Pages

Thứ Tư, 9 tháng 7, 2014

Thời sự Việt Nam : chai lì cảm xúc


Tinh-huong-xau-nhat-trong-xung-dot-voi-TQ-la-gi-635402598304243597
Nguyễn Văn Tuấn
“…Người ta đã chai lì cảm xúc trước những thông tin về Biển Đông và hình ảnh tàu Việt Nam bị đâm va, người ta hờ hững với những phát biểu mà có cũng như không vì chẳng có ý nghĩa gì, và sự chai lì đó cực kì nguy hiểm cho đất nước và dân tộc này…”
Dạo này theo dõi tình hình thời sự ở Việt Nam liên quan đến vụ Biển Đông tôi chẳng có cảm giác gì. Nếu có một ông lớn nào mới lên tiếng thì người dân có thể đoán được vị đó nói gì, bởi vì họ chỉ sắp xếp những khẩu hiệu. Nói chung là những phát biểu của họ chẳng có gì phải đáng quan tâm, vì lời lẽ thì chán ngắt (do thiếu tính sáng tạo) và nội dung thì chẳng có liên quan hay ảnh hưởng gì đến vận mệnh đất nước này, hay dân tộc này. Còn bên Tàu thì họ cũng chẳng quan tâm, họ chỉ để cho báo chí mắng vài câu rồi tiếp tục việc làm của họ.

14311898099_0624a1b98dGiới quan chức Việt Nam có phát biểu hay không phát biểu thì tình hình Biển Đông vẫn thế, vẫn xấu hơn từng ngày. Thật vậy, Trung Quốc tuyên bố đem thêm giàn khoan vào Biển Đông; họ điều thêm tàu chiến, máy bay chiến đấu, và đủ thứ các tàu ngụy hình hải cảnh hay kiểm ngư. Họ có nói gì thì tàu của Việt Nam vẫn bị uy hiếp HÀNG NGÀY, tàu của Việt Nam bị đâm va hàng ngày, tàu của Việt Nam vẫn chạy trốn lòng vòng tránh những cú tấn công của Trung Quốc. Vậy thì có họ phát biểu hay không phát biểu chẳng có tác động thực tế nào cả.
Mà, làm sao gây tác động khi những câu đại khái như “chúng ta sẽ đấu tranh lấy lại Hoàng Sa”, “không ai chọn láng giềng”, “phải giữ bằng được chủ quyền”, “không chấp nhận nhượng bộ chủ quyền thiêng liêng”, v.v. Câu đầu tiên thể hiện một sự đầu hàng, thế hệ này không lấy lại được Hoàng Sa, vậy thì làm sao mong chờ thế hệ sau lấy được khi thế hệ hiện nay chẳng để lại cho thế hệ sau cái gì cả (ngoại trừ nợ nần). Còn những câu còn lại thì chẳng có ý nghĩa gì, vì đó chỉ là những rhetoric tiêu biểu và đường mòn chữ nghĩa. Chỉ có bao nhiêu chữ được lặp đi lặp lại nhiều lần.
Trong khi Việt Nam đang rất cô đơn trên trường quốc tế thì Việt Nam lại đưa ra nhiều tín hiệu mâu thuẫn nhau. Trong Đối thoại Shangri-La, Mĩ và Nhật lên tiếng mạnh mẽ chỉ trích Tàu (và ngầm ủng hộ Việt Nam), vậy mà phía Việt Nam lên nói ví von đó như là một xung đột trong gia đình! Một miệng thì kêu gọi người ta ủng hộ, còn một miệng khác thì nói “chuyện của gia đình chúng tôi”! Mâu thuẫn thứ nhất. Hễ thấy người Việt ở nước ngoài biểu tình chống Tàu là báo chí Việt Nam hăng hái đưa tin, nhưng sinh viên ở Việt Nam mà biểu tình chống Tàu thì bị cấm đoán xách nhiễu thậm chí hành hung. Mâu thuẫn thứ hai. Mới hôm nay, báo Việt Nam đưa tin rằng Tàu nhận một “vố đau” từ Chủ tịch ASEAN, vì ông này từ chối đề nghị của Tập Cận Bình về Biển Đông. Bài báo ca ngợi ngài chủ Chủ tịch ASEAN là “nhà lãnh đạo Myanmar thể hiện thái độ quyết đoán, không chấp nhận đứng về phía Trung Quốc”. Tôi tự hỏi tại sao Việt Nam không có một lãnh đạo nào quyết đoán như ngài Chủ tịch ASEAN? Tại sao không một nhà lãnh đạo Việt Nam không dám nói KHÔNG với Tàu? Ca ngợi người ta anh hùng thì ok, nhưng phải nhìn lại mình ra sao chứ. Mâu thuẫn thứ ba.
Hiện nay chẳng ai biết giới lãnh đạo Việt Nam sẽ giải quyết vấn đề Biển Đông ra sao. Thoạt đầu thì tuyên bố là sẽ kiện Tàu ra tòa án quốc tế, nhưng nay thì chẳng ai nhắc đến ý tưởng đó nữa. Có người nói thẳng ra là họ sợ sau khi kiện Tàu thì kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Sự thú nhận đó cho thấy một bộ phận không nhỏ trong giới chóp bu vẫn không muốn “thoát Tàu”. Không kiện cũng là một cách nói cho Tàu biết rằng Việt Nam vẫn xem Tàu là cái bóng che chở – một cách tự nguyện đưa mình vào quĩ đạo của kẻ thù. Nhưng hễ ai hỏi gì thì họ nói “Oh, tình hình phức tạp lắm”. Hai chữ “phức tạp” nó trở thành một thứ bùa chú để tránh đối đầu với sự thật. Nếu là người có trách nhiệm với dân, với cộng đồng, lãnh đạo không thể nào chỉ dừng ở “phức tạp” mà phải giải thích nó có nghĩa gì trong thực tế. Chứ nói phức tạp thì ai cũng nói được vì nó vô nghĩa?!
Trong khi đó thì các thủy thủ và nhân viên kiểm ngư Việt Nam ở đầu sóng ngọn gió vẫn phải đương đầu với hiểm nguy mỗi ngày. Tôi không còn đếm được bao nhiêu tàu Việt Nam đã bị đâm va, không còn nhớ bao nhiêu thủy thủ bị thương. Hình như “chiến lược” của lãnh đạo Việt Nam là mua cảm tính quốc tế. Họ để cho những chiếc tàu cũ rích, rĩ sét, mỗi lần bị đụng là bẹp dúm lại, trông rất thảm hại. Để làm gì? Để các kí giả nước ngoài quay phim. Mà, ngay cả kí giả Úc quay phim và chiếu trên tv Úc cũng chẳng gây được cảm tình nào từ người dân địa phương. Khúc phim chỉ nói lên điều mà mọi người đã biết. Khúc phim đó quả là tốn kém! Đâu phải cần đến những khúc phim đó để mếu máo “mét” với thế giới là “Thằng Tàu to con kia nó đánh tôi”. Người ta sẽ hỏi rồi mày làm gì để đối đầu với nó, chẳng lẽ cứ đưa mặt ra cho nó đánh hoài? Một số người thì nhớ đến câu “đó chỉ là xung đột trong gia đình”, vậy thì để họ giải quyết với nhau!
Có người nói rằng sự kiên nhẫn của Việt Nam là lựa chọn đúng vì không muốn gây chiến tranh và Việt Nam chẳng sợ ai cả. Người khác thì cho đó là một lựa chọn hèn. Cái biên giới giữa nhẫn nhịn và hèn thì chẳng bao xa. Nói gì thì nói, tôi thấy chỉ có một số ít người ở Việt Nam quan tâm đến tình hình Biển Đông, tuyệt đại đa số chẳng ai quan tâm. Họ quá bận rộn bươn chãi với cuộc sống mỗi ngày thì thì giờ đâu mà nghĩ chuyện xa xôi. Một số người thì không làm gì cả vì họ nghĩ là hoài công do Việt Nam chỉ là một phiên bản của Tàu và tự mình làm nô lệ cho Tàu, vậy thì nói làm gì cho mất công. Một số nhỏ thì nghĩ đã có Đảng và Nhà nước lo, nên họ thoải mái nhậu nhẹt. Nói chung, tôi gọi đó tình trạng emotional fatigue – mỏi mệt cảm xúc. Người ta đã chai lì cảm xúc trước những thông tin về Biển Đông và hình ảnh tàu Việt Nam bị đâm va, người ta hờ hững với những phát biểu mà có cũng như không vì chẳng có ý nghĩa gì, và sự chai lì đó cực kì nguy hiểm cho đất nước và dân tộc này.
Nguyễn Văn Tuấn (03/07/2014)
Theo Nguyễn Văn Tuấn Blog

Không có nhận xét nào: