Tàu ngầm lớp Virginia
|
Với tư cách là một siêu cường, trong nhiều thập kỷ qua, Mỹ đã duy trì một lực lượng quân đội đáng sợ với công nghệ tối tân. Trong khi nhiều vũ khí mà Trung Quốc chế tạo được cho là nhằm thẳng vào Mỹ thì không có vũ khí nào Mỹ chế tạo được cho là công khai hướng tới mục đích đối phó với Trung Quốc. Trên thực tế, nhiều vũ khí của Mỹ được thiết kế từ thời Chiến tranh Lạnh và trước khi diễn ra sự nổi lên của quân đội Trung Quốc. Tuy nhiên, những vũ khí của Mỹ luôn thể hiện sức mạnh kỹ thuật, công nghệ vượt trội so với Trung Quốc.
Ngoài tàu ngầm lớp Ford và máy bay chiến đấu tàng hình F-22, còn có 3 loại vũ khí khác của Mỹ khiến Trung Quốc phải run sợ. Đó là tàu ngầm lớp Virginia, máy bay ném bom B-2 Spirit và chiến đấu cơ F-35 Lightning II.
Tàu ngầm lớp Virginia
Tàu ngầm tấn công lớp Virginia là tàu ngầm hạt nhân tối tân nhất thế giới. Được đưa vào biên chế từ năm 2004, tàu ngầm lớp Virginia có trọng tải 7.800 tấn và chạy bằng một lò phản ứng hạt nhân S9G đơn. Những chiếc tàu ngầm lớp Virginia không chỉ có khả năng tấn công các tàu nổi và tàu ngầm của đối thủ mà còn có khả năng thực hiện những cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình, là tàu mẹ cho những phương tiện không người lái dưới biển, hỗ trợ cho các lực lượng thực hiện chiến dịch đặc biệt của hải quân và thu thập thông tin tình báo.
Tàu ngầm lớp Virginia được trang bị 12 ống phóng thẳng đứng để thực hiện các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình tầm xa Tomahawk UGM-109 (tàu có khả năng mang theo 16 quả Tomahawk). Tàu ngầm lớp Virginia còn được trang bị 4 ống phóng ngư lôi 533mm có thể phóng ngư lôi Mk-48 và tên lửa chống hạm Harpoon. Những chiếc tàu ngầm thuộc lớp Virginia cũng có thể làm nhiệm vụ chuyên chở lực lượng tinh nhuệ SEALs của Hải quân Mỹ và các lực lượng đặc nhiệm khác.
Trung Quốc sợ tàu ngầm lớp Virginia bởi nước này hoàn toàn không có kinh nghiệm hoạt động trong các cuộc chiến tranh chống tàu ngầm cũng như thiếu nghiêm trọng năng lực chống tàu ngầm. Không có tàu ngầm nào của Trung Quốc, trong đó có cả tàu ngầm hạt nhân Shang hay tàu ngầm lớp Yuan chạy bằng điện-diesel, có thể sánh được với tàu ngầm lớp Virginia của Mỹ về thiết bị cảm biến, khả năng tàng hình và vũ khí trang bị. Tàu ngầm Trung Quốc sẽ đặc biệt ở thế bất lợi nếu đối đầu trực diện một-một với tàu ngầm lớp Virginia của Mỹ. Trung Quốc có khoảng 3 chiếc máy bay tuần tra biển tầm xa Y-8 cùng lớp với những chiếc P-3C Orion. Ngược lại, Nhật Bản lại sở hữu đến 100 chiếc máy bay P-3C Orion và Tokyo coi năng lực chiến tranh chống tàu ngầm quan trọng đến mức mà nước này đang phát triển một loại máy bay riêng để thay thế cho những chiếc Orion.
Hầu như nếu không nói là tất cả hạm đội tàu nổi của Trung Quốc, trong đó có tàu sân bay Liêu Ninh, có vũ khí chống tàu ngầm nhưng chất lượng của chúng không được biết đến và nhiều trong số đó, ví dụ như ngư lôi chống tàu ngầm, là thứ vũ khí được sao chép từ các thiết kế cũ của Liên Xô và phương Tây. Trung Quốc hiện đang tìm cách củng cố năng lực chiến tranh chống tàu ngầm, bao gồm việc xây dựng tới 20 tàu khu trục lớp Type 054A được trang bị các thiết bị cảm biến hiện đại, súng cối chống tàu ngầm, ngư lôi và trực thăng chống tàu ngầm. Người ta cũng đồn rằng, Trung Quốc đang phát triển một phiên bản chống tàu ngầm của tàu lớp Type 056 được trang bị hệ thống cảm biến tối tân. Bắc Kinh cũng đang nỗ lực phát triển một mạng lưới giám sát dưới đáy biển.
11 chiếc tàu ngầm lớp Virginia đang hoạt động trong quân đội Mỹ và Mỹ đang có kế hoạch mua thêm ít nhất 30 tàu ngầm loại này. Tàu lớp Virginia thể hiện năng lực hiếm có và nó có thể tạo ra những “cú đấm” khủng khiếp.
Máy bay ném bom B-2 Spirit
Là một trong những máy bay nổi tiếng nhất thế giới, máy bay ném bom cánh dơi B-2 Spirit cũng là một trong những loại máy bay có sức hủy diệt kinh khủng nhất.
B-2 Spirit là máy bay ném bom chiến lược do tập đoàn Northrop Grumman phát triển từ những năm 1980 nhằm đối phó với Liên Xô. B-2 Spirit có khả năng oanh tạc mục tiêu bằng cả bom thông thường và bom hạt nhân. Điểm đáng sợ của B-2 chính là khả năng tàng hình siêu việt, cho phép máy bay này thâm nhập mọi hệ thống phòng không tinh vi và dày đặc của đối phương.
B-2 được mệnh danh là máy bay quân sự đắt nhất thế giới vì nó có chi phí sản xuất ước tính lên tới hơn 2 tỷ USD/1 chiếc. Máy bay ném bom chiến lược này có kiểu dáng như một con dơi khổng lồ.
Máy bay ném bom B-2 Spirit được sử dụng lần đầu tiên trong chiến tranh Kosovo vào năm 1999. Loại máy bay tối tân này cũng đã có mặt tại nhiều chiến trường ác liệt khác như Iraq, Afghanistan, và mới đây nhất là trong chiến dịch không kích của NATO ở Libya.
B-2 Spirit có tầm hoạt động lên tới gần 10.000 km. Nó có thể chuyên chở đến 21 quả bom hạt nhân B61, hoặc 16 quả bom hạt nhân B83, hoặc 80 trái bom Mk 82 có trọng lượng 227 kg.
Nói đến B-2 Spirit, ngoài kiểu dáng độc đáo, khác hẳn với những loại máy bay ném bom thông thường, chúng ta không thể không nhắc đến lớp vỏ tàng hình với tính năng chống radar nổi tiếng của nó. Lớp vỏ này khiến B-2 Spirit có khả năng xuyên thủng hệ thống phòng thủ hiện đại nhất của đối phương và tiến hành oanh tạc các mục tiêu. Lớp vỏ ấy có tác dụng làm giảm cường độ các tín hiệu âm thanh, hồng ngoại, điện từ, quang học và sóng radar, qua đó gây khó khăn cho các hệ thống phòng thủ trong việc phát hiện, theo dõi và tiêu diệt máy bay.
Ngoài ra, chính thiết kế sải cánh ngang bè khác thường và các chất liệu tổng hợp đặc biệt của B-2 cũng góp phần vào việc tăng khả năng tàng hình của nó. Động cơ của B-2 được đặt ngay trong cánh của máy bay để giấu vị trí các cánh quạt hút cũng như ống xả.
Sự kết hợp giữa công nghệ chống radar, thiết kế khí động học và trọng tải lớn đã giúp B-2 Spirit có nhiều ưu thế vượt trội so với các mẫu máy bay ném bom trước đó.
Với thiết kế độc đáo của mình, B-2 Spirit không chỉ là một vũ khí chiến tranh "khiến mọi đối thủ khiếp sợ" mà còn là một tác phẩm nghệ thuật thực thụ. Nó còn được mệnh danh là “bóng ma trên bầu trời”.
B-2 đáng sợ với Trung Quốc bởi nó không thể bị phát hiện và có thể tấn công các mục tiêu ở bất kỳ nơi đâu trên lãnh thổ Trung Quốc. B-2 có thể cất cánh từ Căn cứ Không quân Andersen ở đảo Guam và tấn công vào các mục tiêu từ Tân Cương đến Thượng Hải. Nếu Mỹ, Trung có chiến tranh với nhau ở Tây Thái Bình Dương, Trung Quốc phải sẵn sàng đón nhận các cuộc tấn công vào bất kỳ nơi nào trong đường biên giới của họ.
Chiến đấu cơ F-35 Lightning II
Chiến đấu cơ F-35 do hãng Lockheed Martin thiết kế và phát triển dựa trên phiên bản máy bay X-35 trước đó, nằm trong dự án hợp tác phát triển chiến đấu cơ tiêm kích giữa Anh, Mỹ và một số chính phủ liên minh khác. Đây là loại chiến đấu cơ tiêm kích đa năng tàng hình hiện đại và cơ động bậc nhất thế giới. Máy bay này được phát triển để thực hiện các nhiệm vụ như tấn công các mục tiêu trên mặt đất, trinh sát và phòng không.
Các thông số kỹ thuật của F-35 cho thấy đây là một thế hệ máy bay tàng hình vượt bậc, với chiều dài khoảng 15m, có sức chứa trong hơn 7.200 lít nhiên liệu và có thể bay với tốc độ lên tới hơn 1.920 km/h.
Vũ khí mà F-35 được trang bị cũng hết sức tối tân, bao gồm 1 khẩu pháo GAU-12/U 25 mm - gắn từ 180 quả đạn đến 220 quả đạn tùy phiên bản nâng cấp. F35 được trang bị tên lửa, bom nhiều hơn và một thùng nhiên liệu phụ. Trong thân máy bay, tối đa có 4 tên lửa đối không AIM-120 AMRAAM, AIM-9X Sidewinder hay AIM-132 ASRAAM hoặc 2 tên lửa đối không và 2 tên lửa đối đất.
Tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ từng tự tin tuyên bố loại máy bay tiêm kích tàng hình F-35 mới của họ có thể tiêu diệt các hệ thống tên lửa phòng không S-300 của Nga - một trong những hệ thống tên lửa phòng không hiện đại nhất trên thế giới.
Mặc dù quá trình phát triển F-35 Lightning II có những trục trặc nhất định nhưng một khi F-35 được đưa vào hoạt động thì nó sẽ là một chiến đấu cơ cực kỳ đáng sợ.
Thêm sự có mặt của F-35, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với thêm khó khăn trong việc đối phó với vũ khí tàng hình của Mỹ. Trong bất kỳ cuộc xung đột nào trong tương lai, Trung Quốc có thể sẽ phải đương đầu không chỉ với F-22 Raptor từ Căn cứ Kadena ở Okinawa của Nhật mà còn cả F-35A từ căn cứ Misawa ở Nhật.
Sự song kiếm hợp bích giữa F-22 với F-35 có thể khiến bất kỳ đối thủ nào cũng phải ngán ngẩm, dè chừng. /Kiệt Linh - (tổng hợp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét