|
Nhưng căn bản, đây là cuộc đối đầu không tương sức và không phải hai bên đều có những mục tiêu dự tính. Việt Nam ở thế thụ động, không có mưu đồ gì và không đủ sức mạnh sẵn sàng cho mọi hành động khi cần. Vì vậy nói một cách đơn giản, Việt Nam không thể thắng và không có gì để thắng. Thủ hòa, nghĩa là duy trì được nguyên trạng, hay thua chút ít đổi lấy một vài lợi ích bù đắp lại cũng phải xem là vừa lòng rồi.
Không một quan sát viên quốc tế nào cho rằng sẽ xảy ra chiến tranh, cùng lắm có thể là đụng độ quy mô nhỏ xảy ra do bất ngờ nào đó của tình huống. Việt Nam phải hết sức tránh xung đột vũ trang dù rằng đủ khả năng để thắng một vài trân đánh nhưng không thể thắng cuộc chiến tranh. Cho đến bây giờ như dư luận các nước ngoài , trước hết là Hoa Kỳ, đã thấy là Trung Quốc khiêu khích hung hăng, tuy vậy không phải muốn có xung đột vũ trang vì việc này sẽ đem lại cho họ nhiều khó khăn phức tạp Dù là xung đột giới hạn hay chiến tranh quy mô, Trung Quốc đều không chắc có thể thắng. Chiến thuật đáng ngại nhất của Trung Quốc trong cuộc đối đầu này là sự ì ra đấy, để mọi chuyện trở thành đã rồi.
Phía Việt Nam, chỗ mạnh nhất là tinh thần dân tộc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Nhưng lòng dân chỉ là một yếu tố trọng yếu, không phải lúc nào cũng có thể cụ thể hóa thành kết quả. Hội Nghị Diên Hồng không tạo nên chiến thắng Bạch Đằng Giang, dân chúng phải có lãnh đạo thì mới có thể chiến đấu. Dù muốn dù không, ở bất cứ hình thức tranh chấp nào giữa hai nước, chính quyền hiện hữu có nhiệm vụ và giữ vai trò chính. Như thế ngăn chặn xâm lăng Trung Quốc và bảo vệ chủ quyền được hay không, bắt buộc phải trông vào sự vận dụng khôn khéo mọi khả năng của giới cầm quyền Hà Nội.
Một số người có thể hoài nghi về ý chí chống Trung Quốc của nhà cầm quyền Hà Nội. Đó là sự tin tưởng lạc hướng vào giá trị của cái gọi là “16 chữ vàng” từng được dùng để ca tụng mối quan hệ hữu nghị giữa hai đảng Cộng Sản Việt Nam và Trung Quốc. Thật ra nhiều lần trong quá khứ, người ta đã hiểu rằng những lời ca tụng lẫn nhau giữa hai đảng Cộng Sản chẳng có ý nghĩa gì hết. Như cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã nói: “Đừng tin những gì Cộng Sản nói, mà hãy nhìn kỹ những gì Cộng Sản làm”.. Trong cuốn “Bên Thắng Cuộc”, Huy Đức đã viết một đoạn mô tả mối quan hệ giữa hai nước anh em Việt Nam – Trung Quốc là một loạt những dối trá lừa gạt như thế.
Gần đây nhất năm 2011, khi Tổng Bí Thư CSNV Nguyễn Phú Trọng đến thăm Trung Quốc, hai bên đã ký thỏa hiệp đồng ý giải quyết các tranh chấp trên biển và tiến tới hợp tác cùng khai thác dầu khí. Năm ngoái, bản thông cáo chung giữa hai nước ở Bắc Kinh sau cuộc thăm viếng của Chủ Tịch nước Trương Tấn Sang cũng lập lại những cam kết cũ.
Hà Nội không tin tưởng những thỏa hiệp, cam kết, nên chẳng bất ngờ khi giàn khoan HD 981 được lẳng lặng đưa vào vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam hôm đầu tháng. Ngay ngày thứ nhì, 29 tàu cảnh sát biển và kiểm ngư đã được điều phối đến khu vực để biểu lộ sự không đồng ý cho giàn khoan hoạt động tại đây, trong khi phía Trung Quốc nữ phát ngôn viên bộ ngoại giao Hoa Xuân Oánh gọi đó là hành động “quấy rầy”.
BBC dẫn lời nhận định của tiến sĩ Lee Jones, một nhà nghiên cứu về an ninh Châu Á – Thái Bình Dương: “Không nên coi Trung Quốc và Việt Nam là hai đồng minh cộng sản. Đây là hai quốc gia độc đoán, độc đảng, tư bản, và thực sự chẳng có liên quan gì đến chủ nghĩa cộng sản.” Ông nói rằng theo sự hiểu biết của ông “Hai đảng đã có thỏa thuận miệng, đồng ý không công khai chỉ trích lẫn nhau và tìm cách kiểm soát các cuộc biểu tình phản đối bên kia. Giới ưu quyền của hai đảng đang được hưởng lợi từ quan hệ knhtế gần gũi giưa hai nước. Như vậy hành động đặt giàn khoan khiêu khích này đã làm hỏng thỏa thuận đó và đảng CSVN không thể duy trì cam kết ấy vì sự vi phạm chủ quyền biễn đã khuấy động các cuộc biểu tình chống Trung Quốc. Đảng CSVN có thể dung túng biểu tình như lời tố cáo của bộ ngoại giao Trung Quốc, nhưng có lẽ chính họ cũng không lượng định được mức độ mạnh mẽ và các hành động vượt tầm kiểm soát”.
Những cuộc biểu tình bạo loạn rõ ràng rất tai hại cho Việt Nam vốn từ trước đến giờ được coi là nơi làm ăn an toàn cho các nhà đầu tư. Nhưng mặt khác nó lại có tác dụng rất đáng kể trong việc đánh động dư luận thế giới, góp phần thêm vào sách lược vận động ngoại giao chống Trung Quốc. Không có gì nghi ngờ rằng Việt Nam muốn Biển Đông không phải chỉ là vấn đề giải quyết riêng giữa hai nước. Từ trước đến nay chưa bao giờ Hà Nội đàm phán song phương trong những vấn đề Biển Đông vì hiểu rõ thế bất lợi và chắc chắn không tin Trung Quốc.
Từ khi thoát khỏi sự cô lập sau khi rút quân khỏi Cambodia, Việt Nam đã tích cực phát triển bang giao với các quốc gia trên thế giới và đặc biệt cố gắng củng cố vai trò trong khối ASEAN. Vụ khiêu khích hiện nay của Trung Quốc đã được hầu hết các quốc gia trên thế giới lên tiếng, bắt đầu là Hoa Kỳ rồi tới Nhật Bản, Liên Âu, Australia, Ân Độ, Pháp, Nga và cả ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon. Mặc dầu hầu hết đều chỉ là bày tỏ mối quan tâm về tình hình căng thẳng nguy hiểm, kêu gọi tìm giải pháp qua đối thoại và thương lượng, tránh tố cáo đích danh Trung Quốc – trừ Hoa Kỳ và một vài nước khác. Nhưng đó là điều Việt Nam mong muốn có chứ không chờ đợi nhiều hơn.
Cũng như vậy với khối ASEAN. Một nghị quyết của ASEAN chỉ có thể có với sự đồng thuận của toàn thể 10 nước hội viên, trong đó nhiều quốc gia có những quan hệ kinh tế đang tốt đẹp với Trung Quốc, Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 24 ở Naypyitaw, Myanmar, chỉ đưa ra những lời kêu gọi có tính cách tổng quát, nhưng bản thông cáo chung trước đó của hội nghị các bộ trưởng ngoại giao là lần đầu tiên trong lịch sử ASEAN trực tiếp đề cập đến tranh chấp Biển Đông.
Việt Nam tất nhiên cũng không thể chờ đợi hay hy vọng vào sự trực tiếp can thiệp nhiều hơn của một quốc gia nào, chưa nói tới mức can thiệp bằng quân sự trong trường hợp xảy ra xung đột. Điều ấy không thể có trong hoàn cảnh thế giới toàn cầu hóa ngày nay, người Việt đã có kinh nghiệm ấy với Hoa Kỳ từ chiến tranh Việt Nam, cũng như trong cuộc chiến tranh biên giới Trung Quốc năm 1979 khi Việt Nam có hiệp ước hữu nghị với Liên Xô.
Nhiều quan sát viên không tin rằng dầu khí là mục tiêu chính trong vụ Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào tìm dầu ở lô 143 thuộc vùng biển Việt Nam. Trữ lượng dầu khí ở đây chưa biết chắc chắn là bao nhiêu, công ty dầu khí hải dương CNOOC, chủ quản giàn khoan, đưa ra con số cao gấp 10 lần con số do bộ năng lượng Hoa Kỳ dự đoán. Cho dù dự trữ có thể nhiều như vậy nhưng đưa một giàn khoan nước sâu, đào xuống hàng chục ngàn thước dưới đáy biển chỉ trong 3 tháng như Trung Quốc đã tuyên bố thì có thể chưa tìm thấy gì đáng kể. Như vậy tại sao họ phải gây chuyện ở một khu vực gây tranh chấp với kết quả không chắc chắn như vậy?
Vì vậy người ta cho rằng mục tiệu sâu xa của Trung Quốc là bước đầu tiên khẳng định chủ quyền trong vùng biển mà Trung Quốc gọi là đường ranh 9 đoạn hay Đường Lưỡi Bò. Lô 143 cách đảo gần nhất của quần đảo Hoàng Sa 24 hải lý nghĩa là ngoài lãnh hải 12 hải lý. Những đảo nhỏ không có thềm lục địa nên không thể coi là thuộc vùng đặc quyền kinh tế. Nhưng lô 143 cách bờ biển Việt Nam chỉ có 128 hải lý và thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Vậy tranh chấp tại đây không phải là tranh chấp chủ quyền Hoàng Sa mà Trung Quốc đã chiếm giữ.
Bằng cách đưa một giàn khoan khổng lồ có khả năng khoan dò ở vùng nước sâu trên 1,500 mét, nơi thuộc Việt Nam nhưng Việt Nam và các công ty dầu khí Tây Phương do quá tốn kém chưa muốn khai thác, một mặt Trung Quốc lợi dụng đi bước trước, mặt khác xác định sự chiếm hữu không cần tuân thủ quy định về luật biển. Nếu Trung Quốc kéo dài được thời gian và tiếp tục khoan dầu trong 3 tháng như thông báo, thì nếu không được dầu thì nơi đây cũng đã được coi như là vùng biển của họ và từ đó toàn thể Vùng Lưỡi Bò cũng là thuộc họ.
Đài Tiếng Nói Nước Nga trong một bài phát thanh hôm 8 tháng 5, cho rằng đây là trận đấu giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ. Hành động vảo lúc Hoa Kỳ đang vướng bận nhiều vấn đề khác trên thế giới chỉ là một sự lợi dụng thời cơ thuận tiện, cho mục tiêu lâu dài của Trung Quốc là khống chế toàn thể Biển Đông. Đài này nhắc lại rằng Hoa Kỳ vẫn xác định là có lợi ích quốc gia ở Biển Đông bằng sự tự do lưu thông hàng hải, nhưng thật ra điều này hiểu theo nghĩa là tự do của các chiến hạm chứ không chỉ thương thuyền. Nói cách khác, Hoa Kỳ muốn giữ quyền bá chủ ở Biển Đông và bây giờ Trung Quốc muốn dần dần lấn tới. Phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh bộ ngoại giao Trung Quốc luôn luôn nói rằng giàn khoan HD 981 “hoạt động hợp pháp trong lãnh hải của họ” không liên quan gì tới Việt Nam và càng không liên quan gì tới Hoa Kỳ. Tuyên bố ấy cho thấy rõ Trung Quốc đang muốn tự xác định vùng biển trong đường ranh giới 9 điểm, 80% Biển Đông, là hải phận của mình trên thực tế, dù rằng điều này vô căn cứ và quốc tế không công nhận.
Giáo sư Yevgeny Kataev của trường kinh tế cao cấp ở Moscow nói rằng Trung Quốc và Hoa Kỳ có cách giải thích khác nhau về Biển Đông, Hoa Kỳ coi Biển Đông là biển quốc tế còn Trung Quốc tìm cách để Biển Đông trở thành biển nội địa của họ. Theo ông Biển Đông trong tương lai lâu dài sẽ thành nguồn xung đột giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Việt Nam có lẽ nhận định như vậy nên không chờ đợi sự can thiệp của Hoa Kỳ cho riêng mình, vì hiểu rằng Hoa Kỳ cần tranh đấu cho lợi ích của chính họ. Điều này được xác nhận thêm qua việc các giới chức cao cấp Hoa Kỳ liên tục lên tiếng phản đối Trung Quốc. Hôm Thứ Năm Phó Tổng Thống Joe Biden trong cuộc gặp Thượng tướng Phòng Phong Huy, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc, đến thăm tòa Bạch Ốc, bày tỏ sự "quan ngại nghiêm trọng" về những hành động đơn phương của Bắc Kinh trên Biển Đông và kêu gọi ngừng những bước đi khiêu khích, gây ảnh hưởng đến hòa bình khu vực.
Trung Quốc có ngưng hành động khiêu khích hay không và như thế nào, điều ấy chưa thể dự đoán. Nhưng Việt Nam có thể tin tưởng rằng tranh chấp với Trung Quốc đang dần dần được quốc tế hóa và không sợ phải đơn phương đối phó. Chủ Tịch nước Trương Tấn Sang trong cuộc tiếp xúc với cử tri Quận 1 TPHCM, nói rằng “nếu cãi nhau không xong thì phải đưa đi kiện”. Đây là lần đầu tiên Việt Nam chính thức xác nhận sẽ đưa vụ việc ra trước tòa án quốc tế khi không còn phương cách nào khác..
Nếu cuối cùng Trung Quốc chấp nhận thương thuyết thì Việt Nam có thể thương lượng ra sao, nhất định phải đòi hỏi điều gì và có thể nhượng bộ điều gì. Trong cuộc thương lượng, mổi bên có thế mạnh yếu thế nào lúc đó sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố chủ quan và khách quan khác sau này.
Hà Tường Cát
Theo Người Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét