Giá ngà voi tại Dar Es Salaam, thủ đô kinh tế của Tanzania đã tăng gấp đôi trong dịp Tập Cận Bình viếng thăm chính thức hồi tháng 3/2013. Cơ quan Điều tra Môi trường (EIA) khẳng định như trên trong báo cáo mang tên « Hướng về tuyệt chủng : Tội phạm, tham nhũng và tuyệt diệt loài voi ở Tanzania ».
Công du châu Phi lần đầu trong vai trò Chủ tịch nước, Tập Cận Bình được tháp tùng bởi các quan chức không chỉ đến để tham dự các hội nghị song phương. Tổ chức phi chính phủ đặt trụ sở tại Luân Đôn khẳng định như trên, sau khi thực hiện một cuộc điều tra tại chỗ. EIA tố cáo : « Các thành viên của phái đoàn chính phủ và thương mại hùng hậu này đã lợi dụng chuyến công du để mua số lượng ngà voi lớn đến nỗi khiến cho giá cả tăng vọt ».
Theo EIA, các món hàng ngà voi hoàn toàn bị cấm mua bán, đã được các viên chức từ Bắc Kinh chuyển lậu về nước. Trung Quốc vốn là thị trường hàng đầu thế giới đối với các thợ săn voi lấy ngà.
Trên các thị trường buôn lậu ở Tanzania, các nhà điều tra của EIA đã thu thập được nhiều bằng chứng, những người buôn bán khoe đã làm ăn rất khấm khá với các quan chức Trung Quốc.
Họ cũng kể rằng giá ngà voi bắt đầu lên cao thậm chí trước khi Tập Cận Bình đến. Các trung gian đánh cược rằng nhu cầu sẽ tăng vọt, nhờ vào chỗ dành sẵn trong các vali ngoại giao Trung Quốc cho các vật trang trí làm bằng ngà voi. Một « nhà buôn » có tên là Suleiman cho biết : « Sự hiện diện của Tập Cận Bình và đoàn tùy tùng đánh dấu thời điểm các phi vụ phát đạt ».
EIA cho biết, chuyến viếng thăm chính thức cảng Dar Es Salaam của phái đoàn Hải quân Trung Quốc hồi tháng 12/2013 cũng đã làm cho lượng ngà voi buôn lậu tăng lên. Một người bán hàng tiết lộ đã bán cho các viên chức hải quân này một lượng hàng bằng ngà voi trị giá đến 50.000 đô la. Một người Trung Quốc đã bị câu lưu khi phát hiện vận chuyển bằng xe vận tải nhẹ 81 chiếc ngà voi để giao cho hai hạ sĩ quan trong phái đoàn. Người buôn lậu này đã bị kết án 20 năm tù.
Cơ quan Điều tra Môi trường tố cáo : « Các nhóm tội phạm do người Trung Quốc chỉ huy cấu kết với các viên chức Tanzania để bán lậu một lượng ngà voi khổng lồ. Việc buôn lậu này đã kích thích nạn săn bắn trộm phân nửa lượng voi ở Tanzania trong 5 năm gần đây ».
Chẳng hạn trong năm 2013, Tanzania đã có đến 10.000 con voi bị sát hại, tức mỗi ngày mất đi khoảng ba chục con, bị bắn hạ để lấy ngà. EIA kết luận : « Tanzania là nguồn cung ngà voi săn lậu lớn nhất thế giới, và Trung Quốc là nước nhập khẩu lậu ngà voi lớn nhất toàn cầu ».
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi phản bác : « Báo cáo trên không có cơ sở. Chúng tôi rất bất bình. Trung Quốc hết sức coi trọng việc bảo vệ thú hoang và voi rừng ». Theo ông này thì chính quyền Bắc Kinh gần đây đã thông qua luật mới và có các biện pháp cấp quốc gia để trấn áp nạn buôn lậu ngà voi, phối hợp với các quốc gia khác.
Meng Xianlin, một quan chức của cơ quan Lâm nghiệp Trung Quốc đồng thời phụ trách các cam kết của nước này đối với CITES (Công ước thương mại quốc tế về các loài động, thực vật bị nguy cấp) đánh giá các thông tin trong báo cáo là « tào lao ».
Theo tổ chức phi chính phủ Save the Elephants, giá ngà voi lấy từ voi bị săn lậu ở châu Phi đã tăng gấp ba từ bốn năm nay tại Trung Quốc. Nhờ đó bọn tội phạm sống nhờ buôn lậu ngà voi kiếm được món lợi nhuận rất đáng kể.
Hồi tháng Năm, Cơ quan bảo vệ voi Tanzania (TEPS) đã cảnh báo, việc săn bắn lậu voi rừng đã đạt đến mức độ báo động tại Tanzania, khiến loài voi có nguy cơ bị xóa sổ ở nước này từ nay đến năm 2020./Thụy My (RFI)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét