Pages

Thứ Bảy, 2 tháng 8, 2014

Lãnh đạo Việt Nam chia rẽ và đánh nhau suốt ngày

Một trong những chuyên gia thống kê kinh tế nói dù có nhiều điểm giống nhau nhưng Việt Nam thua kém Trung Quốc đáng kể về hiệu quả quản lý kinh tế và trọng dụng nhân tài.

Trong cuộc phỏng vấn với Nguyễn Hùng của BBC, ông Vũ Quang Việt, người từng làm việc nhiều năm cho Liên Hiệp Quốc, nói rằng Trung Quốc "tham nhũng hiệu quả" hơn Việt Nam vì họ "làm được việc" và họ cũng có những lãnh đạo được đào tạo bài bản tại các trường hàng đầu của Trung Quốc.
BBC: Khi so sánh Việt Nam Trung Quốc, ông cho rằng cả hai bên đều giống nhau ở chỗ “xã hội hóa rủi ro nhưng “tư nhân hóa lợi ích”. Ông cũng nói hai bên đều có vấn nạn tham nhũng nhưng ở Trung Quốc thì tham nhũng “hiệu quả hơn”. Ông có thể nói rõ hơn.

TS. Vũ Quang Việt: Nhiều người nói và báo chí cũng đã đưa lên là con cái của các quan chức Trung Quốc đều giàu có cả, gia đình họ cũng giàu có và Việt Nam cũng hệt như vậy. Và những người liên quan tới các hoạt động đầu tư của các công ty nhà nước thì cũng vậy cả. Tham nhũng trong đầu tư công là 20%-30%. Khi hỏi những người trong ngành thống kê hoặc những người liên quan tới việc làm ăn thì họ cũng đều nói như vậy cả. Họ trả lời là họ phải bôi trơn 30%. Thì 20%-30% là chuyện bình thường.

Mà tại sao lại có thể bôi trơn dễ dàng như vậy là vì đầu tư của Trung Quốc và của Việt Nam là rất lớn, khoảng 40%-50% GDP, trong khi các nước Tây phương thì nhiều lắm cũng chỉ 20%, ở Hoa Kỳ đầu tư cũng chỉ khoảng mười mấy phần trăm GDP. Trung Quốc và Việt Nam muốn phát triển cho thật nhanh nên họ đầu tư rất nhiều. Mà đầu tư ở đây là chủ yếu là quốc doanh, công ty nhà nước đầu tư. Do đó tham nhũng là dễ dàng.

'Tham nhũng hiệu quả?'

Nhưng tại sao Trung Quốc tham nhũng hiệu quả hơn? Ta cứ nhìn GDP của Trung Quốc thì thấy phát triển rất cao, trong khi từ 2006 trở lại đây GDP của Việt Nam tiếp tục xuống. Lạm phát Trung Quốc chỉ 2-3% là cùng trong lúc ở Việt Nam có lúc lạm phát lên tới 20-30% mặc dù bây giờ giảm xuống còn 6-7% nhưng trong kinh tế mà lạm phát như vậy là ở mức rất lớn và là ở mức không chấp nhận được. Do đó rõ ràng là hiệu quả của Việt Nam là không có.

Một trong những cái để so sánh về hiệu quả là Trung Quốc càng ngày càng nắm được công nghệ của thế giới. Trung Quốc để Nhật đầu tư vào công nghệ tàu hỏa cao tốc, sau đó họ học được công nghệ, nay họ không những tự làm được mà không cần tới Nhật mà còn xuất khẩu tàu này sang các nước khác kể cả tại Calirfornia, Hoa Kỳ.

Họ xây dựng đường xá cầu, nhà máy điện. Trong khi đó 60-70% các dự án trong lĩnh vực này của Việt Nam là để Trung Quốc trúng thầu. Trong mấy chục năm phát triển Việt Nam không xây nổi đường, tại sao phải cần tới nhà thầu Trung Quốc? Tại sao nhà thầu Việt Nam không thắng nổi?

Nguyễn Phú Trọng
Một số lãnh đạo cộng sản Việt Nam được cho là còn có 'quan hệ ý thức hệ' với cộng sản TQ.

BBC: Câu hỏi đặt ra là tại sao Việt Nam không tập trung vào phát triển công nghệ. Có phải do thiếu hiểu biết về chính sách hay do lợi ích nhóm?

TS. Vũ Quang Việt: Có lợi ích nhóm. Nhưng ở Trung Quốc thì những người lãnh đạo của họ là thành phần có đầu óc. Theo tôi hiểu thì những người lãnh đạo cao cấp nhất của Trung Quốc như Tập Cận Bình hay Giang Trạch Dân đều học ở những trường lớn nhất, những trường khó vào. Chẳng hạn như Đại học Bắc Kinh, Đại học Thanh Hoa, Đại học Phúc Kiến….là các trường có thể mang so sánh với Harvard hay MIT của Hoa Kỳ. Tức là họ chọn lựa từ sớm những người có khả năng lãnh đạo. Còn những người lãnh đạo Việt Nam thì rất hãnh diện là ngày xưa mình chỉ biết cầm súng, bây giờ mình là lãnh đạo.

Bản thân những người lãnh đạo đó lại không biết sử dụng những người có tài. Chỉ biết sử dụng đám bộ sậu của mình, người của mình, sẵn sàng đi với mình và làm theo lệch của mình và hai bên cùng chia lợi trong các dự án đầu tư phát triển. Do đó Việt Nam chả có cái chất lượng gì cả.

Do đó tôi nói là tham nhũng ở Trung Quốc nó vẫn tạo ra sự phát triển và tạo ra chất lượng. Tham nhũng tại Việt Nam chả tạo ra được hiệu quả gì.
"Việt Nam chưa bao giờ thực sự là một phe cả và đánh nhau suốt ngày. Mà đánh ở đây là đánh ở dưới gầm bàn chứ không phải tranh luận nhau trên báo chí hay trước công chúng hay tranh luận trong đảng." - TS. Vũ Quang Việt
Tôi có thể lấy ví dụ là cán bộ làm thống kê ở Trung Quốc thì có thể sống được bằng đồng lương chứ không cần đi làm thêm công việc khác còn cán bộ cũng trong ngành này ở Việt Nam thì luôn phải chạy làm việc khác. Ở Trung Quốc khi họ làm gì thì họ đặt ra mục tiêu và cố gắng để thực hiện mục tiêu đó. Còn những cán bộ Việt Nam nếu lấy được tiền làm dự án thì cố làm sao để tăng thu nhập cho mình chứ chẳng có tinh thần cố gắng và học hỏi gì cả.
'Đánh nhau suốt ngày'

BBC: Được biết Việt Nam có tới cả trăm người tốt nghiệp tại các trường lớn như Harvard ở Hoa Kỳ, nhưng câu hỏi đặt ra là liệu những người này có được trọng dụng hay không?

TS. Vũ Quang Việt: Giai đoạn trước thì giới lãnh đạo họ biết rằng họ không đủ hiểu biết về khoa học nhưng họ còn sẵn lòng họ nghe. Sau này thì không có chuyện đó nữa. Do đó tôi không nghĩ rằng họ biết sử dụng nhân tài.

BBC: Việt Nam gần như gắn kết với Trung Quốc về ý thức hệ và quan hệ giữa hai đảng, vậy sao họ chia sẻ nhiều như vậy mà không chia sẻ được thành quả của nhau?

TS. Vũ Quang Việt: Trung Quốc thì tổng bí thư cũng là chủ tịch nước và chỉ có một người lãnh đạo toàn diện và họ sử dụng các biện pháp độc tài và kiểm soát thì ít tự do hơn Việt Nam.

Còn Việt Nam thì thực ra gọi là ba phe: Chủ tịch nước, Tổng bí thư và Thủ tướng. Việt Nam chưa bao giờ thực sự là một phe cả và đánh nhau suốt ngày. Mà đánh ở đây là đánh ở dưới gầm bàn chứ không phải tranh luận nhau trên báo chí hay trước công chúng hay tranh luận trong đảng.

Và như vậy không ai kiểm soát được ai cả. Thì mỗi phe dĩ nhiên là phải có nhóm lợi ích riêng của mình. Và đã gọi là nhóm lợi ích thì nhóm lợi ích kinh tế là mạnh nhất.
 
(BBC)

Không có nhận xét nào: