Pages

Thứ Ba, 31 tháng 3, 2015

Loại cây mới trồng ở Hà Nội không thích hợp với môi trường TP

Gia Minh, biên tập viên RFA

Cây mới đã được chuyển đến trồng thay thế

Cây mới đã được chuyển đến trồng thay thế
 Tin247.com



Vụ việc cơ quan chức năng Hà Nội cho chặt hằng loạt nhiều cây xanh mà thông báo chính thức nói 6700 cây thuộc diện phải thay thế khiến cư dân thủ đô cũng như người Việt Nam nhiều nơi phản ứng và có hành động cụ thể.

Đặc biệt số cây trồng mới mà cơ quan chức năng Hà Nội nói là cây vàng tâm có đúng thực là loại cây đó hay không và có đáp ứng tiêu chuẩn cây xanh đô thị hay không?
Nhận định về những diễn tiến mới
Truyền thông trong nước trong thời gian qua theo dõi sát sao diễn tiến vụ việc chặt hạ hằng loạt cây cổ thụ che bóng tại thủ đô Hà Nội. Cấp cao nhất đã có ý kiến là Thanh Tra Chính phủ.
Cô Dương Ngọc Trà, người liên lạc của các Tổ chức và Công dân Thành phố Hà Nội gửi thư ngỏ đến Hội đồng Nhân dân thành phố, chủ tịch Ủy ban Nhân dân Nguyễn Thế Thảo cũng như Giám đốc Sở Xây Dựng, cô Dương Ngọc Trà vào cuối tuần qua cho biết những phản hồi ghi nhận được từ phía các cơ quan chức năng về việc chặt hạ cây xanh ở thủ đô như sau:
Người ta đã dừng việc này lại rồi và Ủy ban Nhân dân Hà Nội đã có thanh tra và một số bị đình chỉ để kiểm tra. Rồi Thanh tra Chính phủ cũng yêu cầu phải làm rõ và báo cáo.
Việc chặt cây cũng đã dừng lại rồi nhưng dân chúng chưa yên tâm cho lắm vì thỉnh thoảng cũng có chặt cây đâu đó. Dù không phải trên diện rộng dù có lệnh dừng rồi. Rõ ràng dân chúng vẫn bất an vì cần phải rõ ràng và kiểm điểm những người có trách nhiệm và phải dừng hẳn việc này lại.
Trong khi đó có những diễn biến mới là người ta còn đang tranh cãi cây trồng mới trên đường vừa mới chặt hằng loạt là cây gì, nó có tốt như người ta nói về loại cây đó hay không. Vẫn còn tranh cãi. Thêm nữa việc chặt cây hằng loạt khoảng 500 cây trên đường Nguyễn Trãi cho công trình đường sắt trên cao có được phép hay không. Việc đó đã làm rồi, bây giờ hóa ra người ta không được làm khiến người dân rất bức xúc nên muốn báo chí và các cơ quan quản lý cũng như đại diện của dân vào cuộc để xem ngọn nguồn như thế nào!
Các họ của Manglietia phân bố ở vùng núi cao nhiệt đới Đông Nam á và vùng Châu Mỹ. Ở Đông Nam á, chúng thường sống ở độ cao 300 mét trở lên trên mặt biển. Và cây này mà ở độ cao 600 mét trở lên thì cây rất to. Nhưng Hà Nội chỉ cao 6 mét so với mực nước biển
TS Nguyễn Tiến Hiệp
Đánh giá về loại cây thay thế được trồng
Thông tin cho biết cơ quan chức năng cho trồng một số cây mà họ nói là cây vàng tâm thay thế cho những cây đã bị chặt. Tuy nhiên, một số nhà thực vật học đến tận nơi để xem và kết luận đó là loại cây mỡ lâu nay được trồng ở các khu vực đất rừng của Việt Nam.
Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hiệp, giám đốc Trung Tâm Bảo vệ Thực Vật, thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Việt Nam, giải thích về hai loại cây đó như sau:
Cây mỡ là cây trồng rừng phổ biến của Việt Nam ở các tỉnh miền bắc: Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ… Ứng dụng của nó là làm gỗ lạng, làm nguyên liệu bột giấy. Tên khoa học của cây đó ( mỡ) là Manglietia Conifera, còn cây vàng tâm chính thức gỗ của nó cứng, màu vàng được dùng để đóng đồ dùng gia đình, làm tượng ở chùa. Ngày xưa những nhà quyền quí dùng để làm quan tài. Loại đó có tên khoa học chính thức trong Sách Đỏ Việt Nam công bố năm 2007, số loài 205 ghi rõ ràng là Manglietia Dandyi.
Chúng tôi kết luận rằng cả mỡ và vàng tâm- dù có đúng vàng tâm đi nữa, nếu dùng phải suy nghĩ không nên trồng ở Hà Nội. Lý do thứ nhất các họ của Manglietia phân bố ở vùng núi cao nhiệt đới Đông Nam á và vùng Châu Mỹ. Ở Đông Nam á, chúng thường sống ở độ cao 300 mét trở lên trên mặt biển. Và cây này mà ở độ cao 600 mét trở lên thì cây rất to. Nhưng Hà Nội chỉ cao 6 mét so với mực nước biển. Như thế khác biệt về khí hậu. Thứ hai đất ở vùng đồi núi khác với đất ở vùng Châu Thổ Sông Hồng, như thế chất đất khác nhau. Thứ ba môi trường trồng cũng khác: khi trồng trên vỉa hè đường phố nóng nực, khác với sống trong tự nhiên trên rừng. Thứ tư nữa nhiệt độ Hà Nội có khi nóng lên đến 40% liệu cây có còn sống được không. Đó là suy đoán khoa học thuần túy.
Tiêu chí trồng những cây mỡ làm cây đô thị chưa có sơ sở, và gỗ của nó mềm và cao ngất ngưỡng như thế không biết có thể tồn tại trong mưa bão nhiệt đới hay không
TS Nguyễn Tiến Hiệp
Rất tiếc bây giờ vẫn chưa có những minh chứng, ví dụ khi muốn trồng phải mang về trồng ở đất Hà Nội 3-4 năm xem phát triển thế nào; nếu phát triển tốt mới nhân ra đại trà. Đằng này chưa qua thử nghiệm, trồng như thế là vội vàng.
Tán của cây này cũng không giống tiêu chí của cây làm bóng mát. Tán của nó bản chất là tán nằm ngang, tán hình tháp. Tất cả những cây khác (cây trồng lấy bóng mát đô thị) từ thân chính của nó phân ra thành 2-3 nhánh, từ đó phân tiếp thứ cấp nữa, vươn ra rất nhiều tán như cây xà cừ, cây sữa, cây bàng, cây phượng vĩ …

Nguyễn Tiến Hiệp (bên trái) và GS Nguyễn Lân Dũng (ở giữa) đều cho rằng, trồng vàng tâm hay cây mỡ ở Hà Nội đều không thích hợp.
Nguyễn Tiến Hiệp (bên trái) và GS Nguyễn Lân Dũng (ở giữa) đều cho rằng, trồng vàng tâm hay cây mỡ ở Hà Nội đều không thích hợp. Blog phamvietdao

Tiêu chí trồng những cây mỡ làm cây đô thị chưa có sơ sở, và gỗ của nó mềm và cao ngất ngưỡng như thế không biết có thể tồn tại trong mưa bão nhiệt đới hay không.
Giá trị của những cây cũ
Ông này nhắc lại giá trị của những loại cây trước đây được trồng ở thủ đô như sau:
Đánh giá chung một số cây trồng cách đây hằng trăm năm từ thời Vườn Bách Thảo Hà Nội, đến nay vẫn còn sống tốt ví dụ những cây xà cừ, cây sữa, cây cơm nguội điển hình ở ngoài Bắc, và những cây sao đen, họ chò ở miền nam sống vẫn tốt. Chỉ có điều trong quá trình qui hoạch, xây dựng lại đô thị, do việc đào đường, thay đổi, đào những công trình ngầm gây ảnh hưởng rễ của một số cây đó nên khi xảy ra những cơn bão nhiệt đới khiến bị đỗ; nhưng nói chung vẫn đảm bảo tiêu chí che bóng cho đô thị.
Một số nhà chức trách cho rằng họ trồng đó là đúng vàng tâm, nhưng tôi nhà khoa học tôi nói 100% không phải vàng tâm mà là cây mỡ. Một số nhà nghiên cứu còn đưa đầu ra đảm bảo nếu trồng cây vàng tâm họ sẽ mất đầu!
TS Nguyễn Tiến Hiệp
Chúng tôi rất yêu những cây của thời trước, cả thời Pháp trồng, như hàng sấu Phan Đình Phùng… Đến Hà Nội mà không đến thăm hàng sấu Phan Đình Phùng, không thăm hàng xà cừ đường Hoàng Diệu, không thăm hàng cây cơm nguội đường Lý Thường Kiệt, không thăm những hàng sữa đường Nguyễn Du thì quả thực là một điều đáng tiếc.
Những cây đó vẫn sống tốt nhưng do thời gian chúng già đi nên cần phải thay thế thôi. Theo đánh giá của tôi thì thế hệ chúng tôi vẫn tiếp thu những gì tinh hoa, những gì đẹp của thời trước để phát huy thêm. Trong quá trình làm việc họ có thể sai sót những điểm A, B, C, D gì đó thì phải chấn chỉnh.
Một người từng làm trong ngành qui hoạch ở thủ đô là kiến trúc sư Nguyễn Việt Cường cũng có nhận định về giá trị của những cây từng tồn tại lâu nay dọc các tuyến phố của thủ đô:
Cây trong đô thị thì ai mà không biết, những người bình thường cũng biết: tối thiểu nó cho bóng mát, tối thiểu là nó hấp thụ oxy, hút carbonic, ngăn ngừa bụi và rất nhiều thứ khác nữa …
Đồng thời cây xanh rợp bóng lá cũng làm cho tâm hồn người ta thư thái về tư tưởng, giảm bớt những căng thẳng, mệt mỏi. Đó là những tác dụng của cây
Đó là điều mà những người bình thường cũng biết chẳng cần phải nhà khoa học. Đùng một cái họ làm như thế mà không nói gì, không hỏi gì!
Trông chờ của mọi giới
Sau khi có quyết định của một số cơ quan chức năng đưa ra như vừa nêu, những tổ chức và công dân tại Hà Nội tiếp tục chờ đợi vì họ cho rằng vẫn chưa an tâm trước những giải đáp từ phía cơ quan chức năng. Cô Dương Ngọc Trà cho biết những công việc mà phía những người dân như cô đang tham gia trong hoạt động cộng đồng bảo vệ cây xanh:
Trước hết chúng tôi đang làm một phần mềm ứng dụng để mọi người có thể tự quản lý cây xanh trên địa bàn của mình. Một phần mềm tương tự như Wikipedia nhưng về cây xanh. Tức gồm lịch sử của cây, hình ảnh cây, loại cây, vị trí để trong tương lai nếu có trường hợp cây hỏng thì người ta có thể đối chiếu cây có thực sự hỏng hay không. Đó là một ứng dụng mà chúng tôi rất mong muốn thực hiện, bởi vì việc quản lý cây xanh đô thị về phía người dân hoàn toàn chưa có. Sau việc này mọi người đều muốn tham gia vào việc quản lý đó cho minh bạch hơn. Dĩ nhiên cũng muốn hợp tác với các cơ quan quản lý cây xanh trên địa bàn. Nếu mà sau này có thể phát triển ứng dụng cả chung, cả riêng cho cộng đồng vì dụ có thể báo cây nào có nguy cơ đỗ, gãy hoặc hỏng để cơ quan quản lý có thể đến xử lý. Đó là việc mà chúng tôi đã bắt tay vào làm và hy vọng có thể phát triển thật tốt trong tương lai giúp người dân tham gia quản lý môi trường sống của họ.
Trước mắt mọi người chỉ dừng lại để theo dõi các động thái của chính quyền thôi, bởi vì bây giờ đã có lệnh thanh tra thì khoảng ba tuần nữa sẽ có kết quà thì mọi người chờ đợi.
Là một nhà khoa học trong ngành thực vật, tiến sỹ Nguyễn Tiến Hiệp cho biết đã tham gia góp ý với cơ quan chức năng dù rằng phía chính quyền vẫn bảo lưu ý kiến của họ:
Chúng tôi đề xuất thứ nhất phải công nhận những cây trồng mới trên đường Nguyễn Chí Thanh không phải là cây vàng tâm, không phải cây mỡ. Thứ hai phải suy nghĩ, muốn trồng mỡ cũng được, muốn trồng vàng tâm cũng được, nhưng đó có đủ tiêu chí trồng cây đô thị bóng mát không.
Một số nhà chức trách cho rằng họ trồng đó là đúng vàng tâm, nhưng tôi nhà khoa học tôi nói 100% không phải vàng tâm mà là cây mỡ. Một số nhà nghiên cứu còn đưa đầu ra đảm bảo nếu trồng cây vàng tâm họ sẽ mất đầu! Tóm lại giới khoa học bảo vệ đến cùng rằng Hà Nội trồng nhầm cây.
Hà Nội nói họ sẽ mời các nhà khoa học vào cuộc, tôi rất muốn như thế. Tôi đã phát biểu rồi: cây tiếng Việt có thể có nhiều tên cho một loại. Như cái bát dùng đựng cơm để đưa vào miệng thì miền bắc gọi là bát, miền trung gọi là cái đọi, miền nam gọi là cái chén. Tôi đề nghị cây có tên khoa học nhất định, vậy Hà Nội phải trả lời tên khoa học mà Hà Nội đang trồng là gì?
Môi trường sống là vấn đề chung của mọi người trong xã hội và dịp này nhiều người dân Hà Nội, trong đó có cả những nhà khoa học, các tổ chức dân sự, mạnh dạn lên tiếng để cuộc sống của họ không bị tác động bởi những tác nhân gây hại, cũng như tham gia bổ sung những biện pháp bảo vệ. Cây xanh là một trong những bộ lọc làm sạch môi trường cho chính họ.
Mục Khoa học- Môi Trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại các bạn trong chương trình kỳ tới
.

Không có nhận xét nào: