Pages

Thứ Bảy, 9 tháng 8, 2014

Ngoại trưởng Mỹ đến châu Á, bàn về Biển Đông

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm nay đến Myanmar để tham dự hội nghị an ninh của ASEAN, trong đó ông dự kiến kêu gọi Trung Quốc và các nước liên quan tìm cách hạ nhiệt căng thẳng trên Biển Đông.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Ảnh: Reuters
Theo AP, tranh chấp trên Biển Đông dự kiến là trọng tâm trong chương trình nghị sự của các quan chức cấp cao tại Diễn đàn An ninh Khu vực ASEAN (ARF). Diễn đàn diễn ra trong hai ngày 9-10/8, có sự tham dự của 10 nước thành viên ASEAN và các bên đối thoại như Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ.

Giới chức Mỹ đi cùng ông Kerry cho hay ngoại trưởng sẽ thúc giục Trung Quốc và các nước khác có các bước đi tự nguyện để xoa dịu căng thẳng đang lên cao, đồng thời tiếp tục xây dựng một bộ quy tắc ứng xử ở các vùng tranh chấp.
Washington cũng đang kêu gọi các bên liên quan đóng băng những hoạt động làm thay đổi hiện trạng ở các vùng tranh chấp. Mỹ và các nước lo ngại rằng căng thẳng trên Biển Đông giữa Trung Quốc và những nước láng giềng nhỏ hơn có thể gây ảnh hưởng đến vận tải quốc tế và dẫn đến xung đột.
Trung Quốc đã nhiều lần bác bỏ những đề xuất của Mỹ và nói rằng tranh chấp lãnh thổ chỉ nên được giải quyết trực tiếp giữa các nước liên quan. Tuần trước, ông Dịch Tiên Lương, Vụ phó Vụ Biên giới và Đại dương, Bộ Ngoại giao Trung Quốc, tuyên bố từ chối lời kêu gọi "đóng băng" các hoạt động khiêu khích trên Biển Đông.
Tại ARF, ông Kerry sẽ tái khẳng định quan điểm trung lập của Washington trong các cuộc tranh chấp. Ông sẽ không tìm cách đối đầu với Trung Quốc và khẳng định vấn đề này "không phải là một cuộc chiến siêu cường".
ARF diễn ra sau một loạt biến động trong khu vực, trong đó có việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt một giàn khoan dầu khí sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam suốt hai tháng, đẩy căng thẳng lên cao.
Trợ lý ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel, nhà ngoại giao hàng đầu về Đông Á, đầu tuần này nói rằng việc Bắc Kinh di dời giàn khoan hồi giữa tháng 7 đã phần nào loại bỏ nguy cơ xung đột, nhưng vẫn để lại "dư âm" trong quan hệ với Việt Nam và làm dấy lên nghi vấn trong các nước láng giềng về chiến lược dài hạn của Trung Quốc. Ông Russel cho rằng là một nước lớn, Trung Quốc cần có trách nhiệm đặc biệt trong việc kiềm chế hành vi của mình.
Sau Myanmar, ông Kerry sẽ đến Australia để cùng Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel và giới chức Australia trao đổi về an ninh.

Anh Ngọc

Không có nhận xét nào: