Pages

Thứ Sáu, 24 tháng 7, 2015

Người dân VN 'bất mãn với nền kinh tế'

Dù tin vào kinh tế thị trường, đa số người Việt vẫn muốn nhà nước can thiệp để bình ổn giá
Tỷ lệ hài lòng với nền kinh tế hiện nay tại Việt Nam đang xuống thấp, theo một báo cáo do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam thực hiện.
Báo cáo, với tên gọi "Thay đổi cảm nhận về Nhà nước và Thị trường của người Việt Nam năm 2014 (CAMS 2014)”, được công bố tại Hà Nội hôm 23/7, theo thông tin trên trang web của VCCI.

Theo đó, trung bình chỉ 19% người tham gia khảo sát tại Việt Nam nói họ hài lòng với tình hình kinh tế hiện nay.
Đáng chú ý là tỷ lệ hài lòng với nền kinh tế tại các cơ quan Quốc hội, các UBND và sở ngành cấp tỉnh, thành phố cao hơn (từ 26-27%) so với tỷ lệ tại các cơ quan báo chí, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam cũng như các tổ chức nghiên cứu (từ 4%-6%).
Bên cạnh đó, chỉ 19% người trả lời khảo sát cho rằng các doanh nghiệp nhà nước có đóng góp tích cực vào nền kinh tế, trong khi tỷ lệ đánh giá tiêu cực là 29%.
Độ minh bạch trong việc thực hiện chính sách cũng bị đánh giá thấp, với tỷ lệ đánh giá rằng có sự minh bạch chỉ ở mức 14%.
Tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều ở các nhóm doanh nghiệp FDI và các tổ chức quốc tế, chỉ từ 3%-4%.
Có đến 94% người tham gia khảo sát yêu cầu minh bạch trong quá trình hoạc định và thực thi chính sách, cao hơn mức 92% của năm 2011.

Ủng hộ kinh tế thị trường

Báo cáo cho thấy 89% các đối tượng được khảo sát ủng hộ mô hình kinh tế thị trường tại Việt Nam.
Trong khi đó, 3% cho rằng kinh tế nhà nước là ưu việt hơn, giảm 1% so với năm 2011.
Bên cạnh đó, 71% ủng hộ sở hữu tư nhân trong doanh nghiệp.
Có đến 99% ý kiến cho rằng nhà nước nên để khu vực tư nhân đảm nhiệm các dịch vụ công hiện nay.
Mặc dù ủng hộ kinh tế thị trường, chỉ 49% số người khảo sát cho rằng nền kinh tế Việt Nam cơ bản là kinh tế thị trường, trong khi 36% cho rằng nền kinh tế hiện nay là kinh tế nhà nước.
Bên cạnh đó, có đến 75% trong nhóm ủng hộ kinh tế thị trường cho rằng nhà nước nên can thiệp để bình ổn giá của những hàng hóa thiết yếu, tăng 7% so với năm 2011.
"Việc vận hành kinh tế thị trường ở Việt Nam có thể chưa thực sự tạo niềm tin và dem lại hiệu quả tích cực cho xã hội ... do vậy khiến người dân có tâm lý mong chờ bàn tay can thiệp của nhà nước," VCCI nhận định trong báo cáo.
Cuộc khảo sát của VCCI và WB được thực hiện trong năm 2014, với sự tham gia của 1.600 cá nhân, trong đó bao gồm người dân, doanh nghiệp tư nhân, các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp FDI và các cơ quan chính phủ, Quốc hội, VCCI cho biết.

Không có nhận xét nào: