Pages

Thứ Ba, 31 tháng 3, 2015

Ý kiến về tuần hành 'vì Hà Nội xanh'

Tình cờ có mặt ở Hà Nội trong tháng 3, tôi có dịp chứng kiến toàn bộ diễn biến sự kiện tàn sát cây xanh có một không hai ở Hà Nội và diễn biến cảm xúc của dân chúng, dẫn đến việc người Hà Nội đồng lòng liên tiếp xuống đường, việc hiếm khi xảy ra ngay cả trong thời kỳ Trung Quốc gây hấn.
Người Hà Nội nổi giận không chỉ vì sự triệt phá cây xanh quá nhanh chóng mà như một cụ bà được phỏng vấn đã gọi đó là sự kiện “lâm tặc về thành phố”, mà còn vì những phát ngôn gây sốc, tiền hậu bất nhất của những người có trách nhiệm trong chính quyền.

'Lâm tặc' và cấm đoán

Mặc dù Chủ tịch Uỷ ban ND Thành phố Hà nội đã có công văn dừng chặt cây nhưng lại chỉ là tạm dừng và những động thái tiếp theo như Công ty Công viên Cây Xanh HN khăng khăng nói cây trồng trên phố Nguyễn Chí Thanh là cây vàng tâm, trong khi tất cả các nhà khoa học có ý kiến đều đưa ra những bằng chứng đó là cây mỡ đã làm công luận không tin vào sự thay đổi quyết định của chính quyền.
Đặc biệt công văn của Trường Đại học Lâm Nghiệp cấm những cán bộ, giảng viên, sinh viên phát ngôn với báo chí khi chưa được sự cho phép của nhà trường đã không hề giảm nhiệt tình hình mà còn làm nó tăng lên.
Đó là lý do vì sao trong hai tuần liên tiếp, người Hà Nội bất chấp sự cấm cản của chính quyền, liên tục xuống đường tuần hành.
Dù xa Hà Nội đã lâu nhưng thành phố quê hương vẫn luôn trong trái tim tôi nên tôi không thể đứng ngoài cuộc. Cuộc tuần hành đầu tiên là của page “6700 người vì 6700 cây xanh”, do bạn Ngọc Trà, một bà nội trợ bức xúc với thảm sát cây xanh lập ra và nhanh chóng được cộng đồng hưởng ứng.
Chỉ từ bức xúc mà mọi người chưa từng quen biết nhau liên kết lại viết thư ngỏ gửi lãnh đạo thành phố.
Chỉ trong 2 ngày, thư ngỏ này đã thu được hơn 15.000 chữ ký và đã gây sức ép đáng kể để chính quyền phải tạm dừng chặt cây. Nhưng thái độ loanh quanh của chính quyền đã làm các thành viên phải quyết định xuống đường.
Buổi tuần hành ngày 22/3/2015 diễn ra trong không khí khá căng thẳng, khi ngày hôm trước nhóm người trẻ đi thắt nơ cho cây xanh bị dân phòng đuổi.
Một nữ phóng viên của VTV4 tình cờ chứng kiến cảnh này đã quay phim lại thì bị một dân phòng mặt mũi rất bặm trợn doạ đưa vào đồn, gần như muốn hành hung cô ấy.
Chính vì vậy các thành viên đã rất cẩn thận lựa chọn những hình thức không vi phạm lệnh cấm nào như chọn hồ Thuyền Quang, nơi có không gian rộng rãi và không quá nhạy cảm, đi bộ chứ không tụ tập để tránh vi phạm lệnh cấm biểu tình, kết hợp với nhiều hoạt động khác như vẽ tranh, ca hát, phát tờ rơi… và tự căn dặn nhau hết sức kiềm chế để tránh gây xung đột.
Nhờ vậy cuộc tuần hành đã diễn ra khá hoà bình, sôi nổi và thu hút đông đảo sự chú ý của người qua đường cũng như người dân xung quanh.
Thời tiết không thuận lợi, mưa nhỏ và hơi lạnh nên số người tham gia ban đầu ít hơn dự kiến, chỉ khoảng hơn 100 người so với vài trăm đăng ký ban đầu nhưng nhiệt tình của nhóm đã thu hút đông đảo người qua đường nên đến cuối sự kiện đã có chừng 500 người tham gia tuần hành, vừa đi vừa hô khẩu hiệu bảo vệ cây xanh như “Tôi yêu cây, cây yêu tôi”, “Không chặt cây”, "Tree save us", "We save tree"…
Những khẩu hiệu ôn hoà đó đã khiến những cảnh sát, dân phòng bao quanh cũng không có hành động nào quá khích, chỉ phát loa kêu gọi người tham gia nên giải tán, đã có nhà nước lo…
Tôi tin là nhiều người trong số họ phải làm theo lệnh chứ cũng ủng hộ người tuần hành. Đặc biệt, tấm ảnh một nữ sinh viên tặng hoa cho một công an mà anh này phải ngoảnh mặt đi đã khiến công luận chú ý nhiều vì thể hiện khoảng cách giữa dân chúng với người thừa hành công vụ.
Chúng tôi vui vẻ ra về, hy vọng khi đã chứng kiến sự đồng lòng của người dân, chính quyền sẽ có động thái tích cực để chúng tôi được quay về sống đời sống bình thường.
Một tuần nữa qua đi nhưng ngoài những tin tức như báo chí lề phải bị cấm đăng tin về phong trào bảo vệ cây xanh, Công ty Cây xanh lén lút thay cây vào ban đêm và một số người tham gia tuần hành bị cảnh sát “hỏi thăm”, không có bất kỳ một động thái tích cực nào.

Thời điểm quan trọng

Trang “6700 cây xanh” quyết định tổ chức một cuộc tuần hành nữa vào ngày chủ nhật, 29/3/2015. Lần này địa điểm được lựa chọn là Hồ Hoàn Kiếm.
Đây là một quyết định dũng cảm vì Hồ Hoàn Kiếm là nơi có nhiều các cơ quan đầu não của Thành phố, hơn nữa lại đang thời điểm diễn ra Hội nghị IPU nên rất đông cảnh sát được huy động. Ngay từ thứ sáu, một số trường Đại học và Trung học đã có thông báo cấm sinh viên tham gia tuần hành;
Tổ dân phố một số khu phố cũng có động thái tương tự, thậm chí một số thành viên quen mặt trong các cuộc biểu tình bị công an trực tiếp “hỏi thăm”, khuyên không nên tham gia để đảo bảo an ninh trật tự trong thời gian diễn ra Hội nghị.
Nực cười! Cứ làm như dân chúng mới là người đứng ra chặt phá cây xanh, làm mất an ninh trật tự của thành phố.
Sáng chủ nhật tôi tà tà mượn xe máy đi lên Bờ Hồ, dù người nhà can ngăn. Đến nơi mới thấy tình hình còn căng hơn tuần trước. Đầu tiên là không thể gửi được xe máy quanh Bờ Hồ vì mọi bãi xe đều được lệnh đóng cửa. Ngay cả khác vào ăn kem Thuỷ Tạ cũng không gửi được xe, phải ra về.

Tôi phải vòng vèo rất xa mới tìm được chỗ gửi xe rồi đi bộ quay lại điểm tập kết nên muộn một chút. Đoàn diễu hành khỏi đầu từ khu vực đài phun nước bên cạnh Hồ Gươm, đối diện phố Cầu Gỗ. Có vẻ do bị ngăn cản nên đoàn đi không đông như tuần trước, lúc đầu chỉ khoảng vài chục với rất nhiều gương mặt từ tuần trước.
Trang phục cũng đơn giản, có gì mặc nấy, không lựa chọn màu xanh như lần trước. Một số người, chắc là thành viên chủ chốt chuẩn bị khá cẩn thận, có biểu ngữ, khẩu hiệu chủ yếu với nội dung cũ, chỉ một số bác lớn tuổi cầm biểu ngữ yêu cầu truy cứu trách nhiệm những người ra lệnh chặt phá cây. Vài bạn trẻ mặc trang phục giả cây xanh khá vui mắt.
Hoạt động cũng đơn giản hơn, chỉ có đi tuần hành quanh hồ, vừa đi vừa giương cao biểu ngữ và hô các khẩu hiệu bảo vệ cây xanh.
Một số người nước ngoài cũng tham gia, vừa đi vừa hô khẩu hiệu bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt. Đoàn càng đi càng đông, rất nhiều người đang đi dạo trên Bờ Hồ cũng nhập cùng đoàn. Thành phần đoàn rất đa dạng, từ các em bé còn ngồi xe nôi hay lẫm chẫm bước đi, đến các cụ già chống gậy; từ những phụ nữ váy áo điệu đà, phấn son thơm phức đến những thanh niên trang phục bụi bặm, tất cả đều rất hồ hởi, quyết tâm bảo vệ cây xanh.
Tôi hỏi một bác đã khá lớn tuổi, chống gậy là sao bác không ngồi nghỉ đã? Bác bảo:
“Không, tôi còn đi được. Không thể để họ phá hết cây xanh ở Hà Nội”!
Bên cạnh những nhân vật “cộm cán” trong giới biểu tình như bác Nghiêm Việt Anh, chị Đặng Bích Phượng…. tôi còn thấy khá nhiều các văn nghệ sĩ như nhà thơ Nguyễn Bảo Chân, nhà văn Thuỳ Linh… và một số người hoạt động trong xã hội dân sự như anh Đặng Hoàng Giang, TS Nguyễn Quang A…
Cũng như lần trước, người tuần hành rất kiềm chế, chỉ đi trên vỉa hè, tránh giẫm lên cỏ, không xả rác dưới sự kiểm soát chặt chẽ của xe cảnh sát và tiếng loa ra rả yêu cầu mọi người giải tán với lý do để bảo đảm an ninh trật tự cho IPU. Loa cứ loa, mọi người vẫn phớt lờ, vừa hô khẩu hiệu vừa bảo nhau: “Thành viên IPU thấy dân Việt diễu hành ôn hoà thế này, Hà nội càng có uy tín chứ sao”.
Cũng như trong cuộc tuần hành vì cây xanh Hà Nội ngày 22/3, cảnh sát cư xử rất kiềm chế, chỉ gây sức ép từ xa, kiểm soát giao thông, gọi loa chứ không có bất kỳ hành vi thô bạo nào.
Có thể dưới áp lực cần giữ hình ảnh trong thời gian diễn ra IPU nên họ được lệnh phải cư xử ôn hoà.
Đi hết một vòng hồ nhưng đoàn không dừng lại mà dừng trước Đền Ngọc Sơn và Uỷ ban Nhân dân Thành phố để một lần nữa giương cao biểu ngữ và hô khẩu hiệu thể hiện quyết tâm bảo vệ cây xanh của mình.
Trời cũng chiều người nên có một ngày nắng đẹp, dịu mát, trời trong xanh. Hình ảnh đoàn người trật tự diễu hành quanh Bờ Hồ, hô khẩu hiệu sôi nổi bên hàng cảnh sát áo vàng và những luống hoa đủ màu là một hình ảnh đẹp mắt mà tôi tin những người tham gia sẽ nhớ mãi.
Tuy nhiên, do không có hoạt động gì mới so với tuần trước, đến cuối buổi diễu hành nhiệt tình của nhiều người đã giảm.
Có thể thấy rõ nếu chính quyền không xuống thang, những cuộc tuần hành lần sau cần nghiên cứu bổ sung những hoạt động mới như “Phản đối lấp sống Đồng Nai” hay ủng hộ chống chặt cây xanh ở các thành phố khác như Hải Dương, Huế…
Xã hội dân sự ở Việt Nam còn quá non trẻ, cần những người lãnh đạo không chỉ nhiệt huyết mà phải bài bản và luôn đổi mới.
Mong lắm, một ngày mai tươi sáng cho thành phố quê hương.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả Sveta Nguyen, từ Hà Nội.

Không có nhận xét nào: