Pages

Thứ Hai, 4 tháng 8, 2014

Mỹ phái 50 chuyên gia phòng chống dịch bệnh sang Tây Phi

Binh sĩ Liberia tuần tra trên đường phố bằng xe tải y tế để trấn an nỗi sợ hãi của cư dân về dịch bệnh Ebola tại Monrovia, Liberia, ngày 1/8/2014.
Hoa Kỳ đang phái ít nhất 50 chuyên gia về kiểm soát dịch bệnh tới Tây Phi để giúp tìm kiếm, đáp ứng và ngăn chặn sự lây lan của virus chết người Ebola, đã cướp đi hơn 700 sinh mạng. Thông tín viên của VOA Victor Beattie tường trình rằng một nhân viên y tế Mỹ thứ nhì, bị nhiễm bệnh ở Liberia, theo dự kiến sẽ trở về Hoa Kỳ vào ngày thứ ba 5/8.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng Chống Dịch Bệnh Hoa Kỳ (tức CDC), Bác sĩ Tom Frieden, nói với các ký giả truyền thanh và truyền hình Mỹ phỏng vấn ông hôm Chủ nhật, rằng trong khi vụ bộc phát dịch Ebola ở Guinea, Sierra Leone và Liberia hiện đang vượt ra ngoài tầm kiểm soát, dịch bệnh này có thể được kiềm chế. Ông phát biểu:
"Những gì chúng tôi đang làm bây giờ tại CDC là tăng cường nỗ lực đáp ứng của chúng tôi. Chúng tôi sẽ phái ít nhất 50 chuyên gia y tế công cộng tới ba quốc gia ấy trong vòng 30 ngày tới. Lý do là vì, trên thực tế, chúng tôi thực sự biết cách để ngăn chặn Ebola. Đây là một biện pháp y tế công cộng truyền thống, giản dị, đơn giản: đó là truy tìm các bệnh nhân, bảo đảm họ được điều trị, tìm những người họ đã từng có tiếp xúc, theo dõi những người liên hệ, giáo dục dân chúng, thực hiện các biện pháp chống nhiễm trùng trong các bệnh viện, Nếu bạn thực hiện các bước ấy, và chúng ta thực sự cần phải làm cho thật tốt, thì dịch Ebola sẽ không còn."


Ông Frieden nói rằng tác động của một vụ bộc phát bệnh Ebola trên xã hội có thể thảm khốc:
"Nó có thể phá hủy không những sự tin tưởng vào dịch vụ chăm sóc sức khỏe, mà còn có những tác động kinh tế -xã hội rất lớn đối với xã hội.
Tại một số khu vực ở Châu Phi, nơi mà chúng ta đã từng đối phó với bệnh Ebola trong nhiều năm, chúng ta có khả năng tốt hơn để kiểm soát bệnh. Chúng ta nhanh chóng truy ra những ca nhiễm, chúng ta chận đứng chúng một cách nhanh chóng, rồi chúng ta ngăn chặn các cách hành xử có thể cho phép bệnh lây lan. Đó là những gì mà rốt cuộc chúng ta sẽ có thể thực hiện được ở đây. Càng làm việc này sớm chừng nào, thì càng có ít người hơn sẽ chết vì bệnh Ebola. "
Bác sĩ Tom Frieden nói rằng còn rất lâu mới có thể có một loại vắc-xin chủng ngừa chống Ebola, nhưng ngay bây giờ, cách tốt nhất để ngăn chặn dịch bệnh này là kiềm chế dịch bệnh ngay tại gốc của nó, cụ thể là Tây Phi. Ông cảnh báo rằng thực hiện được việc đó sẽ không nhanh chóng và cũng không dễ dàng. Ông dự kiến tình hình sẽ xấu đi trước khi được cải thiện.
Tổ chức Y tế Thế giới cho biết hơn 700 người đã chết vì căn bệnh này kể từ khi Ebola lần đầu tiên được phát hiện ở Guinea hồi tháng Ba.


Xe cứu thương chở Bác sĩ nhiễm virus Ebola Kent Brantly tới Bệnh viện Đại học Emory ở Atlanta, ngày 2/8/2014.

Ông Frieden cho biết tình trạng của bác sĩ Kent Brantly, người đã bị nhiễm bệnh trong khi điều trị bệnh nhân tại Liberia và vừa trở về Hoa Kỳ hôm thứ bảy trên một máy bay tư nhân được trang bị đặc biệt, đã khá hơn tại Bệnh viện của Đại học Emory ở thành phố Atlanta.
Một người Mỹ thứ nhì bị nhiễm bệnh là nhà truyền giáo Nancy Writebol, bị nhiễm virus Ebola ở Liberia, theo dự kiến, sẽ được đưa tới bệnh viện của đại học Emory vào ngày mai.
Tổng thống Obama hôm thứ Sáu vừa qua nói rằng các giới chức Mỹ đang xem tình hình là 'rất nghiêm trọng'. Tổng Thống Obama nói:
"Ngay sau khi xảy ra một vụ bộc phát của bất kỳ chứng bệnh gì trên thế giới có thể có những tác động đáng kể, là Trung tâm Kiểm soát Dịch Bệnh Hoa Kỳ tức thời liên lạc với Tổ chức Y tế Thế giới và các cơ quan đa phương khác hầu đảm bảo chúng ta có một phản ứng thích nghi. Đây là một vụ bộc phát Ebola mạnh mẽ hơn so với bất cứ vụ vụ bộc phát nào mà chúng ta đã từng chứng kiến trước đây, nhưng hãy nhớ rằng bệnh này vẫn còn tác động tới một số khu vực tại 3 quốc gia."
Tổng thống Obama nói các giới chức Mỹ đang đề ra những biện pháp phòng ngừa thích hợp trong việc khám sức khỏe các phái đoàn Châu Phi tới Washington để dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Châu Phi ba ngày. Khoảng 50 vị nguyên thủ Châu Phi sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh này. Hai nhà lãnh đạo Châu Phi được mời, từ Sierra Leone và Liberia, đã hủy bỏ chuyến đi của họ vì cuộc khủng hoảng liên quan tới dịch bệnh Ebola.


Tổ chức Y tế Thế giới cho biết hơn 700 người đã chết vì căn bệnh này kể từ khi Ebola lần đầu tiên được phát hiện ở Guinea hồi tháng Ba.

Hôm thứ sáu vừa qua, WHO đã công bố một kế hoạch khẩn cấp với kinh phí khoảng 100 triệu đôla, cùng với ba nước bị ảnh hưởng bao gồm việc tăng cường kiểm soát và các biện pháp đáp ứng. Một phát ngôn viên của WHO cho biết sẽ cần khoảng 600 chuyên gia để thực hiện kế hoạch này.
Ước tính có khoảng 2.400 tình nguyện viên của Liên đoàn Chữ Thập đỏ quốc tế đã làm việc tại cả ba quốc gia kể từ khi vụ bộc phát bắt đầu.
Trong khi đó, Hãng hàng không Emirates ở Dubai, trở thành hãng hàng không quốc tế lớn đầu tiên đình chỉ tất cả mọi chuyến bay đến Guinea để ngăn chặn sự lây lan của Ebola. Hãng hàng không này sẽ tiếp tục các chuyến bay tới Dakar, Senegal, giáp biên giới với Guinea. Nhiều hãng hàng không và các sân bay khác đang kiểm tra bệnh này nơi các hành khách đến từ khu vực.


  •  Nhân viên y tế của Tổ chức Y sĩ Không biên giới chuẩn bị mang thức ăn cho bệnh nhân trong một khu vực cách ly tại các trung tâm điều trị Ebola ở thị trấn Kailahun, ngày 20/7/2014. /VOA

Không có nhận xét nào: