Công nhân là nạn nhân trong một xã hội mà bạo lực được xiển dương bằng mỹ từ, bạo lực cách mạng. Nền chuyên chính vô sản đã biến họ thành biểu tượng, trong khi cuộc sống thường nhựt họ phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thiếu thốn. Chính từ những áp bức, bất công, như: Đi vệ sinh phải xin phép, phải cật lực tăng ca, sống trong những căn phòng chật hẹp, thiếu thốn dần dần tạo cho họ những uất hận. Và chỉ chờ có cơ hội những uất hận kia sẽ bùng phát.
Cuộc bạo loạn của công nhân.
Các cuộc biểu tình của công nhân nhanh chóng biến thành các cuộc bạo động. Hàng ngàn công nhân đã đập phá, đốt cháy nhà xưởng. Họ còn đuổi đánh những người chủ, quản đốc mà họ nghi ngờ là người Trung Quốc. Một giám đốc người Hàn Quốc được cho là đã chết sau khi nhảy từ lầu 2 xuống để cố thoát khỏi sự truy đuổi của công nhân. Chính quyền hoàn toàn bất lực, bỏ mặc cho công nhân tha hồ đập phá trong ngày 13/5. Tình hình chỉ được kiểm soát vào trưa ngày 14/5.
Từ những hình ảnh, thông báo của người dân ở Bình Dương, lửa bốc cháy ngùn ngụt ở những Khu kỹ nghệ (KKN). Rất nhiều công ty đã bị công nhân tràn ào vào để đốt cháy. Bảo vệ công ty đành bất lực trước sự hung hãn của hàng ngàn công nhân.
Tòa nhà văn phòng nhà máy Tân Thành đã cháy rụi. Ảnh: Facebook Osin Huy Đức
Theo những con số mà chúng tôi ghi nhận được từ các báo, có 460 công ty ở Bình Dương bị công nhân đập phá nhà xưởng, cửa kính, cổng… Trong đó, thị xã Dĩ An có 183 công ty, thị xã Thuận An có 140 công ty, thị xã Bến Cát có 7, thành phố Thủ Dầu Một 10, thị xã Tân Uyên 107, huyện Bắc Tân Uyên 13.
Công nhân lo lắng, bảo vệ cố gắng chặn cửa công ty Chutex, Sngapore, trong khi khói vẫn bốc lên từ một nhà xưởng bị cháy. Ảnh: Facebook Osin Huy Đức
Chiều ngày 14/5, Công an tỉnh Bình Dương cho biết họ đã bắt giữ hơn 400 đối tượng gây rối, kích động, xúi giục công nhân đập phá nhà xưởng của doanh nghiệp. Rất nhiều người trong số họ là những tay anh chị, trên người hình xăm chi chít. Nhiều người cho rằng, những thành phần này được nhận tiền để kích động công nhân bạo động. Họ nhận được lệnh từ những thế lực nào đó đứng phía sau.
Các nhà máy vội vàng "ủng hộ Việt Nam". Ảnh: Facebook Osin Huy Đức
Tất cả các nhà máy trong các KKN ở Bình Dương đều đóng cửa vô thời hạn. Cho đến nay vẫn chưa biết khi nào sẽ mở cửa lại. Nạn nhân của cuộc bạo động không chỉ ở những công ty Trung Cộng, mà rất nhiều trong số đó là của người Nam Hàn và Singapore.
Trên trang Channel News Asia ngày 14/5, dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Singapore cho biết, phía Singapore bày tỏ quan ngại với Việt Nam về vụ việc.
"Singapore xem đây là một vấn đề rất nghiêm trọng, nhất là khi xét quan hệ kinh tế mật thiết của chúng tôi với Việt Nam."
"Sáng nay, Bộ Ngoại giao Singapore đã gọi cho đại sứ Việt Nam tại Singapore đề bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình hình an ninh ở VSIP I và II, cũng như các vụ tấn công vào các công ty nước ngoài tại hai khu công nghiệp này."
"Bộ Ngoại giao Singapore yêu cầu chính phủ Việt Nam lập lại luật pháp và trật tự ở hai khu VSIP trước khi tình hình an ninh xấu thêm, làm giảm niềm tin của nhà đầu tư".
Lợi dụng vụ bạo động, rất nhiều người đã tràn vào công ty để hôi của, cướp phá. Không những vậy, họ còn kéo đến những khu trung tâm hành chánh để quậy phá, khiêu khích nhân viên công quyền.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Quang A, vụ bạo động ở những KKN tại Bình Dương đã giống lên hồi chuông cảnh báo để người dân bình tĩnh, cân nhắc trong đấu tranh với giới chủ và tìm mọi biện pháp cách ly những kẻ kích động bạo lực.
Ông này cũng cho biết thêm rằng, Nga cũng đã kích động ở Ukraine, rồi cảnh báo chính quyền Ukraine phải bảo vệ người nói tiếng Nga. Sau đó tìm cớ can thiệp. Và Trung Cộng cũng có thể sử dụng ngón bài này với Việt Nam.
Chén cơm của công nhân và vai trò của công đoàn.
Sau cuộc bạo động của công nhân, tất cả các công ty trong các KKN phải đóng cửa. Đứng trước tình cảnh đó, hàng chục ngàn công nhân đang phải lo lắng trước cảnh thất nghiệp. Và rất nhiều trong số họ đã phải bật khóc.
Vào trưa ngày 14/5, vẫn còn hàng trăm công nhân ngồi trên xe máy, tụ tập thành từng nhóm chạy qua lại trước KKN VSIP1. Nhóm này chạy xe máy tuần hành với thái độ khiêu khích, tiếp tục lôi kéo người tham gia. Nhiều công nhân đã quay sang phản ứng lại số người quá khích trên. Họ rỏ ra bực mình trước sự khiêu khích của nhóm người gây rối. Không những vậy, họ còn đứng thành hàng với những biểu ngữ giơ lên kêu gọi hãy vì chén cơm manh áo, vì gia đình và vì việc làm mà thôi bạo động.
Cho dù không thể biện minh cho hành động bạo lực mà những công nhân kia gây ra. Song, cũng cần phải nhìn nhận lại rằng, công nhân cũng chỉ là nạn nhân của một chế độ độc tài thối nát. Họ không được tiếp cận với thông tin, đã vậy lại ít học, nghèo khổ. Chính vì vậy nên họ dễ dàng trở thành nạn nhân của những mưu đồ chính trị, có thể là từ phía Trung Cộng, nhưng cũng có thể từ những bàn tay đen tối trong nội bộ chính quyền CSVN.
Công nhân là nạn nhân trong một xã hội mà bạo lực được xiển dương bằng mỹ từ, bạo lực cách mạng. Nền chuyên chính vô sản đã biến họ thành biểu tượng, trong khi cuộc sống thường nhựt họ phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thiếu thốn. Chính từ những áp bức, bất công, như: Đi vệ sinh phải xin phép, phải cật lực tăng ca, sống trong những căn phòng chật hẹp, thiếu thốn dần dần tạo cho họ những uất hận. Và chỉ chờ có cơ hội những uất hận kia sẽ bùng phát.
Công nhân không có người đại diện chính đáng cho mình. Tiếng nói của họ không được coi trọng. Ở Việt Nam, công nhân không có một tổ chức đại diện chính danh cho mình. Liên đoàn lao động là một cơ quan của Đảng. Trong những công ty, người đứng đầu Công đoàn do người chủ chỉ định và họ nhận lệnh từ người chủ.
Trước tình trạng bạo động của công nhân, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam được xem như người đại diện cho công nhân lại đưa ra văn bản nói rằng, “việc công nhân lao động có hành động quá khích như: tự ý bỏ việc, đập phá nhà xưởng, máy móc, trang thiết bị là không đúng pháp luật, gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến việc làm đời sống của công nhân lao động”. Đó không phải là lời nói của người đại diện cho công nhân. Những lời ấy hãy để cho ban tuyên giáo hoặc phía Công an, chính quyền.
Cuộc bạo động của công nhân không thể chỉ vì lý do giàn khoan HD 981, mà ẩn sâu trong đó là những xung đột giữa giới chủ và công nhân không được giải quyết. Không phải bây giờ mới có những cuộc bạo động của công nhân, mà trước đó cũng đã từng xảy ra rất nhiều. Và, giàn khoan HD 981 của Trung Cộng chỉ là cái cớ để công nhân trút xả những bức xúc, uất hận của mình.
Tương lai của những công nhân đáng thương kia sẽ đi về đâu khi hàng loạt công ty đóng cửa. Hành động bạo lực chỉ có thể giúp họ trút xả được những bực dọc trong nhất thời, nhưng chén cơm chính là hậu quả mà họ phải gánh chịu trong những ngày tới.
Chưa bao giờ trong lịch sử, lực lượng nòng cốt của đảng CSVN lại bấp bênh như bây giờ.
Người Quan Sát
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét