Trung Quốc và Việt Nam dường như đã gặp phải bế tắc, ít nhất là tạm thời đối với việc giàn khoan khổng lồ được Tổng công ty dầu khí nhà nước Trung Quốc đưa đến một địa điểm trên biển Đông giữa bờ biển Việt Nam và một nhóm đảo có tranh chấp, khi mà đối đầu tiếp tục nâng nhiều vấn đề gai góc của luật pháp quốc tế lên.
Đại tá Phạm Quang Oánh, Tư lệnh phó chính trị Cảnh sát biển Việt Nam cho biết, có đến 15 tàu Trung Quốc đã dùng vòi rồng phun nước một tàu Việt Nam tại hiện trường vào hôm thứ Hai. Ông phủ nhận một bản tin trên báo chí Việt Nam rằng tàu này đã dùng vòi rồng để phun trở lại.
Cuối tuần qua, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu các nhà lãnh đạo Hiệp hội các nước Đông Nam Á ủng hộ trong việc đối phó Trung Quốc. Nhưng chính phủ Myanmar, nước chủ nhà của cuộc họp, chỉ đưa ra một tuyên bố gián tiếp hôm thứ hai, bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc” đối với sự phát triển ở biển Đông mà không nhắc đến Trung Quốc bằng tên.
Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết tại một cuộc họp báo hôm thứ hai rằng Trung Quốc và Việt Nam đã có “14 lần trao đổi thông tin” liên quan đến giàn khoan dầu trong tuần qua, và rằng họ đã tiếp tục trao đổi về nó. Bà ta không nêu cụ thể hai bên đã trao đổi những gì, hoặc cơ sở của các lần trao đổi thông tin này là gì.
Các nhà ngoại giao ở Bắc Kinh nói rằng họ biết không có cuộc đàm phán trọng yếu nào giữa Trung Quốc và Việt Nam. Một nhà ngoại giao cấp cao, không cho biết tên vì sợ Trung Quốc thù ghét, nói ông được biết rằng người đứng đầu của Đảng Cộng sản ở Việt Nam đã đề nghị đi đến Bắc Kinh để nói chuyện với Chủ tịch Tập Cận Bình, nhưng lời đề nghị này đã bị từ chối.
Vụ Trung Quốc gây đối đầu với Việt Nam đang thu hút sự chú ý đặc biệt xung quanh khu vực bởi vì Việt Nam đã đi theo một con đường ngoại giao theo hướng né tránh những vấn đề như vậy.
Việt Nam và Trung Quốc đạt được sự hiểu biết song phương năm 2011 và cũng đạt được một khuôn khổ thảo luận về vấn đề trên biển để chúng sẽ không trở thành cuộc đối đầu vào năm ngoái. Hai nước cũng đã đạt được thỏa thuận về biên giới chung trên đất liền và các quyền trên biển ở Vịnh Bắc Bộ.
Ngược lại, các nước khác trong khu vực, đặc biệt là Philippines với sự ủng hộ từ Hoa Kỳ, đã phản kháng mạnh mẽ việc tham gia vào các cuộc đàm phán song phương với Trung Quốc với quan ngại rằng họ sẽ bị Bắc Kinh bắt nạt. Thay vào đó, họ tìm cách đàm phán đa phương.
Philippines cũng đã bắt đầu lập hồ sơ kiện Trung Quốc trước tòa án của Liên Hiệp Quốc để tìm phân xử của trọng tài cho các yêu sách lãnh thổ ở biển Đông theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Trung Quốc là một bên ký kết công ước, mặc dù họ đã không chấp thuận một thoả ước đi kèm chấp nhận ràng buộc bắt buộc phân xử của trọng tài trong các tranh chấp.
Trung Quốc đã phớt lờ vụ Philippines kiện họ, thậm chí chẳng thèm cử luật sư tranh cãi cho mình.
Các quan chức và học giả ở Việt Nam đã tranh luận trong vòng ít nhất một năm qua liệu Việt Nam cũng nên yêu cầu trọng tài phân xử theo Công ước về Luật biển. Peter Dutton, Giám đốc Viện Nghiên cứu biển Trung Quốc tại trường Naval War College Hoa Kỳ, nói rằng việc tìm phân xử của trọng tài có thể giúp Việt Nam bù đắp trọng lượng của sức mạnh quân sự to lớn hơn của Trung Quốc, và rằng điều đó sẽ bổ sung cho những bước đi khác mà Việt Nam có thể thực hiện.
“Philippines sử dụng luật pháp để cố gắng cân bằng tình thế của họ”, ông nói. “Câu hỏi cho Việt Nam là liệu họ có cảm thấy cần phải sử dụng luật pháp để bổ sung vào các nỗ lực giải quyết tranh chấp của mình hay không”.
Jerome Cohen, mộtchuyên gia lâu năm về vấn đề pháp lý của Trung Quốc, hiện là giáo sư luật tại Đại học New York, nói rằng, việc Việt Nam không nhanh bằng Philippines trong việc đưa ra thách thức pháp lý trực tiếp với Bắc Kinh là điều có thể hiểu được. Không giống như Philippines, Việt Nam không được biển che chắn trước quân đội Trung Quốc, và Việt Nam không có thoả thuận quốc phòng toàn diện với Hoa Kỳ.
“Họ có rất nhiều lý do để không thể cứng rắn như Philippines”, ông Cohen nói.
David Zweig, giám đốc Trung tâm Quan hệ xuyên quốc gia của Trung Quốc tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông, cho rằng lập trường cứng rắn của Trung Quốc đối với Việt Nam bây giờ có thể gây nguy hại các mục tiêu ngoại giao Trung Quốc ở những nơi khác trong khu vực.
“Nếu Trung Quốc không thể làm việc với Việt Nam sau khi có thỏa thuận song phương thì làm sao họ thuyết phục được ai đồng ý theo thoả thuận song phương hơn là các thỏa thuận đa phương?”, Ông nói.
Ông Zweig nói rằng lập trường quyết đoán của Trung Quốc cũng có thể phản tác dụng nếu nó kích thích các quốc gia Đông Nam Á đi theo sự chuyển đổi chiến lược của Tổng thống Obama trong chính sách đối với châu Á. “Tất cả những hành động này càng làm các nước Đông Nam Á có thêm lý do để hoan nghênh sự xoay trục”, ông nói.
KEITH BRADSHER/New York Times
Huỳnh Phan dịch
Jane Perlez đóng góp cho bài báo từ Bắc Kinh, Thomas Fuller từ Bangkok, và Châu Đoàn từ Hà Nội, Việt Nam.
(ABS)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét