Việc điều chỉnh tăng giá điện bình quân thêm 7,5% vừa qua có tác động lên chỉ số giá CPI cũng như tốc độ tăng trưởng tổng GDP là “không lớn” và “không đáng kể, nên "đáng ra hôm đó quyết điều chỉnh giá điện lên 9,5% thì hay quá!" - Thống đốc Bình nói.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình |
Ông Bình cho rằng, việc điều chỉnh tăng giá điện bình quân thêm 7,5% như vừa qua có tác động lên chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cũng như tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) là “không lớn” và “không đáng kể” trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay.
Thậm chí, theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, “Đáng ra hôm đó quyết điều chỉnh giá điện lên 9,5% thì hay quá! Trước đó cũng báo cáo Thủ tướng nên mạnh dạn tăng 9,5% sau này sẽ không phải làm đi làm lại nhiều lần vì nếu tăng 9,5% đi chăng nữa lạm phát thậm chí vẫn dưới 5% và GDP vẫn ở mức 6,2%”.
Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc EVN từng cho biết, nếu tính toán để bù đắp đầy đủ các chi phí phát sinh và có lợi nhuận ở mức bình thường thì giá điện phải tăng khoảng 12,8%. Tuy nhiên, EVN chỉ kiến nghị tăng 9,5%. Với mức tăng này, lợi nhuận đạt được/vốn chủ sở hữu của EVN khoảng 3%
Trình lên Thủ tướng, Bộ Công thương đưa ra 3 phương án, tăng 7,5%; tăng 8,5% và phương án thứ 3 là 9,5%. Sau khi cân nhắc, Chính phủ quyết định chỉ điều chỉnh tăng 7,5% trong đó yêu cầu EVN phải bảo đảm để đạt chỉ tiêu tổn thất mà Thủ tướng giao và phải có các biện pháp để tăng năng suất lao động và điều hành hiệu quả, bảo đảm kế hoạch lợi nhuận ít nhất trên 1% vốn chủ sở hữu. Với phương án tăng 7,5% thì lợi nhuận của EVN chỉ đạt khoảng 1%/vốn chủ sở hữu và xử lý chênh lệch tỉ giá được xấp xỉ 1.000 tỷ đồng.
Tại cuộc họp lần này, ý kiến của Thống đốc đã vấp phải phản đối của đại diện các Bộ ngành. Theo khẳng định của Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng thì mức tăng 7,5% giá điện bình quân ngày 16/3 vừa rồi nằm trong lộ trình phê duyệt, “đã được tính toán và cân nhắc tới tác động kinh tế xã hội để đưa ra tỷ lệ phù hợp”.
Bên cạnh đó, Chính phủ vẫn duy trì chế độ chính sách hỗ trợ hộ nghèo, tương đương khoảng 143 tỷ đồng thông qua hỗ trợ mỗi hộ gia đình 30kWh/tháng.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh thì cho rằng Thống đốc Bình đang “quá lạc quan”.
Bộ trưởng Vinh khẳng định, “việc tăng giá điện 7,5% đã đạt được yêu cầu cơ bản để Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) bán điện trên giá thành, có lãi. Thị trường là bán trên giá thành, phần còn lại cũng đã bù được chênh lệch tỷ giá, tăng trưởng không giảm quá lớn vì điện là đầu vào quan trọng của nền kinh tế”. Tuy nhiên, nếu tăng giá điện thêm 9,5% chắc chắn sẽ khiến tốc độ tăng GDP giảm.
Mặc dù vậy, nhìn chung về vấn đề kiểm soát lạm phát trong năm 2015 này theo đánh giá của lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư là “không có vấn đề gì lớn”. Với mức lạm phát thấp như hiện nay, Nhà nước sẽ vẫn tiếp tục kiên trì lộ trình thị trường hóa với các mặt hàng, dịch vụ công hiện đang do Nhà nước quyết định.
Cũng theo ông Vinh thì trong thời gian tới, Nhà nước cần thiết “rút” dần và tăng xã hội hóa các lĩnh vực này, giao cho tư nhân làm. Giá cả lúc này sẽ do thị trường quyết định. Thời điểm tại, Bộ trưởng Vinh cho rằng, giá điện xăng đã gần vào quỹ đạo.
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Thủ tướng đánh giá, nếu tăng giá điện bình quân thêm 9,5% như lời Thống đốc Bình nói thì sẽ xử lý nhanh được các vấn đề của ngành điện nhưng sẽ ảnh hưởng đến những chỉ tiêu kinh tế - xã hội khác.
Việc điều chỉnh giá điện, xăng dầu đã theo nguyên tắc thị trường. Theo khẳng định của Thủ tướng, quyết định tăng giá điện 7,5%, EVN vẫn có lãi mặc dù thấp. Đây là ngành hạ tầng nên vẫn trích lập một phần trả nợ chênh lệch tỷ giá còn hơn 8.000 tỷ đồng. Theo Thủ tướng, trong những năm vừa qua, mặc dù kinh tế khó khăn song giá điện vẫn tiệm cận thị trường và xử lý được một phần nợ do tỷ giá ổn định. Đồng thời, Thủ tướng cũng giao các bộ ngành theo dõi sát diễn biến để có những điều chỉnh chính sách kịp thời.
Theo Bích Diệp
(Dân trí)
(Dân trí)
* Tựa đề do VNTB đặt
* Tựa đề gốc: Thống đốc Bình: “Giá điện tăng 9,5% thì hay quá!”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét