Pages

Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2015

Luật về Hội - phép thử bị trì hoãn?


Image copyrightAFP
Image captionĐại biểu Quốc hội VN ông Dương Trung Quốc coi dự luật Hội là một bước 'chuyển đổi căn bản', nhưng cũng là một 'bài toán khó' và 'phép thử' với chính quyền.

Dự án luật về Hội được Bộ Nội vụ Việt Nam đệ trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước này, điều được cho là một 'phép thử' và 'bước thay đổi căn bản' đối với chính quyền, theo ý kiến một Đại biểu Quốc hội, đã một lần nữa bị 'trì hoãn' thông qua, ban hành, theo truyền thông Việt Nam.
Dự án luật được đệ trình là 'một bước thay đổi căn bản', tuy nhiên đây là một trong số các dự án mà chỉ được trình xin ý kiến và sẽ chỉ được 'thảo luận' mà không được thông qua từ nay cho tới hết nhiệm kỳ của Quốc hội khóa mười ba (2011-2016), theo một đương kim Đại biểu Quốc hội với ba nhiệm kỳ liên tục.


Trong khi đó, một nhà vận động cho xã hội dân sự ở Việt Nam cho rằng dự thảo luật lần này 'còn tồi hơn nhiều' so với bản dự thảo được đưa ra góp ý lần này và dự thảo luật có tính 'quản lý, khống chế' các hội đoàn của nhân dân hơn là giúp thực thi quyền về lập hội của họ.
Còn theo một nhà xã hội học, tuy là một sự kiện 'vui mừng', dự án Luật vẫn còn có điểm bất hợp lý khi 'phân biệt đối xử' giữa các hội đoàn của nhà nước với hội đoàn của nhân dân.

Phải đợi kỳ sau

Theo truyền thông Việt Nam, hôm 25/9/2015, do còn 'có nhiều ý kiến khác nhau' về một số nội dung trong dự luật, trong đó có vấn đề về quy định 'Hội có tư cách pháp nhân', Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, ông Nguyễn Sinh Hùng đã đặt vấn đề trong phiên bế mạc kỳ họp Thường vụ và cho rằng 'nên tạm lùi để chuẩn bị kỹ hơn'.
Trao đổi với BBC trước đó, hôm 24/9, Đại biểu Quốc hội Việt Nam, ông Dương Trung Quốc, bình luận về dự thảo luật. Ông nói:



"Theo tôi nhớ, phải đến lần thứ mười, lần thứ mười hai gì đó, soạn thảo đi, soạn thảo lại và đương nhiên cũng phải hiểu rằng đây cũng là luật quan trọng, nhất là trong cơ chế chính trị của Việt Nam, làm thế nào huy động được các lực lượng xã hội tham gia vào trong việc quản lý đời sống của đất nước.
"Về nguyên lý ai cũng thấy rằng đoàn kết toàn dân thì tất cả các lực lượng xã hội đều tham gia vào sự nghiệp chung là một điều tích cực, nhưng khi đi vào cụ thể thì phải nói đây là một bài toán rất khó đối với những nhà lãnh đạo, những nhà chính trị.
"Có lẽ đấy là lý do vì sao mà nó được nâng lên, đặt xuống khá nhiều lần và đến lần này thì đưa ra Quốc hội để thảo luận.
"Tôi muốn lưu ý rằng những kỳ họp cuối cùng khóa 13 này chỉ thảo luận thôi, chứ còn việc quyết định thì theo quy trình của nó, nó phải thêm một kỳ họp nữa, tức là nó có thể phải sang nhiệm kỳ tới của Quốc hội khóa 14," ông Dương Trung Quốc nói.


Theo Đại biểu Quốc hội này, kể cả khi dự luật đã được thông qua, và trở thành một đạo luật chính thức ban hành, thì chất lượng của nó còn phải chờ 'thực tế chiêm nghiệm'.
Ông nói: "Đối với luật rất phức tạp như luật Hội này, Quốc hội... đã đặt lên bàn nghị sự đã là một bước thay đổi rất căn bản sau cả chục năm mà nó được chờ đợi, nâng lên đặt xuống, được xếp hàng v.v..."
"Còn kết quả cuối cùng có được thông qua hay không, chúng tôi nghĩ rằng cứ để thực tế nó chiêm nghiệm, và đến lúc ban hành rồi, thì chính là lúc mà thực tế sẽ trả lời xem hiệu quả đến đâu.
"Và trong trường hợp hiệu ứng xã hội nó không phù hợp, thì nó sẽ phải có một quá trình điều chỉnh. Tôi cho điều đó là điều tất nhiên thôi," ông Dương Trung Quốc nói.

Rất vui mừng

Bình luận với BBC hôm thứ Năm, TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS), thuộc Liên hiệp các Hội khoa học & Kỹ thuật Việt Nam (Vusta), nói:


"Nếu mà nói với tư cách là một thành viên ở trong xã hội dân sự, tức là thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này, có thể nói là tôi rất vui mừng vì dù sao nó cũng là một bước tiến."
"Thực ra bản thân tôi cũng tham gia vào quá trình thảo luận về dự thảo thành lập hội này cũng khá là lâu trong vòng mười năm qua, cho nên sự kiện này đối với tôi là một sự kiện vui mừng."
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu cũng cho rằng dự luật còn có điểm 'không hợp lý'. Bà Khuất Thu Hồng nói:
"Theo nhận xét của một số người thì nó (dự Luật) quá là chặt chẽ, và nó có một sự phân cấp, hay nói đúng hơn nó có một sự phân biệt ở giữa những hội khác nhau.


"Và tôi cho rằng điều đấy sẽ gây khó cho các tổ chức mà được thành lập hoặc dưới diện được điều chỉnh của luật này. Ví dụ như các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội về nguyên tắc cũng nằm trong phạm vi của luật này, nhưng mà dường như là họ có được một sự ưu ái hơn những hội khác.
"Cái cách phân cấp như vậy tôi nghĩ nó không hợp lý lắm," TS. Khuất Thu Hồng nói với BBC.

Một sự ngộ nhận

Cũng hôm 24/9, TS. Nguyễn Quang A, nhà quan sát và vận động cho xã hội dân sự từ Hà Nội, cho rằng nếu ai có quan điểm cho rằng bản thân việc 'dự thảo' được phép đệ trình lên Ủy ban Thường vụ của Quốc hội đã là 'tích cực' và 'tiến bộ' thì đó là một sự 'ngộ nhận'.
Ông nói: "Tôi nghĩ đấy là một sự ngộ nhận, bởi vì mười năm trước có một dự thảo như thế và có một cuộc thảo luận sôi nổi hơn bây giờ rất là nhiều, các tổ chức đã đóng góp, thậm chí đã có những dự thảo thay thế đưa ra rất là đúng đắn.
"Nhưng mà rồi người ta lại gác lại không nói gì đến cả, bây giờ đưa ra một dự thảo mà tôi cho rằng còn tồi hơn cả Dự thảo mười năm trước, mà lại bảo rằng có tiến bộ, thì đấy là một điều mà những người suy nghĩ như thế cần phải suy nghĩ lại."



null
Và Tiến sỹ Quang A giải thích thêm về quan điểm của mình:
"Bởi vì một cái luật để kiểm soát các hội, một luật để quản lý các hội không phải là luật cần phải có, theo Hiến pháp của Việt Nam là để đảm bảo quyền của người dân về vấn đề lập Hội," ông nói với BBC.
Dự án Luật về Hội do Bộ Nội vụ soạn thảo được trình lên Ủy ban Thường vụ của Quốc hội Việt Nam hôm thứ Năm.
Dự luật gồm 8 Chương với 37 điều với các mục lớn gồm các nội dung chính như (i) quy định chung, (ii) thành lập hội, (iii) hội viên, (iv) tổ chức & hoạt động của hội, (v) hợp nhất, sáp nhập, chia, tách đình chỉ, giải thể hội, (vi) tài sản, tài chính của hội, (vii) quản lý nhà nước về hội; và (8) điều khoản thi hành.
Tại phiên bế mạc khóa họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam hôm 25/9, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, ông Nguyễn Sinh Hùng đã phát biểu về dự luật và cho rằng "Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục xem xét có nên đưa dự án này ra kỳ họp Quốc hội tới hay tạm lùi lại để chuẩn bị kỹ hơn."
Xem ra, sau mười năm được 'nâng lên, đặt xuống', dự luật về Hội của Việt Nam, điều được Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc coi là một ' phép thử' và 'bước thay đổi căn bản', vẫn có thể tiếp tục bị trì hoãn vô thời hạn.

Không có nhận xét nào: