Pages

Thứ Sáu, 25 tháng 7, 2014

Dự án nhiệt điện và nhà thầu Trung Quốc: Rẻ hóa đắt

Nhà máy Đạm Cà Mau trong cụm công nghiệp khí
 - điện - đạm Cà Mau. Ảnh: TL
Theo số liệu của viện Nghiên cứu cơ khí (bộ Công Thương) vừa công bố, Việt Nam hiện có 20 dự án năng lượng thì 15 công trình do tổng thầu Trung Quốc thực hiện với tỉ lệ nội địa hoá bằng 0%.

 Song điều đáng nói ở đây là chất lượng, tiến độ thi công và “vấn đề đội giá” của nhà thầu Trung Quốc khiến không ít chuyên gia đặt ra câu hỏi lớn về công tác tổ chức đấu thầu, chọn thầu của chủ đầu tư - tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

 Rất nhiều vấn đề bất cập và hệ luỵ khôn lường từ các dự án năng lượng của EVN do nhà thầu Trung Quốc thi công đã và đang được phân tích dưới góc nhìn của các chuyên gia. Bài viết dưới đây chỉ mới là cái nhìn chung về thực trạng các dự án nhiệt điện do Trung Quốc là nhà thầu giai đoạn 2006 - 2010(*).

Điệp khúc... “chậm tiến độ” 

Cách đây không lâu, hiệp hội Năng lượng Việt Nam kiến nghị tới Quốc hội, Chính phủ các giải pháp đẩy nhanh tiến độ nhiều dự án năng lượng, đặc biệt nhấn mạnh tới những yếu kém của các dự án do nhà thầu Trung Quốc đảm nhận.

Thông tin từ hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết hầu hết các dự án nguồn điện trong Quy hoạch điện 6 (giai đoạn 2006-2010) đều bị chậm tiến độ như các nhà máy thuỷ điện sông Ba Hạ, Pleikrông, Bản Vẽ...; các nhà máy nhiệt điện: Uông Bí (mở rộng 1), Hải Phòng 1, Quảng Ninh 1, Vũng Áng 1, Sơn Động, Mạo Khê, Nông Sơn, Ô Môn 1. Đặc biệt, các dự án điện do các nhà thầu Trung Quốc đảm nhận như: Hải Phòng 1, Hải Phòng 2, Cẩm Phả 1, Cẩm Phả 2, Quảng Ninh 1, Quảng Ninh 2, Mạo Khê, Thái Nguyên, Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1 và nhà đầu tư tư nhân Trung Quốc như Kiên Lương... đều bị chậm; có những dự án đến nay chưa triển khai, chậm tiến độ từ hai - ba năm.
Lý do chậm được hiệp hội này đưa ra, do năng lực nhà thầu yếu, thiếu kinh nghiệm và không thu xếp được tài chính. Nhà thầu hứa cung cấp đủ vốn cho dự án, nhưng thực chất là thiếu công nghệ, thiết bị không đồng bộ.

Nguồn thông tin từ EVN cũng cho thấy, đặc điểm chung nhiều dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện do ngành này quản lý, làm chủ đầu tư, dù được nhà thầu Trung Quốc bỏ thầu giá rẻ nhưng lại bị chậm tiến độ gây thiệt hại khó thống kê được. Như nhà máy nhiệt điện Cao Ngạn bị chậm 28 tháng, nhiệt điện Sơn Động chậm 24 tháng, nhiệt điện Nông Sơn chậm 20 tháng, nhiệt điện Cẩm Phả 1 chậm 10 tháng, nhiệt điện Cẩm Phả 2 chậm ba tháng. Các dự án do ngành điện quản lý và đầu tư như nhiệt điện Hải Phòng 1, 2 và nhiệt điện Quảng Ninh 1, 2 đều chậm từ 18-24 tháng, đến nay vẫn chưa thể bàn giao được.
Không thua kém các ngành khác, tập đoàn Than và khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cũng liên tục than vãn, điển hình mới đây Vinacomin báo cáo trong văn bản gửi bộ Công Thương, ước tính việc chậm tiến độ các dự án của đơn vị do nhà thầu Trung Quốc thi công gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Tính cả phần đội vốn thì con số này phải lên tới cả nghìn tỷ đồng.

Dự án chậm tiến độ đã làm tăng chi phí như tăng khoản lãi vay, tăng chi phí quản lý dự án, chi phí thuê tư vấn, tăng chi phí chuẩn bị sản xuất... Điều này được thể hiện qua việc nhiều dự án điện bị đội mức đầu tư khá nhiều sau khi hoàn thành.

Rẻ hoá... đắt 
Kinh nghiệm nhãn tiền phải kể đến bài học “xương máu” trị giá 1,2 triệu USD của tổng công ty Điện lực thuộc tập đoàn Than - khoáng sản Việt Nam (TKV) sau sáu dự án điện làm với nhà thầu Trung Quốc. Kết cục rút ra là đối với các dự án do nhà thầu Trung Quốc thực hiện, chậm tiến độ và chi phí đầu tư cũng không rẻ như giá trúng ban đầu.

Theo đó, lần lượt, dự án nhiệt điện Cao Ngạn (công suất 100MW), nhiệt điện Sơn Động (200 MW), nhiệt điện Nông Sơn (30 MW), nhiệt điện Cẩm Phả 1 (310 MW), nhiệt điện Cẩm Phả 2 (300MW) rồi nhiệt điện Mạo Khê (440MW) do TKV làm chủ đầu tư đều rơi vào tay nhà thầu Trung Quốc. Tính sơ sơ tổng giá trị hợp đồng EPC do các nhà thầu Trung Quốc đảm trách tại sáu dự án lên tới 1,2 tỉ USD.

Thế nhưng, điều đáng buồn là, hơn 1,2 tỉ USD đã vui vẻ phóng tay ký kết xong rồi, giờ đây “người trong cuộc” mới biết: thì ra kinh nghiệm làm tổng thầu EPC của các nhà thầu Trung Quốc còn ít, thế nên khi triển khai dự án gặp muôn vàn cái khó. Bên cạnh đó, việc tiếp cận với các tiêu chuẩn quốc tế của các nhà thầu chưa tốt vì đa số các nhà thầu thiết kế, thi công xây dựng của Trung Quốc chỉ quen với các tiêu chuẩn của Trung Quốc... Thêm nữa, dù nhà thầu Trung Quốc thường chấp nhận tất cả các yêu cầu của hồ sơ mời thầu nhưng khi bắt đầu thi công, thực hiện hợp đồng mới bộc lộ những khó khăn.

Không những thế, trong quá trình thi công nhà thầu thường hay đề xuất thay đổi so với hợp đồng như: thay đổi nhân sự, thầu phụ cung cấp thiết bị, thầu phụ xây lắp, thay đổi các điều khoản kỹ thuật... Việc này làm cho chủ đầu tư mất thời gian để đàm phán, xem xét, gây khó khăn, phức tạp trong quản lý dự án.

Rốt cuộc qua sáu dự án đã “trót” ký, tổng công ty Điện lực của TKV nhận ra: về chất lượng, so sánh thực tế vận hành ở nhà máy điện Na Dương (do MC làm tổng thầu, các thiết bị chính xuất xứ từ Nhật Bản và các nước G7) với nhiệt điện Cao Ngạn (do HPE làm tổng thầu, các thiết bị chính xuất xứ từ Trung Quốc), Sơn Động, Cẩm Phả, cho thấy chất lượng thiết bị xuất xứ từ Trung Quốc cũng như các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật (hiệu suất nhà máy) thấp hơn các thiết bị của các nước châu Âu, G7.

Về tiến độ, ngoài các lý do thường thấy như giải phóng mặt bằng chậm; các thủ tục đầu tư có nhiều vướng mắc, “yếu tố chủ quan từ nhà thầu EPC là chính”. Còn đối với chi phí đầu tư, thực tế cho thấy tất cả các dự án nhiệt điện đốt than thực hiện tại Việt Nam trong thời gian vừa qua đều bị chậm tiến độ từ 1-2 năm hoặc hơn đã làm tăng chi phí đầu tư của dự án, nhưng việc đàm phán để nhà thầu EPC Trung Quốc nộp khoản phạt chậm tiến độ là công việc rất khó khăn và thường bị kéo dài.

“Ông lớn” EVN cũng dính “trái đắng” với các nhà thầu Trung Quốc, chẳng hạn như dự án nhiệt điện Hải Phòng 1 (tại huyện Thuỷ Nguyên, thành phố Hải Phòng), nhà thầu Trung Quốc là tập đoàn điện khí Đông Phương trúng thầu. Thời điểm cuối năm 2008 đầu năm 2009, tập đoàn điện khí Đông Phương đã liên tiếp phát văn bản kêu ca do biến động đồng nhân dân tệ đang từ 8,2 tệ/USD xuống 6,8 tệ/USD nên họ thiệt hại gần 100 triệu USD. Họ đề nghị Việt Nam bù giá, nếu không họ sẽ không thi công nữa vì hết tiền!

Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế năng lượng, việc 90% dự án nhiệt điện hiện nay đều do Trung Quốc thắng thầu sẽ dẫn tới sự phụ thuộc, có nguy cơ mất an ninh năng lượng khi xảy ra sự cố.

Những con số đáng lo nghĩ

Tổng công suất các dự án điện của Việt Nam do Trung Quốc làm tổng thầu EPC, BOT và sử dụng thiết bị Trung Quốc lên đến gần 15.500 MW/ 31.000 MW tổng công suất điện quốc gia (chiếm hơn 48%).

Về nhiệt điện: 21/36 dự án (hơn 58% tổng dự án) do các doanh nghiệp Trung Quốc làm tổng thầu EPC và BOT, trong đó có 10 dự án đã đi vào hoạt động, 11 dự án đang xây dựng với công suất xấp xỉ 8.000 MW, chiếm hơn 45% công suất nhiệt điện chạy than và khí.

Về thuỷ điện: nhà thầu Trung Quốc cung cấp thiết bị, máy móc, công nghệ cho hầu hết trong số gần 100% thuỷ điện nhỏ (với hơn 400 dự án, tổng công suất 4.000 MV), 75% thuỷ điện vừa và lớn (18/24 dự án, trong đó 14 đã đi vào hoạt động, 4 đang xây dựng với công suất 3.630 MW).

Về khoáng sản: Trung Quốc trúng thầu hơn 87%, trong đó phân đạm và hoá chất chiếm khoảng 60%. Nhiều dự án lớn đã lọt vào tay nhà thầu Trung Quốc như: Alumin Nhân Cơ, Alumin Tân Rai, đạm Hà Bắc, đạm Cà Mau, đạm Ninh Bình; mỏ Quý Sa và nhà máy gang thép Lào Cai, mở rộng nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn hai… Riêng về xuất khẩu sang Trung Quốc, hơn 63% than đá, hơn 66% quặng và khoáng sản khác.

Về xi măng: Trung Quốc nắm giữ vai trò thiết kế dây chuyền đồng bộ hoặc những công đoạn chủ yếu sử dụng thiết bị, công nghệ Trung Quốc trong 41/76 dự án sản xuất xi măng (khoảng 54%) với công suất trên 40 triệu tấn.

Về xuất khẩu nông sản: sự phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc thể hiện ở một vài con số: sắn và sản phẩm từ sắn (86%), cao su (46%), gạo (gần 35%), hoa quả (nếu tính cả tiểu ngạch là hơn 56%).

Về nhập siêu: năm 2012 nhập siêu hơn 16 tỉ USD (gấp 85 lần năm 2001), năm 2013 nhập siêu hơn 20 tỉ USD (chiếm hơn 28% tổng kim ngạch nhập khẩu. Trong đó, điện thoại và linh kiện điện tử chiếm hơn 70%, hơn 35% nguyên liệu và phụ kiện ngành dệt may, gần 47% giống lúa lai, hơn 50% phân bón, hơn 44% thuốc bảo vệ thực vật.

 T.N (Tổng hợp từ nguồn tài liệu chuyên gia tham dự Diễn đàn kinh tế mùa xuân 2014)

Trần Quyết- Văn Chương

Theo Người đô thị

Không có nhận xét nào: