Pages

Thứ Năm, 14 tháng 5, 2015

Ngô Nhân Dụng - Dân ngu hay ngu dân?

Ngô Nhân Dụng
10650383_603885763053984_924833260_o.jpg
Những người tranh đấu đòi thiết lập chế độ dân chủ đồng ý với nhau một điều: Tốt nhất là để dân chúng chọn người cai trị. Suy nghĩ như vậy là đặt niềm tin trên óc phán đoán của người dân; họ có khả năng lựa chọn đúng. Nếu họ chọn sai thì rán mà chịu những hậu quả. Một thứ bảo đảm cho người dân, là nếu họ lỡ dại, chọn sai, thì sau đó hai, ba năm, nhiều nhất là năm, bảy năm, họ có quyền thay đổi.
Nhưng nếu dân chúng cứ sai lầm mãi thì sao? Chế độ dân chủ đặt trên niềm tin rằng, “Lâu lâu anh có thể đánh lừa tất cả mọi người; anh cũng có thể đánh lừa một số người mãi mãi; nhưng anh không thể đánh lừa tất cả mọi người mãi mãi được.” Abraham Lincoln nói như vậy, trong lúc đang tranh cử năm 1856. Những chế độ độc tài xảo quyệt nhất cũng có ngày bị lật mặt nạ.

Không phải ai cũng chia sẻ niềm tin này. Nhiều người không tin vào khả năng suy nghĩ của dân chúng. Niccolo Machiavelli (1469-1527) chẳng hạn. Trong cuốn Il Principe (Phan Huy Chiêm dịch sang tiếng Việt tựa là Quân Vương), ông nhận xét: “Dân rất cả tin và cũng rất mau quên.” Cho nên ông khuyên các vương hầu nên làm cho dân sợ, hơn là chờ được dân yêu. Trước Machiavelli hơn 17 thế kỷ, Hàn Phi Tử (Han Feizi, 韓非子,ca. 280–233 TCN) ở Trung Hoa còn nói toẹt ra rằng dân chúng là con nít. Trong chương 50, Hàn Phi viết: “Cái trí của dân không thể dùng được, nó giống như bụng dạ trẻ con vậy.” (Dân trí chi bất khả dụng, do anh nhi chi tâm dã - chương Hiển Học; 民智 之不可用,猶嬰兒之心也 - 顯學).
Tất nhiên các chế độ độc tài đồng ý với Hàn Phi Tử và Machiavelli. Ðể duy trì ách chuyên chế họ thường nêu ra một lý do là “dân trí còn thấp quá.” Nói cách khác, dân ngu, dân là đám trẻ con chưa đủ lớn khôn, không có khả năng chọn lựa cho chính mình. Chỉ có đảng là thông minh cho nên đảng phải quyết định mọi việc cho chúng nó được nhờ. Họ viết vào Hiến Pháp, điều số 4: “Ðảng lãnh đạo nhà nước và xã hội.” Thế đến bao giờ dân trí mới đủ cao để khỏi bị đảng “lãnh đạo?” Họ không nói. Ðến cái mục tiêu tối hậu của họ là tiến lên Chủ nghĩa Xã hội họ cũng chưa biết nó ra thế nào, thế mà vẫn nhắm mắt chạy tới và bắt cả nước chạy theo hết hơi! Chính họ chưa đủ khôn lớn, làm sao họ biết bao giờ dân mới hết ngu?
Các nhà chính trị không bao giờ tuyên giảng lý thuyết Dân Ngu này cả. Bởi vì không thể nói thẳng cho dân biết họ nghĩ gì khi còn muốn lợi dụng cái ngu của dân. Trái lại, họ nịnh nọt, vuốt ve dân, cho dân ăn đủ thứ bánh vẽ. Các bạo chúa chỉ cần áp dụng lý thuyết Dân Ngu bằng cách khích động bản năng và tình tự của con người. Những bản năng bình thường nhất như sợ đói, sợ đánh đập, sợ tra tấn, khiến dân phải vâng lời bạo chúa. Những tình cảm cao quý nhất, như lòng yêu nước, tình thương người đồng loại, thì được khích động để dân hy sinh cho các lãnh tụ hưởng.
Nhà văn Mikhail Shishkin mới viết một bài, dịch đăng trên The New York Times ngày 8 Tháng Năm năm 2015, cho thấy các bạo chúa Nga lợi dụng cái ngu của dân như thế nào. Ông kể chuyện thân phụ ông tình nguyện đầu quân năm 18 tuổi, tham gia cuộc chiến bảo vệ “Tổ Quốc Nga” chống Ðức Quốc Xã. Người con vẫn hãnh diện đem khoe bức hình chiếc tầu ngầm bố mình đã phục vụ. Mỗi năm đến ngày 9 Tháng Năm, ông cụ lại mặc quân phục, đeo đủ các huy chương, đó là ngày nước Nga kỷ niệm Ðại Chiến Thắng. Người lính đã làm tròn nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc. Nhưng ông cũng bảo vệ một chế độ đã bắt cha mình (ông nội tác giả) cho đi đày mút mùa, chết tối tăm trong một trại “học tập cải tạo gulag.” Cụ đã góp tay vào cuộc chiến thắng, kết quả là bạo chúa có thể kéo dài chế độ nô lệ hóa dân chúng lâu hơn. Cuối đời, cũng như các bạn đồng ngũ khác, cụ chỉ uống rượu tiêu sầu. Vào những năm 1980, khi nước Nga đói, đám cựu chiến binh như ông cụ nhận được những gói quà cứu trợ. Trong đó họ thấy những thực phẩm do dân Ðức gửi tặng. Ðối với ông cụ, đó là một sỉ nhục. Ông uống say khướt, hỏi: “Nhưng chúng ta thắng trận kia mà?” Ông bật khóc, tiếp tục hỏi mà không cần ai nghe: “Này, có phải mình thắng trận không? Hay mình thua trận?”
Năm nay, Mikhail Shishkin nhận định: Ðức Quốc Xã bại trận, dân Ðức đã thắng. Họ chứng tỏ cho ai cũng thấy một dân tộc có thể đứng dậy, sống như những con người, không còn bị chiến tranh làm cho mê muội nữa. Ngược lại, ở nước Nga, trong Ngày Chiến Thắng họ không nhắc tới khát vọng hòa bình và tưởng niệm các nạn nhân. Ông Putin đem biểu diễn các vụ khí mới, khích động dân Nga bằng tình yêu nước, để đe dọa Ukraine. Shishkin kết luận: “Các lãnh tụ Nga đã ăn cắp dầu lửa của dân, ăn cắp những cuộc bầu cử, ăn cắp đất nước, và ăn cắp chiến thắng của dân.” Năm nay, ông mới trả lời cho cha mình: “Bố ơi, chúng ta đã thua trận!”
Tại sao một dân tộc chiến đấu dũng mãnh, chịu bao nhiêu đau khổ, thắng kẻ địch trên chiến trường mà lại thua trận trong thời bình, ngay trên đất nước của mình?
Machiavelli và Hàn Phi Tử sẽ nhún vai trả lời: Chúng tôi đã nói mà. Dân chúng đời nào cũng chỉ là một đám con nít!
Nhưng chúng ta có thể hỏi ngược lại Hàn Phi Tử và Machiavelli một câu: Dân chúng là con nít, nhưng thưa các cụ, năm 1989 dân Ðông Ðức đã phá bức tường Berlin, dân Nga năm 1991 cũng xóa bỏ chế độ Cộng Sản rồi. Trong nháy mắt lịch sử lật sang một trang mới, mỗi biến cố diễn ra chỉ trong một đêm. Tại sao dân chúng có thể làm được như vậy?
Câu trả lời, là thông tin. Dân Ðông Ðức vẫn lén lút coi đài truyền hình Tây Ðức bao nhiêu năm. Chỉ nhìn một cảnh sinh hoạt trên đường phố ở Tây Ðức trên màn ảnh họ cũng biết tất cả những lời tuyên truyền của đảng và nhà nước là láo khoét. Những người Ðông Ðức trốn thoát chế độ Cộng Sản vẫn gửi tin tức về nhà. Mà họ không cần đưa tin tức, chỉ những gói quà họ gửi về cũng đầy những thông tin rồi. Tin tức giúp dân mở mắt ra nhìn sự thật.
Các bạo chúa không hoàn toàn tin ở Thuyết Dân Ngu, nhưng họ biết phải làm cho dân ngu, càng ngu càng dễ trị. Họ biến những người không ngu cũng thành ngu, đã dốt rồi thì cảng thêm dốt nát. Từ Stalin, Mao Trạch Ðông tới Hồ Chí Minh, Pol Pot, đường lối giản dị nhất của họ là bưng bít thông tin. Dân càng ngu các bạo chúa càng kéo dài ách thống trị. Muốn dân tiếp tục ngu thì không cho tự do ngôn luận, cấm báo chí độc lập bên ngoài guồng máy đảng. Chính sách Ngu Dân này được áp dụng tại khắp các nước độc tài. Nhưng không ở đâu triệt để bằng trong chế độ Cộng Sản. Ðảng chiếm độc quyền điều khiển các báo, đài, chiếm độc quyền giáo dục, độc quyền in sách giáo khoa.
Machiavelli và Hàn Phi Tử không hề biết ngày nay có thứ gọi là Internet.
Không hề biết có những người can đảm làm blog, làm Câu Lạc Bộ Báo Chí Tự Do. Ðó là những đợt xung phong tấn công chế độ độc tài, phá tan chính sách ngu dân, bưng bít. Bằng những ý kiến mới mẻ, bằng những tin tức “lề trái,” người dân sẽ càng ngày càng hiểu, biết nhiều hơn. Cho nên mới có những thanh niên như Nguyễn Việt Dũng. Dũng Phi Hổ hay Hoàng Tử Thuốc Lào, người xã Hậu Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An, ra đời sau khi chiến tranh chấm dứt 9 năm. Nhưng anh nhận được những thông tin ở đâu không biết, đã phán đoán rằng chế độ Việt Nam Cộng Hòa tốt hơn chế độ Cộng Sản. Anh di biểu tình ở Hà Nội, mặc áo chữ T, trên ngực in phù hiệu binh chủng Nhảy Dù Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Chúng ta có thể tin tưởng rằng dân chúng không ngu; ở bất cứ nước nào cũng vậy, họ không phải là con nít. Chỉ khi thiếu thông tin thì họ khó suy nghĩ đúng. Khi có đủ tin tức thì trí óc tập thể của người dân đủ sức phán đoán, quyết định, chọn lựa cho chính họ - không cần đứa nào “lãnh đạo” cả. Trong bức thư gửi cho Richard Price, năm 1789, Thomas Jefferson viết: “Khi dân chúng được thông tin đầy đủ, có thể tin tưởng họ sẽ biết tự cai trị. Khi có điều gì kỳ cục làm cho họ chú ý, có thể tin là họ sẽ chỉnh đốn được. (Whenever the people are well-informed, they can be trusted with their own government. Whenever things get so far wrong as to attract their notice, they may be relied on to set them to rights).
Ðó là niềm tin của những người đang tranh đấu đòi tự do dân chủ. Dân chủ không bảo đảm một xã hội lý tưởng xa vời. Dân chủ chỉ là những cách xếp đặt cuộc sống chung để bảo đảm người dân có quyền lựa chọn và thay đổi những người cầm quyền. Trong lịch sử, loài người đã thử áp dụng nhiều thể chế khác nhau, không có thể chế nào hoàn hảo cả, nhưng dân chủ là chế độ đỡ tai hại nhất.

Không có nhận xét nào: