Pages

Thứ Bảy, 2 tháng 8, 2014

Nợ xấu siêu khủng: Agribank 'xứng danh' là Vinashin ngành ngân hàng

Với những khoản nợ siêu khủng trong nhiều năm vừa bị "khui" ra,
 Agribank được ví như "Vinashin" ngành ngân hàng.
Nợ xấu siêu khủng của Agribank khiến chuyên gia ví “Agribank "xứng danh" là Vinashin ngành ngân hàng”. Câu hỏi đặt ra, trong khi ung nhọt phát tác tại Agribank, cơ quan thanh tra, giám sát ở đâu?

Lộ nợ xấu “khủng” - thêm một “Vinashin” ngành ngân hàng

Báo cáo kiểm toán năm 2012 được Kiểm toán Nhà nước công bố vài ngày trước đã khiến dư luận ... giật mình về những con số nợ thực của Agribank – một trong 5 ngân hàng quốc doanh lớn nhất cả nước. Theo báo cáo này, năm 2012 nợ có khả năng mất vốn tại Agribank là 23.652 tỷ đồng, chiếm 59,23% tổng dư nợ xấu, bằng 89% vốn điều lệ. Như vậy, tổng nợ xấu của Agribank lên tới xấp xỉ 40.000 tỷ đồng, cao hơn vốn điều lệ của ngân hàng này khoảng 10.000 tỷ đồng.

Báo cáo kiểm toán còn cho biết, một số khoản đầu tư của Agribank đã suy giảm trên 60% giá trị đầu tư, như: khoản đầu tư vào Công ty CP Xi măng Hà Tiên 1 giảm 85,08%; Công ty CP Tập đoàn CMC mất 90,43%....

Agribank còn có nhiều sai phạm trong hoạt động cho vay, tiềm ẩn rủi ro và khó thu hồi vốn. Như tại Chi nhánh thành phố HCM, dư nợ của Công ty TNHH Bất động sản Diệp Bạch Dương đến 31/12/2012 là 3.700 tỷ đồng (gốc 2.967,7 tỷ đồng, lãi 732,3 tỷ đồng). Còn tại Chi nhánh Tân Bình, đến 30/6/2013, tổng dư nợ của nhóm khách hàng Đông Á là 200,5 tỷ đồng (gốc 148,1 tỷ đồng; lãi 52,4 tỷ đồng), của nhóm khách hàng là cán bộ tín dụng là 24,2 tỷ đồng (nợ gốc 20,88 tỷ đồng, nợ lãi 3,36 tỷ đồng)...

Những số liệu của Kiểm toán Nhà nước công bố mới đây đã cho thấy những “bết bát” trong quản lý điều hành và hoạt động của một trong những ngân hàng quốc doanh lớn và có tầm ảnh hưởng mạnh trong hệ thống tài chính ngân hàng.

Chưa hết, nếu “soi” lại dữ liệu hồi tháng 10/2013 khi Agribank cũng là ngân hàng đầu tiên bán 2.534 tỷ đồng nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC), thì có thể thấy con số nợ xấu khổng lồ “chìm” trong nhà băng này lớn tới mức nào. Ở thời điểm đó, lãnh đạo Agribank cho hay việc bán nợ xấu cho VAMC giúp nhà băng này giảm tới 7,56% tổng nợ xấu của ngân hàng.

Phép tính đơn giản thì tổng nợ xấu của toàn hệ thống Agribank ở thời điểm bán nợ cho VAMC khoảng gần 33.519 tỷ đồng. So với tổng số nợ xấu toàn bộ hệ thống ngân hàng được NHNN công bố ở thời điểm trên là 139.000 tỷ đồng, thì riêng tỷ lệ nợ xấu của riêng Agribank đã chiếm khoảng 1/4.

Những lộ diện về con số nợ xấu “khủng” và sai phạm của Agribank trong nhiều năm dần được công bố, chia sẻ với Infonet, luật sư Trương Thanh Đức – Chủ tịch Công ty Luật Basico tỏ ra không mấy ngạc nhiên về những con số nợ xấu này. Ông cho đây là sự “mạnh dạn, không né tránh” của cơ quan quản lý trước những “con bệnh” đã quá “ốm yếu”.

“Với người làm trong giới ngân hàng thì không có gì ngạc nhiên với con số nợ xấu chiếm dụng gần hết vốn của Agribank thời gian qua”- ông nói.

Còn theo TS. Cao Sĩ Kiêm – Chủ tịch HĐQT NHTMCP Đông Á, “không phải ngẫu nhiên mà nợ xấu mất vốn của Agribank cao nhất trong hệ thống, vốn tập trung không phải trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn mà là lĩnh vực khác... đội ngũ quản lý trước đây đã lợi dụng khe hở trong giám sát, điều hành của cơ quan chức năng để trục lợi và bòn rút.

Agribank bung bét, trách nhiệm thanh tra, giám sát ở đâu?

Thực tế, không phải bây giờ những “điểm đen” trong hoạt động kinh doanh của Agribank mới được nhìn thấy rõ, mà chỉ là “tới giờ mới được công bố công khai”.

Một trong những động thái “cơ cấu” lại Agribank vừa qua, NHNN đã vào cuộc cùng với cơ quan công an khởi tố hàng loạt lãnh đạo cấp cao của nhà băng này, như hồi tháng 1/2013, ông Phạm Thanh Tân, nguyên Tổng Giám đốc Agribank, đã bị bắt với tội danh Thiếu trách nhiệm trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và thiệt hại 3.900 tỷ đồng tại Agribank chi nhánh Nam Hà Nội. Tháng 1/2014, cơ quan công an đã bắt giam Kiều Trọng Tuyến, nguyên Phó Tổng Giám đốc Agribank, với tội danh thiếu trách nhiệm trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng với số tiền lên tới 3.900 tỷ đồng....

Song, liệu việc thay lãnh đạo cấp cao có giúp Agribank “thay máu” toàn diện?

Theo TS. Cao Sĩ Kiêm – Chủ tịch HĐQT NHTMCP Đông Á, việc NHNN thay tướng hàng ngũ lãnh đạo cấp cao của nhà băng nay thể hiện được một phần quyết tâm của cơ quan điều hành trong việc cơ cấu lại Agribank. Nhưng ngân hàng này có “thay máu” được hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chứ không đơn thuần chỉ riêng việc thay lãnh đạo.

Còn theo luật sư Trương Thanh Đức, “khi chuyện không thể giấu diếm, không thể che đậy được thì buộc phải xử lý. Luân chuyển và thay bộ máy lãnh đạo cũng chỉ là giải pháp đầu tiên. Ở trường hợp của Agribank, cần những người lãnh đạo dám chịu trách nhiệm chứ không phải thay về chỉ để làm bình phong, bởi Agribank thực sự cần một cuộc “thay máu” toàn diện”.

Thậm chí, vị luật sư này cho rằng, nếu trước đây sự đổ vỡ của Vinashin trong khối doanh nghiệp Nhà nước là bài học đắt giá, thì Agribank cũng có thể ví như một “Vinashin” của ngành ngân hàng. Nhưng nếu sự lan tỏa trong đổ vỡ của Vinashin chỉ một phần, thì trường hợp của Agribank lại có sự lan tỏa lớn hơn nhiều, nếu tình trạng xấu nhất xảy ra.

Dù sau những sai phạm ở Agribank, NHNN đã có hàng loạt động thái can thiệp và cải tổ ngân hàng này. Nhưng việc can thiệp, phát hiện ung nhọt quá chậm trễ, không kịp thời khiến cho hậu quả nặng nề.

Vì sao một nhà băng được coi là lớn nhất nhì hệ thống, chủ yếu cho vay nông nghiệp, nông thôn mà chiếm tỷ lệ nợ xấu “khủng” tới 1/4 toàn hệ thống ngân hàng đến vậy? Câu trả lời đổ dồn về phía năng lực quản lý điều hành của dàn lãnh đạo Agribank những năm trước đây và cả trách nhiệm của cơ quan thanh tra giám sát NHNN.

Nhắc tới trách nhiệm giám sát, thanh tra để xảy ra những sai phạm ở một trong những ngân hàng lớn nhất, nhì cả nước, TS. Cao Sĩ Kiêm cho rằng, trong đó có trách nhiệm của cơ quan quản lý ngân hàng và một phần trách nhiệm của cơ quan thanh tra giám sát NHNN.

Còn luật sư Trương Thanh Đức thì cho rằng, trách nhiệm lớn nhất dẫn tới hậu quả “khó giải quyết trong ngày một ngày hai” thuộc về lãnh đạo Agribank, còn một phần trách nhiệm thuộc về cơ quan giám sát thanh tra NHNN đã để tới hậu quả như hiện tại.

“Đã công khai có “bệnh” thì phải bằng mọi giá để “cứu” con bệnh là bài toán khó không chỉ với riêng Agribank mà cả ngành ngân hàng. Con bệnh trầm kha rồi, không thể có thuốc tiên nào cứu nó thay đổi trong thời gian nhanh chóng, mà phải từ từ”- luật sư Đức nói thêm.

(Infonet)

Không có nhận xét nào: