Pages

Chủ Nhật, 10 tháng 5, 2015

Người dân muốn biết: Thuế bảo vệ môi trường trên xăng dầu sẽ chạy đi đâu?



Thuế bảo vệ môi trường trên xăng dầu sẽ chạy đi đâu? Tất nhiên là vào các hoạt động bảo vệ môi trường rồi, nhiều người sẽ trả lời ngay tắp lự. Thật sung sướng biết bao khi ngân sách nhà nước sẽ thêm được 10.831 tỷ đồng qua tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu lên 300%. Điều này có nghĩa là sẽ có nhiều tiền hơn cho việc giải quyết các vấn đề môi trường như khói bụi, ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm nguồn nước v.v… và người dân Việt Nam sẽ có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Tuy nhiên câu chuyện không hề đơn giản như vậy. Năm 2014 ngân sách bảo vệ môi trường năm 2014 tổng thu là 12.569 tỷ đồng, nhưng thực chi chỉ có 1.450 tỷ đồng, tức là chưa tới 12% [1]. Năm 2015 ước tính chi cho môi trường cũng chỉ tầm 1,8 tới 2,3 tỷ [2].

Điều này có nghĩa là ngân sách bảo vệ môi trường của Việt Nam sử dụng chưa hết, và Nhà nước hoàn toàn không cần phải tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu để bổ sung ngân sách này.

Ngày 1/5/2015, Bộ Trưởng Bộ Tài Chính Đinh Tiến Dũng cam kết giá xăng sẽ không tăng cho dù thuế bảo vệ môi trường tăng gấp ba lần. Nhưng chỉ 4 ngày sau, giá xăng bán lẻ trong nước đã được liên bộ Công Thương – Tài Chính cho phép tăng 1.950 đồng / lít vào tối 5/5/2015. Đây là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 3/2011. Bộ Tài Chính thản nhiên tuyên bố ngày 6/5/2015: "Đáng lẽ giá xăng còn phải tăng hơn nữa!" [3]

Bên cạnh lý do giá xăng thế giới tăng cao, thì việc tăng thuế bảo vệ môi trường chắc chắn cũng góp phần đẩy giá bán lẻ lên. Theo [4], ngay cả khi thuế môi trường chưa tăng gấp 3 lên 3.000 đồng mỗi lít, các khoản thuế đã chiếm gần một nửa trong cơ cấu giá xăng bán lẻ hiện nay:

co-cau-xang-1426733090.jpg
Cơ cấu giá xăng khi chưa tăng thuế bảo vệ môi trường. Ảnh VnExpress.

Giá xăng tăng cao ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân, đặc biệt là người nghèo. Những người này có quyền được biết trong khoản tăng giá xăng kia, bao nhiêu phần trăm là do giá xăng thế giới tăng, bao nhiêu phần trăm là do thuế môi trường tăng? Và khi họ móc tiền túi ra trả thuế môi trường, thì họ cũng cần được biết nó được sử dụng như thế nào? Không phải vì áp lực thu ngân sách mà Nhà nước tùy tiện tăng thuế dưới mỹ danh "bảo vệ môi trường" để rồi tùy tiện chi cho các dự án viển vông, lãng phí và đầy tham nhũng.

Cộng tác viên Dân Luận

-----------------




Không có nhận xét nào: