Pages

Chủ Nhật, 5 tháng 7, 2015

Chính sách an ninh sửa đổi của Nhật Bản và vấn đề Biển Đông

Việc sửa đổi này có thể chi phối rất lớn sự nhìn nhận lẫn nhau giữa các nước Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản từ nay về sau, đồng thời có thể cuốn Đông Nam Á vào cục diện phức tạp với những ngộ nhận giữa các nước lớn. 

Ngày 16/5/2015, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tới thăm Trung Quốc, vấn đề Biển Đông là tiêu điểm trong các cuộc hội đàm song phương. Trước đó vào ngày 14/5, Nội các Nhật Bản đã thông qua nghị quyết về sửa đổi chính sách an ninh quốc gia, ngày 16/5 đệ trình lên Hạ viện và đã được thông qua thuận lợi. Đây là bước ngoặt quan trọng trong lịch sử chính sách bảo vệ an ninh quốc gia Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

Tác động của việc Nhật Bản sửa đổi chính sách an ninh quốc gia đối với an ninh khu vực không nằm ở việc liệu Nhật Bản sẽ quay trở lại chủ nghĩa quân phiệt hay không, mà điều đáng lo ngại là nó có thể tác động gì đến vấn đề Biển Đông, bởi vì việc sửa đổi này có thể chi phối rất lớn sự nhìn nhận lẫn nhau giữa các nước Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản từ nay về sau, đồng thời có thể cuốn Đông Nam Á vào cục diện phức tạp với những ngộ nhận giữa các nước lớn. 

Lập luận chính sách của Nhật Bản trong vấn đề Biển Đông 

Trước khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Nhật Bản từng giữ vai trò chủ đạo về an ninh hàng hải ở Đông Á, hầu như kiểm soát toàn bộ Biển Đông. Sau khi chiến tranh kết thúc, Nhật Bản không còn sự hiện diện quân sự trên Biển Đông, thay vào đó là Mỹ với sự kiểm soát sâu rộng hơn; trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Mỹ dường như đã biến toàn bộ Tây Thái Bình Dương thành “ao nhà”. Do sự yếu kém của lực lượng hải quân mới và chính sách bế quan tỏa cảng, trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Trung Quốc đã phải ngầm thừa nhận sự bá quyền của Mỹ trên biển.

Tuy nhiên cùng với sự trỗi dậy của mình, Trung Quốc ngày càng không thể chấp nhận được các hành động bá quyền của Mỹ như việc tàu chiến và máy bay nước này trinh sát gần vùng biển của Trung Quốc. Từ năm 2010 đến nay, các cuộc đọ sức chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ đã tạo ra một bối cảnh lớn về vấn đề Biển Đông. Năm 2010, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã bày tỏ quan ngại về vấn đề Biển Đông tại các hội nghị ASEAN với lý giải chủ yếu là 1/3 lượng thương mại thế giới đi qua Biển Đông đến eo biển Malacca, nếu gặp trở ngại trên tuyến đường biển thì sẽ mang lại hậu quả nghiêm trọng.

Tại hội nghị ASEAN năm 2011, Ngoại trưởng Nhật Bản khi đó là ông Takeaki Matsumoto cũng đã đề xuất phải tăng cường hợp tác để ứng phó với Trung Quốc, đây có thể là thời điểm Nhật Bản bắt đầu can dự vào vấn đề Biển Đông. Về mặt an ninh, Nhật Bản quan tâm đến vấn đề Biển Đông và sự phát triển của các lập luận liên quan, trên thực tế là sự mở rộng thêm lập luận của Mỹ nói trên. Thứ nhất, Nhật Bản là một nước nhập khẩu ròng năng lượng và là quốc gia thương mại, tuyến đường biển trực tiếp liên quan đến lợi ích an ninh quốc gia; thứ hai, nếu Biển Đông có những tiền lệ có lợi cho Trung Quốc, sẽ khiến Nhật Bản ở vào thế bất lợi trong tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước trên Biển Hoa Đông. Ông Takeaki Matsumoto tuyên bố tại Quốc hội rằng “Nhật Bản đặc biệt quan tâm đến tranh chấp trên Biển Đông, bởi các tranh chấp này có thể ảnh hưởng đến hòa bình và an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương và có liên quan chặt chẽ tới vấn đề an toàn giao thông hàng hải”. Quan điểm coi các sự kiện xảy ra trên Biển Đông có liên quan chặt chẽ với Biển Hoa Đông đang trở nên rất phổ biến.

Tháng 8/2011, Sách Trắng quốc phòng Nhật Bản lần đầu tiên sử dụng cụm từ “gây áp lực cao” để miêu tả các hành động quân sự của Trung Quốc trên biển, đồng thời bày tỏ sự quan ngại. Sách Trắng quốc phòng Nhật Bản cũng lần đầu đề cập thêm nội dung về tình hình Biển Đông. Trước đó vào tháng 7/2011, lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật Bản lần đầu tiên cùng Mỹ, Australia tiến hành tập trận chung tại vùng biển gần Brunei. Tháng 9 cùng năm, Nhật Bản và Philippines đã tổ chức họp bàn về vấn đề Biển Đông. Tại Hội nghị Diễn đàn khu vực ASEAN, Nhật Bản đã đưa ra ý tưởng “Hành lang kinh tế biển ASEAN” nhằm thúc đẩy hợp tác trung chuyển hàng hóa trong khu vực ASEAN. Cục Bảo an trên biển của Nhật Bản đã cử chuyên gia đến Philippines, Indonesia để giúp các nước này tăng cường công tác bảo đảm an ninh trên biển.

Việc tham vấn định kỳ giữa lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản và Hải quân Philippines bắt đầu từ năm 2011 nhằm hợp tác nâng cao năng lực tuần duyên cho Philippines. Trong cuộc hội đàm giữa Tổng thống Philippines Benigno Aquino và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda vào cuối tháng 9/2011, hai bên quyết định thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, Philippines trở thành quốc gia Đông Nam Á thứ ba sau Việt Nam và Indonesia thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Nhật Bản. Tuyên bố chung do nguyên thủ hai nước ký kết khẳng định bảo đảm an toàn giao thông hàng hải là lợi ích chiến lược chung của hai nước và quyết định sẽ nâng cấp đối thoại giữa quan chức ngoại giao và quốc phòng hai nước.

Tháng 12/2013, Tuyên bố chung tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhật Bản-ASEAN (tròn 40 năm) đã bổ sung nội dung “đối tác hòa bình và ổn định”, điều này có nghĩa là đã vượt ra ngoài các nội dung về kinh tế và xã hội trước đây. Tuyên bố này thống nhất với Tuyên bố tại Hội nghị thượng đỉnh Nhật Bản-ASEAN tổ chức tại đảo Bali năm 2011. Sau khi lên cầm quyền, Chính quyền Abe về cơ bản đã kế thừa phương hướng lớn tăng cường hợp tác an ninh chiến lược Nhật Bản-ASEAN, Tuyên bố chung Nhật-Mỹ sau chuyến thăm Nhật Bản tháng 4/2014 của ông Obama cũng đã đề cập đến nội dung “cùng giúp đỡ các nước Đông Nam Á”. 

Nhìn nhận của Trung Quốc về lập luận của Mỹ và Nhật Bản

Trung Quốc nhiều lần khẳng định an ninh hàng hải tại Biển Đông luôn được đảm bảo, theo Trung Quốc, Mỹ đang lo ngại việc đánh mất vị trí bá chủ ở Tây Thái Bình Dương. Ngày 28/4/2014, Mỹ và Philippines ký kết “Hiệp định tăng cường hợp tác phòng vệ” có hiệu lực trong 10 năm và có thể thay đổi nhằm tạo thuận lợi cho sự hiện diện quân sự dưới hình thức luân phiên của Mỹ, đồng thời giúp đỡ huấn luyện quân đội Philippines hiện đại hóa trong thời gian dài. Tại cuộc họp báo, ông Obama khẳng định Mỹ đặc biệt quan tâm đến việc tăng cường năng lực cho Philippines. Tờ “Nihon Keizai Shimbun” đưa tin đây là lần đầu tiên quân đội Mỹ trở lại Philippines sau 22 năm, quân Mỹ có thể sử dụng các căn cứ ở Philippines nhưng không được phép mang theo vũ khí hạt nhân vào nước này.

Ông Obama nhấn mạnh đây không phải là căn cứ mới thiết lập hay căn cứ cũ được khởi động lại, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng nhấn mạnh không có ý định thiết lập các căn cứ quân sự lâu dài ở đây. Tờ “Finiancial Times” đưa tin năm 2013 Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó là Chuck Hagel từng nói không tìm cách thiết lập căn cứ mới tại châu Á, Giám đốc phụ trách các vấn đề châu Á của Nhà Trắng cũng cho biết trọng điểm của quân đội hai nước Mỹ và Philippines là phòng chống thiên tai và an ninh hàng hải. Mặc dù vậy, Trung Quốc vẫn tỏ ra hoài nghi sâu sắc đối với việc Mỹ thông qua tăng cường quan hệ với khu vực Đông Nam Á để can dự vào vấn đề Biển Đông.

Đối với lập luận liên quan đến việc Nhật Bản can dự vào vấn đề Biển Đông, Trung Quốc lại cho rằng Nhật Bản lợi dụng chính sách tái cân bằng châu Á của Mỹ, thông qua việc làm phức tạp tình hình Biển Đông để phân tán sự chú ý của Trung Quốc, từ đó có thể giảm áp lực trong vấn đề Biển Hoa Đông, đồng thời tạo bối cảnh quốc tế cho chương trình nghị sự trong nước để thay đổi chính sách an ninh. Theo Trung Quốc, điều nay có nghĩa là Nhật Bản đã có những tính toán tỉ mỉ trong vấn đề Biển Đông, có thể xử lý dựa trên mối quan hệ Trung-Mỹ. Nhật Bản lại cho rằng nếu không thể hiện sự tồn tại của mình, Trung Quốc càng không thể ứng xử đàng hoàng với Nhật Bản về vấn đề an ninh. Kênh khai thông tư tưởng chiến lược giữa Trung Quốc và Nhật Bản lại kém xa so với quan hệ Trung-Mỹ, sự thiếu hụt lòng tin giữa hai bên có thể ngày càng sâu sắc hơn.

Tình thế khó xử của Nhật Bản và những rủi ro tiềm ẩn

Việc sửa đổi lớn về chính sách an ninh lần này có nghĩa là phạm vi hoạt động của lực lượng phòng vệ Nhật Bản được mở rộng ở mức cao nhất bất chấp hạn chế pháp luật cả về không gian và thời gian. Có một vấn đề thực tế là liệu việc này có thể khiến an ninh quân sự của Nhật Bản trực tiếp bị cuốn vào vấn đề Biển Đông hay không. Trong cuộc họp báo sau cuộc gặp Tổng thống Obama tại Mỹ hồi tháng 4/2015, ông Abe đã có thái độ né tránh trong vấn đề Biển Đông. Hiện chưa rõ Nhật Bản có thái độ như thế nào đối với việc can dự vào vấn đề Biển Đông.

Theo lập luận của những người ủng hộ ông Abe thì chủ yếu do sức mạnh Mỹ đã suy giảm tương đối, cho dù có thực lực quân sự lớn mạnh nhưng Mỹ đã không thể đơn độc kiểm soát an ninh châu Á, Nhật Bản cần chủ động gánh vác trách nhiệm đối với an ninh khu vực. Một số chiến lược gia Nhật Bản cho rằng nếu sự trỗi dậy của Trung Quốc và sự suy giảm của Mỹ ngày càng lớn, thuyết phân chia quyền lực giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ có thể có nhiều đất diễn hơn, điều này là một thách thức rất lớn đối với Nhật Bản, bởi vì chiến lược an ninh của nước này được xây dựng trên cơ sở hoang đường là “vị trí tối cao của Mỹ là không thể lay chuyển”. Nếu xét như vậy, sự mở rộng của vấn đề Biển Đông sẽ có thể trở thành điềm báo trật tự chiến lược sẽ thay đổi.

Theo lập luận của những người phản đối, nếu Nhật Bản tăng cường quan hệ đồng minh với Mỹ và lựa chọn hợp tác quân sự với một số nước Đông Nam Á trong vấn đề Biển Đông, sẽ bị Trung Quốc coi là hành động khiêu khích. Ý kiến trong nội bộ ASEAN về vấn đề Biển Đông không thống nhất, các nước ASEAN hy vọng giữ cân bằng giữa Trung Quốc và Mỹ, nếu Nhật Bản can dự quá mức vào vấn đề Biển Đông sẽ khiến cho quan hệ Trung-Nhật ngày càng căng thẳng.

Chúng ta có thể nhận thấy phương hướng chính sách của Nội các Abe đang nghiêng theo lập luận đầu tiên, “chủ nghĩa hòa bình tích cực” cũng có xu hướng không làm cho chính sách tái cân bằng châu Á của Mỹ mất đà, thông qua việc đẩy mạnh quan hệ với Đông Nam Á, tích cực tham gia vào việc xây dựng trật tự khu vực. Tuy nhiên về chính sách thực tế, chúng ta còn chưa có chứng cứ chứng minh Nhật Bản có hành động rõ ràng nào nhằm can dự vào vấn đề Biển Đông. Bản hướng dẫn hợp tác quốc phòng Nhật-Mỹ công bố cuối tháng 4/2015 cũng không đề cập cụ thể nội dung Biển Đông.

Việc Nhật Bản là quốc gia biển quan tâm đến vấn đề Biển Đông là có thể lý giải, tuy nhiên can dự vào vấn đề an ninh Biển Đông bằng phương thức nào, có thể sẽ tác động lớn gì đến khu vực, và có thể đóng vai trò tích cực vào việc xoa dịu tình hình Biển Đông hay không cũng là một câu hỏi. Đây có thể cũng là nguyên nhân vì sao từ năm 2011 đến nay Nhật Bản luôn không có lập trường rõ ràng về vấn đề này. Nếu Nhật Bản hợp tác với Mỹ đẩy mạnh tuần tra và giám sát ở khu vực Biển Đông, chắc chắn sẽ làm gia tăng mối hoài nghi của Trung Quốc về ý đồ chiến lược của Nhật Bản, sau khi đứng trước sự lựa chọn giữa Trung Quốc và Mỹ, các nước ASEAN còn đứng trước sức ép chiến lược trong việc lựa chọn giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Đồng thời, các tranh cãi xoay quanh đảo Điếu Ngư (Nhật Bản gọi là quần đảo Senkaku) đã khiến chính quyền hai nước Trung-Nhật mỏi mệt. Hơn nữa nếu trên Biển Đông bao la xảy ra đối đầu giữa các lực lượng trên biển Trung-Nhật, sẽ có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng.

Việc Nhật Bản sửa đổi chính sách an ninh vốn là vấn đề nội bộ nước này, về khía cạnh quốc tế dường như là công việc của liên minh Nhật-Mỹ, nhưng lại có thể có những tác động tiềm ẩn đối với an ninh khu vực, cần phải được nhìn nhận một cách nghiêm túc. Đặc biệt là sau khi mở rộng chính sách an ninh, việc Nhật Bản nhìn nhận vấn đề Biển Đông như thế nào sẽ không chỉ là vấn đề tiêu điểm hiện nay, mà còn có thể ảnh hưởng đến sự nhìn nhận chiến lược lẫn nhau giữa Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản từ nay về sau, xử lý không ổn thỏa có thể khiến tình hình Biển Đông ngày càng phức tạp.

Theo Liên hợp Buổi sáng (Singapore)

Hoàng Lan (gt)

(Nghiên Cứu Biển Đông)

Không có nhận xét nào: