(TNO) Trung Quốc đang tích cực đẩy nhân dân tệ ra thanh toán quốc tế, nhưng sẽ tiềm ẩn khá nhiều rủi ro cho các nước khác khi sử dụng đồng tiền này như kiểu USD.
Tiền Trung Quốc vẫn chưa thể hiện ưu thế thực sự - Ảnh: Reuters
Ngày 5.1, Tân Hoa xã dẫn lời Ngân hàng Trung Quốc rằng ngân hàng quốc doanh này đã được ủy quyền thanh toán bù trừ nhân dân tệ tại Kuala Lumpur, Malaysia. Đây lại là một bước nữa trong quá trình “quốc tế hóa” nhân dân tệ của Trung Quốc. Tuy nhiên, liệu đã đến lúc người ta nên xem nhân dân tệ là đồng tiền toàn cầu, kiểu như USD hay euro chưa?
Không dành cho tất cả
Trong bài viết cho Business Spectator (Úc) hồi tháng 7 năm ngoái, chuyên gia kinh tế John Lee cho rằng “đừng tin vào sự quảng cáo thổi phòng của nhân dân tệ”. Theo đó, việc quốc tế hóa đồng tiền này không đem lại lợi ích nếu không có sự cải cách sâu rộng từ phía Trung Quốc.
Ông John Lee dẫn ví dụ cho thấy dù đã trở thành đồng tiền giao dịch phổ biến thứ 7 thế giới (tháng 5.2014) nhưng nhân dân tệ vẫn còn khoảng cách rất lớn với USD và euro. Trong tháng 3.2014, thanh toán trong nhân dân tệ chỉ chiếm 1,6% giao dịch ngoại hối, trong khi USD chiếm tới 40,19%, còn euro là 31,78%.
Lý do bởi phần lớn các giao dịch nhân dân tệ đều là thanh toán thương mại nằm trong diện “thỏa thuận hoán đổi” với các ngân hàng Trung Quốc. Trong khi đó, bản thân Trung Quốc sử dụng rất nhỏ lượng nhân dân tệ trong xuất nhập khẩu, đa phần dùng USD. Nó khác với cách người Mỹ xuất nhập khẩu bằng 90% USD, hay Nhật dùng 70% tiền yên của họ.
Điều này có nghĩa, những ai làm ăn với Trung Quốc đều phải tiếp tục lấy tiền đổi ra USD rồi mới đổi ra nhân dân tệ, tức tốn nhiều chi phí trung gian. Để đối phó với điều này, các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc đã ký kết rất nhiều thỏa thuận hoán đổi tiền tệ tại các nước, như cách Ngân hàng Trung Quốc đã làm tại Kuala Lumpur hôm 5.1 kể trên.
Có điều tính đến nay, số lượng những thành phố có thỏa thuận hoán đổi tiền tệ chưa đáng kể, đồng nghĩa nhiều nước vẫn sẽ đối diện cảnh hao phí khi làm ăn với Trung Quốc qua nhân dân tệ, trong lúc Trung Quốc vẫn là đối tác kinh tế lớn của họ.
Khó trông đợi
Trong 3 bước đưa nhân dân tệ thành đồng tiền toàn cầu, bước cuối cùng sẽ là dùng nhân dân tệ như “dự trữ ngoại hối”. Thế nhưng, đây là điều chưa thể thành hiện thực ít nhất tính đến lúc này.
Việc sử dụng USD vẫn là lựa chọn “an toàn” hơn -
Ảnh: Reuters
Theo nhận định của John Lee, các trung tâm sản xuất tại châu Á như Việt Nam, Campuchia, Indonesia đều không sẵn sàng sử dụng nhân dân tệ trong giao dịch với Trung Quốc, trong lúc các đối thủ cạnh tranh của Bắc Kinh tại thị trường này đang ngày một đông đảo.
Lý do nằm ở chỗ trong khi tiền Trung Quốc liên tục cải thiện so với USD, các khoản thanh toán của những nước như Việt Nam cũng sẽ gánh chịu áp lực tương tự, tức nợ sẽ chồng nợ.
Khảo sát cho thấy khi người Việt Nam du lịch Trung Quốc, vẫn phải đi đổi tiền ở các tiệm vàng, ngân hàng với phần chênh lệch khá đáng kể. Trong khi đó nhiều người vẫn sẽ mang USD sang đến Trung Quốc rồi mới đổi nhân dân tệ để tiêu dùng.
Việc chưa thể thiết lập thỏa thuận hoán đổi giữa ngân hàng quốc doanh Trung Quốc với các nước (mức độ bao phủ chưa cao), sẽ là cản trở lớn cho việc quốc tế hóa nhân dân tệ.
Do quyết tâm của Bắc Kinh trong việc duy trì sự thống trị của các ngân hàng nhà nước ở lĩnh vực tài chính trong nước, thị trường trái phiếu công ty ở Trung Quốc sẽ vẫn còn tương đối kém phát triển. Có nghĩa là nhân dân tệ sẽ vẫn tương đối thiếu tính thanh khoản so với các đồng tiền chính khác. Đó là lý do không thể xem nhân dân tệ là dự trữ ngoại hối tính đến lúc này.
Nhật Đăng
(Thanh Niên)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét