Pages

Thứ Ba, 31 tháng 3, 2015

MONG ĐỢI TỪ PHIÊN TOÀ TRỌNG TÀI TRONG VỤ PHILIPPINES KIỆN TRUNG QUỐC Ở BIỂN ĐÔNG


BienDong.Net: Nhiều người cho rằng nguyên nhân sâu xa dẫn đến tham vọng độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh là họ cần một không gian sống cho hơn 1,4 tỷ dân Trung Quốc. Đây có thể hiểu là một dạng của “chủ nghĩa thực dân” dưới một hình thái mới. Chính vì lẽ đó, Bắc Kinh không chỉ bắt nạt những nước yếu mà họ còn tìm cách gây hấn với rất nhiều quốc gia trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc và cả Hoa Kỳ.
Năm 2014, Trung Quốc đã táo tợn đặt ngay một giàn khoan nước sâu khổng lồ trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, cũng như họ đã dùng sức mạnh để chiếm bãi ngầm Scarborough từ tay Philippines năm 2012. Bắc Kinh đã dùng chiến thuật “tích tiểu thành đại”, xâm lấn dần dần và từ từ để rồi thay đổi nguyên trạng khu vực Biển Đông, để họ có thể kiểm soát dần dần khu vực biển quan trọng này.

Philipines không thể đối đầu quân sự cũng như không thể chống lại sức mạnh “cơ bắp” của Trung Quốc. Trước đó, năm 1995, Philippines đã “nuốt hận” khi Trung Quốc chiếm bãi Vành Khăn ngay trong sự kiểm soát của quân đội Philippines. “Cạn kiệt giải pháp”, Philippines tìm cách dựa vào công lý để tìm lại công bằng cho mình qua cơ chế Toà Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII Công ước Luật biển 1982. Phiên toà này không chỉ là “trận đấu” giữa Philippines và Trung Quốc mà còn là sự đối đầu của Trung Quốc trước các quy định được thiết lập bởi Công ước Luật biển 1982. Liệu một quốc gia với vài bằng chứng yếu ớt, muộn màng và nguỵ tạo, chỉ dựa vào sức mạnh cơ bắp của mình nhằm chiếm đoạt 80% một vùng biển - là tài sản chung của cả nhân loại với các tuyến đường thương mại và hàng hải mà khối lượng hàng hoá trị giá 5000 tỷ USD vận chuyển mỗi năm qua khu vực biển này, có thể nhận được sự ủng hộ của Toà Trọng tài hay không?
Một Toà Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Luật biển năm 1982 đã được thành lập với 5 thành viên để xem xét và ra phán quyết với vụ Philippines kiện Trung Quốc.
Phiên toà này có tầm quan trọng đặc biệt, bởi vì nó không chỉ là một phiên toà bình thường mà nó là như một trận chiến pháp lý giữa một đối thủ khổng lồ nhưng chơi xấu là Trung Quốc và lẽ phải đứng về bên kia, cho dù là nước nhỏ - Philippines. Philippines đã đệ đơn lên Toà sau khi đã “cạn kiệt các giải pháp” trước các hành động “hung hăng, hiếu chiến” của Trung Quốc trên Biển Đông từ tháng 1 năm 2013. Năm 2014, Toà đã chuyển hồ sơ khởi kiện của Philippines cho Trung Quốc và tháng 12 năm 2014 là hạn định Trung Quốc phải gửi hồ sơ phản biện lập luận của họ đối với Philippines trước Toà. Thế nhưng, Trung Quốc đã cố tình không làm điều đó. Trung Quốc luôn khẳng định, họ sẽ không tham gia phiên Toà, và họ sẽ không tuân thủ phán quyết của Toà.
Nhiều người lo ngại rằng, dù cho phiên toà có phán quyết cho Philippines thắng kiện, nhưng làm thế nào để thi hành phán quyết đó trước một Trung Quốc “đầy cơ bắp” và coi thường luật pháp quốc tế lại là một vấn đề nan giải.
Vậy thế giới sẽ làm gì nếu Trung Quốc “phớt lờ” phán quyết của Toà? Cho dù việc thi hành phán quyết đối với Trung Quốc là điều khó nhưng chắc hẳn Philippines và đồng minh của họ là Hoa Kỳ đã tính đến điều này. Nếu Philippines thắng kiện mà Trung Quốc “phớt lờ” quyết định của Toà, uy tín và danh dự của Trung Quốc cũng theo đó mà sụp đổ. Trung Quốc vẫn đang cố khẳng định chiến lược “trỗi dậy hoà bình” không đe doạ tới hoà bình và an ninh khu vực và thế giới và thế giới sẽ suy nghĩ thế nào nếu Trung Quốc “trỗi dậy hoà bình” nhưng lại dường như đối đầu và thách thức với toàn bộ thế giới cũng như trật tự thế giới?
Phía Philippines cho biết, Toà sẽ phải cân nhắc trong việc bảo vệ lợi ích thương mại và hàng hải cũng như các quyền và lợi ích hợp pháp mà các quốc gia ven biển đương nhiên được hưởng theo Công ước Luật biển 1982, và trong trường hợp này, quyền của Philippines - một quốc gia ven biển - cần phải được tôn trọng. Hơn thế nữa, phán quyết của Toà trong vụ này sẽ không chỉ có ảnh hưởng đến Trung Quốc và Philippines mà còn ảnh hưởng đến nhiều quốc gia ở các khu vực khác mà đang bị Trung Quốc tranh chấp như khu vực biển Hoa Đông và cả Ấn Độ Dương nữa.
Việc Trung Quốc đang cho cải tạo các cấu trúc địa chất thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không những đe doạ về mặt an ninh, hoà bình trong khu vực và thế giới mà còn đe doạ đến sự ổn định của môi trường biển. Phía Philippines cho biết, đã có nhiều quần thể san hô tại khu vực Trường Sa, trước các hoạt động cải tạo của Trung Quốc, đã bị hư hại nặng nề.
Trung Quốc luôn rêu rao về “cái gọi là bằng chứng lịch sử” của họ đối với Biển Đông, nhưng trong tất cả chính sử cũng như trong các bản đồ của họ cho đến đầu thế kỷ 20, thể hiện rằng lãnh thổ của họ chỉ giới hạn đến đảo Hải Nam mà thôi. Vì hiểu rõ những mâu thuẫn trong lập luận của mình, nên Bắc Kinh muốn né tránh việc giải quyết tranh chấp này trước các định chế quốc tế.
Điều cần thiết và mong chờ là Toà Trọng tài sẽ có một phán quyết khách quan tôn trọng luật pháp đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng luật biển quốc tế, cũng như thách thức trật tự của luật pháp quốc tế từ phía Trung Quốc. Biển Đông sẽ và vẫn mãi là biển của hoà bình, ổn định và phát triển và là tài sản chung của nhân loại./.
BDN

Không có nhận xét nào: