Biểu tình ở Hồng Kông đòi trả tự do cho các luật sư bị bắt bớ tại Hoa lục, 23/07/2015.REUTERS/Bobby Yip
Đã có một chiến dịch càn quét các luật sư bảo vệ nhân quyền Trung Quốc với: 233 người bị trấn áp và 14 luật sư đã bị tống giam. Le Courrier International trích đăng bài viết của Phạm Trung Tín (Fan Zhongxin), một luật gia can đảm đã lên tiếng bênh vực cho họ trên mạng xã hội.
Trong những ngày gần đây, công an Trung Quốc đã tiến hành một chiến dịch đại quy mô trên toàn quốc đánh vào các luật sư chuyên bảo vệ quyền lợi của công dân, và các luật sư bị gọi là « ngoan cố ». Dân tình cả nước rúng động, và thế giới thì quan ngại.
Phạm Trung Tín viết : Với tư cách một thành viên trong giới luật gia, tôi không thể mắt lấp tai ngơ trước những sự kiện này. Tôi phải đặt ra những câu hỏi về điều 35 Hiến pháp đảm bảo tự do ngôn luận, điều 41 khẳng định quyền phê bình các cơ quan và viên chức nhà nước, đưa ra những đề nghị, khiếu nại hoặc tố cáo.
Chiến dịch đánh vào các luật sư biểu thị qua việc bắt giữ hàng loạt, hoặc triệu tập lên công an (ít nhất 233 luật sư bị quấy nhiễu, 14 người bị tống giam và 6 người mất tích). Hoạt động này được tiến hành đồng thời và có phối hợp giữa các lực lượng an ninh trên toàn quốc.
Một lô một lốc báo chí nhà nước đăng bài kết tội họ. Nhiều nghi can bị buộc phải thú tội trên kênh truyền hình quốc gia, ngay cả trước khi ra tòa, để làm gương và để trấn áp. Các trang web của Bộ Công an và Tòa án Tối cao đăng những bài viết lên án các luật sư này là thành viên của « các băng nhóm tội phạm ».
Người ta còn chứng kiến một chiến dịch bôi nhọ hình ảnh của một số người và mưu toan hạ nhục công khai. Chỉ trong vài ngày, những lời bình « được đặt hàng » dưới những bài viết trên internet được đăng trên nhiều trang web và báo chí, đưa ra những thông tin « tiết lộ », « tố cáo » những « vi phạm đạo đức » (như cuộc sống tình cảm buông thả, quan hệ với gái mại dâm hay lừa tiền).
Cuối cùng, nhiều tài khoản trên mạng bị khóa, các tin nhắn bị xóa đi hay cấm đương sự phát biểu. Tất cả những ý kiến về chiến dịch đàn áp giới luật sư đều bị kiểm duyệt, trong khi các « dư luận viên » tung ra vô số lời thóa mạ, bêu riếu tác giả những bài viết đặt dấu hỏi về chiến dịch, nhất là đối với các luật sư và nhà nghiên cứu.
Từ những sự kiện trên, ông Phạm Trung Tín rút ra kết luận chiến dịch trên không phải là việc thực thi luật pháp, mà là hành động thanh trừng nhắm vào giới luật gia.
Nhà giáo kiêm luật gia nhắc lại sáu nguyên tắc căn bản mà công an phải tôn trọng. Thứ nhất, người bị bắt phải được quyền báo tin cho người thân và được gặp luật sư. Thứ hai, không được buộc một nghi can nhận tội trước ống kính truyền hình, hoặc ít nhất phải có luật sư chứng kiến.
Thứ ba, không được tổ chức các chiến dịch vu cáo trên mạng (đặc biệt với những lời lẽ tố cáo sặc mùi Cách mạng văn hóa như « luật sư thoái hóa », « luật gia bất lương », « phản quốc », « bán mình »…). Thứ tư, những người bị báo chí chính thức lên án phải được quyền trả lời. Thứ năm, không được dùng bất cứ hình thức tra tấn nào để bức cung. Cuối cùng, cần phải công khai các văn bản chứng minh cho chiến dịch toàn quốc này, cũng như các chỉ đạo.
Luật gia Phạm Trung Tín kết luận : Khi nào người ta có thể đảm bảo với tôi là những nguyên tắc trên được tôn trọng, chỉ và chỉ khi đó, tôi mới nhìn nhận rằng mình đã sai lầm khi đánh giá đây là một chiến dịch thanh trừng chính trị không thua gì « chiến dịch chống hữu khuynh »trước đây. Tôi sẽ tự nộp mình cho tư pháp để xin chuộc tội, và chân thành xin lỗi tất cả những độc giả đã đọc bài này !
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét