Pages

Thứ Tư, 22 tháng 7, 2015

Tương lai nào cho đất nước Việt Nam?


vailaytapcanbinh
Huỳnh Ngọc Tuấn
“…Với một nội lực mong manh như vậy, với một thế đứng chông chênh và cô lập như vậy Việt Nam không thể nào chống đỡ nổi một cuộc tấn công chớp nhoáng bằng cuộc chiến tranh công nghệ hiện đại từ Bắc Kinh…”
Thế giới này luôn là đấu trường với những cuộc cạnh tranh gay gắt để tồn tại và phát triển giữa các dân tộc, các quốc gia. Không có chỗ cho những thỏa hiệp lâu dài, cho sự tự mãn.
Luật pháp quốc tế cũng chỉ là những trật tự được định hình để bảo vệ quyền lợi của các siêu cường, cũng chỉ mang tính tượng trưng mà các quốc gia nhỏ yếu không thể và không nên trông cậy tuyệt đối như một “ông thần hộ mệnh”..

biendong07
Muốn tồn tại và phát triển bất cứ quốc gia nào cũng phải cần có một nền tảng được xây dựng trên hai yếu tố : sức mạnh nội tại và sức mạnh ngoại giao… trong đó sức mạnh nội tại mang tính quyết định còn sức mạnh ngoại giao chỉ là hình thức biểu hiện. Không có sức mạnh nội tại sẽ không có sức mạnh ngoại giao.
Sức mạnh nội tại của một quốc gia thể hiện ở bản sắc và phẩm chất trí tuệ của dân tộc đó. Chính những điều này tạo nên “đẳng cấp” của các quốc gia tuy không một ai thừa nhận vì lý do “bình đẳng” được minh định trong Hiến chương Liên hiệp quốc!?
Nhưng sự “bình đẳng” giữa các quốc gia mang tính ràng buộc “đạo đức” nhiều hơn là thực tế vì trên thế giới này sự bất bình đẳng luôn ngự trị một cách khắc nghiệt và được mọi người mặc nhiên thừa nhận nó một cách “đáng xấu hỗ”..
Nhìn trên bản đồ thế giới chúng ta thấy tồn tại nhiều quốc gia với những đẳng cấp khác nhau, có những siêu cường, những nước giàu có bên cạnh các nước nhược tiểu nghèo nàn, và tiếng nói cũng như ảnh hưởng của họ hoàn toàn khác nhau, có tiếng nói quyết định và tiếng nói phụ thuộc, có những ông chủ và người làm thuê.
Trật tự thế giới thay đổi rất nhiều từ sau hai cuộc chiến tranh thế giới và trật tự đó tiếp tục thay đổi suốt trong thời chiến tranh lạnh và cuộc cách mạng công nghệ gần đây.
Và trong tương lai trật tự này vẫn chuyển động không ngừng nghỉ, thậm chí có thể biến động dữ dội vì cuộc chạy đua để giành thế thượng phong của các “ông lớn”.
Trong thời chiến tranh lạnh với thế “lưỡng cực đối đầu” nổi bậc với vai trò của Liên xô và Mỹ .
Ngày hôm nay trật tự đó đã có nhiều thay đổi khi Trung cộng sau hơn 3 thập niên tăng trưởng kinh tế ồ ạt nay đã trở thành một “ông lớn” trên vũ đài chính trị thế giới.
Sự phát triển vũ bão của Trung cộng vừa là động lực để kinh tế toàn cầu tăng trưởng vừa tạo ra mối đe dọa cho môi trường và cả thách thức cho trật tự mà Mỹ đã xây dựng sau chiến tranh thế giới lần thứ hai.
Nhưng không chỉ là thách thức trật tự thế giới của Mỹ, Trung cộng ngày hôm nay đã trở thành một mối hiểm họa cho các quốc gia nhỏ yếu trong khu vực .
Sự phát triển kinh tế vượt bậc giúp Trung cộng hiện đại hóa quân đội, mở rộng ảnh hưởng ra khắp thế giới từ châu Á, châu Âu, châu Phi và cả Châu Mỹ, nó cũng là đòn bẩy cho tham vọng lãnh thổ mà không ai biết chắc nó sẽ dừng lại ở đâu, nhưng trước mắt là hai quốc gia nhỏ  bị xâm lấn nghiêm trọng là Việt nam và Philippin.
Riêng Việt nam đã mất về tay Trung cộng quần đảo Hoàng Sa và một phần quan trọng nhất của quần đảo Trường Sa…
Những gì còn lại ở Trường Sa mà Việt Nam còn giữ được vừa nhỏ bé vừa không mang tầm chiến lược và cũng không biết đến khi nào thì Trung cộng sẽ chiếm luôn vì họ đã khẳng định hai quần đảo Hoàng sa và Trường sa cùng 80% biển Đông là của họ?
“Chân lý” luôn thuộc về kẻ mạnh. Sự hung hăng và tham vọng của Trung cộng khi bất chấp chủ quyền của quốc gia khác, bất chấp luật pháp quốc tế và công lý không hề bị chế tài và trừng phạt..
Sức mạnh vượt trội của Trung cộng đối với Việt Nam là một điều đáng lo ngại, nhưng còn một điều đáng lo ngại khác không kém phần nghiêm trọng là Việt nam ngày hôm nay sau hơn 60 năm cai trị của đảng Cộng sản đã hoàn toàn khánh tận.
Dân tộc Việt Nam ngày hôm nay nhân tâm ly tán, hèn yếu bạc nhược, đạo đức xã hội suy đồi, nguyên khí quốc gia tàn lụi, dân trí thấp và lối sống thực dụng ấu trĩ.
Tinh thần quốc gia và sự tự tôn dân tộc không hề tồn tại trong tâm thức người Việt, có chăng chỉ là một vài biểu hiện tự ái nhất thời và chóng tàn thể hiện một cách hời hợt, vặt vãnh..
Hiện nay quy mô nền kinh tế Việt Nam so với Trung cộng là 150 tỷ usd/ 10.000 tỷ usd .
Chênh lệch về sức mạnh quân sự càng lớn hơn như vậy nhiều.
Đất nước chúng ta ở vào vị trí chiến lược hiểm yếu với những cảng biển cực kỳ tốt mà Trung cộng muốn có trong cuộc chạy đua kiểm soát vùng trời vùng biển với Mỹ. Hai nước lại có chung một biên giới trên đất liền dài hơn 600km và vùng biển tiếp giáp..
Một ngày không xa khi Bắc Kinh thực hiện “Giấc mơ Trung hoa” thì Việt Nam chúng ta là một vùng đất mà họ sẽ tràn qua để tiến xuống phía nam hầu thôn tính các nước Đông nam Á, và không loại trừ cả Úc châu..!
Trong tương lai gần Trung cộng không thể tiến chiếm vùng Trung Á cho dù rất thèm muốn vì đó là sân sau của Nga, cũng không thể tiến sang phía Đông vì đụng phải Nhật – Hàn.
Chỉ còn một cách là tiến xuống phía Nam để làm chủ Đông Nam Á và mở ra một hành lang để sẳn sàng tiến chiếm Úc châu.
Cũng như Đế quốc Nhật trước đây, đối với Trung cộng Úc châu là một “thiên đường” hạ giới, một sự cám dỗ không thể nào cưỡng được vì tài nguyên vô cùng lớn và một không gian sinh tồn tuyệt hảo cho người Hán..
Úc châu chính là lý do để Trung cộng phiêu lưu xuống phía Nam và Việt Nam sẽ là nạn nhân trên con đường phiêu lưu đó.
Chúng ta đang đứng trước một hiểm họa nhãn tiền mà khả năng tự vệ hoàn toàn không có..
Đảng CSVN đang rối loạn trong nội bộ vì bất đồng trong việc hoạch định chính sách đối ngoại, họ vẫn bế tắc trong tình huống hiểm nghèo.
Ngày 7 tháng 7 năm 2015 vừa qua, Tổng Bí Thư đảng Cộng sản là Nguyễn Phú Trọng sang thăm Hoa kỳ để tìm một “chiếc phao cứu sinh” cho chế độ, chúng ta có thể hình dung đảng CSVN giống như một người leo núi để chạy trốn cơn Đại hồng thủy từ Bắc Kinh nhưng lai mang theo quá nhiều hành lý đó là : Chế độ độc tài toàn trị và khối tài sản khổng lồ do ăn cướp của nhân dân..
Cuối cùng chẳng đi tới đâu, đảng CSVN chắc chắn sẽ bị chôn vùi cùng chế độ và khối tài sản khổng lồ bất chính đó.
Nhưng đất nước Việt Nam cũng lâm nguy, vì sẽ biến thành một Tây Tạng, Tân Cương mới của Trung cộng mà thôi.
Với một nội lực mong manh như vậy, với một thế đứng chông chênh và cô lập như vậy Việt Nam không thể nào chống đỡ nổi một cuộc tấn công chớp nhoáng bằng cuộc chiến tranh công nghệ hiện đại từ Bắc Kinh.
Tương lai nào cho đất nước Việt nam là một câu hỏi làm đau lòng những người yêu nước.
Huỳnh Ngọc Tuấn
Theo Thông Luận

Không có nhận xét nào: