Cái tốt và xấu của bia rượu đã được các nghiên cứu nói nhiều. Tuy nhiên những lập luận thường được nghe liệu có đúng không?
Những người đôi lúc uống cốc bia hoặc ly rượu cũng muốn tin rằng mình đang giúp cho cơ thể khỏe hơn.
Bất kỳ nghiên cứu nào nói uống một hay hai ly một ngày thì sức khỏe tốt đều được giới truyền thông và quần chúng tán thưởng nồng nhiệt. Nhưng việc xác định uống rượu vừa phải có lợi cho sức khỏe là một việc phức tạp.
Một trong những nghiên cứu trước đây nói về sự liên quan giữa bia rượu và sức khỏe đã được Archie Cochrane (đã mất) thực hiện, ông là cây cổ thụ ngành y học dựa vào bằng chứng. Năm 1979 Cochrane và hai đồng nghiệp đã cố tìm xem nguyên nhân của tỉ lệ tử vong khác nhau vì bệnh tim ở 18 nước phát triển, gồm cả Mỹ, Anh và Úc là gì.
Nghiên cứu của họ cho thấy rằng có sư liên hệ rõ ràng và đáng kể giữa lượng rượu uống (chủ yếu là rượu vang) và việc giảm tỉ lệ bệnh thiếu máu cục bộ ở tim (do mỡ bám vào thành mạch cung cấp máu cho tim).
Dẫn chiếu tới các nghiên cứu trước đây cho thấy sự liên hệ giữa uống chất có cồn và tỉ lệ bị động tim, Cochrane và đồng nghiệp cho rằng chất thơm và các hợp chất khác trong rượu (mới đây được giả thuyết rằng có tính chống oxy hóa như chất polyphenols ở cây) rất có thể là nguyên nhân làm tốt cho tim (hơn là bản thân chất rượu).
Trên tinh thần của y học bằng chứng, họ đề nghị một cách tiếp cận thực nghiệm cho vấn đề trên.
Đi sâu vào chủ đề thực nghiệm về rượu, khó có thể tìm ra được lợi ích của bia rượu đối với các bệnh mãn tính. Thay vì thế, nhiều nghiên cứu về bia rượu và lợi ích của nó cho sức khỏe là ở dạng nghiên cứu dài hạn trên dân số.
Năm 1986 các nhà nghiên cứu đã khảo sát một nhóm hơn 50.000 nam bác sỹ ở Mỹ về việc uống rượu và ăn, lịch sử bệnh và tình trạng sức khỏe trong 2 năm. Họ phát hiện ra rằng càng uống nhiều rượu thì khả năng bị bệnh động mạch vành càng thấp, mặc dù có bệnh tiểu đường.
Một nghiên cứu qui mô nữa được công bố vào năm 2000 (cũng với nam bác sỹ) phát hiện quan hệ đồ thị chữ U giữa uống bia rượu vừa phải và cái chết (thay vì với bệnh động mạch vành). Những người uống 1 ly một ngày thì ít có khả năng chết hơn (trong khoảng thời gian nghiên cứu là 5,5 năm) so với những người uống ít hơn 1 ly một tuần, hoặc hơn một ly một ngày.
Điều đó cho thấy có một ‘điểm ngọt ngào’ cho việc uống bia rượu; một mức nằm giữa uống rất ít và uống rất nhiều, ở mức đó cái lợi của rượu cho sức khỏe tim mạch cân bằng rủi ro chết vì mọi nguyên nhân.
Nhưng chính bia rượu có mang lợi ích không hay chỉ là yếu tố ghi nhận cho những hoạt động lành mạnh khác? Có phải những người uống bia rượu vửa phải cũng là những người hoạt động đều đặn, ăn có giữ gìn và nhìn chung lo cho sức khỏe mình?
Năm 2005 có một nghiên cứu nữa với những người làm trong ngành y tế (32.000 phụ nữ và 18.000 nam giới) nhằm trả lời câu hỏi trên bằng cách xem thói quen uống bia rượu đã ảnh hưởng thế nào không chỉ với rủi ro tim mạch mà cả với sinh lý.
Những người uống 1 đến 2 ly, 3 đến 4 lần một tuần, có ít nguy cơ đau tim mà các nhà nghiên cứu cho rằng do tác động có lợi của rượu đối với cholesterol HDL (cholesterol ‘tốt’) và với haemoglobin A1c (ghi dấu hiệu tiểu đường) và fibrinogen (giúp đông máu).
Cả 3 yếu tố này đóng vai trò quan trọng trong ‘hội chứng chuyển hóa’; chúng báo hiệu bệnh tim mạch và tiểu đường. Những nghiên cứu khác cho thấy có dấu hiệu là rượu có thể làm thay đổi sự cân bằng của các yếu tố trên theo chiều hướng tốt, nghĩa là uống bia rượu vừa phải có thể tốt cho sức khỏe.
Những nghiên cứu khác đã lặp lại tác động của ‘mức tốt’ của rượu đối với đột quỵ do tắc mạch máu não và với cái chết nói chung. Nhưng trước khi bạn đặt mua cho mình vài chai rượu một tuần để làm mình khỏe thì bạn nên đọc tiếp đi.
Thực tế có đúng là những người không uống rượu có nguy cơ chết cao hơn những người uống 1-2 ly một ngày không? Không đơn giản như vậy đâu.
Năm 2006 một nhóm nghiên cứu có đi sâu hơn xem những nghiên cứu trên được thực hiện như thế nào. Việc phân tích tổng hợp của họ cho thấy một lỗi trong cách phân loại người không uống bia rượu: trong nhiều nghiên cứu, họ là những người đã cai rượu vì ốm hay vì già, nghĩa là họ là nhóm người rất yếu so với dân chúng nói chung.
Điều quan trọng là ở những nghiên cứu không có việc phân loại sai thì không thấy có việc giảm bệnh tim hoặc chết ở những người uống rượu vừa phải.
Hiện những nhà nghiên cứu khác đã đi sâu xem xét ‘giả thuyết phân loại sai’ này, kể cả một nghiên cứu lớn với dân ở Anh năm nay.
Nó cho thấy khi ta chỉ so sánh đơn thuần việc uống rượu và tình trạng sức khỏe, ta thấy rõ tác động có lợi của việc uống rượu vừa phải. Nhưng nếu ta gạt bỏ những người trước đã từng uống rượu ra khỏi nhóm người không uống rượu, thì chẳng thấy tý lợi ích nào.
Trong khi đó, một nhóm khác nghiên cứu những người mà cơ thể họ không chịu được rượu (và vì thế họ thường hoàn toàn không uống rượu) và thấy rằng họ có sức khỏe tim mạch tốt hơn và ít có nguy cơ bị bệnh động mạch vành so với những người có thể uống được rượu.
Và rồi còn tin này thực sự đáng buồn. Cho dù tác động của rượu đối với rủi ro bệnh tim của bạn là có hay không có thì nó vẫn có thể đẩy nhanh tới cái chết theo vô vàn cách thức khác nhau.
Tổ Chức Y Tế Thế Giới năm ngoái ra báo cáo nói rằng việc uống bia rượu có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm và lo lắng, xơ gan, viêm tụy, tự vẫn, bạo lực và thương tật vì tai nạn.
Rượu cũng liên quan đến ung thư miệng, mũi, thanh quản, thực quản, đại tràng, gan và vú (ở phụ nữ). Khoảng 4% đến 30% chết do ung thư trên thế giới là do dùng bi arượu (đối với ung thư phổ biến là ung thư vú, 8%). Điều quan trọng là kể cả việc uống bia rượu vừa phải cũng làm tăng nguy cơ: chỉ 1 ly một ngày cũng làm tăng nguy cơ ung thư vú tới 4%, còn uống nhiều làm tăng tới 40-50%.
Uống nhiều bia rượu làm suy giảm hệ miễn dịch và do vậy liên quan đến bệnh viêm phổi và lao phổi. Nó cũng tạo rủi ro trong hành động tình dục, đưa đến việc dễ bị nhiễm trùng tình dục như HIV. Và việc uống rượu khi mang thai có thể làm hỏng thai nhi, dẫn tới Hội Chứng Rượu Thai Nhi.
Tổng cộng có hơn 200 bệnh và thương tật có thể liên quan đến uống rượu, kể cả 30 thứ chỉ hoàn toàn do rượu gây ra.
Nhưng ý nghĩ rằng uống rượu vừa phải có thể có lợi vẫn chưa hoàn toàn mất đi, và ngay cả những tổ chức chuyên đấu tranh chống những vấn đề do bia rượu cũng bất đắc dĩ phải nói là uống ít bia rượu có thể có tác động chống bệnh tim và một số dạng đột quỵ.
Khó hiểu? Không chỉ một mình bạn cảm thấy thế. Có lẽ tổng kết hay nhất về việc rượu có tác động thế nào đến sức khỏe là ở bài phân tích phê bình xuất bản đầu năm 2013. Tác giả bài phân tích này kết luận là khi mà những bằng chứng về tác động có hại của rượu là xác đáng, vẫn còn rất nhiều lý do lấy bằng chứng về cái lợi cho sức khỏe của rượu nếu thêm một chút muối, mà không phải là một lát chanh vào.
Bài gốc tiếng Anh đã đăng trên BBC Future
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét