Công văn của Hiệu trưởng Đại học Lâm nghiệp, thuộc Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn 'ngăn cấm' cán bộ, công nhân viên chức, sinh viên của Trường phát biểu ý kiến về vụ Hà Nội chặt hạ cây xanh là hoàn toàn 'lạm quyền' và văn bản cần bị hủy bỏ vì 'vi phạm pháp luật', theo ý kiến luật sư từ Việt Nam.
Hôm 27/3/2015, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam bình luận với BBC về 'Thông báo về việc phát ngôn liên quan đến việc chặt cây xanh ở Hà Nội' do ông Hiệu trưởng Trần Văn Chứ ký tên và ban hành hôm 25/3.
Luật sư nói: "Ông này (hiệu trưởng Đại học Lâm nghiệp) phát biểu như thế là ông ấy lạm quyền, ông ấy chỉ có quyền phát biểu trong phạm vi của trường của ông ấy thôi.
"Còn người ta ra ngoài xã hội, người ta phát biểu không nhân danh trường, không nhân danh chủ trương của trường, người ta phát biểu, thì hoàn toàn người ta có quyền đó.
"Và quyền đó là quyền phổ quát rộng rãi, không ai có quyền ngăn cấm cả," cựu quan chức Văn phòng Quốc hội nói.
Hôm thứ Tư, công văn 'Thông báo' do Phó Giáo sư, TS. Trần Văn Chứ, nhà giáo ưu tú, nguyên giảng viên Khoa Chế biến gỗ, nguyễn Chủ nhiệm Bộ môn Công nghệ Xẻ mộc, Bí thư Đoàn trường Đại học Lâm nghiệp, ký viết:
"Vừa qua nhân sự việc chặt cây xanh ở Hà Nôi, có một số cán bộ viên chức của Nhà trường đã trả lời phỏng vấn báo chí với chức danh đang công tác tại trường Đại học Lâm nghiệp mà không đúng quy chế về việc thực hiện phát ngôn và cũng cấp thông tin (theo Quyết định... của Thủ tướng Chính phủ...); không đúng các quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin của Trường Đại học Lâm nghiệp (theo Quyết định... của Hiệu trưởng...)
"Sự việc đã được cơ quan Công an Thành phố Hà Nội (Phòng PA83) thông báo cho Nhà trường và đề nghị xử lý cá nhân vi phạm quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin. Nhà trường sẽ tiến hành các bước kiểm điểm, rút kinh nghiệm và thi hành kỷ luật theo quy định nếu có vi phạm."
Công văn do ông Chứ ký ghi rõ: "Chỉ khi Nhà trường yêu cầu, Cán bộ viên chức, Lao động hợp đồng, Học sinh sinh viên mới được phát ngôn và cung cấp thông tin có liên quan một cách chính xác, khách quan.
"Mọi thông tin ngoài luồng của cá nhân không qua Nhà trường các cá nhân đó hoàn toàn chịu trách nhiệm," công văn được công bố lại toàn văn trên tờ báo điện tử của Đài Tiếng nói Việt Nam (Vov.vn).
'Lỗi soạn văn bản?'
Cũng tờ này hôm thứ Sáu trích dẫn lời của lãnh đạo Phòng An ninh Chính trị Nội bộ (PA83) của Công an Hà Nội bác bỏ bất cứ liên hệ nào của cơ quan công an với Đại học Lâm nghiệp như đã được nêu trong công văn của ông Chứ.
"Đại tá Đinh Hữu Tân - Trưởng phòng PA83 – Công an Hà Nội cho biết, sau khi nhận được thông tin, PA83 đã thực hiện rà soát toàn bộ văn bản và hoàn toàn không có bất cứ thông báo nào gửi cho trường Đại học Lâm nghiệp," tờ báo điện tử của VOV cho hay.
"Đại tá Tân khẳng định: “Việc xử lý cung cấp thông tin với báo chí theo quy chế là chuyện nội bộ của nhà trường, PA83 không can thiệp”.
"Đồng thời, Đại tá Tân cũng cho biết, PA83 đã có công văn gửi Đại học Lâm nghiệp yêu cầu nhà trường cải chính thông tin liên quan đến PA83 được nêu trong Công văn số 373/TB-ĐHLN-HCTH tránh gây ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan công an," vẫn theo trang mạng của Đài tiếng nói Việt Nam.
Trong một diễn biến liên quan, hôm 27/3, vẫn theo báo chí Việt Nam, Đại học Lâm nghiệp đã có tuyên bố nói văn bản hôm 25/3 có lỗi do 'người soạn thảo văn bản' gây ra và ban lãnh đạo Đại học này đang 'kiểm điểm', 'rút kinh nghiệm'.
Tờ báo mạng Infonet của Bộ Thông tin & Truyền thông dẫn lời của ông Nguyễn Vũ Lâm, Trưởng phòng Hành chính tổng hợp của Đại học Lâm nghiệp trả lời phỏng vấn báo này, cho biết thêm chi tiết:
"Trước tiên, ông Nguyễn Vũ Lâm xác nhận nhà trường có ra văn bản này, văn bản được ban hành vào ngày 25/3. Trong văn bản có đoạn 2 liên quan đến những thông tin về phòng PA83 (Công an TP Hà Nội). Tuy nhiên, theo ông Lâm thì “đây là lỗi của người soạn thảo văn bản”.
“Công an TP Hà Nội không chỉ đạo và cũng không liên hệ đề nghị kỷ luật, kiểm điểm hay vấn đề gì khác mà chỉ nhắc nhở chung về vấn đề an ninh, khi các trang mạng xã hội lan truyền những thông tin chưa chính xác, diễn biến bình luận sai lệch những thông tin của nhà trường. Chúng tôi ra văn bản để chấn chỉnh” – ông Lâm nhấn mạnh.
"Liên quan đến lỗi văn bản trên, Trưởng phòng tổng hợp Đại học Lâm nghiệp cũng cho biết, phía nhà trường đang họp kiểm điểm, rút kinh nghiệm."
Bình luận về tính thiếu nhất quán giữa các cơ quan là Phòng PA83 của Công an Hà Nội và Đại học Lâm nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Luật sư Trần Quốc Thuận nói với BBC:
"Sau khi nghe thông tin của Đài (Vov.vn) cung cấp, tôi cũng thấy rất là ngạc nhiên là sao giữa các cơ quan chức năng, người thì nói đằng này, người thì nói đằng khác, nhất là giữa ông Hiệu trưởng và PA của Hà Nội, tự nhiên người ta không nói, thì mình lại nói người ta nói.
"Cho nên những thông tin tôi cũng không thấy có cái gì nó không bình thường và đặc biệt việc ông Hiệu trưởng ông cấm người ta phát biểu chuyện này, chuyện kia, thì làm gì ông có cái quyền đó."
Theo Luật sư Thuận, kể cả văn bản quy định phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam cũng 'không cấm mọi người phát ngôn'.
"Ông Hiệu trưởng đó, không biết ông căn cứ vào chỗ nào mà ông lại phát biểu như thế, tôi nghe tôi cũng rất bất ngờ."
'Bị trên ép xuống?'
Hôm thứ Sáu, Tiến sỹ Trần Tuấn, mà nhà nghiên cứu về chính sách cộng đồng, bình luận với BBC về khả năng ông Hiệu trưởng Đại học Lâm nghiệp đã 'bị sức ép' của một cơ quan nào đó hoặc 'cấp trên' để công bố 'quyết định' đang gây tranh cãi này.
Nhà phân tích chính sách từ một cơ quan nghiên cứu, đào tạo thuộc Liên hiệp Hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam nói:
"Có thể trong hệ thống hành chính, có ai đó ép chúng ta phải làm theo ý của trên, tôi nghĩ rằng khi một quyết định từ trên đưa ra, cũng có rất nhiều cách khác nhau để xem xét ứng xử chuyện này.
"Trong trường hợp này chúng ta phải xem lại là khi một quyết định ở trên ép xuống như vậy, thì có đúng thực sự có hay không, và có đúng trên ép xuống?
"Giả sử trong trường hợp có thực sự ép xuống, bắt phải làm (ra Thông báo), tôi nghĩ rằng người ta bắt anh phải làm, nhưng chúng ta đều biết rồi, có những việc đúng hoặc là việc sai, anh nhận thấy nếu anh đúng, anh làm...
"Trong trường hợp anh theo ý kiến ở trên, sai cũng làm theo, thì chắc chắn anh liên đới trách nhiệm, và anh phải biết hậu quả của cái sai đó.
"Có thể trong trường hợp này họ thấy rằng hậu quả cũng không chết ai chăng, cho nên họ cứ làm, thì cái đấy là do nhận thức của họ.
"Và tôi cho rằng trong điều kiện kinh tế, xã hội, chính trị hiện nay mà những hành động như thế, những suy nghĩ như thế mà vẫn cho rằng là đúng để mà làm, thì tôi cho rằng hoàn toàn lạc lõng, không còn phù hợp."
Mới đây, trong một cuộc trao đổi với BBC, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Đại biểu Quốc hội, nhận xét đang có một khuynh hướng khiến dư luận xã hội ở Việt Nam quan tâm.
Đó là việc có sự 'đổ tội cho cấp dưới', hoặc 'trốn tránh trách nhiệm', 'vô thừa nhận hóa' các vụ việc mà theo ông có thể thấy qua vụ 'chặt hạ cây xanh' ở Hà Nội vừa qua, cho tới việc một nhóm thanh niên 'dư luận viên' 'phá đám' một lễ tưởng niệm liệt sỹ Gạc Ma nhưng sau đó cả Công an và Tuyên giáo Hà Nội đều phủ nhận không biết tới nhóm này.
Hiện chưa rõ việc Đại học Lâm nghiệp nói lỗi 'do người soạn thảo' gây ra ở công văn hôm 25/3/2015 vốn được cho là 'hạn chế' quyền tự do ngôn luận của cán bộ, công nhân viên, sinh viên của trường có phải là 'sự thực' và liệu đây đã là 'lý do cuối cùng' mà Đại học này đưa ra để biện minh cho văn bản gây tranh cãi này hay không.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét