Giá dầu thô Brent xuống dưới 50 đôla một thùng lần đầu tiên kể từ tháng Năm 2009 tới nay.
Giá xuống hơn một đôla, đạt mức 49,92 đôla một thùng vào đầu phiên giao dịch hôm thứ Tư, trước khi lên trở lại ở mức trên 50 đôla.
Mức tăng trưởng toàn cầu chậm trong lúc nguồn cung ứng dầu, khí tăng lên khiến cho giá dầu tụt xuống nhanh chóng trong những tuần gần đây.
Giá dầu tại Hoa Kỳ, được biết đến với tên gọi dầu West Texas Intermediate, đã xuống dưới mức 50 đôla.
Nhiều quan sát viên trông chờ giá dầu sẽ xuống nữa bởi các nhà sản xuất dầu đá phiến ở Bắc Mỹ tiếp tục cung ứng những lượng lớn dầu khí trong lúc nhóm sản xuất dầu Opec không chấp nhận lời kêu gọi cắt giảm sản lượng để hỗ trợ cho mức giá.
"Không có dấu hiệu nào cho thấy Opec sẽ làm bất kỳ điều gì về việc sản xuất quá mức, nên có vẻ như chúng ta sẽ thấy giá còn xuống tới mức 40 đôla trong những tuần tới," phân tích gia Michael Hewson từ CMC Markets nói.
Trong lúc nhiều người tiêu dùng và các doanh nghiệp hoan nghênh việc giảm giá nhiên liệu thì các nước sản xuất dầu trong đó có Nga và Venezuela đã bị ảnh hưởng mạnh do giá cả mặt hàng xuất khẩu chính của các nước này tụt giảm.
Giá dầu nay đã xuống quá nửa so với giá hồi tháng Sáu.
Các chính trị gia đã kêu gọi phải để người tiêu dùng được hưởng lợi nhiều hơn nữa từ việc giá dầu thô giảm mạnh.
Hôm thứ Hai, Bộ trưởng Ngân khố Anh George Osborne viết trên Twitter rằng "điều cốt yếu là phải chuyển giao nó sang cho các gia đình, qua việc giá nhiên liệu ở các trạm xăng, qua các hóa đơn gas, điện, và qua vé máy bay".
Việt Nam và mối lo thâm hụt ngân sách
Ở Việt Nam, giá bán lẻ xăng dầu cũng đã được nhiều lần hạ xuống trong thời gian qua.
Mới nhất là lần giảm giá áp dụng từ chiều hôm qua 6/1, theo đó xăng RON92 hiện 17.570 đồng một lít, trong lúc mức giá hồi trung tuần tháng Sáu 2014 là 24.900 đồng, tức giảm gần 30%.
Theo trang tin của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), việc giá dầu quốc tế xuống tới mức kỷ lục khiến Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) bị giảm mạnh lợi nhuận trong năm 2015, và do đó làm giảm đáng kể mức nộp vào ngân sách nhà nước.
VOV dẫn lời ông Nguyễn Xuân Sơn, Chủ tịch Hội đồng Thành viên PVN nói chi phí sản xuất dầu thô ở một số mỏ của Việt Nam hiện ở mức trên 60 đôla một thùng.
Như vậy, nếu với mức giá hiện nay trên thế giới là khoảng 50 đôla thì việc sản xuất của PVN ở các mỏ này sẽ là không có lợi.
“Phần lớn các mỏ của PVN có chi phí khai thác trung bình từ 30 đến 35 đôla Mỹ một thùng. Mỏ Bạch Hổ chỉ dưới 30 đôla một thùng. Nhưng có những mỏ như Sông Đốc trên 80 đô la. Khi giá dầu vẫn ở mức dưới 60 đôla như hiện nay thì PVN dự kiến sẽ dừng khai thác bốn mỏ có chi phí từ 60 đôla một thùng trở lên,” ông Sơn được dẫn lời nói.
Được biết, nguồn thu ngân sách quốc gia cho năm 2015 mà Quốc hội thông qua hồi trung tuần tháng 11/2014 gồm khoản thu từ dầu thô, một trong những nguồn đóng góp ngân sách chính của Việt Nam, là 93 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 11% tổng thu ngân sách 911 nghìn tỷ đồng, được dự toán dựa trên mức giá dầu thô 100 đôla một thùng.
Nay, giá dầu thế giới giảm mạnh khiến Bộ Tài chính phải tìm kiếm giải pháp khác để bù đắp khoản thiếu hụt.
"PVN và các Bộ Kế hoạch Đầu tư, Tài chính, Công Thương và Ngân hàng Nhà nước đã họp bàn về việc nếu giá dầu năm 2015 ở mức thấp thì có biện pháp phù hợp để vừa duy trì phát triển ngành dầu khí vừa giảm bất lợi do giá thấp," Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng được VOV trích lời.
Theo Bộ Công thương, phương án bù đắp đầu tiên được tính đến là việc thu nợ thuế, được cho là hiện vào khoảng 70 nghìn tỷ đồng trong đó có 50 nghìn tỷ được cho là còn khả năng thu hồi.
Theo dự toán ngân sách 2015, khoản thâm hụt ngân sách được tính toán khi chưa phát sinh việc dầu giảm giá mạnh toàn cầu đã là 226 nghìn tỷ đồng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét