Báo chí Trung Quốc yêu cầu Hà Nội phải “chịu trách nhiệm hoàn toàn” cho các vụ “bạo động chết người” ở Việt Nam giữa lúc căng thẳng đang gia tăng giữa hai nước.
Một vụ biểu tình khác diễn ra ở Hà Tĩnh hôm thứ Tư tại một nhà máy của doanh nghiệp Đài Loan. Chính quyền địa phương nói một người chết và 149 người bị thương.Ít nhất 15 nhà máy nước ngoài đã bị phóng hỏa và hàng trăm nhà máy khác bị tấn công bởi hàng nghìn người biểu tình tại hai khu công nghiệp ở tỉnh Bình Dương hôm thứ Ba.
Các cuộc biểu tình diễn ra sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan vào khu vực tranh chấp với Việt Nam trên biển Đông đầu tháng này. Bất chấp các vụ bạo loạn, Trung Quốc nói sẽ tiếp tục cho giàn khoan hoạt động.
China Daily yêu cầu Hà Nội “chấm dứt bạo lực” và “chịu trách nhiệm hoàn toàn cho hậu quả nghiêm trọng mà các tội ác trên gây ra với quan hệ Việt-Trung”.
“Có lý do để người ta đặt câu hỏi là tại sao các vụ biểu tình lại có thể biến thành cơn cuồng nộ chết người chống lại người nước ngoài và hoạt động kinh doanh của họ tại Việt Nam, và tại sao chính quyền địa phương lại thất bại trong việc bảo vệ họ.”
Nhật báo này cũng nói thêm rằng “vụ bạo loạn chết người là bằng chứng cho thấy lời kêu gọi đối thoại của Trung Quốc” về vấn đề lãnh thổ “đã bị Việt Nam làm ngơ”.
‘Tự làm bẽ mặt’
Phê phán chính quyền Hà Nội đã khuấy động dư luận chống lại Trung Quốc, bản tiếng Trung của Hoàn cầu Thời báo nói rằng Việt Nam rốt cuộc đã “tự làm bẽ mặt mình”.
“Sự thật là chính phủ Việt Nam không lường trước giới hạn của chủ nghĩa dân tộc cực đoan và cũng không đủ khả năng kiểm soát bạo lực”.
Nhật báo này thúc giục xã hội Trung Quốc “giữ bình tĩnh” bởi Trung Quốc có “đủ sức mạnh để kiểm soát tình hình”.
“Quan điểm của Bắc Kinh về giàn khoan là không đổi, nhưng Việt Nam hiện lại đang rối loạn. Chỉ từng ấy khác biệt thôi cũng đã nói lên rất nhiều thứ rồi.”
Cùng chung với quan điểm trên, một bài bình luận trên Đại Công Báo, một tờ báo Hong Kong thân Bắc Kinh, cảnh báo những hệ lụy kinh tế cho Việt Nam.
“Có muốn hay không, Trung Quốc hiện đang có nhiều tiếng nói hơn về hội nhập kinh tế tại châu Á. Nếu khiêu khích Bắc Kinh, Việt Nam sẽ bị cô lập về kinh tế. Họ sẽ mất đi những cơ hội hợp tác và phát triển. Tình hình sẽ khó khăn hơn rất nhiều với một nước nhỏ như Việt Nam.”
Với giọng điệu nhẹ nhàng hơn, tờ Tin tức Bắc Kinh thúc giục Hà Nội “bảo vệ hiệu quả các công ty Trung Quốc cũng như các doanh nghiệp ngoại quốc khác hoạt động tại Việt Nam”.
“Chúng tôi hy vọng Thủ tướng Việt Nam sẽ bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của người nước ngoài. Đó không chỉ là cam kết quốc tế, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ich của Việt Nam.”
Nên ‘hành động như Putin’?
Trong khi đó, công dân mạng Trung Quốc thúc giục chính phủ “hành động mạnh mẽ hơn” khi đối phó với Việt Nam.
“Chính phủ chỉ biết phản đối miệng. Tại sao chúng ta không thể học theo Tổng thống Nga Vladimir Putin biến ngôn từ thành hành động?” một cư dân mạng đăng lên Weibo, một mạng xã hội tương tự Twitter của Trung Quốc.
Nhiều người dùng Weibo khác phàn nàn rằng một số cơ quan truyền thông Trung Quốc đang cố vẽ ra “một thế giới hòa bình” bằng việc hạn chế đưa tin về vụ việc.
“Tất cả các nước đều đưa tin về làn sóng bạo loạn chống Trung Quốc khốc liệt này, vậy mà báo chí chúng ta chỉ đưa mấy tin tầm phào lên trang nhất! Trung Quốc, khi nào Người mới quan tâm thực sự tới công dân của mình?” một cư dân mạng Trung Quốc nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét