Pages

Thứ Sáu, 8 tháng 5, 2015

Thêm cơ hội cho lao động VN làm việc tại Đài Loan

Thanh Trúc, phóng viên RFA

Taiwan-economy-305.jpg

Ảnh minh họa chụp tại Đài Loan năm 2014.
AFP PHOTO



Sau 10 năm áp dụng lệnh cấm đối với lao động nhập khẩu từ Việt Nam, Đài Loan quyết định gỡ bỏ lệnh này với loan báo sẽ nhận thêm công nhân Việt trong ngành đánh cá và giúp việc nhà.

Đây là cơ hội cho người trong nước, đa phần ở nông thôn, được qua Đài  Loan làm việc với mức thu nhập khá hơn. Tuy nhiên có những qui định mới từ phía Đài Loan mà công nhân Việt cần hiểu rõ để tránh rơi vào hoàn cảnh bất ưng của những người đi trước.

Nhu cầu của giới chủ Đài Loan

Lệnh cấm công nhân Việt Nam được chính phủ Đài Bắc quyết định dỡ bỏ hôm 29 tháng Tư vừa qua, là cơ hội cho lao động trong nước tìm kiếm việc làm tại Đài Loan kể từ ngày 1 tháng Bảy tới.
Từ đầu tháng Tư, Việt Nam và Đài Loan đã có những buổi thảo luận liên quan và đạt tới kết quả như vừa nói. Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, cục trưởng Cục Lao Động Ngoài Nước, Bộ Lao Động Việt Nam, cho biết:
Gần đây, căn cứ theo nhu cầu của chủ Đài Loan cũng như căn cứ theo tiến triển đạt được rất tốt trong việc ngăn ngừa lao động bỏ hợp đồng, thì phía Đài Loan đã đồng ý chấp nhận trở lại số lao động này.
-Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh
“Từ năm 2005, do trước đây ta cũng đưa nhiều lao động làm việc trong các gia đình Đài Loan và thuyền viên tàu cá bên cạnh những loại hình lao động khác. Vào thời kỳ đó, trước 2005, rất nhiều lao động Việt Nam sang đó làm việc đã bỏ hợp đồng ra ngoài. Vì vậy cho nên đầu 2005 đến nay phía Đài Loan đã dừng tiếp nhận lao động trong các gia đình và thuyền viên tàu cá là những loại hình lao động rất hay bỏ hợp đồng.
Gần đây, căn cứ theo nhu cầu của chủ Đài Loan cũng như căn cứ theo tiến triển đạt được rất tốt trong việc ngăn ngừa lao động bỏ hợp đồng, thì phía Đài Loan đã đồng ý chấp nhận trở lại số lao động này.”
Tin này được linh mục Nguyễn Văn Hùng, giám đốc tổ chức NGO là Văn Phòng Hỗ Trợ Pháp Lý Cho Công Nhân Và Cô Dâu Việt ở Đài Loan, đón nhận một cách thận trọng hơn. Với kinh nghiệm làm việc và giúp đỡ những công nhân qua Đài Loan trước đó, ông nói có nhiều khía cạnh mà lao động Việt qua Đài Loan cần biết để tự bảo vệ quyền lợi cho mình:
“Lý do là vì lao động giúp việc nhà ở Đài Loan đến giờ phút này vẫn chưa được Luật Lao Động Đài Loan bảo vệ. Thứ hai, tiền lương của họ là 15.840 đồng (Đài Tệ). Thứ ba là họ làm việc mà không có ngày nghĩ. Thứ tư họ không được hưởng bảo hiểm lao động, Thứ năm là tiền môi giới ở Việt Nam qua Đài Lan đi làm vẫn rất cao đối với những người lao động giúp việc nhà. Cho nên những vấn đề cách đây mưới mấy năm đến giờ phút này vẫn chưa giải quyết.”
Vẫn theo lời linh mục Nguyễn Văn Hùng, song song với quyết định nhận lại lao động đánh cá và lao động giúp việc nhà từ Việt Nam, Đài Loan còn loan báo những qui định mới sẽ thử nghiệm trước trong vòng một năm:

xkld-nghean-vieclamvietnam.gov.vn-305
Công nhân Nghệ An lên đường sang Đài Loan xuất khẩu lao động năm 2009.
“Họ yêu cầu những người giúp việc nhà qua bên này phải học 90 tiếng để biết cách phục vụ, rồi 200 tiếng để học tiếng Hoa, 100 tiếng để học luật pháp của Đài Loan. Mong muốn của tôi là những người Việt Nam sẽ qua Đài Loan này sẻ không phải trả một số tiền môi giới rất lớn. Cái thứ hai nữa là họ biết luật pháp Đài Loan để nhớ giúp đỡ khi mà thí dụ bị sách nhiễu tình dục, bị hãm hiêp… cái tình trạng cách đây mười mấy năm người lao động bị thường xuyên. Cái thứ ba, phía chính phủ Việt Nam ở Đài Loan cần hỗ trợ tích cực cho những người sang Đài Loan giúp việc nhà. Kế tiếp, những người môi giới ở Việt Nam đưa người qua bên này cần cố gắng giúp người đi làm trong môi trường đó chứ không phải cứ sùng những lời đe dọa đuổi họ để làm vui lòng chủ những người lao động này.
Riêng những người đánh cá xa bờ cần hiểu rõ nội dung của hợp đồng họ ký, nghĩa là hưởng lương bằng tiền mặt chứ không qua công ty môi giới để gia đình ở Việt Nam nhận. Người đánh cá Việt ở Đài Loan cũng được luật lao động bảo vệ nhưng họ không hiểu được quyền lợi của họ vì trươc khi đi họ không được học hỏi đến nơi đến chốn. Điều thứ ba, trong lúc làm việc mà bị ngược đãi, bị chủ hay môi giới hăm dọa thì biết nơi đến nhờ giúp đỡ, nếu không thì rất nhiều người đánh cá qua Đài Loan thời gian vừa qua phải bỏ trốn.”

Chi phí còn cao

Những trường hợp mà linh mục Nguyễn Văn Hùng vừa trình bày là vấn đề đã xảy ra cho 2 trong số nhiều lao động nữ giúp việc nhà ở Đài Loan:
“Em tên Thơm, cách đây hơn 10 năm em có đi làm giúp việc rồi. Trước khi sang đây thì em không được học luật, bây giờ những người sang sau hy vọng họ biết luật Đài Loan về quyền lợi của mình để áp dụng trong cuộc sống của họ. Luật bên Việt Nam thì em không rõ cho lắm, nhưng tiền chi phí như bọn em đi là quá cao nên là sức ép quá cao. Em chỉ mong những người bên môi giới Việt Nam với chính phủ Việt Nam cũng quan tâm đến vấn đề người giúp việc sang bên Đài Loan nó như thế nào.
Luật bên Việt Nam thì em không rõ cho lắm, nhưng tiền chi phí như bọn em đi là quá cao nên là sức ép quá cao. Em chỉ mong những người bên môi giới Việt Nam với chính phủ Việt Nam cũng quan tâm đến vấn đề người giúp việc sang bên Đài Loan nó như thế nào.
-Cô Thơm
Em tên Hoa, Đài Loan đã đề tiêu chuẩn như hế thì em cũng mong phía bên Việt Nam trừ chi phí môi giới, nhà nước quan tâm hoặc là điều tra làm rõ những vụ thu tiền phí đi quá cao. Rất nhiều trường hợp là xuống sân bay bị môi giới cho mình ký giấy tờ trong đấy có những giấy tờ đổi chủ hoặc là giấy tờ mà mình phải bay về Việt Nam mà mãi sau này mình mới phát hiện ra. Có nghĩa là người Đài họ bắt ký còn mình mới qua chữ chưa biết họ bảo ký thì mình cứ ký. Đã có một trường hợp mới  8 ngày qua Đài Loan mà chị ấy đã ký một cái giấy phải về Việt Nam cho nên là không ai giúp được chị ấy.”
Được biết Đài Loan đang gặp khó khăn vì thiếu lao động nghề cá và nghề giúp việc nhà. Sau khi lệnh ngừng nhân công nhân Việt được chính phủ Đài Bắc loan báo, trong giai đoạn đầu viên chức trách nhiệm hai phía đã thảo luận cụ thể hơn về việc cung cấp các chương trình đào tạo kỹ năng lao động cho công nhân Việt Nam. Ông Lê Ngọc Quỳnh, cực trưởng Cục Lao Động Ngoài Nước:
“Nói chung pháp luật có qui định kỹ năng nghề là yêu cầu của công việc và yêu cầu của chủ sử dụng lao động ở nước ngoài, thì chúng ta phải đào tạo để cho người lao động có thể làm việc được trong nghề của mình. Pháp luật cũng qui định người trước khi đi phải được tham gia một khóa phổ biến kiến thức và cái này có giáo trình do Bộ Lao Động, Thương Binh và Xã Hội qui định. Các doanh nghiệp đưa người đi lao động nước ngoài buộc phải chấp hành, sẽ có những cuộc thanh tra kiểm tra xem các doanh nghiệp co tổ chức cho người lao động học đẩy đủ hay không.
Đối với thuyền viên đánh cá thì đương nhiên phải co kỹ năng đánh bắt cá, cái này đã có chỉ đạo là các doanh nghiệp chỉ được tuyển lao động đánh cá ở những khu vực mà người lao động đã có nghề đánh cá.
Còn đưa lao động sang chăm sóc trong các gia đình Đài Loan thì lại cần phải có kỹ năng chăm sóc người bệnh, chăm sóc người già, phải đào tạo tiếng Trung trước khi đi.”
Vấn đề mấu chốt và dễ tranh cãi trong lao động xuất khẩu, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh nói tiếp, là phí đi lao động nước ngoài cũng như các công ty môi giới việc làm:
“Tất nhiên trong những năm vừa qua thì ta đã thực thi những biện pháp để thứ nhất là giảm chi phí cho người lao động khi đi, thứ hai là ngăn ngừa lao động Việt Nam bỏ hợp đồng.
Vế cách hoạt động của các công ty, phải hoạt động như thế nào, rồi là mức thu của người lao động gồm những khoản gì và tối đa là bao nhiêu, thì việc có những công ty vi phạm những chuyện như vậy, có những người lừa đảo đều đã bị xứ lý, truy tố trước tòa án, có những người bị phạt tù. Dĩ nhiên là các việc này phải làm thường xuyên bởi vì không thể nói là nó không xảy ra nữa. Tuy nhiên viên ngăn ngừa người lao động bị thu tiền cao quá mức qui định pháp luật là một trong những ưu tiên hàng đầu của các cơ quan chính phủ trong sự quản lý đưa người lao động ra nước ngoài.”
Vào khi không thể đáp ứng xuể nhu cầu công ăn việc làm cho đội ngũ lao động càng ngày càng tăng cao trên thị trường nội địa, trong lúc Indonesia vẫn duy trì lệnh cấm nhập khẩu người lao động không có kỹ năng, Việt Nam hy vọng nâng được con số công nhân xuất khẩu sang các nước khác trong khu vực, trong đó có thị trường tuyền thống Đài Loan với trên dưới 100.000 công nhân đang làm việc trong các ngành nghề tay chân bên xứ này
.

Không có nhận xét nào: