Pages

Thứ Hai, 30 tháng 3, 2015

Bộ Công Thương nói dự án bauxite Tây Nguyên chỉ ‘lỗ 4-5 năm đầu’

VRNs (31.3.2015) – Sài Gòn – Tờ Dân trí dẫn lời Bộ Công Thương khẳng định, dự án bauxite Tây Nguyên ở Tân Rai lỗ kế hoạch 4 năm đầu, Nhân Cơ lỗ 5 năm đầu do phải trả nợ các khoản vay đến hạn nên việc năm 2015 và một vài năm tiếp theo, đồng thời thời gian thu hồi vốn là 11-12 năm.
Đây là phản hồi từ Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) công bố hôm 29/3 liên quan đến hiệu quả các dự án ở bauxite Tây Nguyên.
Theo tờ Người Lao Độngtrước đó hôm 28/3, một “cựu binh” Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin – chủ đầu tư dự án khai thác bauxite Tây Nguyên) đã cho rằng “nếu sản xuất đủ 660.000 tấn bauxite sẽ lỗ khoảng 37,4 triệu USD”.
 Nhà máy Alumin Nhân Cơ ở Đắk Nông sẽ lỗ 4-5 năm đầu và thu lại vốn sau 11 năm, nghĩa là sau 15 năm mới tính chuyện có lãi hay không
Nhà máy Alumin Nhân Cơ ở Đắk Nông sẽ lỗ 4-5 năm đầu và thu lại vốn sau 11 năm, nghĩa là sau 15 năm mới tính chuyện có lãi hay không. Ảnh: nld.com
Tại buổi tọa đàm về dự án khai thác bauxite Tây Nguyên, TS Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc New Technology Solutions Vietnam tính toán, “Theo công bố của Vinacomin, năm 2015, cả 2 dự án Tân Rai và Nhân Cơ sẽ sản xuất được 660.000 tấn, tổng doanh thu trên 4.900 tỉ đồng; giá bán khoảng 7,4 triệu đồng/tấn, tức 346 USD/tấn.”
“Cứ cho chi phí từ năm 2013 không tăng, chỉ cộng thêm chi phí vận tải, khấu hao thì giá thành phải là 8,6 triệu đồng/tấn, khoảng 403 USD/tấn, lỗ 56,7 USD/tấn. Nếu công suất đạt thấp hơn thì lỗ sẽ lớn hơn. Như vậy, tổng lỗ năm 2015 nếu sản xuất đủ 660.000 tấn sẽ khoảng 37,4 triệu USD.”

Tuy nhiên, trong văn bản dài 7 trang Bộ Công Thương nói những đánh giá này là “vội vã, thiếu cơ sở.”
Cơ quan này khẳng định, “dự án alumin Tân Rai có hiệu quả” với thời gian lỗ kế hoạch dự kiến là 4 năm và thời gian thu hồi vốn là 11,5 năm. Dự án Nhà máy alumin Nhân Cơ thì có thời gian lỗ kế hoạch là 5 năm và thời gian thu hồi vốn 12 năm.
Cũng theo Bộ Công Thương, dự án cập nhật hiệu quả tháng 4/2014, các thông số đầu vào dự án cơ bản ổn định, không có thay đổi nhiều, giá bán alumin trên thế giới hiện đã bước vào chu kỳ tăng: Đầu năm 2014 giá bán (FOB cảng Gò Dầu) ở mức 300-310 USD/tấn, cuối năm ở mức 350-360 USD/tấn, bình quân cả năm 2014 đạt 326,5 USD/tấn cao hơn so với tính toán của Dự án là 325 USD/tấn.
Mức giá trên đã vượt mức dự báo tăng giá alumin trong tính toán hiệu quả kinh tế, do vậy, hiệu quả kinh tế của dự án tăng lên; thời gian lỗ kế hoạch dự kiến sẽ giảm dưới 4 năm, thời gian thu hồi vốn cũng giảm theo.
Với xu thế tăng giá alumin như cuối năm 2014 và đầu năm 2015, Bộ quả quyết: hiệu quả dự án sẽ được tăng lên đáng kể, giảm thời gian lỗ kế hoạch và rút ngắn thời gian thu hồi vốn dự kiến.
Nhiều bạn đọc tỏ vẻ không đồng tình với khẳng định của Bộ Công Thương. Bạn đọc Viet Vu (vietvu959@gmail.com) suy diễn: “11,5 năm sau hết lỗ, tài nguyên hết; lãi là toàn bộ bất động sản và xác cái nhà máy.” Bạn đọc Tuấn (snackken@gmail.com) tiếp lời: “Khi hết tài nguyên sẽ có lời.”
Bạn đọc Lê Ngọc Anh (anhfoes2@yahoo.com) chất vấn, “Thời gian ‘lỗ kế hoạch’ là 4-5 năm + Thời gian thu hồi vốn khoảng 11 = Khoảng 15 năm sau mới có lãi (tính toán kỳ vọng). Vậy xin hỏi: – Tuổi thọ của dự án được bao lâu? – VN sẽ có được lãi với con số là bao nhiêu đối với cả dự án này? – Các ảnh hưởng của dự án đến môi trường, kinh tế, XH, an ninh, quốc phòng…v.v…?.”
Bạn đọc Tài Hoàng (hoangtai07@gmail.com) thì kiến nghị “nên thuê tổ chức kiểm toán độc lập có uy tín thì mới rõ ràng và khách quan.”
Bạn đọc pham ngoc lan (phamngoclan49@gmail.com) thắc mắc, “xúc tài nguyên đi bán mà còn để lỗ thì bán làm gì? Có gì khuất tất không mà cứ cố tình bán cho bằng được?”
Bên cạnh vấn đề kinh tế, một số nhà khoa học đã quan ngại về việc môi trường có thể bị hủy hoại bởi dự án bauxite Tây Nguyên. Nhiều người cũng lo lắng khi nhà thầu TQ hiện diện ở vị trí chiến lược Tây Nguyên.
Tuy nhiên, cũng theo Bộ Công Thương, những lo ngại về hoàn nguyên, xử lý bùn đỏ đều được giải tỏa bởi kiểm tra các thông số về môi trường đều đáp ứng được tiêu chuẩn cho phép. “Những kết quả này đã khẳng định chủ trương của Đảng, Nhà nước về khai thác bôxit để sản xuất Alumin, nhôm là đúng đắn”.
Pv.VRNs tổng hợp

Không có nhận xét nào: