Pages

Thứ Năm, 1 tháng 5, 2014

Chuyến Á du của Tổng thống Obama gây lo ngại cho Bắc Kinh

Tổng thống Obama phát biểu trước các binh sĩ ở Manila, Philippines 29/4/2014.
Bill Ide

 — Trong thời gian đi thăm châu Á, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã trấn an Nhật Bản rằng Washington sẽ sẵn sàng trợ giúp nếu căng thẳng về các hòn đảo đang tranh chấp với Trung Quốc lại bùng lên. Ông cũng đã ký một hiệp định mới với Philippines luân phiên đưa quân đội Mỹ đến nước này, khiến một số người gọi chuyến đi này là một chuyến đi nhằm “kiềm chế Bắc Kinh.” Tại Bắc Kinh, dường như không mấy ai tin rằng những lời trấn an của ông Obama không nhằm mục đích ngăn chặn sự trỗi dậy một cách hòa bình của Trung Quốc.


Chuyến đi châu Á của Tổng thống Obama được nhiều người coi là một nỗ lực nhằm thúc đẩy quan hệ an ninh và kinh tế trong khu vực, khiến một số người ở Bắc Kinh nêu câu hỏi vì sao ông Obama không ghé qua Trung Quốc.

Những cam kết của ông Obama hỗ trợ cho Nhật Bản và Philippines khiến giới truyền thông Trung Quốc đưa ra nhiều bài tường thuật nói rằng chuyến đi nhắm mục đích chặn đứng sự trỗi dậy của Trung Quốc, bất chấp những lời trấn an phản lại lập luận này.

Ông Alejandro Reyes, một phó giáo sư thỉnh giảng tại trường Ðại học Hong Kong, nói có phần chắc là tổng thống không thể làm được gì mấy để thay đổi quan điểm đó.

Ông Reyes lập luận: “Theo quan điểm của Bắc Kinh, tôi có thể nghĩ rằng, và chúng ta đã nhìn thấy là phản ứng rất tiêu cực và họ coi chuyến thăm của Tổng thống Obama nêu bật quan điểm của họ là việc chuyển hướng có liên quan đến việc kiềm chế Trung Quốc và về thực tế, tôi không cho rằng ông đã có thể thay đổi được quan điểm đó.”


Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (thứ hai từ phải sang) và
 Tổng thống Obama dùng bữa tối tại nhà hàng
 sushi Sukiyabashi ở Toyko, 23/4/2014
Các bài bình luận của Trung Quốc về chuyến đi của Tổng thống Hoa Kỳ đã mau chóng nêu ra điểm ông Obama đã không thương lượng được một thỏa thuận với Nhật Bản về một hiệp định thương mại tự do cho các quốc gia Thái Bình Dương và ông đã không đạt được mấy tiến bộ trong việc đưa các nhà lãnh đạo Nam Triều Tiên và Nhật Bản lại gần nhau hơn.

Một bài xã luận trên nhật báo Anh ngữ the China Daily lên án Hoa Kỳ là kết bè đảng với điều mà báo này gọi là những đồng minh của Washington chuyên gây rối trong khu vực. Bài báo này cũng nói rằng Hoa Kỳ đang tự phơi bầy mình như một mối đe dọa an ninh cho Trung Quốc.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói với các phóng viên hôm thứ Tư rằng Bắc Kinh có lý do chính đáng để yêu cầu Washington giải thích hiệp định an ninh mới với Philippines và vì sao hiệp định đó không gây phương hại đến ổn định khu vực.

Trong chuyến công du, Tổng thống Obama thận trọng nhấn mạnh rằng hiệp định mới với Philippines chủ yếu là dành cho các cuộc tập trận liên quan đến cứu trợ nhân đạo.

Ông Reyes của Ðại học Hong Kong nói cuộc tìm kiếm chiếc máy bay của hãng hàng không Malaysia bị mất tích MH370 và trận bão tai hại năm ngoái ở Philippines, đã nêu bật sự cần thiết của việc tăng cường sự hiện diện của Hoa Kỳ trong khu vực và một cơ cấu an ninh khu vực vững mạnh hơn.


Binh sĩ Mỹ và Philippines dỡ vật phẩm cứu trợ
nạn nhân bão Haiyan 18/12/2013
Ông Reyes nói: “Ðiều đó không phù hợp với những gì Hoa Kỳ đang làm trong khu vực, cái khái niệm rằng quan hệ giữa quân đội với nhau là cấp thiết, ta cần phải khai triển các quan hệ đó trong một khu vực mà thực sự không có cơ cấu an ninh có thể sánh với những gì ta có chẳng hạn như trong NATO.”

Ông Reyes nói tiếp, cùng lúc đó, Hoa Kỳ cần phải theo đuổi quan hệ chặt chẽ hơn giữa quân đội Hoa Kỳ và quân đội Trung Quốc.

Nhưng một số người ở Hoa Kỳ lập luận rằng quá nhiều sự chú ý dồn vào Trung Quốc và không có đủ những gì có lợi cho các đồng minh của Washington trong khu vực đem lại cho nước Mỹ, theo nhận định của ông Clyde Prestowitz, một cựu thương thuyết gia thương mại của Hoa Kỳ và Chủ tịch Viện Chiến lược Kinh tế.

Ông Prestowitz nói: “Phải chăng Trung Quốc là một mối đe dọa đối với Nhật Bản và Triều Tiên, và Philippines, và Malaysia? Tôi nghĩ người ta có thể nói, không. Nhưng cho dù là có, thì liệu đó có phải là một mối đe dọa với Hoa Kỳ? Câu trả lời dứt khoát là không. Vậy nếu câu trả lời là không, thì tại sao chúng ta lại cung cấp sự bảo vệ? Hoa Kỳ rút ra được lợi ích gì?”

Cân nhắc các lợi ích cụ thể của sách lược xoay trục có thể còn trở nên quan trọng hơn trong những năm sắp tới. Washington dự kiến còn cắt giảm thêm ngân sách quốc phòng và đồng thời thì chi tiêu quân sự của Trung Quốc lại dự kiến tiếp tục tăng lên.

Khi chính phủ Trung Quốc được hỏi họ nghĩ gì về sự kiện Tổng thống Obama không đi thăm Trung Quốc trong chuyến công du này, Bộ Ngoại giao đã hạ giảm tầm quan trọng và nói rằng, “cho dù ông ấy có đến hay không, thì chúng ta vẫn có mặt ở đây.”

Trung Quốc sẽ chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh các nhà Lãnh đạo APEC vào cuối năm nay tại Bắc Kinh, một sự kiện mà Tổng thống Obama dự trù sẽ tham dự.

Không có nhận xét nào: