Pages

Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2015

Tập Cận Bình được gì, ngoài đại bác và quốc yến?

Đặc điểm của mối quan hệ Hoa Kỳ và Trung Quốc là vừa hợp tác vừa xung khắc. Dù cho Chủ Tịch Tập Cận Bình luôn luôn nhấn mạnh về ước mong có quan hệ tốt, theo nhận định của New York Times thì  những thách thức gia tăng của Trung Quốc đối với Hoa Kỳ sẽ là trung tâm để phán đoán về chuyến thăm viếng bảy ngày của ông ta với tư cách quốc khách.

Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) được chào đón khi đến thăm xưởng chế tạo máy bay Boeing ở Everett, Washington. (Hình: Xinhua/Liu Weibing via Getty Images)

Carrie Gracie, trưởng ban biên tập chuyên về Trung Quốc của BBC nói: “Bạn chờ đợi gì từ hội nghị thượng đỉnh tuần này giữa Tổng Thống Mỹ, ông Obama, và Chủ Tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình? Nếu có trông đợi điều gì thì tôi gợi ý bạn nên hạ thấp mong đợi đó.” Thái độ dè dặt ấy chắc chắn là khôn ngoan và nhiều phần đúng. Bình thường những chuyển biến mới mẻ không bao giờ xuất hiện ngay sau một hội nghị, lời tuyên bố của một chính khách, hay báo cáo chính trị của đảng, nhất là nếu đó là ... đảng Cộng Sản.



Nhưng cũng không hẳn như ý kiến của nhà báo Phạm Chí Dũng trong trao đổi với BBC rằng “Chuyến thăm của ông Tập mang tính hình thức hơn là giải quyết được những vấn đề thực chất như bất đồng về căng thẳng ở Biển Đông.” Nhận định ấy có lẽ yếm thế vì giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ có nhiều liên hệ trọng đại khác cần thảo luận, chẳng hạn kinh tế tài chính, mậu dịch, bản quyền trí tuệ, xâm nhập và tấn công trên mạng điện toán... Không thể nào ngay một lúc thanh toán tất cả mọi chướng ngại nhưng ít nhất chuyến công du chính thức đầu tiên của Tập tại Hoa Kỳ cũng sẽ mở ra một hướng mới cho hai phía dùng làm đầu cầu cho sự hợp tác xây dựng, nếu không phải là tệ hại hơn để chuẩn bị và đẩy mạnh đương đầu.

Tờ Washington đưa ra một đánh giá có giới hạn: “Đối với Chủ Tịch Trung Quốc Tâp Cận Bình, thành tựu chính của cuộc gặp gỡ thượng đỉnh có lẽ là 21 phát súng đại bác bắn chào tại sân cỏ tòa Bạch Ốc ngày Thứ Sáu.” Sự đón tiếp bằng đầy đủ nghi thức danh dự của Tổng Thống Hoa Kỳ là đặc biệt quan trọng cho nhà lãnh đạo Trung Quốc xét về mặt tâm lý của dân Á Châu. Hơn nữa, ở thời điểm này,  Tập vẫn còn cần củng cố quyền lực tại Bắc Kinh và chứng minh rằng ông đủ khả năng để nắm vững hệ thống hành chánh đầy rẫy tham nhũng cùng nền kinh tế đang loạng choạng.

Tối Thứ Sáu, Tổng Thống Obama sẽ mở quốc yến tại Tòa Bạch Ốc, nghi thức trang trọng tối hậu dành cho nhà lãnh đạo Trung Quốc. Các quan sát viên và giới truyền thông cho rằng đệ nhất phu nhân Trung Quốc sẽ là người thu hút sự chú ý trong buổi này. Bà Bành Lệ Viên, một ca sĩ opera trong lực lượng văn công Quân Giải Phóng Nhân Dân Trung Hoa, được coi là phụ nữ đẹp hơn hết trong các đệ nhất phu nhân Trung Quốc từ trước đến nay. Bà Bành hiện mang quân hàm thiếu tướng và là Chủ Tịch Học Viện Văn Nghệ Quân Đội.

Các viên chức nghi lễ Trung Quốc đã đến Washington từ mấy tuần trước để sắp xếp chuẩn bị chương trình thăm viếng của Tập Cận Bình. Một số sinh hoạt do Mỹ gợi ý để Tập có thể tiếp cận với công chúng nhiều hơn đã bị từ chối vì sự lo ngại về vấn đề an ninh. Một trong những yêu cầu chính của Trung Quốc: giới chức an ninh Mỹ bảo đảm không cho những người biểu tình đến gần và không để nghe thấy khẩu hiệu chống đối của họ. Pháp Luân Công và kháng chiến Tây Tạng là những nhóm được lưu ý nhất. Năm 2006, một thành viên Pháp Luân Công đã lọt vào được vườn cỏ Tòa Bạch Ốc, làm gián đoạn chốc lát bữa quốc yến Tổng Thống Bush chiêu đãi Chủ Tịch Hồ Cẩm Đào.

Chuyến thăm của Tập Cận Bình cũng không là thuận lợi trong không khí chính trị của mùa tranh cử tại Hoa Kỳ. Scott Walker, Thống Đốc tiểu bang Wisconsin, ứng cử viên vừa rút lui, từ tháng Tám đã đề nghị Tổng Thống Obama hủy lời mời Tập Cận Bình và đòi hỏi Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về sự gia tăng những mưu toan làm phương hại đến lợi ích của Hoa Kỳ.

Ứng cử viên Donald Trump cũng là người mạnh mẽ chống Trung Quốc. Theo ông, Mỹ quá ràng buộc với Trung Quốc nên kinh tế Trung Quốc xuống Mỹ sẽ bị lôi kéo theo. Tuyên bố trên Fox News, Trump nói rằng ông chỉ đãi Tập môt miếng hamburger thay vì quốc yến.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc trước kia, bao giờ cũng tới thăm một trường đại học Mỹ. Hồ Cẩm Đào nói chuyện ở Yale, Giang Trạch Dân ở Harvard và Đặng Tiểu Bình nhận văn bằng danh dự của Temple University.  Tập Cận Bình và bà vợ Bành Lệ Viên trong ba ngày lưu lại tiểu bang Washington chỉ đến trường trung học Linconl ở Tacoma, phía Nam Seattle. Cô con gái duy nhất của hai người, Tập Minh Thạch, học đại học Harvard, chưa biết sẽ gặp bố mẹ tại đâu.

Sau ba ngày lưu lại Seattle, một phần lý do có lẽ vì Giáo Hoàng Francis còn ở Washington, tại Washington, Tập đến thăm cơ xưởng chính của Boeing, công ty Microsoft, họp bàn tròn và dự dạ tiệc với các giới lãnh đạo kinh doanh cùng nhiều nhân vật khác, bao gồm Bill Gates, Warren Buffett và cựu ngoại trưởng Henry Kissinger

Tập Cận Bình bay tới Washington chiều Thứ Năm. Ông ăn tối và hội đàm ở Tòa Bạch Ốc với Tổng Thống Obama, Phó Tổng Thống Joe Biden, Ngoại Trưởng John Kerry và cố vấn an ninh quốc gia Susan Rice.

Tập Cận Bình đến Mỹ vào lúc mà cá nhân ông đang trong hoàn cảnh khó khăn nhất ở vai trò lãnh đạo với nền kinh tế Trung Quốc suy yếu bất ngờ và nặng nề hơn mọi dự đoán. Các phân tích gia cho rằng trong tình hình này, ông sẽ càng do dự hơn trong sự nhượng bộ trước những đòi hỏi và áp lực của Mỹ.

Sau gần ba năm ở vị trí lãnh đạo tối cao, Tập là người đã tập trung quyền lực trong tay mình hơn tất cả những người tiền nhiệm. Ông nắm vững bộ chính trị và chiến dịch diệt trừ tham nhũng củng cố vị thế cho ông bằng việc loại trừ những tiềm năng đối lập. Dù kinh tế trì trệ là mối nguy hiểm lớn nhất vì sẽ làm suy giảm sự ủng hộ của dân chúng đối với chế độ độc đảng, nhưng gặp Obama lần này, Tập vẫn còn đủ mạnh. Ông không có đối thủ nào đáng ngại, vẫn còn được sự tin tưởng của dân chúng và hầu như chắc chắn sẽ giữ vững vị trí bảy năm nữa. Trong tình thế ấy, khó có thể dự đoán Tập sẵn sàng thỏa hiệp với Hoa Kỳ ra sao, dù rằng cả hai phía đều hy vọng có thể đồng ý về một chiến lược dài hạn phục vụ lợi ích của hai nước và cộng đồng quốc tế.

Nội dung chi tiết về kết quả của chuyến công du của Tập sẽ chỉ có thể đánh giá được sau những cuộc hội đàm ở Tòa Bạch Ốc và kể cả những điều Tập Cận Bình sẽ trình bày khi đọc diễn văn lần đầu tiên trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc kỳ thứ 70 vào ngày Thứ Hai. Và hợp đồng mua 300 máy bay của Boeing, sẽ được chung quyết trong chuyến công du của Tập, có lẽ là dấu mốc cụ thể mới nhất trong quan hệ mậu dịch giữa hai cường quốc kinh tế đứng đầu thế giới.

Hà Tường Cát

(Người Việt)

Không có nhận xét nào: