Pages

Chủ Nhật, 26 tháng 7, 2015

AFR Dân Nguyễn - Tản mạn về tướng Thanh…

Một tháng nay, báo giới lên cơn co giật về những tin liên quan tới tướng Thanh. Trong khi báo chí của đảng rất dè dặt đưa những tin có liên quan tới ông tướng này, thì truyền thông mạng (đây mới chính là truyền thông đại chúng), lại không ngớt đưa tin. Bất cứ một dòng tin nào, dù khẳng định hay chỉ dưới dạng câu nghi vấn, đều đáng tin, đều có sức thuyết phục công chúng. Có thể nói, qua “chiến dịch” săn tin về tướng Thanh, trong vòng một tháng nay, người ta đã thấy ranh giới, hay là sự khác biệt rõ nét như chân lý về sự đối lập hay sự khác biệt hoàn toàn giữa báo chí “lề dân” và báo chí “lề phải”.

Phùng Quang Thanh. Ảnh: báo Thanh Niên
Phùng Quang Thanh. Ảnh: báo Thanh Niên
Trong khi báo lề đảng ậm ừ, ngắc ngứ, thì báo “lề dân” rất minh bạch và hoàn toàn mang dáng dấp của một nền báo chí tự do kiểu Tây Phương. Kiểu đưa tin lần này về ông tướng Thanh, khiến người ta liên hệ ngay tới một nhân vật cũng tên Thanh – Ông Nguyễn Bá Thanh – hồi đầu năm nay, chứ chưa xa xôi gì.

Sự trùng tên chỉ là sự trùng lặp ngẫu nhiên, chẳng có gì để bàn luận. Nhưng khi ông Thanh “tướng không sao” chọn Mỹ quốc là nơi đến điều trị căn bệnh hiểm nghèo, thì ôngThanh “tướng có sao”, lại chọn Pháp quốc để nhập viện. Tại sao hai ông này lại chọn địa chỉ đến để chữa bệnh là Pháp và Mỹ, mà không phải là Trung Quốc, Cu Ba, hay là một nước nào đó thuộc khối cộng sản (ngày xưa) ở Âu châu? Nếu câu hỏi này dành cho bất cứ người dân bình thường nào, chắc câu trả lời không khó, và hẳn nhiên nó rất gần với sự thật; Nhưng nếu cũng câu hỏi này dành cho hai ông Thanh, nhất là cho đảng của hai ông, người nghe hẳn không hy vọng gì một câu trả lời dễ dàng và xác thực. Người ta có lẽ phải chờ được nghe câu trả lời “bằng văn bản”…

Trong khi chờ đợi câu trả lời Vì Sao, thì dư luận cũng thấy nổi lên một vấn đề: Hai ông Thanh chọn hai đế quốc mà đảng của hai ông vẫn luôn luôn không ngừng rêu rao là hai đế quốc đầu sỏ mà đảng của hai ông tự hào vì đã lãnh đạo Nhân Dân VN đánh thắng. Một đế quốc thì “thà hy sinh tất cả” để đánh cho kỳ thắng. Một đế quốc thì “dù có phải đốt cháy Dãy Trường Sơn” cũng đánh đến cùng!

Những bài với tựa đề như: Hiện tượng Phùng Quang Thanh; Tướng Thanh và sự đoản mệnh chính trị; Ông Phùng Quang Thanh (PQT) còn sống hay đã chết; Lại thêm giả thiết nghi đoán về tướng Thanh; PQT, còn nhiều bí ẩn; …xuất hiện nhan nhản trên các trang mạng trong thời gian một tháng qua, đối nghịch với cách đưa tin rất dè dặt của báo đảng, mà gần như sự đưa tin về tướng Thanh chỉ nặng về thanh minh, trần tình hay cải chính về những gì báo mạng loan về ông tướng này.

Ngay cả khi sáng nay, một số báo chính thống đưa tin ông Thanh đã về đến HN, duy nhất một tờ báo cũng chỉ đưa một tấm ảnh (có hình) ông Thanh, mà tấm hình chụp không cận cảnh, mà có đeo kính người đọc cũng khó xác nhận đó có phải là nhân vật chính hay chỉ là người “đóng thế”. Tiếng và hình là những công cụ xác đáng nhất khi người ta muốn chứng minh một sự việc; và trong thời đại ngày nay, việc sử dụng hai công cụ này cho báo chí không khó, và thường xuyên được sử dụng. Nhưng những gì mà báo chí lề đảng sử dụng để đánh tan những “thông tin sai lệch” về tướng Thanh, báo đảng chỉ dùng độc có viết, và nói, “nói” theo kiểu “nói lấy được”…

Những người luôn khẳng định hay cho rằng ông tướng Thanh đã chết 5 ngày trước, theo như một hãng thông tấn Đức đưa tin, thì rất hồi hộp và e ngại khi sự kiện “đại tướng sẽ về nước trong một ngày cuối tháng 7 này” sẽ diến ra. Nhưng cái cách về nước diễn ra kiểu như sáng nay, thì những người mang tâm trạng hồi hộp, e ngại trên đây, chắc đã thở phào rồi. Vấn đề là hồi kết của vở kịch sẽ diễn ra theo hướng nào thôi, chứ kết cục của nhân vật chính, “người xem” không việc gì phải “đoán già đoán non” nữa!

“Nghĩa tử là nghĩa tận”! Đó là truyền thống quý báu của Dân Tộc VN. Giả thiết ông tướng Thanh đã chết, “nghĩa tận” mà người đời dành cho ông sẽ là gì? Là nghĩ tới công lao ông hồi đánh Mỹ, xem ông có phải là anh hùng, là dũng sỹ diệt Mỹ hay không; là diệt được bao nhiêu tên giặc Mỹ… để mà thương nhớ ông chăng? Chỉ có thể là thế, chứ nếu căn cứ vào những phát ngôn của ông khi ông đã thành danh, trở thành một kẻ trong những kẻ đã soán ngôi cao của quyền lực đương thời, người ta khó có thể dành cho ông một chút thương cảm, chứ đừng nói thương tiếc. Khi người ta đang giận dữ, phẫn nộ về hành vi của một kẻ, thì kẻ đó, cho dù bằng cái chết của mình, cũng chỉ có thể làm cho người ta nguôi ngoai cơn thịnh nộ, cũng là khó, mong chi có sự thương cảm…

Rất buồn cho một vị tướng. Cũng thật buồn cho đảng cs vn vì đã có trong đội ngũ mình một viên tướng như vậy. Hãy dạo qua một số comments trên một số báo mạng để biết tình cảm của người Dân dành cho ông là thể nào.

“Trời phật phù hộ. Đúng là quá sui xẻo rồi. Máy lâu nay toàn dân tộc VN đang mong đợi, đang lo lắng vì sợ ông còn sống mà trở về.Nay ông mạnh khỏe trở về, đúng là xui xẻo cho đất nước.”

“Ăn thua gì! Từ mấy hôm trước nghe tin ông đi thỉnh kinh Tây trúc, tui thịt con gà mời thằng bạn nhậu tới ăn mừng. Dè đâu con gà chết oan!”

“Tôi không hy vọng là điều kỳ diệu sẽ xảy ra. Nhưng thật thất vọng khi thấy ông trở về…”.

Đó chỉ là vài ba comments trong vô vàn những comments kiểu như thế, nói lên tình cảm của Nhân Dân dành cho vị tướng này.

Một ông tướng, từ hình dong cho tới những suy nghĩ và phát ngôn, không có gì đem lại cho người Dân một ấn tượng tốt, đừng nói là sự tin tưởng, nhất là trong bối cảnh “thời kỳ Bắc thuộc lần thứ ba” đang ló dạng…

Dù sao cuộc đời ông tướng này, cũng như cái chết, và cả cách chết (nếu đúng như một số bài báo mạng nhận định), thì cũng không hoàn toàn vô ích. Những người kế nhiệm ông, cả cái tập đoàn mà ông từng là một thành viên sẽ lấy làm “rút kinh nghiệm sâu sắc” cho sự nghiệp của chính mình.

AFR Dân Nguyễn

(Ba Sàm)

Không có nhận xét nào: