Pages

Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2015

Hải quân Trung Quốc muốn khoác chiếc áo toàn cầu

mediaQuân Trung Quốc tập luyện tại một căn cứ quân sự ở Trừ Châu (Chuzhou) tỉnh An Huy, 13/05/2015.REUTERS/China Daily
Trong bài viết « Bắc Kinh định ra cho hải quân tầm vóc toàn cầu », thông tín viên Le Monde tại Bắc Kinh nhận định, Sách Trắng quốc phòng của Trung Quốc đã nhấn mạnh tầm quan trọng của an ninh trên biển khơi.



Theo tờ báo, Trung Quốc khi quan tâm về lợi ích của mình ở nước ngoài và của người Hoa trên tất cả các lục địa, đã khẳng định quyết tâm chuyển đổi thành cường quốc hải quân. Trong cuốn Sách Trắng mới công bố hôm thứ Ba 26/5, lần đầu tiên dành riêng cho chiến lược quân sự, Hội đồng Nhà nước đã trình bày các chiến lược để giao phó vai trò toàn cầu cho quân đội Trung Quốc.
Việc công khai này được Bắc Kinh giới thiệu như một hành động minh bạch, diễn ra trong bối cảnh Mỹ-Trung đang khẩu chiến về Biển Đông. Tại đây, các công trường bồi đắp các đảo đá ngầm và rạn san hô để lấn biển của Bắc Kinh, từ nhiều tháng qua là mục tiêu của chiến dịch tố cáo mạnh mẽ từ phía Washington.
Sách Trắng quốc phòng Trung Quốc đã thừa nhận sự chuyển đổi không làm mấy ai ngạc nhiên, của cường quốc thương mại thế giới. Văn kiện này nhấn mạnh : « Sự an toàn cho các lợi ích viễn hải Trung Quốc về năng lượng và tài nguyên, các tuyến đường hàng hải chiến lược, các định chế, nhân lực và tài sản ở nước ngoài, đã trở nên mối quan ngại chủ yếu ».
Sách Trắng cũng cho rằng : « Với việc bành trướng các lợi ích quốc gia Trung Quốc, an ninh quốc gia đã trở nên dễ tổn thương hơn trước các biến động trong khu vực và trên thế giới, nạn khủng bố, hải tặc, và các thiên tai, dịch bệnh ».
Đây không phải là lần đầu tiên Bắc Kinh nêu ra « lợi ích viễn hải » trong một văn kiện chính thức. Nhưng theo chuyên gia Mathieu Duchâtel, người đứng đầu văn phòng Bắc Kinh của Stockholm International Peace Research Institute, khái niệm này « đã được dành cho một chỗ quan trọng như thế trong Sách Trắng mới : mối quan ngại chủ yếu ».
Đối đầu Mỹ-Trung tại Biển Đông
« Ý tưởng này đã được cụ thể hóa, nay thì hầu như liên quan đến vị thế của Trung Quốc với tư cách một cường quốc, có những hoạt động cả trong nước và ngoài nước » - ông Duchâtel nhận định. Ông cũng là đồng tác giả với nhà ngoại giao Đan Mạch Jonas Parello-Plesner trong cuốn sách tiếng Anh sắp ra mắt mang tựa đề « China’s Strong Arm : Protecting Citizens and Asset Abroad ».
Đối với nhà nghiên cứu trên : « Các vấn đề hàng hải trong khu vực và việc bảo vệ các lợi ích ngoài khu vực của một Trung Quốc toàn cầu hóa, phối hợp với nhau trong việc xây dựng sức mạnh hải quân Trung Quốc ». Ông nhấn mạnh : « Sự thay đổi giọng điệu là hiển nhiên so với Sách Trắng trước đó, vốn chú trọng sự hợp tác quốc tế của quân đội Trung Quốc trong các chiến dịch đa phương. Bối cảnh năm này hoàn toàn khác do sự đối đầu Trung-Mỹ tại Biển Đông, và chu trình nguy hiểm giám sát/ phản giám sát ».
Theo ông Duchâtel : « Việc hải quân Trung Quốc giám sát liên tục Biển Đông giải thích rất nhiều điều về thái độ của Bắc Kinh (kể cả việc xây các đảo nhân tạo)». Các trao đổi trên làn sóng vô tuyến hôm 20/5, giữa phi hành đoàn chiếc máy bay trinh sát Posedon của Mỹ lúc bay phía trên các đảo san hô ngoài khơi Philippines và kiểm soát không lưu của hải quân Trung Quốc, trước ống kính quay phim của CNN, đã khiến giọng điệu giữa Bắc Kinh và Washington gay gắt thêm, trong lúc sắp diễn ra Đối thoại Shangri-La ở Singapore từ ngày 29 đến 31/5. Đây là điểm hẹn quan trọng của các Bộ trưởng Quốc phòng khu vực châu Á- Thái Bình Dương.
« Tự do hàng hải » và « lợi ích viễn dương »
Trong các trao đổi trên làn sóng điện, phía Mỹ nỗ lực đề cao tự do hàng hải, trong khi Trung Quốc ra lệnh – ban đầu còn bằng giọng điệu lịch sự, rồi càng lúc càng gay gắt hơn – đòi máy bay Mỹ phải rời khỏi « lãnh thổ thuộc chủ quyền Trung Quốc ».
Trước đó Lầu Năm Góc đã tuyên bố sẽ nghiên cứu gởi chiến hạm và phi cơ đến khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây lên, khiến Bắc Kinh tức giận. Tờ Global Times có lượng phát hành lớn, phát ngôn viên hiếu chiến của chế độ, thậm chí còn kêu gọi Trung Quốc « chuẩn bị kỹ lưỡng » cho khả năng xảy ra xung đột với Hoa Kỳ.
Phát biểu từ Trân Châu cảng (Pearl Harbour) nhân lễ chuyển giao quyền lực lãnh đạo Hạm đội Thái Bình Dương hôm thứ Tư 27/5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter nhắc nhở rằng Hoa Kỳ muốn « đưa phi cơ và chiến hạm hoạt động khắp nơi luật pháp quốc tế cho phép ».Ông Carter đòi « chấm dứt ngay lập tức và về lâu về dài các dự án bồi đắp lấn biển của Trung Quốc và các nước liên quan ». Ông lên án Bắc Kinh « thông qua các hành vi tại Biển Đông, đang lệch pha với các tiêu chuẩn quồc tế làm cơ sở cho cấu trúc an ninh châu Á-Thái Bình Dương ».
Đối với Mathieu Duchâtel, khái niệm « tự do hàng hải » mà Hoa Kỳ bảo vệ đối nghịch với « bảo vệ tại biển xa », đòn trả đũa cường điệu của Trung Quốc trong Sách Trắng mới. Theo ông : « Điều này đòi hỏi một hàng lang an ninh cho hải quân Trung Quốc trên hải phận quốc tế, có thể sẽ quan trọng trong việc sơ tán các công dân chẳng hạn. Đồng thời cũng gợi đến các hoạt động hộ tống các đoàn tàu thương mại như ở vịnh Aden ».
Le Monde kết luận, hãy chờ xem người Trung Quốc thực hiện ý định của họ như thế nào.

Không có nhận xét nào: