Võ Long Triều
Quyết định đặt giàn khoan HD-981 trong vùng biển của Việt Nam, Trung Quốc đã toan tính sẽ gặp phản ứng dây chuyền. Thế giới bất bình, lo ngại, phê phán gắt gao, thậm chí còn đe dọa và chuẩn bị đối phó. Những điều đó chắc chắn Bắc kinh đã có dự trù. Một khi đã khẳng định và xác quyết chủ quyền của mình trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì sẽ không vì phản ứng, dù gắt gao hay chiếu lệ, của thế giới mà Trung Quốc e ngại phải rút lui.
Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Chuck Hagel (trái) và Bộ Trưởng Quốc Phòng Nhật Itsunori Onodera, tại Thượng đỉnh Quốc phòng Shangri-La, Singapore. (Hình: AP/Photo) |
Làm như vậy Bắc Kinh sẽ mất hết uy tín và danh dự của một cường quốc có tham vọng trở thành giàu mạnh nhứt về kinh tế và quân sự, thay Mỹ áp đặt một trật tự mới cho sinh hoạt chính trị thế giới. Ðó là chủ trương của chiến lược gia Ðặng Tiểu Bình từ năm 1991. Ông đã công khai đặt việc hiện đại hóa quân sự lên hàng ưu tiên số một. Ông đã bí mật tăng ngân sách quốc phòng ngoài sự hiểu biết và tưởng tượng của Tây phương. Ông được toàn dân sùng kính mãi cho đến ngày nay. Ban lãnh đạo hiện thời của Trung Quốc đang theo đuổi và từng bước thực hiện chiến lược của Ðặng Tiểu Bình.
Ðặt giàn khoan trong vùng biển Hoàng Sa, Trung Quốc biết chắc Việt Nam sẽ không dám phản ứng vì há miệng mắc quai. Ngoài ra Việt Nam còn là một đồng đảng vệ tinh “tốt” của Trung Quốc, nếu không muốn nói là chư hầu. Cộng Sản Bắc Việt không hề liên kết quân sự với bất cứ một quốc gia nào từ khi mới thành lập, ngoại trừ làm tay sai cho cộng sản Liên Xô và Trung Quốc với “nghĩa vụ quốc tế” là cộng sản hóa miền Nam Việt Nam, Thái Lan, Miến Ðiện, v.v... Hai quan thầy của Việt Nam là Liên Xô, và Trung Quốc luôn luôn đối đầu với các quốc gia tư bản Tây phương suốt thời gian Chiến Tranh Lạnh.
Vậy thì bây giờ ai sẵn sàng bênh vực cho một chư hầu Cộng Sản Việt Nam bị quan thầy Cộng Sản Trung Quốc áp bức. Vả lại Tổng Trưởng Quốc Phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh vừa mới tuyên bố tại Shangri-La: Quan hệ Việt-Trung vẫn “phát triển tốt đẹp” và sự xung đột trên biển Ðông chỉ là “mâu thuẫn gia đình”!
Theo một chuyên gia người pháp, về Trung Quốc và Việt Nam, ông Laurent Guédéon, cho rằng trong toàn bộ cuộc khủng hoảng này, Trung Quốc đã thắng vì họ đã làm được những gì họ muốn trên biển Ðông. Với cách nhìn của ông Guédéon thì đây là chiến thắng của Trung Quốc về mặt chính trị lẫn về mặt ngoại giao. Bởi vì từ năm 1974 Hoàng Sa đã chịu sự trực tiếp quản lý của Trung Quốc, nên một khi họ đưa giàn khoan vào vùng này rồi nếu có rút đi thì chủ quyền của họ đối với vùng này vẫn không thay đổi. Ðiều quan trọng hơn là một hành động thử nghiệm phản ứng của các nước láng giềng với Việt Nam và của Hoa Kỳ.
Sở dĩ Nhật Bản và Philippines lên tiếng ủng hộ Việt Nam vì họ cũng là nạn nhân đồng cảnh ngộ, nên thừa cơ hội, tố cáo Trung Quốc lộng hành. Hai quốc gia này cũng biết chắc Trung Quốc không dám động tới mình vì có đồng minh Hoa Kỳ công khai tuyên bố sẽ bảo vệ nếu họ bị tấn công.
Tóm lại Trung Quốc đang cần tài nguyên khổng lồ dưới đáy biển Hoàng Sa và Trường Sa để vương lên thành cường quốc số một, trong khi Hoa Kỳ đang yếu dần vì hai trận chiến Afganistan và Iraq.
Dù vậy mặc lòng ngày 29 tháng 5, 2014, Tổng Thống Barak Obama vẫn tuyên bố tại học viện quân sự West Point: “Mỹ sẵn sàng đáp trả, hành động gây hấn của Trung Quốc đối với các nước láng giềng trên biển... Mỹ cần phải dứt bỏ chính sách đứng ngoài cuộc và quân đội Mỹ phải chuẩn bị cho những cuộc khủng hoảng... Những hành động gây hấn trong khu vực dù ở miền Nam Ukraine hay biển Nam Trung Hoa, hoặc bất cứ nơi nào khác trên thế giới, cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến các đồng minh của chúng ta và có thể lôi cuốn quân đội chúng ta can dự.” Ông Obama còn nói thêm, “Tôi muốn nhắc lại một nguyên tắc mà tôi đã đặt ra từ khi nhậm chức tổng thống: Hoa Kỳ sẽ sử dụng quân đội, đơn phương nếu cần thiết, nếu cần cho lợi ích cốt lõi của chúng ta.” Ông cả quyết Mỹ sẽ lãnh đạo, tuy nhiên sẽ dựa trên “hành động mang tính tập thể” với đồng minh.
Ngày 30 tháng 5, 2014, bộ trưởng quốc phòng 3 nước Nhật Bản, Australia và Mỹ đưa ra một tuyên bố chung phản đối mưu đồ có mục đích thay đổi hiện trạng bằng vũ lực.
Tại Shangri-La ngày 1 tháng 6, 2014, tổng trưởng Quốc Phòng Mỹ ông Chuch Hagel xác định quan điểm của Tổng Thống Obama. Ông Hagel nói: “Trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã thực hiện các hành động đơn phương, gây mất ổn định và đòi hỏi chủ quyền ở biển Ðông. Mỹ sẽ không làm ngơ khi các nguyên tắc cơ bản của trật tự quốc tế bị thách thức.”
Những lời tuyên bố rõ ràng, mạnh dạn của tổng thống và bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ khiến Trung Quốc phải giật mình lo ngại và phản ứng qua lòi tuyên bố của Trung Tướng Vương Quang Trung, phó tổng tham mưu trưởng quân giải phóng Trung Quốc, rằng: “Những lời phát biểu trên đây chứa đầy sự bá quyền, khiêu khích, đe dọa, một sự hăm dọa hoàn toàn không mang tính xây dựng, hơn nữa lại công khai chỉ trích đích danh Trung Quốc. Những kiểu cáo buộc này là hoàn toàn vô căn cứ, không có lý lẽ.” Tướng Vương Quang Trung công khai tố cáo hai nước đồng minh Mỹ-Nhật đã cùng nhau khiêu khích Trung Quốc...
Trong khi đó Thủ Tướng Nhật Bản Shinzo Abe chiếm diễn đàn Shangri-La, đọc diễn văn khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Châu Á, còn gọi là Ðối Thoại Shangri-La lần thứ 13, Ông Abe tuyên bố: “Nhật Bản sẽ đóng vai trò và chủ động lớn hơn trong việc duy trì hòa bình tại Châu Á và thế giới. Nhật Bản và đồng minh Hoa Kỳ sẵn sàng hợp tác cùng ASEAN trong việc thúc đẩy hòa bình tại khu vực.” Ông so sánh những hành động của Trung Quốc ở biển Ðông và việc Nga xâm chiếm bán đảo Crimea, ông cho rằng tình hình giống như trước khi xảy ra Thế Chiến Thứ Nhứt.
Ngoài ra ông cho biết Nhật Bản sẽ đào tạo 250 người Philippines, Indonesia và Malaysia về việc bảo vệ bờ biển. Ðồng thời ông Abe đang thúc đẩy việc chỉnh sửa điều 9 Hiến Pháp Nhật Bản cho phép Tokyo thực hiện quyền tự vệ tập thể và hỗ trợ quân sự cho các nước cần sự giúp đỡ khi bị tấn công. Báo chí Trung Quốc tố cáo thủ tướng Nhật Bản làm loạn ở Châu Á.
Có thể nhận xét một bên là tổng thống Mỹ nói, sẽ “hành động mang tính tập thể” với đồng minh. Một bên khác thủ tướng Nhật tuyên bố, sẽ đóng vai trò và chủ động lớn hơn trong việc duy trì hòa bình tại Châu Á và thế giới. Phải chăng là hai cường quốc Mỹ-Nhật đã thỏa thuận chia nhau vai trò gìn giữ an ninh hòa bình trên thế giới. Nhật Bản là tai mắt và sức mạnh kềm chế Trung Quốc ở Á Châu, Mỹ và đồng minh Âu Châu phụ trách việc đối đầu với Nga, một phần tử chính của công sản Liên Xô còn sót lại. Cái thế của đồng minh Mỹ Nhật ở Á Châu còn có thêm sự hỗ trợ của Ðại Hàn, Úc Châu và Ấn Ðộ.
Riêng phần Trung Quốc chuẩn bị đương đầu với Mỹ chỉ còn cách kết hợp với Nga là đồng minh cộng sản ngày trước. Ðể chứng minh tình hữu nghị đó và đồng thời cũng tỏ cho thế giới biết Nga-Tàu là một, ngày 26 tháng 5, 2014, Bắc Kinh cùng với Moscou diễn tập quân sự chung trên biển Hoa Ðông, bắn đạn thật.
Tình hình chính trị quốc tế ngày nay cho thấy hai khối đối đầu nhau không còn là Hoa Kỳ và Liên Xô như thời Chiến Tranh Lạnh trong thế kỷ 20, mà chiến tranh lạnh, hay có thể nóng, trong tương lai sẽ xẩy ra giữa hai tập đoàn Mỹ-Nhật đương đầu với Nga-Tàu, đang giành nhau quyền áp đặt một trận tự thế giới mới cho thế kỷ 21.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét