Pages

Thứ Tư, 1 tháng 7, 2015

Biển Đông lại dậy sóng?

Giàn khoan 981 đang hoạt động ở Biển Đông
Trong một động thái mới, Trung Quốc vừa đưa giàn khoan 981 trở lại Biển Đông vào ngày 24 tháng 6 năm 2015.
Điều này thể hiện sự không nhất quán giữa luận điệu với thực tiễn chính sách Biển Đông của nước này. Cùng với việc bồi đắp đảo nhân tạo, hành động của Trung Quốc minh họa cho hình thức ngoại giao ép buộc tại Biển Đông. Một lần nữa, tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc được khẳng định tại vùng biển chiến lược này. Tuy nhiên, động thái này khó có thể leo thang thành xung đột khu vực.

Biển Đông lại dậy sóng?

Trung Quốc đã đưa Giàn khoan Hải Dương 981 trở lại Biển Đông, tại vùng biển tranh chấp với Việt Nam. Hành động lần này lặp lại sự kiện cách đây một năm, bên cạnh đó trùng với dịp Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng chuẩn bị có chuyến thăm Mỹ vào tuần tới. Cơ quan chức trách về Hàng hải của Trung Quốc thông báo về việc đặt lại giàn khoan gần với thời điểm Trung Quốc tuyên bố hoàn tất sơ bộ hoạt động cải tạo bổi đắp đảo nhân tạo tại biển Đông. Theo các báo cáo, vị trí hiện tại của giàn khoan là 17°03'75’' vĩ Bắc và 109°59’05’’ kinh Đông.
Tranh chấp tại Biển Đông xoay quanh tranh chấp chủ quyền tại một lọat đảo nhỏ và đá ngầm giữa sáu quốc gia và lãnh thổ: Việt Nam, Trung Quốc, Malaysia, Bruinei, Philippines và Đài Loan. Các hòn đảo tranh chấp tại quần đảo Trường Sa trải dài trên vùng biển có diện tích gần bằng Iraq. Đây cũng là một trong những tuyến đường giao thông biển huyết mạch nhôn nhịp nhất trên thế giới. Ngoài ra, trữ lượng dầu khí tiềm năng và tài nguyên sinh vật biển phong phú đa dạng cũng làm cho tranh chấp này thêm phức tạp.
Mặc dù ví trí đặt giàn khoan lần này không gần lãnh thổ Việt Nam như năm ngoái, song mục đích của Trung Quốc khá rõ ràng. Trung Quốc muốn khẳng định lại tham vọng trở thành một cường quốc hàng hải toàn cầu, bắt đầu từ việc thực thi chủ quyền và dành thế áp đảo chiến lược tại vùng biển được cho là ‘ao nhà’ của Trung Quốc. Ngoài ra, việc kiểm soát biển Đông còn hỗ trợ khả năng đáp trả hạt nhân lần hai nếu giả sử có tấn công hạt nhân từ Mỹ. Bởi vì vùng biển này gần với đảo Hải Nam là nơi có các tàu ngầm có trang bị đâu đạn hạt nhân của Trung Quốc (theo ông Howard French, Tờ Chính sách đối ngoại, 05/06/2015).
Tuy nhiên, phía Việt Nam sẽ không có phản ứng thái quá vì họ hiểu đây là hành động khiêu khích và khuyếch trương sức mạnh của Trung Quốc. Việt Nam vẫn tiếp tục theo đuổi phương thức tiếp cận thận trọng giữa việc cân bằng và cam kết với các quốc gia liên quan trong khu vực.

Tiền hậu bất nhất

Shannon Tiezzi của Tờ Nhà Ngoại giao ngày 23/01/15 nhìn nhận động thái rút giàn khoan năm ngoái của Trung Quốc không phải là nhương bộ theo yêu cầu của Việt Nam. Tuy nhiên có thể nhận thấy thay đổi và điều chỉnh trong luận điệu của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Một mặt Trung Quốc vẫn giữ vững lập trường chủ quyền “không thể tranh chấp” tại khu vực đường 9 đoạn (hiện đã được in chính thức trên tất cả hộ chiếu mới cấp của Trung Quốc). Mặt khác, Trung Quốc muốn cải thiện hình ảnh tại khu vực như một cường quốc “có trách nhiệm” đang thực thi viêc “duy trì sự ổn định”. Trung Quốc khẳng định việc bồi đắp đảo là quyền và trách nhiệm, không hề phục vụ mục đích tấn công quân sự. Ngoài ra Trung Quốc nhấn mạnh vào việc cung cấp đền hải đăng, mạng viễn thông không dây, cứu hộ cứu nạn cũng như nghiên cứu khoa học hàng hải.
Luận điệu trên là do Trung Quốc đã thấm thía bài học từ Mỹ tại Iraq hay Afghanistan, rằng xung đột vũ trang là một cuộc phiêu lưu đắt đỏ. Mặt khác, Trung Quốc cũng đang đối mặt với hàng loạt các vấn đề trong nước như tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm và thấp nhất trong vòng 20 năm trở lại cũng như hệ lụy của cuộc chiến với tham nhũng.
null
Trung Quốc đang gây lo ngại vì hoạt động bồi đắp nhân tạo trên biển
Mặc dù vậy, luận điệu của Trung Quốc khác hẳn với những gì diễn ra trên thực tế. Ảnh vệ tinh với độ phân giải cao cho thấy tốc độ và cường độ chóng mặt của việc bồi đắp đảo nhân tạo của Trung Quốc. Từ tháng 1 năm 2014 đến tháng 1 năm 2015, Trung Quốc đã bồi đắp thêm 500 hecta đất tại khu vực này. Đến tháng 6 năm 2015, tổng diện tích Trung Quốc bồi đắp là 2000 hecta, nhiều hơn tổng cộng diện tích của tất cả các nước còn lại.
Theo nhà nghiên cứu Carl Thayer trên tờ Nhà Ngoại giao ngày 21/6/2015, hành động của Trung Quốc không thể được gọi là “tự kiềm chế” như tinh thần Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC). Việc bồi đắp đảo có thể là nền tảng cho việc mở rộng hiện đại hóa quân sự sau này. Điều này càng rõ ràng khi Trung Quốc liên tục xua đuổi tàu thuyền của Philipine và chiến hạm của Mỹ cũng như phá huỷ các cọc thép đánh dấu lãnh thổ của Malaysia.
Hành động bồi đắp đảo tại Biển Đông của Trung Quốc thực ra không phải là chưa có tiền lệ. Tuy nhiên, hành động của Trung Quốc có thể sẽ “gậy ông đập lưng ông” vì nó tổn hại đến những mục tiêu chính sách đối ngoại xa hơn, đơn cử như Sáng kiến Một Vành Đai Một Con Đường (OBOR). Đây là dự án lớn tầm quốc gia của Trung Quốc nhằm hợp tác kinh tế và xây dựng cơ sở hạ tầng với các nước Á Âu trong đó các quốc gia ASEAN là đối tác quan trọng. Việc gia tăng cẳng thẳng tại khu vực biển Đông sẽ chỉ khiến khối ASEAN đoàn kết lại với sự đồng thuận tuy còn hạn chế nhưng cũng đủ để gây khó khăn cho Trung Quốc.
Ngoài ra, về mặt địa chính trị, Trung Quốc vẫn đang bị bao quanh bởi một hệ thống các căn cứu quân sự song phương của Mỹ tại Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore và gần nhất là Úc. Khi nhiệm kỳ Tổng Thống Obama sắp hết hạn, có nhiều tín hiệu Mỹ sẽ củng cố chính sách “xoay trục Châu Á” trong đó bao gồm gìn giữ an ninh khu vực và đảm bảo tự do hàng hải.

Lời kết

Như vậy, việc giữ nguyên trạng tại Biển Đông sẽ có lợi cho Trung Quốc hơn là gia tăng căng thẳng. Quan trọng hơn, Trung Quốc chưa đủ tiềm lực cũng như mong muốn thách thức vị trí lãnh đạo của Mỹ trong thế cờ quân sự hàng hải. Ít nhất là thời điểm hiện tại do chi phí cơ hội và rủi ro là quá lớn. Trung Quốc cần hoạch định được chính sách ngoại giao thực tế và nhạy bén hơn nếu muốn trở thành siêu cường toàn cầu mới.
Nói cho cùng, vấn đề tranh chấp ở Biển Đông vẫn dừng lại ở bài toán hóc búa là quốc gia nào sẽ đứng ra gìn giữ trạng thái nguyên trạng. Mọi thương lượng sẽ bế tắc nếu các bên liên quan vẫn giữ lập trường “được ăn cả, ngã về không”. Tất cả sẽ phụ thuộc vào thiện chí của các nước láng giềng tại vùng biển sóng gió này.
Bài viết nêu quan điểm riêng của tác giả, giảng viên Học viện Ngoại giao Việt Nam, hiện đang là nghiên cứu sinh Chính trị và Quan hệ Quốc tế tại Đại học East Anglia, Vương Quốc Anh.

Không có nhận xét nào: