Pages

Thứ Sáu, 7 tháng 11, 2014

'Làm cho đúng hạn tuyến vừa có tai nạn'

Ông Đinh La Thăng

Ông Đinh La Thăng họp 'kiểm điểm tiến độ' dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông.

Lãnh đạo Bộ giao thông Vận tải Việt Nam tiếp tục chỉ đạo đưa nhanh vào 'khai thác thương mại' một dự án giao thông đường sắt đô thị ở Hà Nội, dù công trình xây dựng vừa gây tai nạn chết người, theo thông cáo của bộ này.

Hôm 07/11/2014, ông Đinh La Thăng, Bộ trưởng Giao thông & Vận tải được trang điện tử của bộ này dẫn lời nói rằng tới ngày 31/12/2015, đơn vị chịu trách nhiệm dự án phải đưa vào khai thác thương mại Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông.
Đánh giá về tiến độ của dự án, ông Thăng được trích dẫn nói:
"Mặc dù trong khoảng một năm trở lại đây tiến độ của Dự án đã có tiến triển hơn; sự phối hợp giữa các cơ quan của Bộ Giao thông & Vận tải với Thành phố Hà Nội, đại diện Chủ đầu tư, các nhà thầu, tư vấn thiết kế có tốt hơn.
"Tuy nhiên tiến độ Dự án vẫn chậm và chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc triển khai Dự án chậm gây rất nhiều phiền hà cho nhân dân, nhất là việc đi lại... Đây là việc cần nhanh chóng khắc phục và chấn chỉnh.”


Phát biểu của Bộ trưởng Thăng được đưa ra trong phiên họp "kiểm điểm tiến độ" Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông vào chiều thứ Sáu, tại trụ sở Bộ này, một ngày sau khi xảy ra một vụ tai nạn làm một người chết, ba người bị thương tại hiện trường thi công công trình.
Hôm 06/11, trang tin Vietnamplus.vn thuộc Thông tấn xã Việt Nam cho biết chi tiết:
"Khoảng 9 giờ 55 phút sáng nay (6/11), tại khu vực công trường dự án đường sắt trên cao Hà Đông-Cát Linh (đối diện Học viện y dược học cổ truyền Việt Nam, Trần Phú, Hà Đông), một thanh thép bất ngờ rơi từ dầm cầu đang thi công trúng vào người đang lưu thông bằng xe máy trên đường."
Theo nguồn này, đơn vị thi công ở khu vực này là Xí nghiệp cầu 17, trực thuộc Tổng công ty Xây dựng Công trình Giao thông 1 (Cienco 1).
Hôm thứ Sáu, phát biểu tại cuộc gọp ở Bộ Giao thông & Vận tải liên quan vụ việc, ông Đinh La Thăng nói:
"Bộ Giao thông & Vận tải đã giao cho Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông có chỉ thị trong toàn quốc yêu cầu các cơ quan, đơn vị của Bộ, các Ban Quản lý dự án các Sở GTVT có sự phối hợp để tổng thanh tra, kiểm tra lại toàn bộ công tác đảm bảo an toàn giao thông trong công tác thi công."
Theo trang tin của Bộ Giao thông, ông Thăng đã đề nghị một thứ trưởng "tổ chức họp giao ban hàng tháng về Dự án này; cập nhật lại tiến độ chi tiết Dự án với mục tiêu 31/12/2015 phải hoàn thành và đưa vào khai thác thương mại."

'Đánh đổi, hy sinh?'


Dự án đường sắt đô thị
Hàng trăm cây xanh trên tuyến đường xây dựng công trình bị đốn chặt hoặc ảnh hưởng.

Trước đó, theo tờ Dân trí, sau khi tai nạn xảy ra, ông Thăng đã cử một thứ trưởng phụ trách lĩnh vực đường sắt xuống hiện trường "nắm bắt tình hình và kiểm tra hiện trường, đồng thời tổ chức thăm hỏi động viên, hỗ trợ những người bị nạn, đặc biệt là gia đình nạn nhân tử vong."
"Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu Ban Quản lý Dự án đường sắt báo cáo chi tiết về vụ việc nghiêm trọng vừa xảy ra và rà soát lại toàn bộ quy trình thi công, quy trình đảm bảo an toàn thi công tại Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông," ông Thăng được tờ Dân trí trích thuật nói.
Vẫn theo tờ này, ông Thăng đã 'nhấn mạnh dù yêu cầu cao về tiến độ, chất lượng được đặt ra nhưng các đơn vị thực hiện dự án không được phép xem nhẹ việc đảm bảo an toàn trong thi công, đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông trên tuyến đường có công trình đang thi công."
Hôm thứ Sáu, một chuyên gia không tiết lộ danh tính từ Hội khoa học Kinh tế nói với BBC:
"Ở đây là vấn liên quan tới hệ thống kiểm soát an toàn và cũng là trách nhiệm của nhiều cấp chính quyền, ngành quản lý.
"Đây là dự án có yếu tố vốn vay của Trung Quốc. Dự án đã nhiều lần phải điều chỉnh vốn, mà tổng vốn đã tăng trên mức 300 triệu USD so với vốn ban đầu.


Ngoài ra, dự án trong quá trình triển khai, vẫn theo chuyên gia này, đã gây ra một số quan ngại trong dư luận vì tiến độ chậm, hơn nữa gần đây lại được cho là đụng chạm tới khoảng 500 cây, trong đó có nhiều cây xanh nhiều năm tuổi bị hạ chặt.
Khi được hỏi, liệu công tác chuẩn bị nghiên cứu khả thi của dự án có được công khai không, và các nhà đầu tư, quản lý, thi công dự án có 'đánh đổi môi trường, sinh thái' cho việc hoàn thành và thương mại hóa dự án hay không, nhà phân tích nói:
"Có một vấn đề là người ta không công khai báo cáo khả thi dự án, do đó riêng về vấn đề cây xanh, khó có thể buộc trách nhiệm nếu trong dự án đã được thông qua người ta ghi rõ là sẽ chặt hạ các cây xanh đó.
"Tuy nhiên, nếu các nhà đầu tư và các cơ quan chủ trì dự án có ý thức về sinh thái, môi trường, chưa nói tới an toàn thi công v.v..., thì không chỉ mạng người mà nhiều cây xanh, bóng mát có thể sẽ được gìn giữ cân bằng.
"Tại sao tại công trình trên đường Trường Chinh người ta có thể nắn đường ngoằn ngoèo được, mà dự án này lại không thể linh hoạt được để bảo vệ môi trường, sinh thái?," ý kiến này nói.
Được biết, theo thống kê trong nước, mỗi năm toàn Việt Nam có tới 160-170 nghìn người bị tai nạn lao động và chỉ có 37% doanh nghiệp thực hiện các chỉ tiêu cơ bản về quy định bảo đảm an toàn vệ sinh lao động.
Một thống kê của Cục An toàn lao động thuộc Bộ Lao động của Việt Nam cho hay riêng 6 tháng đầu năm ngoái "cả nước đã xảy ra 3.322 vụ tai nạn lao động, tăng 262 vụ; trong đó số vụ làm chết người tăng 49 vụ và số tử vong cũng tăng 44 người" so với cùng thời điểm vào năm 2012.

Không có nhận xét nào: