Pages

Thứ Năm, 5 tháng 3, 2015

Nông dân còn rất nghèo, có cần phải có Tháp truyền hình cao nhất thế giới?

Nông dân còn rất nghèo, có cần phải có Tháp truyền hình cao nhất thế giới?
Tháp Tokyo Skytree hiện là tháp truyền hình cao nhất thế giới với 634 m (Ảnh: nld.com.vn)
Theo tin từ cổng thông tin Chính phủ, ngày 3/3, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp cho ý kiến về chủ trương nghiên cứu hợp tác đầu tư Dự án Tháp Truyền hình Việt Nam.

 Văn bản trên nêu rõ, Tháp Truyền hình Việt Nam có vai trò quan trọng trong quy hoạch phát triển của Thủ đô Hà Nội, thực hiện từ nguồn kinh phí xã hội hóa và được áp dụng chính sách ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật.

Đài Truyền hình Việt Nam chỉ đạo đơn vị tư vấn dự án khẩn trương xây dựng dự án tiền khả thi, trong đó cần làm rõ phương án huy động vốn, thời gian thu hồi vốn, hiệu quả của dự án và những nội dung liên quan khác.

Thủ tướng đồng ý cho Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) lập công ty cổ phần để tham gia đầu tư Dự án Tháp Truyền hình Việt Nam, sau khi đã làm rõ hiệu quả của dự án. Đài Truyền hình Việt Nam lựa chọn thêm đối tác là doanh nghiệp tư nhân có năng lực về tài chính và kinh doanh góp vốn tham gia công ty cổ phần để khai thác kinh doanh dịch vụ khi dự án đi vào hoạt động.

Dự kiến, Tháp Truyền hình Việt Nam sẽ được xây dựng trên khu đất diện tích hơn 14 ha tại khu trung tâm đô thị Tây Hồ Tây.

Dự án Tháp Truyền hình có tầm cỡ quốc tế và thuộc vào loại cao nhất trên thế giới, có tính chất đặc thù, vì thế, trong quá trình chuẩn bị cũng như thực hiện đầu tư cần có cơ chế đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định về vốn đầu tư, hình thức giao đất và phương thức chọn nhà thầu nhằm đạt được hiệu quả tối ưu của dự án.

Trước đó, tháng 8-2014, tại thủ đô Tokyo (Nhật Bản), đại diện VTV đã ký hợp đồng chọn nhà thầu tư vấn thiết kế – Công ty Nikken Sekkei của Nhật Bản làm đơn vị thực hiện gói thầu “Lập dự án đầu tư” xây dựng Tháp Truyền hình Việt Nam. Theo nội dung bản thỏa thuận, VTV chọn Công ty Nikken Sekkei của Nhật Bản làm đơn vị thực hiện gói thầu “Lập dự án đầu tư” xây dựng Tháp Truyền hình Việt Nam.

Công ty Nikken Sekkei là một trong những công ty thiết kế xây dựng lớn nhất Nhật Bản với hầu hết công trình nổi tiếng nhất tại đất nước này, trong đó có việc thiết kế và giám sát Công trình xây dựng Tháp Tokyo Skytree cao 634 m. Kiến trúc sư trưởng của công ty, ông Shigeru Yoshino bày tỏ mong muốn xây dựng tại Hà Nội một công trình kiến thúc có tầm cỡ tương đương Tháp Tokyo Skytree, đồng thời làm nổi bật các nét văn hóa Việt Nam.

Được biết, hiện tháp truyền hình cao nhất thế giới là Tháp Tokyo Skytree tọa lạc ở phía đông thủ đô Tokyo (Nhật Bản) đã chính thức mở cửa đón khách tham quan từ tháng 5- 2012. Tháp Tokyo Skytree được khởi công xây dựng từ tháng 7-2008, với tổng vống đầu tư khoảng 65 tỉ yên Nhật (806 triệu USD) và hoàn thành vào cuối tháng 2-2012.

Với chiều cao 634m, Tháp Tokyo Skytree đã được sách kỷ lục Guinness thế giới công nhận là tòa tháp cao nhất hiện nay, cao hơn 34 m so với Tháp Canton ở Quảng Châu (Trung Quốc) cao 600 m. Một trong những mục đích chính của Tháp Tokyo Skytree là tòa tháp truyền hình và đài phát thanh phát sóng. Tháp phát sóng hiện tại ở Tokyo – Tháp Tokyo cao 333m không còn đủ cao để hoàn thành kỹ thuật số phủ sóng phát thanh truyền hình mặt đất bởi vì nó được bao quanh bởi nhiều tòa nhà cao tầng.Bên cạnh đó, Nhật Bản là một cường quốc với nền kinh tế thứ 3 trên thế giới, GDP hàng năm hơn 5.200 tỷ, gấp 28 lần GDP Việt Nam, thì việc họ xây Tháp Tokyo Skytree đã được sách kỷ lục Guinness thế giới công nhận là tòa tháp cao nhất hiện nay là một chuyện bình thường.

Còn với một nước như Việt Nam, với GDP bình quân đầu người thuộc diện thấp trên thế giới cũng định xây tháp cao nhất thế giới thì lại là chuyện không bình thường. Cho dù có một phần vốn xã hội hóa đi nữa cũng là chuyện chạy đua theo trào lưu xây trụ sở hoành tráng. Đây là thực sự là một quan ngại trong khi dư nợ công của Việt Nam đang ngày một tăng cao, đến nay, bình quân nợ công 1.224 USD/người (mời xem bài Phần 1 Nhức nhối vấn đề nợ công và bài Đầu tư công lãng phí, trụ sở nhiều tỉnh to như cung điện).

Rút kinh nghiệm từ việc Dự án tòa tháp PVN Tower cao nhất Việt Nam bị cắt ngọn, đổi chủ, nên chăng Đài Truyền hình Việt Nam cần phải xem xét cẩn trọng trước khi đầu tư.

Thành Tâm

(Việt Đại Kỷ Nguyên)

Không có nhận xét nào: