Pages

Thứ Tư, 14 tháng 5, 2014

Việt Nam bật đèn xanh cho biểu tình chống Trung Quốc đến bao giờ ?

Phong trào biểu tình chống Trung Quốc lan rộng tại Việt Nam - Reuters
Mai Vân
Liên hoan phim Cannes khai mạc tối nay, khủng hoảng Ukraina và các tác động về mặt kinh tế, Thủ tướng Pháp vẫn không được hậu thuẫn mạnh mẽ của các nghị sĩ trong đảng Xã hội. Đây là những hồ sơ thời sự nổi bật trên trang đầu báo Pháp hôm nay. Về thời sự quốc tế, báo Les Echos hôm nay quan tâm đến Việt Nam, trong bài viết trang quốc tế : "Người Việt phẫn nộ đập phá nhà máy Trung Quốc".

Tờ báo tường thuật cảnh hàng ngàn công nhân và nhân viên làm việc tại các nhà máy Trung Quốc ở ít nhất 4 khu công nghiệp ở Bình Dương, đã đình công, đập phá khoảng một chục cơ sở.
Nhưng điểm mà bài báo nêu bật là theo xác nhận của nhiều truyền thông, công an hiện diện tại chỗ đã không can thiệp để ngăn chặn mà giữ thái độ thụ động như trong suốt cuối tuần qua, khi hàng ngàn người biểu tình trước cơ quan đại diện của Trung Quốc ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong đánh giá của Les Echos, chính quyền Viêt Nam, vốn thường nhanh chóng đàn áp mọi phong trào biểu tình và kiểm duyệt báo chí truyền thông nếu đề cập đến biểu tình, lần này có vẻ vô cùng bực dọc trước hành vi của Bắc Kinh chèn ép các láng giềng, gặm nhắm lãnh thổ ở Biển Đông.
Tờ báo cũng nhắc lại là Hà Nội phản đối hầu như hàng ngày việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD981 đến gần đảo Hoàng Sa, và hải quân Việt Nam đã cố ngăn chặn, nhưng tàu Trung Quốc đã không ngần ngại đâm vào tàu Việt Nam.
Tuy nhiên, Les Echos cũng nhận định là cho dù nhận thức rõ về nỗi căm phẫn của dân chúng, nhưng trong những ngày tới đây, chính phủ Việt Nam có thể cũng sẽ quyết định dập tắt phong trào biểu tình chống đối Trung Quốc vì sợ rằng phong trào phản đối Trung Quốc sẽ biến thành phong trào chống lại chế độ Việt Nam.
Mặt khác, chính phủ Việt Nam cũng e ngại tác động đối với các nhà đầu tư nước ngoài hiện diện ở Việt Nam. Tờ báo nhắc lại là Đài Loan đã lên tiếng phản đối sau khi một số cơ xuởng Đài loan bị đập phá vì người biểu tình tưởng nhầm là của Trung Quốc.
Pháp : Mây đen bao phủ vòm trời điện ảnh
Về thời sự Pháp, nếu Le Figaro, dành tít đầu cho chính trị, nhìn thấy Thủ tướng Manuel Valls đang cố tránh sự rạn nứt trong đảng Xã hội, thì báo Libération dành trang nhất cho Liên Hoan Cannes nói đến một ngành điện ảnh đi tìm tác giả. Bên trong, Libération nhìn thấy là tuy rằng Liên hoan vẫn giữ vẻ hào nhoáng với các lễ lạc và minh tinh của mình nhưng đang có "những đám mây ở chân trời".
Những đám mây cụ thể trước tiên là nỗi bất bình giới không biên chế trong ngành sân khấu điện ảnh : điều kiện làm việc bấp bênh, tiền lương thấp và không được bảo đảm. Giới này có thể khiến cho liên hoan năm nay "sôi động".
Liên hoan cũng diễn ra trong bối cảnh ngành điện ảnh Pháp đang gặp khó khăn, như việc các đài truyền hình đặt mua trước phim tác giả đã giảm đi đến 30% trong quý đầu năm nay. Libération còn nhìn thấy phim Pháp hiện diện ở Cannes năm nay đã giảm sụt so với năm trước, 29 phim trên tổng số 140 phim trình chiếu ở Cannes.
Về các bộ phim được trình chiếu, tờ báo nhìn thấy như một thách thức tác phẩm "Welcome to New York" của Abel Ferrara, nêu lại câu chuyện đầy tai tiếng của cựu Tổng giám đốc người Pháp của Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF, ông Dominique Strauss Kahn (DSK).
Điện ảnh Pháp đứng hạng nhì sau Mỹ
Le Figaro không phủ nhận khó khăn của điện ảnh Pháp, vất vả trong việc tìm nguồn tài trợ, lệ thuộc không ít vào các đài truyền hình, chọn phim theo một lôgíc thương mại, trong khi mà để khám phá được nhân tài mới, như một nhà sản xuất giải thích, thì phải có rất nhiều phim. Tuy thế, tờ báo tỏ vẻ lạc quan trong hàng tựa "Pháp, nhà xuất khẩu phim đứng hàng thứ hai sau Hoa Kỳ".
Le Figaro trích một nghiên cứu của UniFrance, cơ quan đặc trách "quảng bá" phim Pháp ở ngoại quốc, cho thấy là tại 14 quốc gia, cho dù dĩ nhiên phim Mỹ vẫn chiếm ưu thế, nhưng Pháp cũng có thể tự hào về nét "độc đáo văn hóa" của mình, vẫn rất được giới hâm mộ điện ảnh ưa chuộng, và Pháp như nói trên, đứng hàng thứ hai sau Mỹ ở nước ngoài.
Phim chiếu ở ngoại quốc đã mang về những khoản tiền không kém khi chiếu trong nước, và còn có khi nhiều hơn. Theo bài báo, vào năm 2013, năm bị đánh giá là tồi tệ, thì phim chiếu ở ngoại quốc đã mang về cho Pháp 300 triệu euro, chiếu trong nước thì cao hơn một chút : 400 triệu.
Nhưng trong năm 2012, với các phim The Artist, Les Intouchables, Taken 2 , thì phần chiếu phim Pháp ở nước ngoài mang về cho điện ảnh Pháp 889 triệu, trong khi trong nước thì chỉ là 503 triệu.
Nhưng không phải chỉ đáng tự hào về mặt tài chính, theo Le Figaro, ¾ người được hỏi cho biết là họ rất thích phim Pháp, mà theo ý kiến của 70%, phim Pháp có cá tính mạnh, độc đáo, táo bạo và thật. Trong những người ưa thích nhất, đứng đầu là Nga, những láng giềng của Pháp như Đức và Anh và cả người Mỹ. 
Ukraina : Giới kinh tế Đức hốt hoảng 
Báo Pháp hôm nay tiếp tục theo dõi tình hình Ukraina. Le Figaro quan tâm đến sự kiện ở Donbass, đông Ukraina, quyền lực bây giờ là trong tay giới quân sự. Libération nêu bật sự mất tin tưởng người dân vào tương lai. Báo kinh tế kinh tế Les Echos cũng nêu bật sự mất tin tưởng do khủng hoàng Ukraina nhưng là nơi giới kinh tế Đức.
Theo Les Echos, chưa phải là cơn hốt hoảng, nhưng có dấu hiệu là tình hình Ukraina ngày càng gây lo ngại nơi giới kinh tế Đức : Chỉ số ZEW đo lường lòng tin, cảm nhận của giới đầu tư và phân tích ở Đức đã xuống rất thấp trong tháng 5, theo số liệu công bố hôm qua, mất đi 10 điểm so với tháng Tư.
Les Echos trích dẵn một kinh tế gia, cho rằng mối lo ngại về tăng trưởng thấy rõ hiện nay là ở Đức. Điều này phản ánh mối quan hệ về thương mại và về nhiên liệu của Đức với Nga và Ukraina mạnh mẽ hơn là trong trường hợp của các nước Tây Âu khác.
Les Echos nêu ví dụ về tác động các chuyển biến ở Ukraina đối với các công ty Đức : Tập đoàn xe hơi Volkswagen chẳng hạn, đã thấy lượng xe hơi bán ở Đông Âu, một thị trường tốt từ trước đến nay, giảm sụt, giảm mạnh là ở Nga, với tỷ lệ 7,4%. Tập đoàn năng lượng EON cho biết kết quả hoạt động ở Nga đã giảm 53% trong quý đầu năm nay.
Kinh tế Nga gánh chịu hậu quả cấm vận
Bên cạnh Đức, tác động đối với kinh tế Nga có phần nghiêm trọng hơn, cùng với sự mất tin tưởng của dân chúng. Les Echos nhận thấy chỉ có ở điện Kremly là còn thấy sự hồ hởi  – có lẽ bề ngoài – nhưng không khí kinh tế nói chung thì rất ảm đạm, trừng phạt của phương Tây đang gây hoang mang.
Bài báo nhắc lại lời cảnh báo của Bộ trưởng Tài chính Alexef Koudrine ngay từ tháng 3 đã lưu ý rằng nguồn tín dụng đang khép lại. Một số đề án có lẽ sẽ bị ngưng, có khi cũng đã bị ngưng rồi.
Les Echos cho rằng các tín hiệu hiện nay ở Nga đều chuyển sang màu đỏ. Đồng rúp mất giá, người Nga đã mua euro và đô la ở mức chưa từng thấy từ 4 năm qua. Theo công bố của Ngân hàng Trung ương Nga, hôm qua, 13/05, lượng tiền đổi là khoảng 10 tỷ euro. Kinh tế đang trong tình trạng suy thoái kỹ thuật.
Khủng hoảng Ukraina cũng tác động đến đầu tư, trong khi mà vốn tăng tốc chạy ra nuóc ngoài. Về các đề án công cộng, giới chuyển chở xác nhận các đề án hạ tầng cơ sở sẽ bị ngưng ngay trong tình hình leo thang quân sự. Tóm lại theo Les Echos, tình hình mù mịt, mối bất an, sự hoang mang ngày càng tăng.
BRIC xem châu Âu là một thị trường không có uy lực chính trị
Với cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu sắp diễn ra, báo chí Pháp đã quan tâm nhiều hơn đến Liên Hiệp Châu Âu 28 nước, thường là với cái nhìn phê phán. Báo Le Monde số ghi ngày hôm nay, 14/05/2014, cũng không ra ngoài thông lệ đó với bài phân tích mang tựa đề : « Đối với các nước đang trỗi dậy, EU chỉ là một đối tác thương mại ».
Dựa trên tìm hiểu của các thông tín viên của mình tại thủ đô của bốn nước được xếp vào khối BRIC, tức là bốn quốc gia « tân hưng » nặng ký nhất hiện nay (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc), Le Monde đã tóm lược tình hình trong hàng tiểu tựa : « Không phải là mô hình chính trị, cũng chẳng phải là tác nhân ngoại giao : Cái nhìn của khối BRIC về Liên Hiệp Châu Âu rất khe khắt ».
Theo tờ báo Pháp, EU đang cố tìm cách khôi phục chỗ đứng của mình trên thế giới, nhưng lại bị tác hại từ ba yếu tố : Toàn cầu hóa, khủng hoảng kinh tế, tài chánh và việc liên tiếp nhận thêm các thành viên mới. Trong bối cảnh đó « đối mặt đà vươn lên của các nước đang phát triển, và trong số đó có khối BRIC (Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc) , Liên Hiệp Châu Âu đã gặp vô vàn khó khăn để được công nhận là một thế lực lớn về kinh tế, chính trị và ngoại giao. »
EU : Vật thể chính trị không xác định
Đối với Le Monde, nhược điểm đầu tiên của EU là cơ chế khó hiểu. Tại Ấn Độ chẳng hạn, như Shreya Pandey, giáo sư tại Đại học Jharkhand từng nghiên cứu về Liên Hiệp Châu Âu cho biết : "EU rõ ràng là không được biết đến nhiều, cụ thể là thiếu vắng trên các phương tiện truyền thông".
Người Ấn Độ biết châu Âu nhưng không hiểu nhiều về Liên Hiệp Châu Âu cho dù hai bên có nhiều điểm chung, đều có 28 thành viên (28 bang ở Ấn Độ) và hầu như có cùng một số lượng ngôn ngữ chính thức. Theo Le Monde, hầu hết các nước khác đều vẫn thấy rằng EU là một "vật thể không xác định", mà các giá trị cốt lõi rất khó xuất khẩu, nhất là khi các giá trị dân chủ, tự do, và đặc biệt là nhà nước phúc lợi đã bị cuộc khủng hoảng bào mòn.
Chuyên gia địa chính trị François Heisbourg tại Quỹ Nghiên cứu chiến lược Pháp thẩm định : "Đối với nhiều nước đang phát triển, EU không phải là một mô hình để theo... Brazil chẳng hạn, không cần phải học hỏi gì từ Liên Hiệp Châu Âu. Dù Nhà nước Brazil có bị tham nhũng, nhưng dân chủ và tính khoan dung cũng là các giá trị của Brazil."
Le Monde ghi nhận là vào năm 2011, bà Dilma Rousseff, Tổng thống Brazil, thậm chí còn quở trách Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, José Manuel Barroso, về chính sách thắt lưng buộc bụng mà EU áp đặt cho các nước thành viên.
Người Nga : Giá trị căn bản của Châu Âu là bảo tồn di tích !
Theo báo Le Monde, các nước Liên Hiệp Châu Âu - hiện ở trong một giai đoạn khủng hoảng bản sắc - đang bị các nước khác thờ ơ, thậm chí còn tạo nên một phản ứng bực dọc, mặc dù lãnh thổ của mình lại thu hút các thành phần giàu có mới tại các nước đang nổi lên.
Nhật báo Pháp nêu lên ví dụ của Nga. Các tầng lớp giàu có, quyền thế tại nước này bây giờ đi khắp thế giới và ào ạt "tiêu thụ" các ngôi nhà sang trọng mua ở Luân Đôn, ở bờ biển Costa Brava tại Tây Ban Nha, ở vùng Côte d' Azur bên Pháp, hoặc ở đảo Sardinia tại Ý. Đối với các tầng lớp này, châu Âu đồng nghĩa với sự giàu có, sự an ninh và sự thoải mái.
Theo một cuộc khảo sát được Viện FOM công bố hôm 01/03, 51% người Nga được hỏi đã từng nghe nói một cách mơ hồ nghe nói về các "giá trị châu Âu", nhưng 35% thú nhận rằng họ không biết đó là gì, và 10% nghĩ rằng đó là "sự tôn trọng và bảo trì các di tích lịch sử" ! Chỉ có 4% là đề cập đến "nhân quyền, dân chủ, tự do."
Cái nhìn hơi phiến diện của người Nga về Liên Hiệp Châu Âu đã tối sầm lại kể từ cuộc khủng hoảng Ukraina. Trước các đe dọa trừng phạt của EU, Tổng thống Nga Putin đã đáp trả bằng việc kích động tinh thần dân tộc chủ nghĩa có hiệu quả. EU đã trở thành đồng nghĩa với sự suy đồi, thậm chí sự thù địch.
Theo một cuộc khảo sát do Trung tâm Levada công bố hồi tháng Ba, 52% người Nga tuyên bố có tâm lý "thù địch đối với EU", mà họ mô tả là "một đồng minh của Mỹ". Chỉ có 32% có ý kiến "tích cực" về đối tác châu Âu. Ba tháng trước đó, tỷ lệ này hoàn toàn ngược lại : 51% người được hỏi có cái nhìn tích cực về EU.
Liên Hiệp Châu Âu bất lực về ngoại giao
Theo nhận xét của Le Monde, tại những nơi không bị coi là thù địch, Liên Hiệp Châu Âu lại bất lực trong việc huy động hậu thuẫn của các nước đang trỗi dậy.
Thật vậy, EU không có gì để các nước này dựa dẫm. Trường hợp cụ thể được tờ báo Pháp nêu bật là Ấn Độ. Châu Âu không thể cung cấp cho nước này chiếc ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc mà New Delhi rất thèm muốn, cũng không thể giúp Ấn Độ chống là đối thủ truyền thống là Pakistan, đó là chưa kể đến Trung Quốc, nước cạnh tranh lớn nhất của Ấn Độ ở châu Á ...
Châu Âu rất muốn New Delhi hỗ trợ lực lượng hải quân của mình, đang hoạt động chống cướp biển trên Ấn Độ Dương. Câu trả lời của New Delhi tuy nhiên rất dè dặt.
EU đồng nghĩa với một thị trường cần khai thác
Trong bối cảnh nói trên, điều vớt vát cho EU chính là thị trường của mình. Theo Le Monde, trong tương lai gần, Ấn Độ chẳng hạn, có thể tái khám phá châu Âu qua thị trường chứ không phải là qua các định chế. Trong mười năm qua, thương mại giữa Ấn Độ và EU đã tăng gấp năm lần, từ 11,8 tỷ đô la lên thành 50.4 tỷ trong năm 2012-2013.
Đối với Le Monde, EU quả là có trọng lượng về mặt kinh tế. Chuyên gia Elvire Fabry, thuộc Viện tham vấn Notre Europe-Institut Jacques Delors ghi nhận ; "Nếu có một địa hạt của EU được thế giới xác định rõ, thì đó là chính sách thương mại... Ủy ban Châu Âu chuyên lo đàm phán các thỏa thuận và xác định các quy tắc hướng tới các thị trường châu Á và Mỹ Latinh, cho phép các thành viên phát huy chính sách ngoại giao thương mại kể từ cuộc khủng hoảng năm 2008.
Theo chuyên gia này, chính nhờ đó mà EU đã duy trì được thị phần của mình trong nền thương mại toàn cầu kể từ năm 2000 ở mức 16%, trong khi Hoa Kỳ bị giảm 5 điểm và Nhật Bản 2 điểm.
Brazil là nước đã nhanh chóng nhận ra tiềm năng đó. Sau nhiều năm thờ ơ khi thấy hoạt động kinh tế trong khu vực đồng euro thiếu kết quả, các lãnh đạo Brazil đã thay đổi giọng điệu và cách tiếp cận của họ. Trong vài tháng qua, Tổng thống Brazil Dilma Rousseff đã đặt trở lại thành ưu tiên việc đúc kết hiệp định thương mại giữa Khối Thị trường Nam Mỹ Mercosur và Liên Hiệp Châu Âu.
Trung Quốc chọn EU làm đối trọng với Mỹ
Trung Quốc cũng chọn Châu Âu làm bạn thương mại, một đối trọng cho Hoa Kỳ. Theo Le Monde, Bắc Kinh coi EU như là một khu vực đầy rẫy cơ hội tốt cho kinh doanh, một lò thử nghiệm các cải cách cho chính Trung Quốc, và là một tập hợp quốc gia không phải là không quản lý được, miễn là biết cách làm điều đó.
Đối với Le Monde, Bắc Kinh đã áp dụng chính sách có thể gọi là chia để trị khi vừa tấn công vào lãnh vực song phương, vừa chú ý đến khía cạnh đa phương. Về song phương, Bắc Kinh biết đâu là những chủ đề nhạy cảm và biết lợi dụng sự cạnh tranh giữa nhiều quốc gia. Về đa phương, Trung Quốc biết chiều đãi các định chế Liên Hiệp Châu Âu vốn có "độc quyền" trong các lĩnh vực quan trọng hàng đầu như thương mại chẳng hạn.
Sự kiện tiêu biểu cho xu hướng này là chuyến viếng thăm Liên Hiệp Châu Âu mới đây của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, khi ông gặp đủ các lãnh đạo EU, từ Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Herman Van Rompuy, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu José Manuel Barroso cho đến Chủ tịch Nghị viện Châu Âu Martin Schulz. Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đến Châu Âu vào cùng thời điểm đã không làm điều đó.

Không có nhận xét nào: