kiến khai mạc vào ngày 20/5.

"Chúng ta đã nói rõ quan điểm trong công hàm, trong những lần giao thiệp với Trung Quốc. Lãnh đạo Việt Nam trong các cuộc họp ở nơi này nơi khác vẫn nói rõ như vậy. Có một số ý kiến cho là chúng ta sợ, nhưng không có chuyện đó. Giữa các quốc gia là bình đẳng, không có chuyện sợ hay không sợ," ông Sang nhấn mạnh.
Báo chí trong nước dẫn lời ông nói: “Lúc kinh tế khó khăn và trong quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước mình thì mình phải hết sức bình tĩnh. Càng khó thì chúng ta càng phải đoàn kết, từ Trung ương Đảng cho đến toàn dân.”

Ông cũng giải thích về các tuyên bố của lãnh đạo cấp cao Việt Nam.
“Thông thường trong quan hệ đối ngoại, theo thông lệ quốc tế, người nói đầu tiên là Bộ Ngoại giao. Vừa rồi Tổng Bí thư có thay mặt Trung ương cũng đã lên tiếng. Từ khi xảy ra đến giờ đã giao thiệp hơn 10 lần, kể cả cử người gặp nhau, điện thoại nhau liên tục.”
Chủ tịch nước Việt Nam cũng phê phán các vụ tấn công nhà máy ở Bình Dương, Hà Tĩnh.
"Chúng ta mời các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư và cam kết bảo vệ họ, mà giờ đi đập phá công ty của họ. Những hành vi này sẽ bị xử lý thích đáng."
Hôm 16/5, cũng trong một buổi gặp cử tri ở Hải Phòng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phê phán Trung Quốc.
Trả lời cử tri Hải Phòng vào ngày 15/5, ông Dũng nói:
“Trung Quốc không những không chấp nhận đề nghị chính đáng của Việt Nam mà còn tiếp tục tăng cường: trước là hơn 80 tàu, bữa nay là hơn 90 tàu, vòng mấy vòng bảo vệ giàn khoan, không cho tàu của ta tiếp cận.
“Trong khi tàu cảnh sát biển và kiểm ngư của ta tiếp cận là để yêu cầu rút giàn khoan chứ không phải dùng vũ lực. Thế mà Trung Quốc lại còn đổ lỗi là Việt Nam quấy rối," ông Nguyễn Tấn Dũng được trích lời trên báo điện tử VietnamNet.
Còn ở phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói "tình hình Biển Đông hiện đang diễn biến rất phức tạp, nghiêm trọng, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải hết sức tỉnh táo, sáng suốt, tăng cường đoàn kết, cả nước một lòng, kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc".

Các cuộc gặp ngoại giao

Trong diễn biến khác, Việt Nam và Trung Quốc có các cuộc gặp ngoại giao tuần này.
Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Cao Hổ Thành
Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Cao Hổ Thành
Bộ trưởng thương mại Trung Quốc gặp người tương nhiệm của Việt Nam hôm 16/5 nhân một hội nghị tại thành phố Thanh Đảo, Trung Quốc.
Trước đó, hôm thứ Năm 15/5, trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Kiến Siêu dẫn đầu một đoàn sang Hà Nội.
Thứ trưởng ngoại giao Việt Nam Hồ Xuân Sơn cũng ở Bắc Kinh từ hôm 13/5.
Ngôn ngữ của Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc, ban tiếng Việt, tỏ ra cứng rắn khi nói Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Cao Hổ Thành đã “triệu gặp” Bộ trưởng Công thương Việt Nam.
Mục đích nhằm “đưa ra phản ứng về việc doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam bị tấn công bạo lực, đánh đập và cướp bóc”.
Trong một cuộc họp báo hôm 16/5, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Thẩm Đan Dương nói Trung Quốc yêu cầu Việt Nam “lập tức áp dụng biện pháp hữu hiệu, ngăn chặn mọi hành động bạo lực, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của toàn bộ nhân viên và doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam, lập tức xử lý thoả đáng việc doanh nghiệp và nhân viên Trung Quốc bị tấn công, dốc sức cứu chữa cho những người bị thương”.
“Lập tức triển khai điều tra vụ bạo lực liên quan, trừng trị nghiêm các phần tử phạm tội theo pháp luật, bồi thường mọi thiệt hại cho doanh nghiệp và cá nhân Trung Quốc, bảo đảm không tái diễn vụ việc tương tự, bằng hành động thực tế lấy lại niềm tin do việc này tác động nghiêm trọng cho hợp tác kinh tế-thương mại hai nước Trung-Việt,” tuyên bố của ông này nói.
Đã xảy ra các cuộc biểu tình ở nhiều tỉnh, thành tại Việt Nam phản đối việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan gần quần đảo Hoàng Sa.
Nhưng tại Bình Dương và Hà Tĩnh, các cuộc xuống đường đã chuyển thành bạo lực, với việc đốt phá nhiều nhà máy.
Trả lời trong cuộc họp báo vào ngày 15/5, phó giám đốc công an Hà Tĩnh Nguyễn Thanh Liêm được trích lời trên báo trong nước nói rằng vụ bạo động Vũng Áng chỉ là “hành động quá khích, tự phát” và có thể là do mâu thuẫn từ trước giữa công nhân Việt Nam và công nhân nước ngoài.
Lãnh đạo Hà Tĩnh tường thuật lại rằng đã có khoảng 5.000 người đứng bên ngoài cổng công ty Formosa để biểu tình chống Trung Quốc, khi một người kích động hô “"trong công trường có người Việt Nam bị đánh chết".
Đám đông này sau đó đã tràn vào bên trong và gây gổ với khoảng 1.000 công nhân Trung Quốc.
Tỉnh Hà Tĩnh đã huy động hơn 300 công an nhưng không thể kiểm soát được tình hình. Cho đến chiều 15/5, công an đã bắt giữ 76 đối tượng “có hành vi đập phá, trộm cắp tài sản”, ông Liêm cho biết.

Không có nhận xét nào: