Các vụ bạo loạn ở Hà Tĩnh, Bình Dương và một số nơi đang gây quan ngại trong nước. |
Các vụ bạo động vừa qua ở một số tỉnh thành và địa phương của Việt Nam như Hà Tĩnh, Bình Dương là 'quá khích', tuy nhiên việc xử lý bạo lực sẽ rất 'khó khăn' chừng nào Trung Quốc chưa rút giàn khoan ra khỏi khu vực Hoàng Sa, theo ý kiến quan sát từ trong nước.
Tuy vậy, cũng không nên loại trừ khả năng có những người đã 'cố tình khiêu khích' để tạo cớ cho Trung Quốc 'gây hấn' thêm với Việt Nam, theo Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Đại biểu Quốc hội.
Trao đổi với BBC hôm 15/5, về cách thức xử lý các vụ bạo động đang diễn ra trong làn sóng 'chống giàn khoan HD-981', giáo sư Thuyết nói:
"Theo tôi, một số hành vi quá khích, vượt qua vòng kiểm soát của một số người biểu tình ở một vài địa phương cũng là điều dễ hiểu thôi. Bởi vì với khối người phẫn nộ lên đến hàng vạn người như vậy, thì chỉ cần một ngọn lửa rất nhỏ, nó cũng có thể bùng một đám cháy rất lớn."
Khi mà cái giàn khoan của Trung Quốc còn đó...không thể nào mà làm dịu được sự phẫn nộ của người dân."
GS. Nguyễn Minh Thuyết
|
"Và vì thế cho nên họ đã thể hiện một số hành vi quá khích, nhưng chúng ta cũng không loại trừ có khả năng một số người nào đó đã cố tình khiêu khích để tạo cớ cho Trung Quốc vu cáo Việt Nam, tạo cớ cho họ tăng thêm mức độ gây hấn đối với Việt Nam."
Giáo sư Thuyết cho rằng tình hình khó có thể được giải quyết ổn thỏa nếu Trung Quốc chưa rút giàn khoan khỏi khu vực mà Việt Nam tuyên bố là vùng thềm lục địa và vùng độc quyền kinh tế ở Hoàng Sa của mình.
Ông nói: "Tôi chắc chắn rằng khi mà cái giàn khoan của Trung Quốc còn đó, nhất là khi Trung Quốc ngang nhiên cản phá các tàu chấp pháp của Việt Nam, và ngang nhiên từ chối đàm phán với Việt Nam, thậm chí còn đặt điều kiện đàm phán với Việt Nam (rằng) các tàu chấp pháp của Việt Nam phải rút đi đã, thì phải nói là không thể nào mà làm dịu được sự phẫn nộ của người dân.
"Tôi chắc chắn là người dân sẽ còn xuống đường biểu tình nhiều để phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc, còn qua vụ việc xảy ra ở Bình Dương, cũng như ở Hà Tĩnh, tôi chắc chắn rằng cả người dân đi biểu tình để thể hiện lòng yêu nước của mình, thể hiện sự phản đối Trung Quốc, cũng như là chính quyền cũng rút ra được nhiều bài học quan trọng, và chúng ta có thể kiểm soát được tình hình."
'Xử lý khủng hoảng ra sao?'
|
Hôm thứ Năm, một chuyên gia về chính sách công nói với BBC về việc xử lý các sự cố 'bạo động' đã và đang xảy ra.
"Về lâu dài, Việt Nam cần phải có những biện pháp tổng thể, trước hết phải có những biện pháp tuyên truyền vì dân trí nước mình (Việt Nam) người ta chưa thực sự hiểu vấn đề này lắm," PGS. TS. Phạm Quý Thọ, Chủ nhiệm Bộ môn Chính sách Công thuộc Học viện Chính sách và Phát triển nói.
"Người ta hay gắn những vấn đề, thí dụ như vấn đề biển đảo, rồi vấn đề chiến tranh biên giới, hoặc những lịch sử va chạm với Trung Quốc, thì người ta chưa phân biệt rạch ròi việc đó, những va chạm đó với vấn đề toàn cầu hóa và phát triển kinh tế hiện nay. Điều đó cần phải làm cho không chỉ dân mà một số giới người ta hiểu được điều đó, nhưng hiện nay chưa làm được."
"Tiếp theo, cần phải có những định hướng, thậm chí theo tôi phải ra những luật biểu tình, để làm sao đấy khi người dân xuống đường biểu tình, thì nó theo một trật tự nhất định, chứ không thể để tự phát như hiện nay."
Phải lường trước trong thời gian tới có thể có khó khăn về kinh tế, cho nên phải chuẩn bị sẵn những tình hình để đối phó."
PGS. TS Phạm Quý Thọ
|
"Cái thứ ba là về kinh tế, cũng phải lường trước trong thời gian tới có thể có khó khăn về kinh tế, cho nên phải chuẩn bị sẵn những tình hình để đối phó, ví dụ như là một số dự án có thể bị chậm trễ, cái này phải có những đối sách về kinh tế.
"Thứ nữa là làn sóng đầu tư ở một số nước, thông qua những cái như thế này, cần phải có những quan hệ ngoại giao để giải thích, nhưng đồng thời cũng phải có chiều hướng để tạo tin cậy, để cho người ta thấy việc đó chỉ là nhất thời, và thông qua những cái này, chúng ta phải có những quan hệ ngoại giao để giải thích."
'Công đoàn và nhập khẩu lao động'
Cũng hôm thứ Năm, từ Hà Nội, Tiến sỹ Nguyễn Quang A nhấn mạnh với BBC rằng Việt Nam nên quan tâm xây dựng các tổ chức độc lập để bảo vệ quyền lợi cho người lao động mà qua đó hiểu được tâm tư, nguyện vọng của họ.
Luật Việt Nam không cho phép công ty, thậm chí công ty nước ngoài ở Việt Nam tuyển dụng lao động phổ thông, và lao động phổ thông hay lao động tay nghề cao ở Việt Nam đi chăng nữa phải được phép, phải có giấy phép và có sổ lao động, giống hệt như ở các nước khác"
TS. Nguyễn Quang A
|
"Và đám đông mà không được tổ chức, lại bị dồn vào một tình cảnh, một tâm lý như thế, thì chuyện bùng nổ như một thùng thuốc nổ và bất kỳ có một lửa nào đấy."
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển (IDS đã tự giải thể) cũng cho rằng Việt Nam nên xem lại chính sách nhập cư lao động phổ thông người nước ngoài được cho là 'ồ ạt', 'kiểm soát yếu' có thể có khả năng gây tác hại tới thị trường lao động và an ninh xã hội ở Việt Nam.
"Cái này hoàn toàn do lỗi của chính quyền Việt Nam và chính quyền sở tại, ở đó tức là tỉnh Hà Tĩnh," ông bình luận về hiện tượng có nơi theo báo chí Việt Nam phản ánh, có tới hai nghìn lao động phổ thông nước ngoài cư trú tại một ký túc xá công nhân như ở dự án Formosa của chủ đầu tư Đài Loan, làm dấy lên quan ngại của cộng đồng về an ninh quốc phòng và xã hội.
"Luật Việt Nam không cho phép công ty, thậm chí công ty nước ngoài ở Việt Nam tuyển dụng lao động phổ thông, và lao động phổ thông hay lao động tay nghề cao ở Việt Nam đi chăng nữa phải được phép, phải có giấy phép và có sổ lao động, giống hệt như ở các nước khác," nhà quan sát nói với BBC.
Theo BBC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét