Pages

Thứ Ba, 14 tháng 7, 2015

Hiểm họa nợ công


no cong
Vi Đức Hồi – Nợ công hay nợ quốc gia được hiểu là tổng giá trị các khoản tiền mà chính phủ thuộc mọi cấp từ trung ương đến địa phương đi vay nhằm tài trợ cho các khoản thâm hụt ngân sách. Để hình dung quy mô nợ của chính phủ, người ta đem so khoản nợ này bằng bao nhiêu phần trăm so với tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Nợ chính phủ bao gồm: nợ trong nước và nợ ngoài nước. Thông qua các trái phiếu của chính phủ để vay các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước bằng đồng nội tệ hoặc ngoại tệ. Ngoài việc phát hành trái phiếu chính phủ, chính phủ có thể vay trực tiếp các ngân hàng thương mại hoặc các thể chế quốc tế như: quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).

Theo nhiều tài liệu chính thức được công bố, mười năm trở lại đây Việt Nam mỗi năm vay từ 4-5 tỷ usd, nợ công trạm trần cho phép, trong khi sức ép trả nợ ngày càng lớn. Năm 2014, tổng vốn vay nợ công cho đầu tư phát triển đã huy động 627,8 ngàn tỷ đồng bằng 60,3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Năm 2015 tiếp tục tăng lên 64% GDP và sẽ trạm trần vào năm 2016 là 64,9% mức cho phép. Tính theo usd, nợ công Việt Nam hiện vào khoảng 84,9 tỷ usd, quân bình người dân phải gánh chịu 937 usd tiền nợ công, chưa kể đến các khoản nợ tự vay của doanh nghiệp nhà nước hiện lên đến 1,1 triệu tỷ VND, nếu các doanh nghiệp này không trả được thì nhà nước phải trả thay. Tỷ lệ nợ trực tiếp của chính phủ so với tổng thu ngân sách nhà nước năm 2014 là 13,8%; năm 2015 16,1%. Theo tính toán của chính phủ, tỷ lệ lãi suất bình quân của tổng nợ công là 4,7%/ năm, tổng số lãi và phí phải trả mỗi năm lên tới 88 ngàn tỷ đồng.
Chính phủ Việt Nam đang ráo riết đưa ra các giải pháp được gắn với cái tên rất ấn tượng ‘đột phá’ nhằm giảm thiểu nợ công, song những giải pháp của chính phủ đưa ra là giải pháp mang tính thông lệ quốc tế, chẳng có gì mới. Bộ tài chính Việt Nam đưa ra giải pháp tái cơ cấu nợ công là: ‘kéo dài kỳ hạn phát hành trái phiếu’ nhằm giảm áp lực trả nợ ngắn hạn. Giải pháp này được hiểu là chính phủ sẽ phát hành trái phiếu với kỳ hạn dài từ 10 đến 15 năm để trả nợ ngắn hạn và đáo nợ. Kỳ vọng này nhằm chuyển lửa cho thế hệ sau, song thực tế cho thấy các kỳ phát hành kết quả thu về rất thấp. Nạn nhân của chính sách này là những người ăn lương ngân sách nhà nước họ bị khấu trừ vào tiền lương tháng để ủng hộ chính phủ, nhưng chỉ là muối bỏ bể. Tiếp đến là doanh nghiệp nhà nước cũng phải tiên phong ủng hộ, nhưng đây là việc làm “đánh bùn sang ao” vì đều là tiền của nhà nước đầu tư cho vay và cũng chẳng thấm vào đâu so với mục tiêu đặt ra. Các doanh nghiệp tư nhân, người dân lao động thì từ lâu đã quay lưng lại với chính sách này, một mặt lãi suất so với tốc độ lạm phát luôn bị âm, mặt khác lòng tin của dân chúng đối với chính phủ đã không còn bởi tiền lệ chính phủ đã làm tan nát lòng tin của người dân đối với chế độ thông qua chính sách đổi tiền. Đi vay để trả nợ là việc làm thường thấy trong mấy năm gần đây của chính phủ Việt Nam, đây là việc làm báo hiệu sự vỡ nợ sắp đến, các tổ chức, cá nhân cho vay hơn ai hết biết rõ điều này nên nó chỉ trở thành biện pháp tình thế, không hơn, không kém. Trong một phiên họp quốc hội, có những đại biểu hiến kế: phát động toàn dân giúp chính phủ trả nợ công theo mô hình Hàn Quốc, song có lẽ giới chức trách cộng sản đã nhìn nhận thấu rõ vấn đề này nên đến nay vẫn không dám đưa vào chương trình nghị sự, vì chính phủ biết lòng dân đối với chế độ.
Nợ công kịch trần, dẫn đến việc đi vay của chính phủ sẽ bị các tổ chức, cá nhân từ chối vì khả năng trả nợ không có. Giải pháp tiếp theo đương nhiên là cắt giảm chi tiêu, thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng” và hàng triệu người hưởng lương từ ngân sách nhà nước sẽ phải đối mặt với những khó khăn không kém thời bao cấp. Hết tiền thì việc đầu tư công bị cắt giảm, kéo theo hàng triệu lao động trở thành thất nghiệp, trở thành đối đầu với đảng, chính phủ. Và kết cục là sự tăng trưởng của nền kinh tế giảm sút, đời sống nhân dân gặp khó khăn.
Một biện pháp thông lệ tiếp là tăng thuế, tăng các khoản phí để bù đắp phần nào thâm hụt ngân sách. Giải pháp này chính phủ Việt Nam đang tăng cường ráo riết từ nhiều năm nay. Tuy nhiên tăng thuế, phí, là việc làm “lợi bất cập hại”, thui chột sự kích thích phát triển, làm suy yếu việc kích cầu, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến sức sản xuất của nền kinh tế yếu kém.
In thêm tiền để trả nợ và bù đắp các khoản thâm hụt là giải pháp “cực chẳng đã”, giải pháp này làm cho đồng tiền mất giá, lạm phát tăng chóng mặt, gây bất ổn xã hội. Và cuối cùng khi lạm phát tăng cao, nền kinh tế lâm vào khủng hoảng không còn lối thoát thì giải pháp đổi tiền, một giải pháp mà dân ta đã đặt tên cho nó là “khốn nạn” sẽ được thực hiện theo tiền lệ của chính phủ Việt Nam. Chính phủ có thể đưa ra các quy định để tước đoạt tiền của dân một cách dễ dàng như những năm thập niên 80 của thế kỷ trước. Tuy nhiên đây là giải pháp cuối cùng, một giải pháp “tự đào huyệt chôn thân”.
13/07/2015
Vi Đức Hồi
Theo Dân Làm Báo

Không có nhận xét nào: