Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam nói Việt Nam và Trung Quốc vẫn có quan điểm khác nhau sau cuộc gặp về vụ giàn khoan.
“Chúng tôi vẫn có quan điểm khác nhau,” ông Phùng Quang Thanh nói với báo giới tại cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng Asean tại Miến Điện hôm 20/5.
Bộ trưởng quốc phòng Myanmar Wai Lwin nói các cuộc gặp giữa Việt Nam, Trung Quốc và Philippines “mang tính xây dựng”.Một thông cáo ra hôm thứ Ba của Asean nói các bộ trưởng quốc phòng Asean đã “có trao đổi quan điểm thẳng thắn về an ninh khu vực và quốc tế”.
“Giới chức Việt Nam hiểu rằng tình hình có thể tác động nền kinh tế của họ,” ông này nói.
Bộ trưởng Myanmar nói thêm rằng ông Phùng Quang Thanh khẳng định Việt Nam “có thể kiểm soát tình hình”.
Việt Nam 'kiềm chế'
Thông Tấn Xã Việt Nam tường thuật Bộ trưởng Phùng Quang Thanh phát biểu tại Myanmar rằng Việt Nam "sẽ hết sức kiềm chế để không xảy ra xung đột quân sự trên biển".
"Chúng tôi không sử dụng máy bay, tàu tên lửa, tàu pháo, lực lượng đặc công người nhái tấn công, phá hủy giàn khoan của Trung Quốc. Việt Nam chỉ sử dụng các tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư và tàu cá của ngư dân để bảo vệ chủ quyền."
Ông nói thêm: "Chính phủ Việt Nam đang thực hiện nhiều biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho công dân và doanh nghiệp nước ngoài làm ăn tại Việt Nam."
"Cơ bản tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đã trở lại bình thường. Chúng tôi đề nghị các nước bạn bè chia sẻ khó khăn đó với Việt Nam, động viên các nhà đầu tư yên tâm làm ăn tại Việt Nam."
Trong khi đó, Tân Hoa Xã đưa tin Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn đã mạnh mẽ chỉ trích Việt Nam khi gặp người tương nhiệm Phùng Quang Thanh tại hội nghị ở Naypyidaw, Myanmar.
Hãng tin Trung Quốc thuật lại những gì ông Thường nói với ông Thanh tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN chiều 19/5:
"Bộ trưởng Thường Vạn Toàn cho biết, thời gian qua, Việt Nam tiến hành quấy nhiễu tác nghiệp khoan thăm dò bình thường và hợp pháp của Trung Quốc tại vùng biển quần đảo Tây Sa [Hoàng Sa], đặc biệt là gần đây Việt Nam xảy ra các vụ bạo lực đánh đập, cướp bóc và thiêu đốt nhằm vào doanh nghiệp và công dân Trung Quốc, Trung Quốc kiên quyết phản đối và lên án việc này.
"Hoạt động tác nghiệp chính đáng trên vùng biển Tây Sa là quyền lợi của Trung Quốc, không có ai có thể ngăn cản được. Việt Nam cần tôn trọng lịch sử, nhìn thẳng vào thực tế, xuất phát từ đại cục hữu nghị Trung-Việt, không nên đã sai lại càng sai, trở thành sai lầm lớn."
Tin được BấmĐài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc dẫn lại cũng nói về phản ứng của ông Thanh:
"Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho biết, Đảng, Chính phủ và quân đội Việt Nam cực kỳ coi trọng phát triển đoàn kết và hữu nghị với Trung Quốc.
"Quân đội Việt Nam sẽ không áp dụng hành động làm phức tạp tình hình, sẵn sàng cùng với Trung Quốc duy trì trao đổi về các vấn đề liên quan."
Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh nói với báo trong nước hôm 20/5 rằng Việt Nam đã 20 lần yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan.
"Chúng ta cương quyết và dứt khoát đấu tranh yêu cầu Trung Quốc phải rút," ông Minh nói.
Trong hôm 20/5, Quốc hội Việt Nam đã dành phần lớn ngày khai mạc để nghe chính phủ báo cáo về tình hình căng thẳng với Trung Quốc trên Biển Đông.
Quốc hội Việt Nam khóa 13 đã khai mạc kỳ họp thứ Bảy vào sáng thứ Ba ngày 20/5 trong bối cảnh căng thẳng dâng cao với Trung Quốc xung quanh giàn khoan HD-981 mà nước này đặt tại khu vực biển Hoàng Sa.
Các phát biểu của lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc vào buổi sáng đều nhấn mạnh về vấn đề Biển Đông.
Trong buổi chiều, Quốc hội họp kín để nghe Phó Thủ tướng, Ngoại trưởng Phạm Bình Minh báo cáo tình hình và cách xử lý của Việt Nam, theo thông báo trước đó của ông Nguyễn Hạnh Phúc, chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét