SÀI GÒN (NV) - Chiều ngày 3 tháng 7 năm 2015, tại Chùa Liên Trì số 153 Lương Đình Của, Phường An Khánh, Quận 2 Sài Gòn, Hội nhà báo độc lập Việt Nam (NBĐL) đã tổ chức hội thảo “Việt Nam: tự do cho báo chí” nhân dịp kỷ niệm một năm ngày thành lập hội (4/7/2014 đến 4/7/2015).
Đông đảo hội viên đến tham dự buổi hội thảo, mặc cho sự ngăn chặn từ phía chính quyền.
Đông đảo hội viên thuộc khu vực phía Nam của Hội NBĐL đã tới tham dự. Đặc biệt có sự hiện diện của các lãnh sự quán Mỹ, Úc và Pháp cũng đến để tìm hiểu thêm về tự do báo chí ở Việt Nam.
Vẫn đứng vững mặc dù bị đàn áp
Mở đầu hội thảo, anh Nguyễn Thiện Nhân đã đọc báo cáo tổng kết một năm hoạt động của hội, công khai cho mọi người biết cơ quan ngôn luận của hội là trang tin Việt Nam Thời Báo, báo cáo tình trạng báo chí “lề dân” đang bị áp bức tại Việt Nam.
Khi mới thành lập, hội chỉ có 42 thành viên, thế nhưng sau một năm hoạt động và phát triển, hiện nay hội đã đạt được 82 thành viên tham dự. Mặc dầu trong hoàn cảnh bị áp bức của chính quyền, thế nhưng hội đã trưởng thành về nhiều mặt, từ nhân sự, tài chính, cách thức vận hành truyền thông.
“Đó là kết quả của sự dấn thân không mệt mỏi trong lĩnh vực báo chí độc lập của tất cả các thành viên trong hội. Tiếng nói độc lập với chính quyền của Hội đã nhận được sự ủng hộ của nhiều người, nhằm đòi hỏi đấu tranh cho một nền tự do báo chí thực sự tại Việt Nam,” anh Nhân phát biểu.
Mặc dầu, chủ tịch của hội là Tiến Sĩ Phạm Chí Dũng cũng đã không thể đến tham dự được, vì sự ngăn chặn của lực lượng an ninh, tuy nhiên ông cũng đã gửi bài tham luận nói về tình trang đàn áp báo chí của chính quyền CSVN.
Nhà thơ Bùi Minh Quốc, phó chủ tịch Hội NBĐL điều hành buổi hội thảo
(bên trái là nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, cựu phó tổng thứ ký báo Thanh Niên,
bên trái là Hòa Thượng Thích Không Tánh, trụ trì Chùa Liên Trì).
“Trong chế độ độc đảng hiện nay. Báo chí chỉ là công cụ tuyên truyền, là cánh tay nối dài của Đảng CSVN, nhằm kiếm soát là làm ngu dân. Bởi vậy sự dấn thân của các anh em trong hội là rất cần thiết và đáng trân trọng. Hiện nay dường như tất cả các thành viên trong hội đều phải đối diện với nhiều mối de dọa từ phía chính quyền,” Phạm Chí Dũng nói.
“Sự thử thách đó không làm cho Hội NBĐL suy yếu mà ngược lại, hội vẫn đứng vững, vẫn kiên trì đeo đuổi hoạt động trên nguyên tắc ôn hòa, bất bạo động, tôn trọng đa nguyên chính trị, phi lợi nhuận. Hướng đến mục tiêu cổ súy cho tự do của người dân và dân chủ cho toàn xã hội Việt Nam,” trích tham luận của Tiến Sĩ Phạm Chí Dũng.
Hầu hết các ý kiến phát biểu tại hội thảo đều cho rằng, không có tự do báo chí tại Việt Nam. Báo chí hiện nay ở Việt Nam chỉ là công cụ tuyên truyền của Đảng. Chính quyền CSVN dùng báo chí như một cánh tay nối dài để kiểm soát và định hướng theo chiều có lợi cho nhà nước Cộng Sản hiện nay.
Quan tâm đến tự do báo chí cho Việt Nam
Ông Charles Sellers - trưởng phòng chính trị của tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ cho biết, “Tôi cảm ơn các bạn đã mời tôi đến tham dự cuộc hội thảo này. Chính phủ Hoa Kỳ luôn cổ súy cho nền tự do báo chí. Hiến Pháp của Hoa Kỳ cũng qui định điều này rất rõ ràng. Bản thân tôi cũng rất quan tâm đến quyền tự do báo chí ở Việt Nam.”
“Chúng tôi rất ngạc nhiên, khi trong một hoàn cảnh ngặt nghèo như vậy, mà các bạn vẫn làm được những việc mà tôi cho là vĩ đại. Tôi cho các bạn là những anh hùng, vì các bạn đã dám nói lên tiếng nói trái chiều trong một môi trường độc đảng như hiện nay,” ông Charles cho biết thêm.
Ông Charles Sellers - trưởng phòng Chính Trị của tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ
(áo trắng đứng, ở giữa là Bà Erin Leggat - trưởng phòng Kinh Tế-Chính Trị của
tổng lãnh sự quán Úc và sau cùng là ông Ông Louis Raymond - tùy viên báo chí
của tổng lãnh tự quán Pháp).
Bà Erin Leggat - trưởng phòng Kinh Tế-Chính Trị của tổng lãnh sự quán Úc cho biết, “Chính phủ Úc luôn bảo vệ những nền tảng tự do căn bản, trong đó có tự do báo chí. Lãnh sự quán chúng tôi luôn cập nhật những thông tin về các nhà báo bị đàn áp, bắt bớ ở Việt Nam. Đồng thời chuyền tải những vấn đề nóng bỏng của Việt Nam ra hệ thống truyền thông của quốc tế.”
“Chúng tôi luôn mong muốn cho Việt Nam có được một nền báo chí tự do thực sự. Các công dân đều có thể thực hiện quyền tư do ngôn luận và tự do báo chí. Chính phủ Úc luôn xem Việt Nam là những người bạn đáng tin cậy. Tôi xin chúc Hội NBĐL phát triển bền vững” - Bà Erin cho biết thêm.
Ông Louis Raymond - Tùy viên Báo chí của Tổng lãnh tự quán Pháp phát biểu: “Tự do cho báo chí là một đề tài nóng bỏng mà chính phủ Pháp luôn quan tâm. Đặc biệt là trong tháng 1 năm 2015 vừa qua, ngài tổng lãnh sự Pháp là ông Emmanuel Ly-Btallan đã bị an ninh CSVN ngăn chặn một cách bất hợp pháp, khi ông tiếp xúc với một số nhà hoạt động dân chủ ở Việt Nam.”
“Thông qua các tham luận mà các bạn đã trình bày trong ngày hôm nay. Tôi đã hiểu hơn về tình tình báo chí tại Việt Nam, trước đây tôi cũng đã nghe về sự bóp nghẹt báo chí ở Việt Nam, nhưng tôi không thể hình dung được là nó khóc liệt như vậy? Bản thân các bạn cũng bị bắt bớ, đánh đập, thế nhưng các bạn vẫn giữ vững tinh thần. Tôi rất khâm phục,” ông Louis cho biết.
Mặc dầu cuộc hội thảo đã diễn ra trong vòng vây của lực lượng an ninh canh gác bên ngoài ngôi Chùa. Thế nhưng với sự nỗ lực của tất cả các anh em trong hội, buổi hội thảo cũng đã diễn ra khá thành công tốt đẹp.
Bài và hình: Việt Hùng
(Người Việt)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét