Pages

Chủ Nhật, 5 tháng 7, 2015

Ông Dương Danh Dy: 'Hãy nhìn người Mỹ với cái nhìn khách quan hơn'

"Chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tuần tới sẽ tiếp tục là một thành tựu lớn của ngành ngoại giao nước nhà". ông Dương Danh Dy nhận định.

Liên quan tới những lo ngại về tình hình Biển Đông trước chuỗi hành động ngang ngược của Trung Quốc cũng như một sự kiện đáng chú ý tới đây khi Hà Nội và Washington tổ chức kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ giữa hai nước Việt Nam – Hoa Kỳ, nhà nghiên cứu Dương Danh Dy – Nguyên Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh (Trung Quốc) đã có cuộc trao đổi phóng viên báo Người Đưa Tin để chia sẻ nhận định của ông về cách thức Việt Nam nên ứng xử trước hai siêu cường Mỹ và Trung Quốc.

Ông Dương Danh Dy: 'Hãy nhìn người Mỹ với cái nhìn khách quan hơn' - Ảnh 1
  Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy – Nguyên Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu, Trung Quốc

Thưa ông, cuối tháng 6 vừa qua, Trung Quốc đã ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 vào thăm dò dầu khí ở Biển Đông tại tọa độ 17 độ 03,75 phút vĩ Bắc (17-03.75N) và 109 độ 59,05 phút kinh Đông (109-59.05E). Nằm về phía tây Tây Bắc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Thời gian tác nghiệp từ 25/6 – 20/8. Vị trí này theo nhiều chuyên gia, nó đã nằm trong vùng biển chồng lấn mà Việt Nam và Trung Quốc đang trong quá trình đàm phán để phân định. Ông đánh giá như thế nào về động thái này của phía Trung Quốc?

Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy: Trước hết, tôi khẳng định rằng đó là hành vi sai trái của phía Trung Quốc vì nó đã vi phạm nghiêm trọng thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước đã ký kết trước đó.

Nhìn ở góc độ tổng thể, chúng ta phải thấy rằng giàn khoan chỉ là một trong số công cụ của Trung Quốc để hiện thực hóa “yêu sách 9 đoạn” đầy phi lý của họ ở Biển Đông mà thôi. Một khi giàn khoan xâm phạm vùng biển của ta thì ta phải kiên quyết đấu tranh.

Cái nguy hiểm bậc nhất Trung Quốc đã và đang làm trên Biển Đông đó là việc quân sự hóa các chuỗi đảo nhân tạo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà nước này cố tình cải tạo, mở rộng từ hơn một năm nay. Giai đoạn hiện tại, nhà chức trách Trung Quốc còn lớn tiếng tuyên bố sẽ xây dựng thêm những công trình liên quan trên đó.

Đây rõ ràng là một âm mưu vô cùng thâm độc và được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, chặt chẽ của Trung Quốc nhằm tạo “sự đã rồi” ở Biển Đông.

Một điểm đáng lưu ý nữa là vào thời điểm tháng 5/2014, Hải Dương Thạch Du 981 cũng chính là giàn khoan được Trung Quốc hạ đặt trái phép trong vùng biển chủ quyền Việt Nam và phải rút từ ngày 15/7 do sức ép đấu tranh mạnh mẽ của Việt Nam và dư luận quốc tế. Nhưng năm nay, một lần nữa Trung Quốc lại đưa giàn khoan này trở lại khu vực này để thăm dò dầu khí trùng với thời điểm cận kề mùa mưa bão (bắt đầu từ tháng 7).

Hành động có phần bất thường này chắc chắn đã được các nhà lãnh đạo của Trung Quốc tính đến. Không ngoại trừ khả năng, đây chỉ là minh chứng cho phép thử phản ứng của Việt Nam và quốc tế đối với việc hạ đặt giàn khoan nước sâu khủng này. Mặc dù vị trí cũng như mức độ nghiêm trọng chưa bằng sự kiện 981 năm 2014.

Sắp tới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ có chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ (Mỹ) trong hai ngày 6–10/7, ông có đánh giá như thế nào về mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam – Hoa Kỳ? Đặc biệt, trong bối cảnh hai nước đang chuẩn bị kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ?

Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy: Guồng quay của lịch sử tính từ thời điểm khi hai nước Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ (tháng 7/1995) đến nay đã cho thấy, nội hàm của mối quan hệ hợp tác này ngày càng đi vào chiều sâu, nhất là những lĩnh vực như Khoa học công nghệ, Thương mại đầu tư, An ninh quốc phòng…

Tôi cho rằng, chúng ta nên nhìn vào thực tế lịch sử một cách thật công bằng. Hãy nhìn người Mỹ với một cái nhìn khách quan hơn. Trước đây, họ từng là cựu thù “không đội trời chung” với ta trong cuộc chiến tranh xâm lược kéo dài tới hơn 20 năm. Nhưng, quá khứ không thể quyết định tương lai được.

Với tiềm lực kinh tế, chính trị và quân sự hàng đầu thế giới, Mỹ đã ra tay giúp đỡ những nước bại trận trong thế chiến thứ II trở thành những nước phát triển như Nhật Bản, Đức. Châu Á có Singapore, Hàn Quốc. Đó là điều chúng ta đã mắt thấy tai nghe.

Ngày nay cũng vậy, trước những đòi hỏi của tình hình phát triển kinh tế. Đặc biệt, là sự hình thành nên những vấn đề phức tạp về an ninh khu vực, trên biển nên việc Việt Nam tăng cường hợp tác toàn diện với Mỹ là một thực tế không thể không diễn ra và điều này hợp với thời đại.

Chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tuần tới sẽ tiếp tục là một thành tựu lớn của ngành ngoại giao nước nhà. Nó cho thấy, mối quan hệ Việt – Mỹ đang tiến thêm những bước dài cùng với lịch sử.

Tôi xin nhắc lại, vừa qua, một số lãnh đạo hàng đầu của Mỹ như Bộ trưởng Quốc phòng, Ngoại trưởng, Chủ tịch ủy ban quân vụ thượng viện (John McCain) đều đã có những chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.

Đặc biệt, những lo ngại về tình hình Biển Đông trước chuỗi hành động ngang ngược của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng một cách phi pháp một số bãi đá ngầm thuộc chủ quyền của Việt Nam đã khiến cho Việt Nam và Mỹ cùng với một số nước khác càng gần nhau hơn.

Kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ, tôi tin rằng lãnh đạo cấp cao của Việt Nam và Mỹ sẽ đều chọn cho mình những hướng đi mới mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn và thực chất hơn.

Cần ‘khôn’ với Trung Quốc và ‘khéo’ với Mỹ

Có ý kiến cho rằng, việc chiếc tàu ngầm Kilo thứ 4 mà Việt Nam đặt mua từ Nga theo hợp đồng 6 chiếc từ năm 2009 đã cập cảng Cam Ranh, Khánh Hòa an toàn vào hôm 2/7 là một động thái khiến Trung Quốc phải dè chừng về sức mạnh quân sự của Việt Nam. Ông nhận định sao về ý kiến này?

Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy: Lịch sử hàng ngàn năm nay vẫn khắc ghi những chiến công đánh giặc giữ nước oanh liệt của ông cha ta trước họa ngoại xâm phương bắc. Hồi đó, các bậc tiền nhân làm gì có các vũ khí hiện đại như bây giờ, chỉ đấu có một mình, không liên kết với nước nào và cũng không có dư luận quốc tế ủng hộ như bây giờ nhưng ông cha ta vẫn đánh thắng.

Ông Dương Danh Dy: 'Hãy nhìn người Mỹ với cái nhìn khách quan hơn' - Ảnh 2
  Hình ảnh Trung Quốc huy động hàng chục tàu hút cát để bồi đắp các bãi đá ngầm trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành các đảo nhân tạo (Ảnh: CSIS)

Ngày nay, do tình hình có những biến đổi lớn lao về cả vũ khí, kỹ thuật trang thiết bị nên việc chúng ta trang bị những loại khí tài, phương tiện kỹ chiến thuật để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc là điều hết sức bình thường. Mục đích chính chỉ là để tự vệ trước những mối nguy hiểm tiềm tàng và những thách thức an ninh phi truyền thống trên biển.

Phân tích bản chất của Trung Quốc, ta có thể nhận rõ được sự tráo trở của họ về vấn đề biển đảo. Họ thường “nói một đằng, làm một nẻo” và mang nặng tư tưởng nước lớn muốn “chiếm trọn Biển Đông” cùng với “yêu sách 9 đoạn” vô lý.

Quan hệ với Trung Quốc ta phải thực sự “khôn” để không bị người hàng xóm phương Bắc này bắt bài, nhất là vấn đề chủ quyền biển đảo.

Còn với Mỹ, mặc dù có vị trí địa lý cách xa nhau nửa vòng trái đất nhưng nếu ta thực sự “khéo” tận dụng những lợi thế có được từ mối quan hệ này thì sẽ góp phần đắc lực vào công cuộc bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.

Theo phán đoán của ông, diễn biến trên Biển Đông trong 6 tháng còn lại của năm 2015 sẽ như thế nào?

Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy: Với sự ngang ngược cùng những hành vi coi thường luật pháp quốc tế, Trung Quốc sẽ còn nhiều hơn nữa những hành động và con bài nguy hiểm trên Biển Đông, ít nhất là trong những tháng còn lại của năm 2015 này.

Tuyên bố mới đây của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết sẽ tiếp tục xây các công trình liên quan trên các hòn đảo nhân tạo mà họ bồi lấp trái phép sẽ khiến cho những diễn biến tiếp theo sẽ vô cùng căng thẳng.

Một khi các thực thể đó được biến thành những căn cứ quân sự với đường băng dài tới 3000m, đủ chỗ đáp cho mọi loại máy bay của nước này hạ cánh. Một tuyến phòng thủ quân sự từ ngoài biển sẽ là một thách thức không nhỏ không chỉ với Việt Nam mà còn với cả khu vực Đông Nam Á mà Trung Quốc đang tạo ra.

Tóm lại, trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc, ta phải thật sự khôn khéo để vừa tận dụng cơ hội để phát triển kinh tế thương mại, vừa giữ vững được chủ quyền quốc gia trên Biển Đông.

Xin chân thành cảm ơn ông!

Cao Tuân – Đình Tuệ

(Tuổi Trẻ)

Không có nhận xét nào: