Với cuộc hội đàm với Tổng thống Barack Obama tại Nhà Trắng ngày 7/7, ông Nguyễn Phú Trọng sẽ được nhắc đến như là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản đầu tiên thăm Mỹ và được lãnh đạo nước này tiếp đón tại phòng Bầu Dục.
Nhưng điều dư luận chờ đợi là cuộc gặp lịch sử này có tạo nên một bước đột phá trong quan hệ Việt-Mỹ và đường lối đối ngoại của Việt Nam nói chung.
Cụ thể một trong những điều người dân quan tâm, chờ đợi là với chuyến đi Mỹ và cuộc tiếp xúc đặc biệt này, ông Trọng và giới lãnh đạo Việt Nam cuối cùng có biết gạt bỏ ý thức hệ (cộng sản, xã hội chủ nghĩa) và lấy lợi ích quốc gia làm tâm điểm cho chính sách ngoại giao của mình.
Đặt quyền lợi quốc gia lên trên
Trong một lá thư gửi Bộ Chính trị đề ngày 09/08/1995, ông Võ Văn Kiệt viết: ‘khác với trước, ngày nay lợi ích quốc gia, lợi ích khu vực […] đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn trong việc phát triển những mâu thuẫn cũng như trong việc tạo ra những tập hợp lực lượng mới trên thế giới’.
Về quan hệ Việt-Trung, trong thư mật nhưng sau đó được tiết lộ ấy, cố Thủ tướng Việt Nam – người có công lớn trong việc giúp Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Mỹ và gia nhập ASEAN – nhận định ‘tính chất quốc gia lấn át (nếu chưa muốn nói là loại bỏ) tính chất xã hội chủ nghĩa’ trong quan hệ giữa hai nước.
Có thể ông Kiệt đưa ra những nhận định, cảnh báo như vậy vì trong những năm cuối 1980 và đầu 1990, một số nhân vật chóp bu trong Đảng Cộng sản Việt Nam – như tập hồi ký của cựu Thứ trưởng Trần Quang Cơ, người mới qua đời hôm 25/06/2015 tiết lộ, đánh giá – vì muốn bằng mọi giá ‘bảo vệ CNXH chống đế quốc Mỹ’ đã ‘nôn nóng cải thiện quan hệ với Trung’, gây nên những ‘sai lầm hết sức đáng tiếc về đối ngoại’ như Hội nghị Thành Đô.
Nhưng tiếng nói của ông Kiệt không được lắng nghe vì nhiều năm sau đó, dù chủ trương đa dạng hóa quan hệ ngoại giao, giới lãnh đạo Việt Nam vẫn ưu tiên mối bang giao với Trung Quốc trong khi đó nghi kỵ, dè dặt với Mỹ.
Xem ra giờ mọi chuyện đã khác. Nhiều diễn biến gần đây cho thấy Việt Nam và Mỹ trở nên thân thiện, gần gũi trong khi đó quan giữa Hà Nội và Bắc Kinh không mấy nồng ấm, thậm chí càng ngày càng trở nên căng thẳng.
Dù vẫn còn có bất đồng về một số vấn đề, như nhân quyền, có rất nhiều dấu hiệu, sự kiện – như chuyện ông Nguyễn Phú Trọng thăm Mỹ và được Tổng thống Barack Obama tiếp đón tại phòng Bầu Dục, dù ông không phải là nguyên thủ quốc gia hay nắm giữ một chức vụ nào trong chính phủ – cho thấy quan hệ Việt-Mỹ đã được cải thiện rất nhiều và hai bên cũng đang mong muốn nâng cấp quan hệ trong thời gian tới.
Và có thể nói nguyên nhân chính khiến Hà Nội và Washington làm vậy là cả hai đều lo ngại về những động thái mạnh bạo, hung hăng ở Biển Đông của Trung Quốc gần đây.
Chính quyền Mỹ mời ông Trọng sang Mỹ lúc này và Tổng thống Obama phá lệ dành một sự tiếp đó như vậy cho lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam dù Washington hoàn toàn đối lập với Hà Nội về ý thức hệ vì giới lãnh đạo nước này muốn có thêm sự ủng hộ của các nước trong khu vực khi Trung Quốc đang có những hành động đe dọa đến quyền lợi, vị thế của Mỹ trong vùng.
Hà Nội tìm cách xích lại gần Washington cùng chỉ vì lo ngại về sự lớn mạnh của Trung Quốc và tham vọng của nước này tại Biển Đông.
Có thể nói ngoại trừ những thành phần quá bảo thủ, vẫn ôm mộng tưởng về một chủ nghĩa xã hội xa xôi, không thực nào đó giờ nhiều người trong giới lãnh đạo ở Hà Nội đã nhận ra rằng trong quan hệ với Việt Nam, ‘mặt bành trướng, bá quyền’ của Trung Quốc luôn lấn át ‘mặt xã hội chủ nghĩa’.
Cụ thể, với những động thái hung hăng của của Bắc Kinh ở Biển Đông gần đây, chắc họ hiểu chung ‘ý thức hệ cộng sản’, cùng ‘xã hội chủ nghĩa’ không thể ngăn Trung Quốc lấn chiếm biển đảo, đe dọa chủ quyền lãnh hải của Việt Nam.
Và chắc họ cũng thấy quốc gia đứng về phía Việt Nam, ủng hộ lập trường và ít nhiều lên tiếng bảo vệ Việt Nam trong vấn đề Biển Đông trong thời gian qua không ai khác là Mỹ - một quốc gia không cùng ý thức hệ nhưng chung lập trường với Việt Nam về nhiều vấn đề khu vực trong đó có vấn đề Biển Đông.
Nói cách khác, phải chăng cuối cùng họ hiểu được – đúng như những gì mà cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhận định cách đây 20 năm – trong thế giới ngày hôm nay lợi ích quốc gia, lợi ích khu vực, chứ không phải một thứ chủ nghĩa, ý thức hệ nào đó, là lý do chính khiến các quốc gia xung đột hay hợp tác với nhau?
‘Tạo dấu ấn cho mình’
Bằng việc đến Mỹ lần này, có thể ông Trọng cũng đang có những thay đổi về tư duy, cách hành xử. Thay vì cứ mãi coi trọng chuyện bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, giờ ông biết đặt quyền lợi của đất nước, dân tộc, nhân dân lên trên hết và có một đường hướng đối ngoại thích hợp, rất thực tiễn để đạt được điều đó.
Đây cũng là lý do dư luận Việt Nam nói chung có không ít kỳ vọng vào chuyến thăm Mỹ được coi là lịch sử này của ông, dù một số người trong giới quan sát cho rằng chuyến đi của ông khó tạo ra được một bước đột phá nào trong quan hệ Việt-Mỹ cũng như đường hướng đối ngoại của Việt Nam nói chung.
Đâu đó có người không hy vọng gì về chuyến đi Mỹ của ông Trọng vì cho rằng trong các lãnh đạo cao cấp ở Việt Nam thành phần bảo thủ, kiên định xã hội chủ nghĩa, trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin vẫn mạnh, nhiều và vì vậy họ luôn hướng Việt Nam gần gũi với Bắc Kinh, trong khi có thái độ nghi kỵ, cảnh giác với Mỹ. Ông Trọng được coi là một người trong nhóm bảo thủ, giáo điều và thân Bắc Kinh này.
Dựa trên những phát ngôn, cách hành xử của ông kể từ khi ông lên làm Tổng Bí thư và đặc biệt trong thời gian Trung Quốc đưa và đặt giàn khoan HD 981 trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam năm ngoái, có thể nói một nhận định như vậy không phải là không có cơ sở.
Nhưng không phải ai trong giới lãnh đạo chóp bu hiện tại của Việt Nam cũng giữ lập trường như thế.
Những phát ngôn như ‘không đánh đổi chủ quyền lấy hữu nghĩ viễn vông’ hay ‘vừa hợp tác, vừa đấu tranh’ khi nói về quan hệ với Trung Quốc chứng tỏ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã biết đặt quyền lợi dân tộc, đất nước lên trên hết.
Có thể nói đây cũng là lý do tại sao ông Dũng – như kết quả cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đối với các thành viên trong Bộ Chính trị và Ban Bí thư Đảng Cộng sản năm ngoái cho thấy – nhận được nhiều sự ủng hộ, tín nhiệm hơn từ Ban Chấp hành Trung ương và người dân nói chung cũng có cảm tình với ông hơn dù ông Dũng được coi là có nhiều yếu kém, sai phạm trong điều hành kinh tế cũng như khía cạnh khác.
Vì vậy, nếu qua chuyến đi Mỹ của mình, ông Trọng tạo được bước đột phá trong quan hệ Việt-Mỹ cũng như những thay đổi tích cực khác trong chính sách đối ngoại của Việt Nam ông không chỉ củng cố được vị thế, ảnh hưởng của mình và phe nhóm của mình trong Đảng Cộng sản, trước và trong đại hội XII sắp tới mà còn chiếm được cảm tình của người dân.
Lý do quan trọng khác mà nhiều người không kỳ vọng lắm về chuyến đi này là ông Trọng được coi là một lãnh đạo thiếu bản lĩnh, thiếu tầm.
Vì điều đó – hay vì không có chủ trương ‘tạo dấu ấn cho mình’ như ông nói khi tiếp xúc báo chí sau khi được bầu giữ chức Tổng Bí thư vào tháng 1 năm 2011 – trong hơn bốn năm nắm giữ chức vụ lãnh đạo cao nhất tại Việt Nam, ông chưa tạo được một dấu ấn gì đặc biệt, tốt đẹp.
Sau đại hội XII vào năm tới, chắc chắn ông sẽ không còn nắm giữ chức vụ quan trọng nào. Vì vậy, có thể nói chuyến đi Mỹ này – một chuyến thăm được coi rất ý nghĩa đối với Việt Nam và cũng là chuyến công du quan trọng nhất của ông Trọng – là cơ hội hiếm có để ông cải thiện hình ảnh của mình trong mắt người dân.
Bỏ ‘tư duy chính trị xơ cứng’
Ông Trọng chỉ làm được đó, nếu ông dám mạnh dạn từ bỏ ‘tư duy xơ cứng’, quá giáo điều – một lối tư duy đã từng kìm hãm sự phát triển của đất nước.
Một sai lầm gây thiệt hại lớn về đối ngoại, an ninh-quốc phòng, phát triển kinh tế của giới lãnh đạo chóp bu ở Hà Nội trong giai đoạn 1975-1993 được ông Trần Quang Cơ nhắc đến trong tập ký ‘Ký ức và suy nghĩ’ của mình là ‘tư duy chính trị xơ cứng’ của giới lãnh đạo chóp bu của Việt Nam giai đoạn ấy, đặc biệt là những năm sau khi đất nước thống nhất.
Thay vì ‘phải mạnh dạn sớm đổi mới tư duy về đối ngoại để có một đường lối phù hợp thực tiễn’ nhằm đưa đất nước ‘hòa nhập với đà phát triển chung của khu vực và thế giới’, giới lãnh đạo Việt Nam vẫn duy trì lối tư duy cứng nhắc và điều đó ‘đã giam giữ nước ta trong cảnh khó khăn một thời gian dài’.
Một ví dụ cụ thể được ông đưa ra là vào ngày 12/6/1975, tức chỉ chưa đây hai tháng sau khi Việt Nam thống nhất, Mỹ đã gửi Hà Nội một thông điệp, trong đó đề nghị ‘tiến hành bất cứ quan hệ nào’ với Việt Nam. Khoảng gần hai năm sau đó, tại vòng đàm phán giữa hai bên vào ngày 3/4 tháng 5 năm 1977, Mỹ đề nghị ‘hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ ngay và vô điều kiện’. Nhưng các lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam đã từ chối đề nghị đó.
Là người trực tiếp tham gia các cuộc đàm phán giữa hai bên trong thời gian ấy, ông Trần Quang Cơ đã cảm thấy đau xót về việc Việt Nam từ chối đề nghị của Mỹ vì nó ‘đã đưa lại những hệ quả vô cùng tai hại cho nhân dân và đất nước’ – như cảnh đất nước rơi vào tụt hậu vì ‘bỏ lỡ mất cơ hội san bằng khoảng cách với các nước cùng khu vực’ hay cảnh Việt Nam ‘đơn độc trước một Trung Quốc đầy tham vọng’.
Phải mất 20 năm – một thời gian quá dài – Việt Nam mới có thể chật vật bình thường hóa quan hệ với Mỹ.
Nhắc lại chi tiết này để thấy nếu giới lãnh đạo Việt Nam thực tế, thức thời, nhạy bén, năng động hơn, chuyến thăm Mỹ đầu tiên của một Tổng Bí thư ĐCS Việt Nam đã có diễn ra từ lâu và vị thế, mực độ phát triển của Việt Nam giờ cũng đã tốt hơn nhiều.
Với tất cả những ai muốn đất nước hướng tới phồn thịnh, giàu mạnh, dân chủ, chắc ai cũng không muốn ông Trọng và giới lãnh đạo Việt Nam bỏ lỡ cơ hội một lần nữa.
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét